Dòng HÙNG VIỆT

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Trang chuyên khảo về lịch sử và văn minh Hùng Việt

Trang chủ


Latest topics

Gallery


Có một nền văn hóa Việt Nam (I) Empty

November 2024

MonTueWedThuFriSatSun
    123
45678910
11121314151617
18192021222324
252627282930 

Calendar Calendar

Khách thăm



Có một nền văn hóa Việt Nam (I) Flags_1



    Có một nền văn hóa Việt Nam (I)

    Admin
    Admin
    Admin


    Tổng số bài gửi : 1198
    Join date : 31/01/2008

    Có một nền văn hóa Việt Nam (I) Empty Có một nền văn hóa Việt Nam (I)

    Bài gửi by Admin 4/7/2018, 10:52 am

    Bài của nhà văn Hoài Thanh do Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam xuất bản, Hà Nội, 1946.

    Đăng lại từ nguồn http://asakicorp.com/bachviet18/?p=3195

    Một số học giả người Pháp vẫn thường bảo Việt Nam không có một tí vốn liếng gì về văn hóa. Theo họ, suốt mấy ngàn năm lịch sử dân tộc này chỉ biết có vay mượn mà thôi. Dân tộc này không hề có chút cống hiến vào kho tàng văn hóa của nhân loại và giá thử, một ngày kia, dân tộc này có diệt vong, điều ấy tuyệt nhiên không có quan hệ gì đối với đời sống tinh thần chung.
    Kể học giả người Pháp mà nói liều lĩnh như thế cũng là lẽ đương nhiên. Họ đã đến xứ ta hay khảo sát xứ ta với tâm lý người chiến thắng. Với họ trước kia chúng ta đã là những người chiến bại, những người tôi tớ. Còn họ đã là chủ nhà. Mà xưa nay, mấy khi chủ nhà không khinh thị tôi tớ, mặc dầu cứ bình tĩnh mà xét, đã chắc gì ai kém ai hơn.
    Đó là một lẽ. Song lẽ ấy không đủ để giải thích câu nói liều lĩnh trên kia. Bởi vì dân tộc Chiêm Thành, dân tộc Cờ Me (Khmer) cũng đứng vào địa vị chiến bại mà văn hóa của họ vẫn được học giả người Pháp chú ý và trân trọng hơn. Sở dĩ một số học giả người Pháp khinh thị văn hóa Việt Nam đến nỗi dám quả quyết rằng văn hóa Việt Nam không có, ấy cũng vì nền văn hóa Việt Nam khác hẳn các nền văn hóa phương Tây, khó mà nhận ra được. Nhất là họ lại đang quen nhận xét một cách rất nông nổi và thiển cận.
    Tuy vậy, như trên đã nói, người Pháp mà khinh thị văn hóa Việt Nam thì không có gì đáng lấy làm lạ. Điều đáng lấy làm lạ là chính người mình cũng tự khinh thị mình. Óc nô lệ đến thế thật là cùng cực. Sự nhồi sọ của người Pháp đã khiến một số đồng bào ta tin rằng chẳng những ta hoàn toàn bất lực về kinh tế, về chính trị mà cũng hoàn toàn bất lực về văn hóa.
    Ai là người quan tâm đến vận mệnh nước nhà, của nòi giống, thấy thế mà có thể dửng dưng? Nếu quả người Việt Nam tuyệt nhiên không có khả năng gì về văn hóa, nếu quả lịch sử tinh thần của dân tộc Việt Nam chỉ là một con số không đồ sộ, thì ta còn hy vọng gì ở tương lai? Nếu quả bọn chúng ta vốn bất tài, trong mấy ngàn năm, chúng ta khó có thể nhất đán trở nên những bậc đại tài đủ sức xây đắp một nền văn hóa tương lai tráng lệ. Trong lịch sử mấy khi có những chuyện lạ lùng như thế. Cho nên không gì buồn bằng cảm thấy cái bất lực của giống nòi về văn hóa. Hay giả thử một điều khó có thể có được, là dân tộc ta trở nên hùng cường vào bậc nhất trên thế giới nhưng vì văn hóa chúng ta cũng chỉ biết có vay mượn mà thôi, thì tương lai ấy thực không đủ cho ta hởi lòng, hởi dạ. Ta vẫn muốn giàu, muốn mạnh, nhưng chúng ta không hể chỉ mộng làm một người trọc phú. Tất cả những người Việt nam thành thực đều băn khoăn đi tìm một niềm tin ở nòi giống, vì có tin ở nòi giống mới có thể tin ở mình, một người Việt Nam, lại có thể không hèn kém hay sao? Mà một khi đã cho mình hèn kém, hơn nữa, đã tin rằng cha ông mình mấy ngàn năm nay vẫn hèn kém, tì cuộc sống không còn có nghĩa lý gì nữa!


    ***

    Nhưng sự thực có đến nỗi buồn thảm như thế không? Dân tộc Việt Nam có quả hoàn toàn bất lực về văn hóa không? Ta quyết rằng không. Và ta nói thế không phải vì lòng ta muốn thế. Ta sẽ hết sức vô tư và khách quan. Ta sẽ can đảm nhìn thẳng vào sự thực, vô luận sự thực ấy như thế nào.
    Sự thực thì ta vốn có một nền văn hóa. Nền văn hóa ấy cố nhiên không thể tìm thấy trong những bài kinh nghĩa, những bài văn sách, những bài thơ, bài phú chữ Hán, nói rộngj ra, trong những tác phẩm Hán Việt, nghĩa là trong những tác phẩm bằng chữ Hán của người Việt. Đời này sang đời khác, các nhà nho xứ ta mỗi khi cầm bút viết văn tàu chỉ lặp đi lặp lại những ý, những lời của thánh hiền Trung Quốc. Nhưng dân tộc Việt Nam đâu phải chỉ có những nhà nho. Ta hãy đi về nơi thôn quê và lắng tai nghe câu hát đậm đà của người thôn nữ. Đó không phải là văn hóa hay sao? Ta hãy ghé vào những ngôi chùa cổ và để ý nhìn những bức chạm của người xưa. Đề tài có thể vay mượn của người, song những đường nét kia vẫn nặng mang tâm tình Việt Nam, vẫn ghi rõ nhịp sống Việt Nam chứ sao? Ta hãy ngẫm nghĩ về những lời ta đương nói. Chữ dùng có lẽ đến ba phần tư là chữ Hán. Song ta mượn chữ Hán mà ta đọc theo lối ta, ta xếp đặt theo cú pháp tiếng ta, ai dám bảo tiếng ta không phải một công trình văn hóa của người Việt? Ngay các nhà nho chỉ biết nô lệ theo người những khi cầm bút viết văn Tàu, thế mà đến khi nhận trách nhiệm đặt pháp luật để thi hành trong nước thì lại tỏ ra là những người có óc sáng tạo. Pháp luật xứ ta, nhất là pháp luật đời Hồng Đức, vẫn có nhiều tính chất riêng của dân tộc ta.
    Nhưng ta cần gì phải đến pháp luật, đến ngôn ngữ, đến nghệ thuật văn chương hay đến tôn giáo, phong tục v.v… để chứng rằng ta vốn có một nền văn hóa. Nội một điều nhận xét đơn sơ này cũng đủ cho ta tin như thế. Văn hóa đâu có phải là một vật lạ lùng từ trên trời rơi xuống. Văn hóa chỉ là một phương diện – phương diện tinh thần – trong đời sống của một dân tộc. Phương diện ấy, chúng ta tách riêng ra cho tiện bề nghiên cứu, nhưng nó vốn có quan hệ mật thiết với các phương diện khác trong đời sống chung, như kinh tế, chính trị v.v…hơn nữa nó vốn cùng các phương diện khác là một, trong cái toàn thể là đời sống chung. Nói một cách nôm na, văn hóa cũng như kinh tế, như chính trị, chỉ là một mặt của sự thực, của đời sống chung. Đã thế, nói rằng dân tộc Việt Nam không có một nền văn hóa riêng là một câu nói vô lý, vì dân tộc Việt nam vẫn là một dân tộc riêng, vẫn có một cuộc sống riêng, điều ấy không ai chối cãi.


    ***

    Vậy ta có thể nói quyết rằng: dân tộc Việt nam vốn có một nền văn hóa. Cái điều có kẻ không tin là giá trị của nền văn hóa ấy. Nhưng ta tự hỏi: căn cứ vào đâu mà đánh giá một nền văn hóa? Tất phải căn cứ vào thực tiễn. Vì, xét cho cùng, văn hóa chỉ là sự cố gắng của loài người để giành quyền sống. Vậy mà đứng về quan điểm ấy, không thể không nhìn nhận giá trị của văn hóa Việt Nam. Chứng cớ hiển nhiên là nó đã giúp chúng ta tồn tại.
    Nếu ta không có những khả năng dị thường về văn hóa, dám chắc rằng nòi giống ta đã tiêu diệt tự bao giờ. Giải đất chúng ta ở đây, đâu phải là chốn thiên đường. Chúng ta đâu phải là những đứa con cưng của tạo hóa. Kể từ hồi tiền sử, nước non này đã chứng kiến biết bao nhiêu nhân họa, thiên tai kế tiếp nhau không ngớt. Biết bao nhiêu giống người đã lần lượt đến chiếm xứ này, nhưng chung quy ở không được nên đã lần lượt tiêu vong. Trong tất cả các giống người đã bước chân tới đây, hình như chúng ta là những kẻ ở đây được lâu hơn cả. Được thế cũng bởi chúng ta biết mình là con nhà cực và hết sức phấn đấu với cuộc đời cơ cực. Sống trong một hoàn cảnh ác liệt, chúng ta đã biết luyện mình cho thích nghi cùng hoàn cảnh. Văn hóa Việt Nam đã được hun đúc trong những điều kiện tự nhiên và lịch sử gay go ấy nên rất có giá trị.
    Chính nền văn hóa rất có giá trị ấy đã cứu chúng ta. Bởi vì văn hóa tức là đời sống tinh thần của dân tộc, tuy vốn do những điều kiện vật chất chi phối nhưng trở lại nó lại ảnh hưởng đến đời sống vật chất. Nói một cách khác, mọi hành vi của cá nhân cũng như của đoàn thể đều do tinh thần đưa đường chỉ lối. Vậy không có sự hướng dẫn của văn hóa, làm sao cha ông ta từng bao lần đánh bại xâm lăng? Không có sự hướng dẫn của văn hóa, làm sao cha ông ta có thể lần theo bờ biển mà khai thác một giải đất hàng mấy ngàn cây số, từ Hoành Sơn đến mũi Cà Mau? Không có sự hướng dẫn, không có sức bảo tồn của văn hóa, làm sao cha ông ta tiếp xúc với người Hán có đến hai ngàn năm mà vẫn thoát được cái nguy đồng hóa?
    Giống Hán, chúng ta đều biết, là một giống người có sức đồng hóa mãnh liệt vô cùng. Nó đã đồng hóa không biết bao nhiêu giống người ngày xưa, nó vẫn gọi chung là Tây Nhung, Bắc Địch, Nam Man, Đông Di. Tất cả những giống người Việt từ bờ sông Dương Tử đến biên giới Việt Nam đều bị nó đồng hóa, trừ một giống là giống Lạc Việt chúng ta. Lúc chúng ta bắt đầu gặp người Hán thì chúng ta chỉ là một nhóm người con con dễ thường không đầy một triệu và may lắm cũng chỉ mới tiến đến giai đoạn đồ đồng. Chúng ta đã gặp một khối người mạnh hơn, đông hơn không biết bao nhiêu lần, và nhất là đi trước chúng ta hàng maays trăm năm nay trên con đường văn hóa, Thế mà sau một ngàn năm Bắc thuộc về chính trị và ngót một ngàn năm nữa Bắc thuộc về tinh thần, ta vẫn không tiêu tan trong khối Hán, ta vẫn giữ được bản lãnh của ta, Càng nghĩ đến điều đó bao nhiêu, ta càng ngạc nhiên bấy nhiêu và càng thêm lòng tin vào nòi giống. Hãy thử tìm trong lịch sử thế giới được bao nhiêu dân tộc cùng lâm vào một tình cảnh nguy nan như thế mà vẫn đủ sức giải nguy?
    Nền văn hóa Việt nam không có giá trị phi thường thì nòi giống Việt Nam làm gì được thế. Nhưng văn hóa Việt Nam như thế nào? Những gì là đặc tính văn hóa Việt Nam? Hiện giờ không ai có thể chiều lòng ta mà trả lời câu hỏi ấy một cách đầy đủ và có trả lời cũng chỉ là liều lĩnh mà thôi. Bởi vì muốn nhận thức một cách đầy đủ và chắc chắn bản sắc cố hữu của văn hóa Việt Nam, lẽ tất nhiên phải nghiên cứu tất cả mọi trạng thái văn hóa trong xã hội Việt Nam thời trước, như học thuật, ngôn ngữ, văn chương, nghệ thuật, luân lý, tôn giáo, pháp luật, phong tục vân vân…

      Hôm nay: 25/11/2024, 11:54 am