Dòng HÙNG VIỆT

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Trang chuyên khảo về lịch sử và văn minh Hùng Việt

Trang chủ


Latest topics

Gallery


Có một nền văn hóa Việt Nam (II)  Empty

November 2024

MonTueWedThuFriSatSun
    123
45678910
11121314151617
18192021222324
252627282930 

Calendar Calendar

Khách thăm



Có một nền văn hóa Việt Nam (II)  Flags_1



    Có một nền văn hóa Việt Nam (II)

    Admin
    Admin
    Admin


    Tổng số bài gửi : 1198
    Join date : 31/01/2008

    Có một nền văn hóa Việt Nam (II)  Empty Có một nền văn hóa Việt Nam (II)

    Bài gửi by Admin 4/7/2018, 10:53 am

    Bài của nhà văn Hoài Thanh do Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam xuất bản, Hà Nội, 1946.

    II

    Tuy vậy, mỗi trạng thái văn hóa, cũng như một chiếc lá trên cành, vẫn mang trong mình những tính chất chung cho toàn thể. Cho nên nếu ta nghiên cứu kỹ càng một vài trạng thái, chẳng hạn nếu ta nghiên cứu tiếng Việt và văn chương tiếng Việt – ít hơn nữa – một vài quy tắc của tiếng Việt và một vài tác phẩm có giá trị bằng tiềng Việt, thì ta cũng có thể hiểu ít nhiều về bản sắc Việt Nam.
    Trước hết là TIẾNG VIỆT. Ta hãy nghĩ rằng thứ tiếng ta nói với nhau hôm nay, bao nhiêu lớp người trước ta đã từng nói. Biết bao tình ý đã gửi vào trong đó. Tiếng Việt chính là người bạn tâm tình đã chia sẻ vui buồn với giống nòi ta trên con đường thời gian vòi vọi. Giờ đây nó vẫn giữ lại cho ta hồn thiêng của cha ông ngày trước. Nếu ta biết hỏi chuyện, tất nó sẽ nói với ta nhiều điều hay.
    Có điều tiếng Việt đã đi qua nhiều thời, nến nó không mang tâm lý riêng của một thời nào và bởi thế nó chỉ có thể cho ta một vài ý niệm căn bản nhưng trừu tượng về văn hóa Việt Nam. Muốn có hình ảnh rõ ràng hơn, cần phải đi sâu vào một vài tác phẩm văn chương vừa mang dấu tích một thời vừa có tính cách vĩnh viễn. Trong những tác phẩm ấy bản sắc Việt Nam sẽ thể hiện ra một cách phức tạp hơn, nhưng cũng cụ thể hơn, dễ nhận hơn.
    Học tiếng Việt và văn chương tiếng Việt mà nhằm vào mục đích ấy thì sẽ có ích hơn, có thú vị hơn, ít ra thì cũng sẽ khỏi phải quanh quẩn trong ba cái điển tích khó khăn và tránh được cái nạn tầm chương trích cú nó đã chôn sống biết bao thế hệ thư sinh.
    Ví dụ người ta sẽ để ý rằng tiếng Việt có hàng vài chục chữ để dịch nghĩa chữ porter trong tiếng Pháp: xách, ôm, quây, khiêng, mang v.v… và hàng mấy chục chữ để dịch chữ vous trong tiếng Pháp: anh, ông, bà, em, chú, cậu, bác v.v… Tiếng Việt rất giàu nhưng cũng rất nghèo vì trong bấy nhiêu chữ không có một chữ nào địch đúng nghĩa chữ porter hay chữ vous vì không có một chữ nào trừu tượng và khái quát như chữ porter và chữ vous. Tiếng Việt tả rất đúng tình cảnh riêng trong từng trường hợp mà không ghi được chỗ đồng nhất trong nhiều trường hợp khác nha. Do đó người ta sẽ thấy rõ một vài điều sở trường và sở đoản trong tinh thần ta, tức là trong văn hóa ta.
    Một ví dụ nữa: người ta sẽ để ý đến quan niệm cá nhân trong tiếng Việt. Người ta sẽ thấy ở đây quan niệm cá nhân không có giới hạn hẹp hòi và rõ rệt như trong tiếng nói phương Tây. Người này và người nọ rất dễ dàng hòa lẫn với nhau. Cho nên mới có những câu như câu:
    Ai về Đồng Tỉnh, Huê Cầu
    Để thương, để nhớ, để sầu cho ai;
    Trong đó một chữ mà chỉ hai người: chữ ai thứ nhất chỉ người đi, chữ ai thứ nhì chỉ người ở;
    như câu:
    Đường mây cười tớ ham rong ruổi
    Trường liễu thương ai chịu lạnh lùng;

    trong đó có tiếng cười mà không thấy người cười, có tình thương mà không thấy người thương;
    và như câu:
    Ơn nước nợ trai đành nỗi bận
    Cha già nhà khó cậy nhau cùng.
    Trong đó cả người nói lẫn người nghe đều hòa làm một trong một chữ nhau.
    Người ta cũng sẽ để ý đến nhịp điệu riêng của câu thơ Việt. Người ta sẽ thấy câu thơ Việt ưa nhịp chẵn hơn nhịp lẻ. Không những ưa nhịp chẵn trong những bài vè hai, vè bốn hay lục bát, điều ấy đã hiển nhiên. Mà còn ưa nhịp chẵn trong những câu số chữ lẻ như trong câu hát giặm và câu song thất. Một câu hát giặm năm chữ, một câu ngũ ngôn cũng năm chữ.
    Hát giặm:
    Em con nhà nông nghệ,
    Việc khuya sớm cày bừa.
    Khi đi sớm về trưa,
    Năng buổi trưa phải chịu.
    Mưa buổi chiều phải chịu.
    Ngũ ngôn:
    Lởm chởm gừng vài khóm,
    Lơ thơ tỏi mấy hàng,

    Vẻ chi là cảnh mọn.
    Mà cũng đến tang thương.
    Trông bên ngoài thì tưởng như giống nhau, nhưng cứ đọc lên sẽ thấy khác nhau một trời, một vực. Ấy chỉ vì câu hát giặm để nhịp chẵn về sau, còn câu ngũ ngôn lại kết thúc bằng nhịp lẻ. Một bên là 1+2+2, một bên là 2+2+1.
    Nếu ta so sánh câu thất ngôn và câu song thất ta cũng thấy như vậy:
    Tầm Dương giang đầu dạ tống khách.
    Câu thơ này của Bạch Cư Dị đã được dịch ra tiếng Việt bằng câu:
    Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách.
    Hai câu cùng một ý và cũng bảy chữ như nhau. Ấy thế mà mỗi câu một khác. Một bên là 2+2+2+1, một bên là 1+2+2+2. Hẳn cốt cách Việt Nam trong tâm tình Phan Huy Vịnh, người dịch thơ, phải vững vàng lắm mới có thể cùng một ý và cùng một câu bảy chữ mà lại đi theo một nhịp riêng. Câu thơ Hán kết thúc bằng nhịp lẻ có vẻ lơ lửng, chưa dứt; cái thể của nó còn muốn đi xa. Câu thơ Việt kết thúc bằng nhịp chẵn hình như đã tìm được nơi yên nghỉ. Câu thơ đọc hết, tâm trí người ta không còn thắc mắc, băn khoăn gì nữa, người ta thấy bình tĩnh, yên ổn vô cùng.
    Ấy đại khái học tiếng Việt và văn chương tiếng Việt có thể giúp ta hiểu ta, hiểu bản tính văn hóa ta là thế! Sau cùng xin dẫn thêm ví dụ này nữa. Đọc mấy câu đầu trong bản Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm, người ta sẽ nhận thấy cái cảnh chiến tranh dựng lên đột ngột và hung bạo và trong câu thơ như còn quằn quại, còn dằn vặt một mối đau thương.
    Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
    Khách má hồng nhiều nỗi truân chiên.
    Người ta cũng sẽ nhận thấy tiếng kêu Trời tức tối, thống thiết trong hai câu:
    Xanh kia thăm thẳm từng trên!
    Vì ai gây dựng cho nên nỗi này?

    Thực khác xa lời thơ bay bướm và bát ngát trong nguyên văn chữ Hán:
    Thiên địa phong trần!
    Hồng nhan đa truân.

    Du du bỉ thương hề!
    Thùy tạo nhân?
    Cả Ông Trời trong nguyên văn cũng có vẻ hiền lành như tiếng kêu Trời rất nhẹ nhàng của người chinh phụ: Thùy tạo nhân? Nhận xét như thế người ta sẽ thấy rõ phần sáng tác của người dịch. Người ta sẽ hiểu vì sao một bản thơ dịch lại có thể xem là một áng thơ kiệt tác, một điều rất ít thấy trong văn chương nước ngoài.
    Nhưng nếu cứ tìm ví dụ trong sự nghiên cứu một vài trạng thái văn hóa, cứ đi vào chi tiết thì không thể nào nói hết trong khuôn khổ bài tiểu luận này. Ta đành nhìn vào đại thể vậy. Nhìn vào đại thể thì mặc dầu văn hóa Việt Nam đã nhiều lần biến đi cùng với các phương diện khác trong đời sống chung, nhưng hình như dưới cái nhất thời vẫn có cái gì vĩnh viễn – nghĩa là tương đối vĩnh viễn. Bên cạnh những tính chất riêng của từng thời, vẫn có một vài tính chất chung cho nhiều thời.
    Ai cũng biết trong các công trình văn hóa có một phần thuộc về tư tưởng, một phần thuộc tình cảm. Phần tư tưởng là phần rõ ràng, là phần dễ nhận thấy hơn cả. Không ai có thể không nhận rằng Trung Hoa có một nền văn hóa phong phú, vì bao nhiêu học thuyết đã nảy nở trên đất nước Trung Hoa. Cũng không ai có thể không nhìn nhận cái phong phú của nền văn hóa phương Tây vì ở phương Tây đã sản xuất ra biết bao công trình khoa học, triết học, nghĩa là những công trình thuộc về tư tưởng. Nhằm vào phương diện ấy mà xét, thì quả thực văn hóa Việt Nam không có gì. Cách đây chừng mười lăm năm có một cuộc biện luận giữa các nhà học giả xứ ta về vấn đề quốc học. Người bảo: ta vốn có một nền quốc học, người bảo không. Mặc dầu có xúc phạm đến lòng tự ái của ta, ta cũng phải nhận rằng những người sau này nói phải. ta khồng có một nền quốc học, nếu quốc học là học thuật riêng của nước ta. Trải mấy ngàn năm lịch sử ta cơ hồ không có sáng tác gì về học thuật. Ấy cũng vì ta kém óc trừu tượng và khái quát, điều kiện căn bản để phát minh về tư tưởng. Một lần khác, có dịp, sẽ xin giải thích kỹ càng hơn về vấn đề này. Nhưng không có học thuật riêng không phải là không có gì. Văn hóa không chỉ gồm những công trình thuộc về tư tưởng. Hơn nữa tư tưởng tuy là phần rõ ràng nhất, nhưng đâu có phải là phần sâu sắc nhất, quan trọng nhất trong tâm trí người ta. Trong dòng tư duy, đó chỉ là những làn sóng lởn vởn trên mặt. Bên dưới tư tưởng, còn có tình cảm và bên dưới tình cảm và tư tưởng, còn có gì nữa ít khi nhận thấy mà cũng ít khi cảm thấy. Ấy là những nhịp điệu riêng của một người hay chung cho một nòi giống. Phần sâu sắc ấy trong lòng ta đại khái vẫn của ta, tính cách ngoại lai rất ít. Đặc sắc của văn hóa Việt Nam là ở đó, chứ không ở học thuật mà xưa nay ta vẫn quen vay mượn của người.
    Điều cốt yếu đối với ta thực không phải là tư tưởng. Điều cốt yếu đối với ta là tình, hơn nữa, là điệu. Hãy xem tục ngữ ta hầy hết là những câu có vần, có điệuk, khác hẳn với tục ngữ Pháp, với tục ngữ Tàu. Trong một câu tục ngữ như câu được làm vua, thua làm giặc, chữ thua đối thanh với chữ được, chữ giặc đối thanh với chữ vua, chữ vua lại vần với chữ thua. Thanh âm hưởng ứng với nhau rất là mật thiết, nhịp điệu rất đều đặn, rất rõ ràng. Có thanh âm ấy, nhịp điệu ấy mới lưu truyền được đến đời sau cái ý “gọi rằng vua, gọi rằng giặc chẳng qua chỉ là chuyện mạnh yếu, chuyện được thua”, mặc dầu cái ý kiến rất già dặn, rất táo bạo, rất hay. Nó vừa thiết thực, vừa sâu sắc, có thể nói nó đã lật đổ cái thuyết “thay trời trị nước” mà bọn học giả Đông có, Tây có, đã nhai đi nhai lại trong mấy ngàn năm. Một cái ý kiến đặc sắc và có giá trị như thế mà cũng phải nương vào thanh âm, vào nhịp điệu mới lưu truyền được đến đời sau, điều ấy đủ chứng rằng người Việt chúng ta sống trong nhịp điệu, trong thanh âm nhiều hơn trong tư tưởng. Tâm lý ấy có giống tâm lý trẻ con. Trẻ con thường vẫn ca hát luôn miệng mà chẳng mấy khi quan tâm đến ý nghĩa lời ca. Song chúng ta chớ lấy thế làm thẹn, chúng ta chớ nghĩ rằng như thế nghĩa là dân tộc ta còn ấu trĩ, còn dã man, còn mọi rợ, không hơn gì những dân tộc mọi rợ ở Phi châu. Chúng ta còn trẻ, tức là chúng ta còn nhiều sinh lực, chúng ta còn có thể đi xa. Huống chi trẻ mà không phải sơ sinh. Chúng ta mang trong mình hơn hai ngàn năm lịch sử. Biết bao dân tộc tuổi chưa bằng ta mà đâu còn trẻ được như ta. Ta trẻ, tức là ta có thuật trường sinh vậy.
    Vậy văn hóa Việt Nam quý ở phần tinh cảm hơn ở phần tư tưởng, ở phần tiềm thức hơn ở phần hữu thức. Nhưng chính vì thế mà văn hóa Việt Nam rất khó hiểu đối với học giả phương Tây. Tình cảm cùng với nhịp điệu vẫn tiềm tàng ở những nơi sâu thẳm trong lòng ta không phải là điều có thể phân tích giảng giải một cách dễ dàng. Muốn hiểu, cần phải sẵn mối đồng tình, cần phải là người đồng điệu. Cùng đồng thị là người Việt Nam và cùng chung sống trong một thời đại mà hai phái thơ cũ, thơ mới còn chưa hiểu được nhau. Cho nên người phương Tây khó mà hiểu được những công trình phát biểu cái phần sâu sắc trong lòng người Việt, ví dụ như những công trình nghệ thuật, văn chương.


    ***

    Văn hóa Việt Nam lại còn đặc tính này nữa cũng khiến nó khó hiểu đối với học giả phương Tây. Nó không thiên về lượng. Ta có thể tưởng tượng cái vẻ ngạc nhiên và khinh bỉ của người phương Tây khi ta bảo họ rằng văn hóa Việt Nam rất có giá trị và giá trị chính của văn hóa Việt Nam là ở nghệ thuật văn chương. Họ sẽ hỏi ta: “Thế, sao văn chương các anh không hề có cái phong phú của văn chương Pháp mà về nghệ thuật các anh cũng chẳng có một công trình nào đồ sộ như Đế Thiên, Đế Thích của giống người Cờ Me”. Quả có thế, cha ông ta không có những thi phẩm mà nội một chương cũng đã dài ngót mười một ngàn câu như thi phẩm của Lamartine. Cha ông ta cũng không hề có công trình kiến trúc nào có thể gọi là đồ sộ. Nếu muốn nhiều, muốn to thì các công trình văn hóa của ta quả không có gì nhiều và to. Nhưng sao lại cứ muốn nhiều, muốn to? Bỏ được cái tính chuộng nhiều, chuộng to nó rất vô lý trong câu chuyện nghệ thuật, văn chương, người ta sẽ thấy một câu ca dao trên sáu dưới tám có thể quý hơn hàng trăm pho sách nặng nề và một vài đường nét đơn sơ có thể quý hơn cả một lâu đài đồ sộ.
    Vả chăng, khi người ta chỉ liếc mắt nhìn qua một cách hờ hững, khi người ta không từng sống triền miên trong đó thì tất cả quá khứ văn hóa Việt Nam người ta chỉ thấy có một khối, đời Lý cũng như đời Trần, đời Trần cũng như đời Lê, đời Nguyễn, người ta không nhận thấy phong thái riêng từng thời, từng người nên không thấy phong phú. Trước mắt người ta chỉ có một cái toàn thể nghèo nàn và bất di bất dịch. Điều đó không có gì lạ. Chính chúng ta cũng thường có cảm giác rằng người da đen, người nào cũng giống người nào và từng thấy có những người mình vào hạng có tuổi không làm sao phân biệt được người Pháp này với người Pháp kia, vì thấy người nào mắt mũi cũng giống nhau. Cần phải tinh ý và cũng cần phải nhiều thì giờ mới nhận rõ cái cốt cách một câu thơ Đoàn Thị Điểm và cốt cách một câu thơ Nguyễn Du, mặc dầu thơ Đoàn Thị Điểm với thơ Nguyễn Du khác nhau xa. Cha ông ta ngày xưa không hay lập dị, không cố tìm cho có một bản lãnh riêng. Nhưng mỗi người sống trong một thời riêng, trong một hoàn cảnh riêng nên tự nhiên cũng có bản lãnh riêng. Văn hóa Việt Nam chỉ có vẻ nghèo nàn với những người không tinh ý. Thực ra, công trình văn hóa tuy không nhiều, không đồ sộ nhưng vẫn tiêu biểu cho một đời sống tinh thần dồi dào và nhiều vẻ.

      Hôm nay: 25/11/2024, 9:05 am