Biến đổi hay thay cũ đổi mới là biến xấu thành tốt.
Sự việc đang hết sức tồi tệ, muốn đảo chiều phải thay một guồng máy mới, đổi thay trong chính trị thường dùng mỹ từ cách mạng, nhà Thương thay nhà Hạ, nhà Chu thay nhà Thương được lịch sử gọi là Thang Vũ cách mạng, tức cuộc thay đổi do vua Thành Thang và Chu Vũ Vương tạo ra.
Cặp quẻ này Dịch học của Tàu là cặp cách – đỉnh, cách là cải cách đồng nghĩa với đổi, còn đỉnh là cái đỉnh, cái vạc là để nấu nướng, nấu nướng tức biến đổi đồ ăn từ sống thành ra chín… cũng có thể hiểu là đỉnh là đã đến tột cùng rồi như mặt trời giữa trưa hoặc trăng đêm rằm rồi sẽ thay đổi đi, trưa rồi tới chiều, trăng tròn rồi khuyết, tất cả đều biến đổi trong tự nhiên không gì đứng yên mãi .
A- Quẻ Thay cũ = hỏa/ phong
Biến hay thay cũ.
Lửa ở trên gió thổi ở dưới, tùy theo gió thổi mạnh hay nhẹ mà nhiệt độ biến thiên, tăng lên hay giảm xuống, thánh nhân xem tượng ấy mà đặt tên là quẻ thay cũ, Dịch học Tàu gọi là cách tân chính trị là thay cũ (đổi mới).
a) Lời Quẻ:
Biến, dĩ nhật, nãi phu, nguyên hanh lợi trinh, hối vong.
Thay cũ tức chánh biến – phải có thời gian mới tạo được niềm tin của dân chúng, biến cách tốt đẹp thì phải dựa vào 4 nguyên chuẩn, nguyên hạnh lợi trinh, tất cả vì dân, đúng hơn là vì hạnh phúc lâu dài của nhân dân, không phải băn khoăn gì.
b) Lời tượng:
Trạch trung hữu hỏa, biến (cách) quân tử dĩ trị lịch minh thời.
Quẻ biến động ; bậc trưởng nhân xem tượng trời đất biến đổi mà làm ra lịch pháp, phân định 4 mùa hoặc định rõ thời vụ mùa màng để cho dân gieo trồng.
Một năm 4 mùa tuần tự biến đổi thay nhau, con người làm nông nghiệp cũng theo thời vụ, mùa nào cấy lúa, mùa nào trồng khoai, vì vậy bậc thánh nhân lo lắng giúp đỡ cho dân bằng cách soạn ra lịch pháp, nếu không thì thời gian cứ trôi mãi như vô tận, người dân biết bấu víu vào đâu để phân định mùa màng làm ăn.
c.1) Sơ cửu
Củng dụng hoàng ngưu chi cách
Muốn làm chính biến lật đổ một triều đại đã có bề dày lịch sử mấy trăm năm không phải dễ dàng gì, không thể một người một “nước” mà làm nổi, phải hình thành hẳn một liên minh cách mạng, liên minh phải thống nhất ý chí, gắn kết chặt chẽ với nhau như được buộc lại bằng dây da bò.
c.2) Hào nhị
Dĩ nhật nãi cách chi, chinh cát, vô cữu.
Hết ngày thì phải tới đêm tức là đã đến lúc phải thay cũ, thời cơ cách mạng đã đến, xuất quân tiến đánh đi rất tốt không lỗi gì, ở đây ý nói liên minh các chư hầu do Vũ Vương cầm đầu hãy tiến công đánh vào dinh lũy của Trụ Vương đi.
c.3) Hào Tam
Chinh hung, trinh lệ, cách ngôn tam tựu, hữu phu .
Tiến đánh thì nguy hiểm, chần chừ kéo dài thì đáng lo ngại, phải cân nhắc, suy tính hết sức cẩn trọng như uốn lưỡi 3 lần trước khi nói thì mới tin chắc thành công, đấy là tình thế và tâm tư của Vũ Vương nhà Chu trước khi tiến hành cách mạng lật đổ nhà Ân Thương.
c.4) Hào Tứ
Hối vong, hữu phu, cải mệnh, cát.
Những đắn đo trăn trở chấm dứt, tin chắc vào thắng lợi, mệnh trời đã chuyển, tốt đẹp.
Người xưa tin tưởng được mệnh trời mới có thể làm thiên tử, mệnh trời đang ở với nhà Thương, nhà Chu làm cách mạng tức cải mệnh trời. Trụ Vương xấu xa độc ác, nên mệnh trời đã chuyển giúp cho Vũ Vương thắng lợi cách mạng thành công tốt đẹp.
c.5) Hào ngũ
Đại nhân hổ biến, vị chiêm hữu phu,
bậc đại nhân xoay chuyển thời thế. Mọi người không cần thấy cũng tin tưởng vào cuộc cách mạng (chính nghĩa thành công)
c.6) Hào Thượng
Quân tử báo biến, tiểu nhân cách diện chinh hung, cư trinh cát.
Quân tử thực lòng biến cách, tiểu nhân chỉ thay đổi bề ngoài. Đấy là bộ mặt xã hội khi cách mạng đã thành, chuyển biến không phải là tất cả lũ tiểu nhân chỉ bề ngoài hoan hô lấy lệ chứ không thực lòng vì nếu đổi mới , vì nếu kỷ cương phép nước công minh thì chúng lấy gì mà ăn?
không thể dùng bạo lực để cách mạng triệt để mãi… giữ vững sự yên bình của xã hội, đẹp lắm rồi đừng khuấy động nữa.
Dịch học dạy ta một điều hết sức thực – không phải cách mạng rồi là chỉ còn toàn người tốt, bọn “cách diện” chỉ tạm ẩn đi chờ thời cơ mà thôi, mọi người đừng lơ là chủ quan, cuộc đấu tranh giữa cái tốt và xấu không bao giờ dứt được, quan trọng là từng thời điểm ai thắng ai mà thôi.
B- Quẻ đổi mới = trạch/ hỏa
Đổi mới : quẻ Đoài là tri thức sâu rộng , quẻ Ly là thần trí sáng suốt, chỉ bậc đại nhân toàn trí toàn tài mới thay cũ đổi mới được. Quẻ này gần giống với quẻ phong hỏa đỉnh.
Đỉnh là cái vạc để nấu đồ ăn của Dịch học Tàu – Trạch là nơi chứa nước, lớn như hồ như suối, nhỏ như nồi như vạc, trạch trên hỏa là tượng cái đỉnh đang nấu thức ăn có lửa đun ở dưới, công dụng của đỉnh là biến thức ăn từ sống thành chín, từ vật không dùng được thành dùng được.
a) Lời Quẻ:
Nguyên cát hanh
Thay cũ đổi mới hết sức to lớn, tốt lành và hanh thông, khi cái cũ đã trở thành cục đá cản đường tiến lên thì phải thay đổi đi đấy là lẽ trời và lòng người, có gì cản trở được.
b) Lời tượng:
Quẻ đổi mới: quân tử dĩ chính vị ngưng mệnh.
Thụ mệnh trời ban gọi là ngưng mệnh, chính vị là ngôi vị của mình là chính đáng.
Cái cũ đã trở nên xấu xa hủ bại. Trời chuyển mệnh trao ngôi vị vào tay bậc đại thánh đại trí đấy là lẽ thường cũng là thiên lý, bậc trưởng nhân nào có ham hố chức quyền chẳng qua là thi hành mệnh lệnh từ trời cao, lên ngôi chí tôn vì hạnh phúc của trăm họ muôn dân.
c) Lời Hào
c.1) Hào Sơ
Đỉnh điên chỉ, lợi xuất bỉ, đắc thiếp dĩ kỳ tử, vô cữu.
Lật úp cái đỉnh xuống, tống hết đồ ăn cũ thiu thối ra, được mọi người và cả con cháu họ ủng hộ.
Ý hào là khi đã lật đổ triều đại cũ trước hết là thay cũ, phải bỏ guồng máy cũ sa thải quan lại cũ, hủy bỏ nề nếp hủ bại cũ như thế sẽ được nhân dân ủng hộ nhất là lớp trẻ nhiệt huyết và nhạy bén với cái mới.
c.2) Hào nhị
Đỉnh hữu thực, ngã cừu hữu tật bất ngã năng túc, cát.
Đã thay cũ rồi đến đổi mới, thiết lập guồng máy mới, con người mới, kỷ cương mới. Bọn người cũ (quan lại) vẫn chứng nào tật nấy nên bất cộng tác, đổi thay rất tốt đẹp.
c.3) Hào Tam:
Đỉnh nhĩ cách, kỳ hành tắc, trĩ cao bất thực, phương vũ khuy hối, chung cát.
Lòng dân đang thay đổi hay dư luận đang đổi chiều (đỉnh nhũ cách). Tuy sự ưu việt của chế độ mới chưa bộc lộ ngay nhưng rồi đây các lợi ích sẽ đến với mọi người, không phải băn khoăn gì (phương vũ khuy hối) rồi ra sẽ hết sức tốt đẹp.
c.4) Hào tứ:
Đỉnh chiết túc, phúc công tốc, kỳ hình ốc, hung…
Không đảm đương nổi công việc khiến tổn hại đến đại cuộc, phải chịu sự trừng phạt đích đáng, xấu lắm.
Quẻ này chắc nói đến việc ‘tam giám’ nhà Chu thất bại để con cháu nhà Ân Thương cũ âm mưu cùng bọn Hoài Di – Từ Nhung nổi loạn.
Vũ Vương sau khi lật đổ đã không tận diệt nhà Ân Thương mà phong cho con vua Trụ là vũ Canh Tước Hầu cho cai quản vùng kinh đô cũ, Chu Công sai 3 người em là: Thái Thúc – Quản Thúc và Hoắc Thúc ở những vùng đất chung quanh để canh chừng gọi là tam giám ….. không hiểu họ giám thế nào lại để Vũ Canh với Hoài Di Từ Nhung nổi loạn khiến Chu Công phải thân chinh đánh dẹp suốt 3 năm trường. 3 ông “giám” người tự tử người bị giết và kẻ bị lưu đày.
c.5) Hào ngũ
Đỉnh hoàng nhĩ, kim huyên, lợi trinh.
Lòng dân đã hướng về triều đại mới. Cách mạng tiến bước vững chắc. Đem lại lợi ích lâu dài cho nhân dân. Đỉnh hoàng nhĩ : tai đỉnh màu vàng ý nói dư luận đã hoàn toàn đồng thuận, kim huyên là cái đòn khiêng bằng kim loại , ý chỉ tiến đi vững chắc.
c.6) Hào thượng
Đỉnh ngọc huyên, đại cát, vô bất lợi.
Cách mạng đã thành công rực rỡ, tính ưu việt của chế độ mới đã phát huy trọn vẹn, cực kỳ tốt đẹp, không có gì là không lợi.
Đỉnh ngọc huyên có dịch giả dịch là cái đòn khiêng đỉnh bằng ngọc…. Thì chịu thua không hiểu nổi, thấy kỳ quá có vị sửa lại: cái đòn khiêng đỉnh có nạm ngọc…. Cũng tạm ổn nhưng không hiểu ý nghĩa là gì.