Dòng HÙNG VIỆT

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Trang chuyên khảo về lịch sử và văn minh Hùng Việt

Trang chủ


Gallery


Từ thần tích làng Yên Phú bàn về khởi nghĩa Trưng Vương thời Tây Hán và các vị thủy thần dòng Lạc Long Quân ven sông Hồng Empty

November 2024

MonTueWedThuFriSatSun
    123
45678910
11121314151617
18192021222324
252627282930 

Calendar Calendar

Khách thăm



Từ thần tích làng Yên Phú bàn về khởi nghĩa Trưng Vương thời Tây Hán và các vị thủy thần dòng Lạc Long Quân ven sông Hồng Flags_1



    Từ thần tích làng Yên Phú bàn về khởi nghĩa Trưng Vương thời Tây Hán và các vị thủy thần dòng Lạc Long Quân ven sông Hồng

    Admin
    Admin
    Admin


    Tổng số bài gửi : 1197
    Join date : 31/01/2008

    Từ thần tích làng Yên Phú bàn về khởi nghĩa Trưng Vương thời Tây Hán và các vị thủy thần dòng Lạc Long Quân ven sông Hồng Empty Từ thần tích làng Yên Phú bàn về khởi nghĩa Trưng Vương thời Tây Hán và các vị thủy thần dòng Lạc Long Quân ven sông Hồng

    Bài gửi by Admin 11/4/2021, 9:36 am

    Nguồn : Từ thần tích làng Yên Phú bàn về khởi nghĩa Trưng Vương thời Tây Hán và các vị thủy thần dòng Lạc Long Quân ven sông Hồng – Bách Việt trùng cửu (bahviet18.com)
    Bài tham luận trình bày tại hội thảo “Sư bà Phương Dung với đạo pháp và dân tộc” do Viện nghiên cứu tôn giáo tổ chức tại Hà Nội ngày 7/4/2021.
    Làng Yên Phú, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội còn lưu giữ được một bản thần tích có nhan đề là: Phả chép về Một vị âm thần Thái hậu, Hai vị dương thần Đại vương triều Trưng Nữ Vương
    Thần tích Yên Phú được Hàn lâm lễ viện Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn dưới thời nhà Lê, niên hiệu Hồng Phúc nguyên niên (1572). Cuốn thần phả hiện lưu giữ tại chùa Yên Phú là bản chép tay trên giấy dó, được viết bởi một vị đạo sĩ trong xã vào năm Thánh Thái thứ 17 (1906), ghi theo bản chính lưu của bộ Lại nhà Lê năm Vĩnh Hựu thứ 6 (1740), chỉ sửa có 7 chữ.
    Nghiên cứu kỹ lưỡng bản thần phả này và đối chiếu với các di tích, sự tích còn truyền tụng cho phép thu nhận thêm nhiều thông tin, đặc biệt về diễn biến lịch sử và văn hóa nước ta thời kỳ những năm trước Công nguyên. Bài viết sau tập trung tham luận về hai vấn đề: 
    – Thứ nhất là thời điểm, thân thế và vai trò của Bà Phương Dung trước và trong cuộc khởi nghĩa Trưng Vương từ thần tích địa phương trong liên hệ với các thần tích nơi khác cùng thời. 
    – Thứ hai là 2 vị thủy thần xuất thế Trung Vũ và Đài Liệu là những vị thần đã được thờ phụng tại khu vực Thanh Trì từ trước trong mối liên hệ với tín ngưỡng Thủy thần Lạc Long Quân của cả khu vực, mà cụ thể là dọc sông Hồng nơi đất Thăng Long xưa. 
    I.    SƯ BÀ PHƯƠNG DUNG VÀ KHỞI NGHĨA TRƯNG VƯƠNG

    Thời điểm của khởi nghĩa Trưng Vương qua thần tích ở Yên Phú
    Thần tích làng Yên Phú chép về một vị thần nữ (âm thần) là bà Phương Dung, quê ở đạo Sơn Nam Hạ, năm 16 tuổi đã xuất gia đi tu cửa Phật tại chùa Thanh Vân, thuộc đất làng Yên Phú ngày nay. Khi Trưng Nữ Vương phất cờ khởi nghĩa, sư bà Phương Dung cùng 2 người con nuôi đã theo Trưng Vương làm tướng, đánh đuổi Tô Định, lập công trạng lớn.
    Từ thần tích làng Yên Phú bàn về khởi nghĩa Trưng Vương thời Tây Hán và các vị thủy thần dòng Lạc Long Quân ven sông Hồng Phuong-dung
    Khám tượng thờ Hoàng bà Phương Dung tại đình Yên Phú

    Thần tích Yên Phú ghi: Thời đó, có người Tô Định đem binh đến cõi, xâm chiếm Trung Nguyên. Họ Triệu tang thương không người cứu giúp. Đến khi có người cháu gái họ Hùng trước đây, tên là Trắc, vốn bậc hào kiệt trong giới nữ, là bậc đại thánh thần trên trần thế, dậy khởi oai hùng, dẫn binh đến đánh.
    Đây là một thông tin hết sức lạ vì theo chính sử hiện nay, Trưng Vương khởi nghĩa đánh đuổi Tô Định vào năm 40 sau Công nguyên, dưới thời nhà Đông Hán. Còn thần tích ở Yên Phú lại kể Tô Định đem quân đến xâm chiếm nước Nam Việt của họ Triệu và Trưng Nữ Vương là dòng dõi các vua Hùng, đánh giặc Tô Định vào lúc này. Vị vua cuối cùng của nhà Triệu là Vệ Dương Vương, mất nước vào tay nhà Tây Hán năm 111 trước Công nguyên (TCN). Như thế thông tin của thần tích Yên Phú so với chính sử chênh lệch nhau tới 150 năm cho thời điểm của cuộc khởi nghĩa Trưng Vương.
    Thần tích của Yên Phú không phải là trường hợp duy nhất nói về khả năng khởi nghĩa của Trưng Vương nổ ra dưới thời Tây Hán. Một di tích được ghi nhận là nơi Trưng Vương chiêu quân tụ nghĩa là chùa Bối Linh ở làng Lâu Thượng, nay là xã Trưng Vương của thành phố Việt Trì. Bản Lâu Thượng thần tích ngọc phả cổ truyền chép:
    Triệu Đà được quốc gia mà lên ngôi, cha truyền con nối được 5 đời thánh vương, trước sau cộng 149 năm. Tới khi Vệ Dương Vương nối truyền chính thống, ở ngôi được 1 năm thì có Tô Định dẫn quân đến xâm chiếm Trung Nguyên. Trăm họ điêu tàng, không người cứu giúp. Lúc bấy giờ có hai người cháu gái (thuộc chi trưởng đời thứ 24 của nhà Hùng), nàng cả là Ả Nương Công chúa, nàng hai là Bình Khôi Công chúa. Nàng cả húy là Trắc, nàng hai húy là Trong…
    Còn cuốn ngọc phả về Tản Viên Sơn Thánh có tên Tản Lĩnh ngọc ký ở sách Tang Ma (Thanh Thủy, Phú Thọ) cũng có đoạn tương tự: [Triệu] Đà được quốc gia mà lên ngôi vào năm Bính Ngọ. Cha truyền con nối được 5 đời thánh vương. Trước sau cộng 149 năm. Tới khi Vệ Dương Vương nối truyền chính thống, ở ngôi được 1 năm thì có Tô Định dẫn quân đến xâm chiếm Trung Nguyên. Họ Triệu sớm bại vong, không người cứu giúp. Cho tới khi có người chắt gái của Hùng Vương tên Trắc, là bậc nữ trung hào kiệt, bậc thánh thần trên trần thế, dấy nổi oai hùng, cất quân đến đánh.
    Cũng như thần tích ở Yên Phú, ngọc phả về Tản Viên Sơn Thánh cho một thông tin tưởng chừng như không đúng: Trưng nữ, cháu gái cuar vua Hùng, khởi nghĩa ngay sau khi nhà Triệu nước Nam Việt bị diệt. Tuy nhiên, khi xem xét đầy đủ các di tích và ghi chép về cuộc khởi nghĩa của Trưng Vương thì thấy đây là một thông tin hết sức mới nhưng trung thực và chính xác.
    Tóm tắt các sự kiện lịch sử nước ta thời kỳ Công nguyên như sau. Hùng Vương lập nước Văn Lang truyền quốc tới thời Hùng Duệ Vương thì nhường ngôi cho Thục Phán, hoặc bị quân Tần tấn công Lĩnh Nam chiếm đất nước. Một thời gian ngắn sau đó Triệu Đà, người Chân Định, nổi lên, đánh thắng vua Thục và quân Tần, lập ra nước Nam Việt. 
    Nam Việt nhà Triệu truyền ngôi 5 đời đến Vệ Dương Vương lên kế vị mới được 1 năm thì nhà Tây Hán cử Phục Ba tướng quân Lộ Bác Đức tấn công. Kinh đô Phiên Ngung thất thủ. Thừa tướng Lữ Gia đưa vua Vệ Dương Vương và cả hoàng tộc lên thuyền chạy về phía Tây. Lữ Gia tử nạn ở cửa biển thuộc đất Nam Định, hoặc chạy về đến vùng Trúc Viên (Sài Sơn) thì thất thủ. Nhà Triệu diệt vong, không người cứu giúp từ đó. Đó là năm 111 TCN.
    Sử cũng chép tiếp rằng, ở vùng đất Phong Châu lúc này nổ ra một cuộc khởi nghĩa quy mô lớn, do một thủ lĩnh gọi là Tây Vu Vương cầm đầu, chống lại quân đội của Tây Hán. Tây Vu Vương ban đầu rõ ràng đã khởi nghĩa thành công, xưng là Vương vùng đất Tây Vu, đóng đô thành ở Cổ Loa. Khởi nghĩa Tây Vu Vương sau vài năm thì bị dập tắt. Nhà Tây Hán lấy đất Nam Việt cũ chia thành 9 quận, 7 quận trong đó sau lập thành Giao Châu. Thạch Đái, Nhâm Diên, Tích Quang, Đặng Nhượng là những thái thú, thứ sử Giao Châu đầu tiên được sử sách nhắc tới, với công đức tốt đẹp là giáo hóa nhân dân, truyền bá chữ viết.
    Năm 9 sau Công nguyên, Tây Hán bị một ngoại thích là Vương Mãng soán ngôi, đổi thành nhà Tân. Các thái thú và thứ sử Giao Châu vẫn tiếp tục làm quan cho Vương Mãng. Khi Đông Hán là Lưu Tú diệt nhà Tân, chiếm Giao Châu thì từ đó chế độ cai trị của Hán Quang Vũ ở Giao Châu trở nên vô cùng hà khắc. Từ đó dẫn đến cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng vào năm 40. 
    Điểm lại suốt các sự kiện của thời kỳ này thì rõ ràng thấy, cuộc khởi nghĩa do con cháu Hùng Vương dấy lên ngay sau khi nhà Triệu Nam Việt mất thì phải là khởi nghĩa của Tây Vu Vương. Chính sử có rất ít ghi chép về Tây Vu Vương, nhưng các thần tích đã có thể bổ sung nhiều thông tin cho cuộc khởi nghĩa này khi nhận ra khởi nghĩa của Trưng Vương được chép là thông tin về khởi nghĩa của Tây Vu Vương thời Tây Hán trước Tây lịch.
    Tại xã Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) có tục thờ Thánh Mẫu và năm anh em chàng Vịt. Câu chuyện này tóm tắt như sau. Bà Triệu Thị Khoan Hòa là vợ của Triệu Vệ Dương Vương, chạy lánh nạn về ở chùa Quảng Hựu tại Thanh Lãng. Một đêm bà nằm mơ thấy một người kỳ dị, sau đó sinh được 5 quả trứng, nở ra 5 anh em trai có tài bơi lội, nên gọi là 5 chàng Vịt. Các chàng trai này lớn lên đầu quân cho Trưng Vương, tham gia đánh trận trên sông Nguyệt Đức, phá Tô Định. Khi Nhị Trưng Vương hy sinh, 5 anh em chàng Vịt đã xông pha đem được thi hài của các nữ vương về táng ở Hy Cương.
    Từ thần tích làng Yên Phú bàn về khởi nghĩa Trưng Vương thời Tây Hán và các vị thủy thần dòng Lạc Long Quân ven sông Hồng Thanh-lang
    Đền Thánh Mẫu Triệu Thị Khoan Hòa ở Thanh Lãng

    Câu đối ở đền Thánh Mẫu tại Thanh Lãng:
    青朗寺生神北同簡狄南同粤
    白藤江破賊母為陽王子為徵

    Thanh Lãng tự sinh thần, Bắc đồng Giản Địch Nam đồng Việt
    Bạch Đằng giang phá tặc, mẫu vị Dương Vương tử vị Trưng.

    Dịch:
    Chùa Thanh Lãng sinh thần, Bắc tựa Giản Địch, Nam tựa Việt
    Sông Bạch Đằng phá giặc, mẹ vì Dương Vương, con vì Trưng.

    Giản Địch là tổ của nhà Thương trong tích “chim huyền điểu sinh Thương”. Vế đối đầu muốn nói tới việc bà Triệu Thị Khoan Hòa sinh trứng nở ra 5 chàng Vịt như bà Giản Địch, hay như truyền thuyết Việt về Âu Cơ sinh bọc trăm trứng.
    Chỗ khó hiểu của câu đối trên là ở vế thứ hai. Thời Trưng Vương thì phá giặc trên “sông Bạch Đằng” lúc nào? Vấn đề quan trọng hơn, bà Triệu Thị Khoan Hòa là cung phi hay hoàng hậu của Triệu Vệ Dương Vương từ năm 111 TCN. Còn khởi nghĩa Hai Bà Trưng lại nổ ra vào năm 40 sau Công nguyên. Tính ra giữa 2 việc này có đến trên 150 năm. Làm sao có thể “mẹ vì Dương Vương, con vì Trưng” được?
    Truyền tích về Thánh mẫu Triệu Thị Khoan Hòa và năm anh em chàng Vịt mang đến một suy nghĩ bất ngờ. Khởi nghĩa của Nhị Trưng Vương không phải xảy ra vào những năm 40 dưới thời Đông Hán, mà là ngay sau thất bại của nhà Triệu Nam Việt, thời Tây Hán. Ý tưởng này nghe thật vô lý, nhưng có lẽ lại là hợp lý nhất trong chuyện về Trưng Vương, giải đáp và gắn kết được phần lớn những di tích, truyền thuyết còn lại trong dân gian với sử sách.
    GS. Vũ Ngọc Khánh trong cuốn Đạo Thánh ở Việt Nam cho biết Thánh bà Ả Lã Nàng Đê là con gái của thừa tướng Lữ Gia nhà Triệu Nam Việt, đã giúp Trưng Vương đánh giặc Hán. Theo thần tích đình Đại Mỗ thuộc huyện Từ Liêm thì Ả Lã Nàng Đê là con gái tể tướng Lữ Gia quê ở Thiên Phúc, huyện An Sơn. Cuối thời Triệu, vua tôi nhà Hán muốn thôn tính Nam Việt, thừa tướng Lữ Gia đã chỉ huy quân sĩ giết giặc xâm lược là Hàn Thiên Thu. Mua chuộc không được, Hán Võ Đế sai tướng Bác Đức và Dương Phác đem quân xâm lược nước ta. Tướng Lữ Gia tổ chức kháng chiến chống lại, sau bị giặc bắt và sát hại. Ả Lã Nàng Đê đến tuổi trưởng thành, tiếp thu tinh thần của cha, đã đứng ra chiêu mộ dân binh, tụ nghĩa ở sông Hát cùng Hai Bà Trưng. Sau Ả Lã Nàng Đê được Hai Bà Trưng ban tước lộc và cho về lập ấp luyện quân ở cửa sông Đáy. Ba năm sau Mã Viện đem quân tiến đánh, Ả Lã Nàng Đê tham gia chiến đấu trận Lãng Bạc và Cấm Khê, cuối cùng bà trầm mình ở sông Hát.
    Thần tích Đại Mỗ một lần nữa cho thấy mối liên quan trực tiếp giữa khởi nghĩa Trưng Vương với nhà Triệu Nam Việt, mà con gái của Thừa tướng Lữ Gia nhà Triệu là Ả Lã, là một trong những người cầm đầu của cuộc nổi dậy ở Phong Châu thời Tây Hán. Ả Lã là vị thần được thờ ở nhiều nơi nhất trong số các nữ tướng thời Trưng Vương. Thậm chí ở làng Nại Xá (xã Hồng Hà, Đan Phượng, Hà Nội), là miếu thờ ông Thi Sách, thần tích còn cho biết Trưng Vương có tên thời con gái là Ả Lã Nàng Đê.
    Từ thần tích làng Yên Phú bàn về khởi nghĩa Trưng Vương thời Tây Hán và các vị thủy thần dòng Lạc Long Quân ven sông Hồng Chua-nom
    Ban thờ Triệu Mỵ Nương và bà Phạm Tĩnh ở chùa Nôm

    Ở Hưng Yên có đình Đại Đồng (Văn Lâm) hay còn gọi là đình Nôm, thờ vị thành hoàng là đức thánh Tam Giang thời Hai Bà Trưng. Đặc biệt là vị đại tướng của Trưng Vương này theo thần tích lại lấy vợ là cháu gái Triệu Đà. Hiện đình Nôm thờ đức thánh Tam Giang, còn bà mẹ Phạm Tĩnh và vợ ông là Triệu Mỵ Nương được thờ tại chùa Nôm.
    Ở Hưng Yên còn một di tích là đình và đền thôn Thượng Bùi ở xã Trung Hòa, Yên Mỹ. Thần tích kể về vị tướng thống lĩnh nội vệ của Trưng Vương là Nguyệt Nga công chúa, nhưng bố của Nguyệt Nga là Phạm Cầu, làm đến chức Thái phó ở đời Triệu Ai Vương. 
    Một trong những nữ tướng nổi danh nhất của Hai Bà Trưng là Thánh Thiên công chúa, nay còn đền thờ ở thôn Ngọc Lâm (Tân Mỹ, TP. Bắc Giang). Thần tích đền Ngọc Lâm cho biết thân phụ của Thánh Thiên là Nguyễn Huyến, vốn là một vị quan nhà Triệu ở Kinh Môn, Hải Dương. Sau khi cha mất Thánh Thiên đã cùng với cậu của mình khởi nghĩa ở vùng Yên Dũng – Bắc Giang, sau đó về tụ nghĩa với Hai Bà Trưng.
    Chưa thể khảo sát hết các thần tích về các vị tướng thời Hai Bà Trưng mà lại có liên quan trực tiếp đến nhà Triệu Nam Việt, nhưng vài ví dụ ở trên cũng đã đủ để khẳng định, tại miền Bắc Việt đã có một cuộc khởi nghĩa nổ ra dưới thời Tây Hán, mà người cầm đầu là con cháu của họ Lữ của thừa tướng Lữ Gia nhà Triệu. Thư tịch Trung Hoa gọi là khởi nghĩa của Tây Vu Vương. Còn các thần tích ngọc phả của Việt Nam gọi là khởi nghĩa của Trưng Vương. Thời điểm nổ ra cuộc khởi nghĩa này khoảng năm 110 trước Công nguyên và kéo dài nhiều năm sau đó.
    Vai trò của Hoàng bà Phương Dung trong khởi nghĩa Trưng Vương
    Làng Yên Phú còn lưu giữ được 23 sắc phong của thời Hậu Lê và thời Nguyễn. Trong đó có 18 sắc phong thời Lê từ niên hiệu Dương Hòa thứ 5 (1639) đến niên hiệu Cảnh Hưng thứ 44 (1783) sắc cho Hoàng bà Phương Dung.5 sắc phong thời Nguyễn từ niên hiệu Tự Đức thứ 6 (1853) đến niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924) cho 2 vị tôn thần Trung Vũ và Đài Liệu.
    Theo sắc phong sớm nhất là sắc phong năm Dương Hòa thứ 5 (1639) thì nguyên tên gọi của bà Phương Dung là: Khâm từ Hoàng Thái hậu Hoàng bà Thái phó Tả giai dự hiến Vương thượng vị. Tên gọi này được duy trì trong tất cả các sắc phong về sau cho đến hết thời Lê. Điều rõ ràng rằng tên gọi trên không phải là những “mĩ tự” được sắc phong gia tặng cho thần sau khi hóa, mà là chức vị của bà Phương Dung lúc còn sống.
    Thần tích Yên Phú chỉ ghi bà Phương Dung tham gia khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, được phong là Công chúa. Sau khi đánh đuổi được giặc thì bà cùng với 2 người con nuôi được ban phong trở về nơi cư trú. Tuy nhiên, sắc phong lưu giữ tại Yên Phú cho biết bà Phương Dung là Hoàng Thái hậu – Hoàng bà Thái phó – Tả giai dự hiến – Vương thượng vị. Cụ thể về ý nghĩa của những chức sắc này xin được bàn dưới đây.
    Hàng loạt từ “Hoàng Thái hậu”, “Hoàng bà”, “Vương thượng vị” trong sắc phong cho thấy bà Phương Dung là người trong hoàng tộc của cuộc khởi nghĩa Trưng Vương. Như phần trên đã phân tích, hoàng tộc của Trưng Vương lúc này là người của 2 họ Triệu (của vua Nam Việt) và họ Lữ (của thừa tướng Lữ Gia). Thần tích Yên Phú cũng có nhan đề: “Phả chép về Một vị âm thần Thái hậu”, càng khẳng định hơn vị trí trong hoàng tộc Trưng Vương của bà Phương Dung.
    Sắc phong ở Yên Phú cho bà Phương Dung cho biết bà là Thái phó, Tả giai dự hiến, Vương thượng vị. Thái phó là chức vị thứ nhì trong hàng Tam công, gồm Thái sư, Thái phó, Thái bảo thời phong kiến. “Tả giai dự hiến” cũng là một chức vụ rất cao trong triều đình, tương đương với Tả thừa tướng, là một trong những rường cột của nước nhà (ý của chữ “giai”) và tham dự vào chính sự quốc gia (dự hiến). Vị trí “tả giai” là vị trí còn quan trọng hơn “hữu giai”, vì theo thứ tự xưa tả là vị trí cao hơn “hữu”. “Vương thượng vị” có thể cũng chỉ chức vụ đứng vào hàng đầu trong triều đình, như chức Thượng công.
    Theo sử sách thì Trưng Vương sau khi đánh đuổi được Tô Định thì lên ngôi xưng vương, cai quản đất nước trong ba năm. Khi đã lên ngôi xưng vương thì chắc chắn đã phải thiết lập triều đình một cách quy củ có trên dưới. Với thân phận là người trong hoàng thất, có công lớn trong cuộc khởi nghĩa dẹp giặc, bà Phương Dung đã giữ một vị trí tương đương với Tướng quốc, đứng đầu văn võ bá quan trong triều đình Trưng Vương.
    Điều đặc biệt khác rút ra được khi nghiên cứu các sắc phong cho Thái hậu Phương Dung là trong tên phong trên sắc ngoài bà Phương Dung còn có 2 người nữa. Đó là:
    –    Trương thị công hầu Thượng phẩm phán thú hầu Điều Quý Công 
    –    Điều Quý Nương.
    Cụm từ “Trương thị” – họ Trương cho thấy đây không phải là tên gọi hay mĩ tự được phong, mà là tên riêng chỉ người. Trong khi đó, thần tích Yên Phú cho biết: 
    Ở làng Lưu Hàm, huyện Thượng Hiền, phủ Nghĩa Hưng, đạo Sơn Nam Hạ có ông Trương Công Điều (tên húy là Điều) là người được kế thừa tập ấm, lấy vợ là Phùng Thị, tên húy là Huệ, vốn là người cùng quận, dòng dõi trâm anh nức tiếng đã lâu, cũng là chỗ môn đăng hậu đối. Ông bà đã sinh mấy người con trai, sau này sinh thêm con gái đặt tên là Phương Dung.”
    Theo thần tích bố của bà Phương Dung có tên là Trương công Điều, mẹ là Phùng thị Huệ. Rõ ràng, tên trên sắc phong chính là tên bố và mẹ của bà Phương Dung. Trong đó ông Trương công Điều có tước phong là “Thượng phẩm phán thú hầu”. Tước “hầu” là một tước vị khá lớn, chỉ sau tước “công” trong bộ máy phong kiến xưa. Chữ phán 判 chỉ sự xét xử. Chữ thú ở sắc phong ghi là 獸. Tuy nhiên, khả năng phải là chữ 守với nghĩa là coi giữ thì mới hợp lý. “Thượng phẩm phán thú hầu” có thể hiểu là vị hầu tước đứng đầu phụ trách việc xét xử trong triều đình, hay ngày nay nôm na gọi là “Thẩm phán tòa án tối cao”.
    Sắc phong thời Lê ở Yên Phú như vậy phong tặng mĩ tự không chỉ cho Hoàng bà Phương Dung mà còn cho bố và mẹ của bà. Mĩ tự dài nhất phong cho ông Trương công là trong sắc phong niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 44 (1783): Trương thị công hầu Thượng phẩm Phán thú Anh hùng Vũ dũng Cương nghị Trung chính Linh thông Bác đạt Điều Quý Công. Mĩ tự này là những mĩ tự dùng phong tặng cho một vị quan võ.
    Mẹ của bà Phương Dung được sắc phong gọi theo tên của chồng là Điều Quý Nương. Mĩ tự dài nhất được phong cho bà mẹ là trong sắc phong niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 44 (1783): Phù tộ Hợp nghi Đoan mục Gia huệ Thuận mỹ Điều Quý Nương.
    Việc sắc phong cho cả bố và mẹ của Hoàng bà Phương Dung càng củng cố thêm giả thuyết rằng bà Phương Dung có xuất thân là người trong hoàng tộc. Rất có thể ông Trương công Điều, một vị quan lớn trong triều đình, là người trong họ với Trưng Vương (có liên hệ Trương – Trưng).
    Về nơi thờ Hoàng bà Phương Dung, ở Yên Phú trong đình làng có khám thờ và tượng của bà. Bên cạnh đình còn có một phủ bà, trong cung thờ Hoàng bà Phương Dung với tượng khá đẹp. Phủ này tuy nhiên đã bị “tứ phủ hóa” thành miếu Hai cô.
    Từ thần tích làng Yên Phú bàn về khởi nghĩa Trưng Vương thời Tây Hán và các vị thủy thần dòng Lạc Long Quân ven sông Hồng Phuong-dung-2
    Cung thờ Thánh mẫu Phương Dung ở Phủ Bà (miếu Hai cô)

    Như vậy, qua phân tích các tên gọi trong sắc phong ở Yên Phú có thể nhận định Thái hậu Phương Dung vốn là người trong vương thất của nhà Triệu nước Nam Việt. Khi Nam Việt bị nhà Tây Hán tấn công, bà Phương Dung đã về vùng đất Thanh Trì đi tu ẩn mình ở ngôi chùa cổ Thanh Vân, chờ cơ hội báo quốc. Đến khi Trưng nữ phất cờ khởi nghĩa ở đất Tây Vu – Phong Châu, bà Phương Dung lại hội quân tham gia cùng với Trưng Vương và trở thành một trong những đại thần bậc nhất của Trưng triều. Lịch sử thật sự của cuộc khởi nghĩa của hậu quân nước Nam Việt đã được ẩn giấu trong các di tích, sắc phong, tín ngưỡng của người dân Việt trên khắp vùng miền Bắc Việt ngày nay.
    II.    HAI VỊ THỦY THẦN Ở YÊN PHÚ TRONG MỐI LIÊN HỆ VỚI TÍN NGƯỠNG THỜ THẦN RỒNG LINH LANG 
    Thần tích Yên Phú kể, sư bà Phương Dung lúc tu ở chùa Thanh Vân (Yên Phú, Thanh Trì) đêm nằm mơ thấy có Thủy quan báo mộng, sáng ra sông Tô Lịch nhặt được 2 quả trứng, đem về chùa nở thành 2 vị thủy thần đầu người thân rắn. Hai vị thủy thần nói với các phụ lão trong làng rằng:
    Anh em chúng ta vốn là thủy thần mà các ông thờ phụng lâu nay, một người tên là Trung Vũ, một người tên là Đài Liệu. Nay phụng mệnh Thiên đình giáng sinh để giúp đỡ cho đất nước.
    2 vị thủy thần xuất thế Trung Vũ và Đài Liệu là những vị thần đã được thờ phụng tại khu vực Thanh Trì từ lâu, trước thời Trưng Vương. Trước thời Trưng Vương tức là thời kỳ Hùng Vương, mà bản thân Trưng nữ là cháu gái dòng dõi của của vua Hùng. 
    Từ thần tích làng Yên Phú bàn về khởi nghĩa Trưng Vương thời Tây Hán và các vị thủy thần dòng Lạc Long Quân ven sông Hồng Trung-vu-dai-lieu
    Khám tượng thờ Trung Vũ và Đài Liệu

    Ở phần mở đầu của thần tích Yên Phú, cũng như trong các ngọc phả thời Hùng Vương, đều ghi chuyện Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra trăm trai, rồi chia 50 con theo cha xuống biển là Thủy thần, cai quản nguồn sông, góc biển. 50 con theo mẹ về núi làm Sơn thần, cai quản các ngọn núi và ruộng đồng. Như vậy, các vị “thủy thần” trong các thần tích thực ra chính là những người con đất Việt đã theo cha Rồng Lạc Long Quân xuống khai phá, cai quản vùng sông biển. Đây hoàn toàn không phải là các “nhiên thần” (thần có nguồn gốc từ các vật thể tự nhiên), mà là nhân vật lịch sử thực sự đã được “thần thánh hóa” hoặc là những hình tượng đại diện cho bộ phận người Việt đã tiến ra miền ven biển Đông của thời mở nước.
    Từ thần tích làng Yên Phú bàn về khởi nghĩa Trưng Vương thời Tây Hán và các vị thủy thần dòng Lạc Long Quân ven sông Hồng Dinh-yen-phu
    Đình Yên Phú

    Trưng Nữ Vương khi phất cờ khởi nghĩa đã lập tế đàn cầu khấn bách thần tại cửa sông Hát Môn, đọc lời thề trừ tàn diệt giặc, khôi phục tông miếu, cứu vớt nhân dân, nguyện mong thần linh chứng giám. Khi đó, hai vị thủy thần Trung Vũ và Đài Liệu cùng với mẹ nuôi là sư bà Phương Dung đã đến tụ quân với Trưng Vương như một sự ứng nghiệm của thần linh. Hai vị được phong là Tả, Hữu tướng quân, dẫn binh đánh đuổi Tô Định. Đại công cáo thành, hai thần trở về bản quán ở Thanh Trì, xây sửa lại miếu điện…
    Đôi câu đối ở nghi môn đình Yên Phú:
    二氣良能扶國攻勳千古仰
    一誠可格庇民事業萬年芳

    Nhị khí lương năng, phù quốc công huân thiên cổ ngưỡng
    Nhất thành khả cách, tí dân sự nghiệp vạn niên phương.

    Dịch nghĩa:
    Hai khí tốt lành, công danh giúp nước nghìn năm ngưỡng
    Một lòng cảm cách, sự nghiệp hộ dân vạn thế thơm.

    Bên cạnh công lao đánh giặc, đúng với vai trò của “Thủy thần”, hai vị Trung Vũ và Đài Liệu còn có công cầu mưa cứu hạn, được nhân dân trong vùng Thanh Trì hết sức kính phục. Sự tích truyền khẩu ở Yên Phú (được chép trong bản khai thần tích – thần sắc năm 1938 của làng Yên Phú) còn kể, khi đê ở Giầy Kẻ bị sạt vỡ, 2 vị đã hóa thân thành 2 ông rắn nằm ngăn nước để dân đắp, hộ được đê. Lúc hộ đê 1 ông bị đứt một tí đuôi, nên có hèm là Cụt.
    Đê Kẻ Giầy được truyền khẩu là đê sông Hồng ở vùng Yên Phụ. Thông tin này là một đầu mối quan trọng để lần lại gốc tích và ý nghĩa lịch sử của nhị vị thủy thần của làng Yên Phú.
    Khảo sát khu vực Yên Phụ thì những vị thủy thần đã hộ đê Yên Phụ là những vị thần được phong xung quanh hồ Tây. Trong số đó, có sự tích 2 vị thủy thần ở làng Hồ Khẩu là rất tương đồng với thần tích ở Yên Phú. Thần tích các vị nam thần làng Hồ Khẩu như sau:
    “Xưa, vào đời Hùng Vương, ở động Đản Thánh, châu Bố Chính có ông Lê Quốc Công húy là Tín Phệ, làm quan trong triều…Ông cùng với phu nhân cầu tự ở đền Đông Hải Vương. Một hôm phu nhân du chơi Hồ Tây, thấy một con cá chép vẩy đỏ lấp lánh, đùa rỡn sóng nước. Trong lòng cảm động mà có thai. Đến khi mang thai đủ tháng, nằm mơ thấy có hai người mũ áo chỉnh tề, tới chắp tay nói rằng:
    –  Chúng thần là ở bộ Lễ Long cung, vâng sắc mệnh đầu thai.
    Phu nhân giật mình tỉnh giấc, bỗng thấy trời đất mù mịt, mưa gió ập tới, trong phòng hương thơm tỏa khắp, mây lành rực rỡ, sinh hạ được một bọc hai người con trai.
    Ông liền theo giấc mộng đặt tên cho người con trưởng là Cống Lễ, người con thứ là Cá Lễ. Cống Lễ sinh ra đã cao 9 thước, tướng mạo đường hoàng. Cá Lễ sinh ra hàm én râu hổ, tay dài quá gối. Đều là bậc anh hùng cái thế, dũng lược hơn người, tài năng xuất chúng, sức nâng đỉnh bạt núi.
    Duệ Vương lên ngôi, xuống chiếu tìm người có học vấn quảng bác, văn võ toàn tài. Hai ông liền ra ứng tuyển. Vua thấy nơi gần hai ông đứng có gió mát thổi quanh người. Vua biết là thủy thần xuất thế, bèn cùng cho nhận chức thị tòng.
    Bấy giờ… Thục Vương bèn đem quân sang xâm chiếm. Vua bèn lệnh cho hai ông chỉ huy thủy quân (ông Cống Lễ làm Tả chưởng quản, ông Cá Lễ làm Hữu chưởng quản), lãnh ấn đại tướng quân ra sông Bạch Đằng nghênh địch…
    Ngày khải hoàn, thuyền đến bên sông Tô Lịch, chợt trời đất tối sầm, gió thổi sóng cuồn cuộn, ánh cầu vồng đỏ như thép luyện từ trên trời chiếu thẳng vào thuyền. Hai ông bèn buộc lại mũ đai, hướng về cửa thành bái mệnh. Trong chốc lát, bay lên trời mà hóa…
    Vào những năm Vĩnh Thọ triều nhà Lê, vỡ đê phường Yên Phụ. Cứ đắp lại đến đâu lại bị nước đánh trôi đến đó. Triều đình sai quan đến đền của hai vương cầu đảo. Lũ lụt mới tạm dừng. Bèn gia phong hai chữ Hiển ứng Uy linh.” 
    2 vị thủy thần sinh ra có báo mộng hình cá chép đỏ, sinh cùng một bọc trứng, tướng mạo dị thường, khi đánh giặc được phong làm Tả Hữu chưởng quản, khi hóa về sông Tô Lịch, hiển linh thời Lê hộ đê Yên Phụ. Những chi tiết này hoàn toàn khớp với 2 vị thủy thần Trung Vũ và Đài Liệu ở làng Yên Phú.
    Các vị thủy thần Hồ Tây theo ghi chép của các thần tích từng làng ven hồ thì đã có nhiều lần giáng thế. Như tại đình Tây Hồ, địa phương đã có nhận định: Uy Linh Lang là thủy thần là con trưởng của Lạc Long Quân theo cha xuống biển trấn trị khai thác sông biển lãnh đạo muôn dân xây dựng cuộc sống phồn thịnh. Ngay từ đầu thời Hùng Vương, Thần đã hóa thành bảy con rồng bay lên trời; làng Nhật Chiêu đã trồng bảy cây gạo để ghi dấu sự kiện này. Đình ấp Tây Hồ xưa kia chính là đền thờ Ngài.
    Đến thời Hùng Vương thứ 18, Thần lại đầu thai làm con Lạc Hầu Lê Quốc Tín và bà Thục Nương, người phường Hồ Khẩu là Cống Lễ và Cá Lễ. Hai ông được vua Hùng thứ 18 phong là Tả Hữu chưởng quan chỉ huy giúp nhà vua dẹp giặc. Sau đó hóa đi về Thủy Quốc, nhà vua nhớ công ơn hai ông ban cho sắc phong, lập đền thờ nay là đền Vệ Quốc và đền Dực Thánh thuộc phường Bưởi.
    Đến thời Lý Nam Đế thần nhân hóa thành Bảo Trung, Minh Khiết để giúp vua chống giặc ngoại xâm, trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa nên Châu Xuyên Bảo gồm các làng: Nội Châu, Ngoại Châu, Vạn Châu, Xuyên Châu thuộc phường Tứ Liên đều có đình để phụng thờ.
    Thời Lý thần nhân hóa thành Thái tử Hoàng Lang con vua Lý Thái Tông giúp vua đánh giặc Chiêm Thành. Năm Đinh Tỵ Thái tử lại giúp vua Lý Thánh Tông đánh bại quân Tống tại sông Phả Lại và sông Cầu, đất nước trở lại thanh bình, Quốc gia hưng thịnh.Ngày 12 tháng 2 âm lịch, Thái tử không bệnh mà hóa, có thuyết lại nói Thái Tử bị bệnh đậu mùa rồi hóa thành con rắn khổng lồ chui xuống hồ Tây. Nhà vua biết tin vô cùng thương tiếc phong là Linh Lang đại vương cho lập đền thờ ở Voi Phục.
    Thời Trần thần nhân hóa thành Hoàng tử thứ 7 con vua Trần Nhân Tông để giúp vua đánh giặc Chiêm Thành và giặc Nguyên xâm lược. Sau khi khải hoàn trở về Hoàng tử không nhận tước thưởng lui về tu thiền ở chùa Vân Hồ. Triều đình luận công phong thưởng phong là Dâm Đàm Đại Vương được thờ ở đình Tây Hồ, sau đó là các đình Nhật Tân, Yên Phụ, Yên Trì.
    Từ thần tích làng Yên Phú bàn về khởi nghĩa Trưng Vương thời Tây Hán và các vị thủy thần dòng Lạc Long Quân ven sông Hồng Ban-do
    Vị trí một số nơi thờ thủy thần Uy Linh Lang ven Thăng Long – Hà Nội

    Vị thần Dâm Đàm Đại vương (thủy thần Hồ Tây) là Uy Linh Lang, được thờ ở các làng Yên Phụ, Nghi Tàm, Quảng Bá, Nhật Tân, là vị thủy thần trong dòng Lạc Long Quân đã có công đánh giặc và hộ đê Yên Phụ. Sự tích kể Uy Linh Lang sinh ra trong bọc trứng, nở thành 7 con rồng bay trên sông Nhị ở điện Nhật Chiêu, đánh giặc rồi hóa thần ở làng Yên Phụ.
    Ngoài khu vực hồ Tây, cả dải sông Hồng từ Nhật Tân đến Lý Nhân (Hà Nam) rải rác có nhiều đền thờ Uy Linh Lang. Đình Thanh Trì là đình của làng Thanh Trì, trung tâm của huyện Thanh Trì xưa, cũng thờ Uy Linh Lang. Hay đình đền Lưu Phái (xã Ngũ Hiệp) cùng huyện Thanh Trì cũng là nơi thờ Uy Linh Lang. Thanh Trì xưa vốn có tên là Thanh Đàm, hay từ xa xưa là Long Đàm. Đây là đầm rồng, nơi có vị Rồng Uy Linh Lang làm thần chủ.
    Nơi thờ Uy Linh Lang bên sông Hồng gần với làng Yên Phú là làng Xâm Dương (xã Đại Lộ) và làng Xâm Hồ (xã Vân Tảo) nay thuộc huyện Thường Tín. Đây là những di tích nằm trong khu vực tín ngưỡng thờ của Thoải phủ với đền Dầm là trung tâm thờ Mẫu Thoải nằm ở Xâm Dương. Mẫu Thoải được biết là vợ của vua Kinh Dương Vương, có tên là Xích Lân Long Nữ Động Đình Thủy Tinh Công chúa. Bà là người sinh ra Lạc Long Quân. 
    Có thể thấy hệ thống thờ các thủy thần gắn với sự tích của Uy Linh Lang từ thời Lạc Long Quân và Long Nữ Động Đình nằm ven sông Hồng ở đoạn qua Thăng Long (Hà Nội). Đây là một dẫn chứng khác bổ sung cho lời chép trong các thần tích và ngọc phả rằng, các Thủy thần là dòng những người con đã theo Lạc Long Quân đi cai quản vùng sông biển. Những vị thủy thần này do đó được hình tượng hóa trong hình dáng của Rồng (thân rắn có vảy…) với nhiều lần giáng sinh ở các triều đại khác nhau.
    Đôi câu đối cổ ở đình Yên Phú ca ngợi các vị thần thờ tại đây:

    降生持近玄王蹟
    掃患相傳夏禹功

    Giáng sinh trì cận Huyền Vương tích
    Tảo hoạn tương truyền Hạ Vũ công.

    Dịch nghĩa:
    Giáng sinh gần với tích Huyền Vương
    Trừ nạn tương truyền công Hạ Vũ.
     

    Từ thần tích làng Yên Phú bàn về khởi nghĩa Trưng Vương thời Tây Hán và các vị thủy thần dòng Lạc Long Quân ven sông Hồng Cau-doi
    Tiền tế đình Yên Phú và đôi câu đối cổ

    Vế đối đầu so sánh chuyện 2 vị Trung Vũ và Đài Liệu giáng sinh trong trứng, có đầu người thân rắn, mình có vảy, giống như sự tích Huyền Đế Chuyên Húc hóa thành “ngư phụ” được ghi trong Sơn Hải Kinh – Đại Hoang Tây Kinh. Vế đối sau nói tới công lao hộ đê giúp dân, sánh với công nghiệp của vua Đại Vũ nhà Hạ trong cổ sử Trung Hoa.
    Như vậy, hai vị là Thủy thần tức là dòng dõi Lạc Long Quân, mở cõi nơi đất Thăng Long vùng ven bờ sông Nhị xưa, qua ngàn năm vẫn được phản ánh trong tín ngưỡng văn hóa, cũng như ghi chép lại trong các thần tích, hương khói thờ phụng ở đình chùa đền miếu. Hai vị là thần bản thổ linh ứng chống ngoại xâm và lũ lụt đi cùng chiều dài lịch sử dân tộc hàng ngàn năm. Cũng như rất nhiều vị thần thành hoàng làng khác trên cả miền đất cổ, họ đều là những bậc tiền nhân có công lao mở đất, phù trợ muôn đời cho con cháu, bao đời nay vẫn được ngưỡng vọng phụng thờ./.




    Văn Nhân góp ý :




    Điểm lạ  trong các thần tích tác gỉa đã khảo sát :  ...Tô Định dẫn quân xâm chiếm Trung Nguyên....  

    Rõ ràng thần tích nói :Tô Định là giặc ‘Hán’ còn đất nước ‘ta’ là Trung nguyên tức cũng là  Trung thổ ,Trung Hạ , Trung Hoa ...

    Thực ra điều này cũng chẳng có gì lạ ; tất cả cùng là từ đồng nghĩa của  ‘Giao chỉ’- ‘chỗ Giữa’ mà thôi .

      Hôm nay: 22/11/2024, 7:12 am