nguồn https://bahviet18.com/2020/08/27/te-giac-loai-ky-lan-cua-co-van-hoa-su-phuong-dong/
Kỳ lân là biểu tượng của văn hóa và lịch sử cổ truyền ở Việt Nam cũng như Trung Quốc. Tương truyền, khi Khổng Tử sinh ra ở nước Lỗ thì thấy Kỳ lân xuất hiện, báo hiệu thánh nhân ra đời. Khổng Tử chép Kinh Thư từ thời thượng cổ đến khi Lỗ Ai Công săn được Kỳ lân thì dừng lại. Vì thế Kinh Thư còn được gọi là Lân Kinh, là cuốn sách về lịch sử Trung Hoa cổ đại. Thế nhưng, liệu ai có thể ngờ được rằng, nguyên mẫu của Kỳ Lân, con vật đứng đầu trong Tứ linh, lại là con Tê giác, một loài vật chỉ gặp ở xứ nhiệt đới phương Nam.
Trong Kinh Thi phần Chu Nam có bài thơ Quyển nhĩ như sau:
“Trèo lên trái núi
Ngựa ta mệt rồi
Bình ta rót rượu hủy quang
Để mà tránh khỏi đau thương lâu dài.”
Bà Chu hậu nhớ chồng đi xa, lên núi cao, uống rượu trong một chiếc “hủy quang” để mong quên đi nỗi nhớ thương.
Hủy quang là một loại đồ vật bằng đồng, mô phỏng hình dáng con Tê giác, dùng để đựng rượu, thịnh hành ở thời Tây Chu. Một chiếc Hủy quang bằng đồng xanh của thời kỳ này được thấy ở Lào.
Chiếc quang đựng rượu hình Tê giác thời Tây Chu.
Chiếc quang hình con Tê giác này có phần đầu rất lớn, một sừng to, cong, vươn ra phía trước. Sừng khác nhỏ hơn ở trên trán. Tai Tê giác nhọn. Phần sau của nắp quang là hình mặt lợn, mõm rộng, tai cong. Con mắt của chú Tê giác này to tròn, rất sống động. Phần thân chiếc quang Tê giác được trang trí bằng những hoa văn nổi. Dài theo thân quang ở mỗi bên là hình một con chim lớn, cách điệu, mỏ tù, đuôi dài, mào cong như con chim phượng trên chiếc quang chim thú ở trên. Phần ngực Tê giác hai bên có hình con quỳ long nhỏ, có sừng, đang há miệng, quay đầu về phía con chim phượng.
Tê giác vốn là một loài thú lớn, chỉ sống ở vùng nhiệt đới nóng ẩm. Vậy mà hình tượng Tê giác đã đi vào trong kinh sách và hiện vật văn hóa Trung Hoa hàng ngàn năm trước. Suy xét sâu hơn nữa thì Tê giác còn hiện hữu trong văn hóa phương Đông ở trong bộ linh vật là Tứ linh.
Sách Lễ ký của Khổng Tử, tài liệu sớm nhất nói về Tứ linh, cho một trật tự 4 con vật này như sau: “Lân, Phụng, Quy, Long”. Theo đó, con Lân hay Kỳ Lân là loài linh vật đứng đầu Tứ linh.
Khái niệm Tứ linh liên quan trực tiếp đến học thuyết Ngũ hành trong văn hóa phương Đông. Bảng kê đầy đủ về Ngũ hành được tóm tắt thấy trong sách Lã Thị Xuân Thu của Lã Bất Vi đời Tần như sau:
– Mộc đức: mùa Xuân, phương Đông, màu xanh. Động vật tiêu biểu là loài có vảy, tức là chỉ con Rồng (Long)
– Hỏa đức: mùa Hè, phương Nam, màu đỏ. Động vật tiêu biểu là loài chim có lông vũ, chỉ chim Phượng hoàng (Phụng).
– Kim đức: mùa Thu, phương Tây, màu trắng. Động vật tiêu biểu là loài thú có lông mao, tức là chỉ Kỳ lân (Ly).
– Thủy đức: mùa Đông, phương Bắc, màu đen. Động vật tiêu biểu là loài giáp giới, chỉ con Rùa (Quy).
Theo bản kê trên, Lân là con thần thú đứng đầu các loài có lông mao và là biểu tượng của hướng Tây. Điều này trùng khớp với tên của loài Tê giác vì bản thân chữ Tê còn có âm đọc là Tây.
Một câu hỏi là trong Tứ linh tên gọi đúng là con Ly hay là con Lân? Phép phiên thiết Hán Nôm giúp giải đáp câu hỏi này. Kỳ lân đọc phản thiết là Ly. Tức là “Kỳ lân” là từ ghi âm của chữ Ly. Gọi là Lân hay Ly đều là về một con vật, một hình tượng.
Bàn về nguyên mẫu và ý nghĩa của con Lân có thể xem bài phong dao Lân chi chỉ (Chân con Lân) trong Kinh Thi (phần Chu Nam):
“Kìa là chân của Kỳ lân. Con Văn Vương cũng hậu nhân rõ là. Ôi, như Kỳ lân thật mà!
Kìa là trán của Kỳ lân. Cháu Văn Vương cũng hậu nhân vô cùng. Ôi, như Kỳ lân, một lòng!
Kìa là sừng của Kỳ lân. Họ Văn Vương cũng hậu nhân xiết nào. Ôi, như Kỳ lân làm sao!”
Về con Lân trong bài thơ này tác giả Chu Hy (thế kỷ 12 thời Nam Tống) đã chú giải như sau: “Lân, loại thú mình giống con chương, đuôi bò, móng ngựa, thú đứng đầu trong các loài có lông… Chân con Lân không đạp lên cỏ tươi, không dẫm lên côn trùng còn sống.”
Ngày nay cả ở Việt Nam và Trung Quốc đều thể hiện Kỳ lân ở dạng loài động vật bốn chân móng guốc, đầu rồng, thân có vảy. Nhưng như vậy hóa ra Kỳ lân là con Long mã (đầu rồng chân ngựa). Điều này hoàn toàn không phù hợp vì trong bộ Tứ linh đã có riêng con rồng (Long) là loài có vảy. Ở vị trí con Lân phải là loài có lông mao.
Bài Lân chi chỉ trong Kinh Thi ca ngợi dòng dõi Chu Văn Vương, có lòng nhân hậu, có thánh đức như con Lân không dẫm lên côn trùng, không ăn sinh vật… Con Lân hay con Ly là con thần thú biểu tượng của nhà Chu, cho lòng nhân đức của Văn Vương, người khởi dựng nhà Chu trong lịch sử.
Tượng Kỳ lân trong dòng gốm Cây Mai Nam Bộ.
Ở miền Nam Việt Nam trước đây có dòng gốm Cây Mai cũng thường tạo hình Kỳ lân dưới dạng con thú có râu dài, có một sừng và có hai bông hoa lớn, ý chỉ là loài không ăn thịt, cũng là có nghĩa ca ngợi tính nhân hậu của Kỳ lân. Con vật có lông mao, hình dáng như con hươu lớn, có móng guốc như ngựa, đuôi như đuôi bò, ăn hoa lá, có một sừng, lại biểu tượng cho hướng Tây thì chắc chắn phải là con Tê giác.
Trong cuốn Hoa văn Việt Nam, tác giả Nguyễn Du Chi có bàn như sau: Ở Việt Nam hình tượng Kỳ lân cũng được du nhập vào rất sớm. Từ thời Lý đã được chú ý đến loại đề tài này. Tuy nhiên, đọc sách vở thấy Kỳ lân có nhiều nét giống Tê giác, nên năm 1057 triều đình nhà Lý đã mang hai con này qua Quảng Châu định cống vua Tống và nói là Kỳ lân. Vì người Trung Quốc tin rằng chỉ có thánh nhân ra đời mới có Kỳ lân xuất hiện nên các quan nhà Tống đã cãi nhau sôi nổi về việc con vật được cống nạp này. Sách Tục tư trị thông giám trường hiện của Lý Đảo đời Tống còn chép rõ hình dáng con vật: “Hình như trâu, mình có da dày từng mảnh như giáp, đầu mũi có sừng, hay ăn cỏ, quả, dưa, cho ăn phải lấy gậy đanh nó mới ăn”.
Có thể nhận ra rằng vì các loài Tê giác chỉ có ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới nên những người phương Bắc (Trung Quốc) không biết nguyên mẫu con Lân là con Tê giác. Do đó đã biến con Lân trong văn hóa Trung Hoa thành một con vật hoàn toàn tưởng tượng (Long mã), không phù hợp với những mô tả về Kỳ lân trong thư tịch cổ.
Tượng Tê giác thời Lý ở chùa Phật Tích, Bắc Ninh.
Tê giác là loài vật vốn rất được tôn trọng ở nước ta không chỉ bởi sừng Tê là vật quý. Với ý nghĩa cát tường, hình Kỳ lân – Tê giác một sừng đã được vẽ màu trên những chiếc đĩa gốm Chu Đậu nổi tiếng khắp thế giới. Tê giác cũng bắt gặp trong những cặp tượng linh thú thời Lý đặt trước sân chùa Phật Tích ở Bắc Ninh, hay chầu bên lăng mộ các vua Lê ở Lam Kinh, Thanh Hóa.
Tê giác trong văn hóa phương Đông là tượng trưng cho sức mạnh tinh thần, trí tuệ và văn hóa. Vua Minh Mạng khi lên ngôi, cho đúc Cửu đỉnh đặt ở Thái miếu tại Hoàng thành Huế, cũng đã cho khắc hình con Tê lên Chương đỉnh, như một biểu tượng của văn chương.
Con Tê giác cuối cùng ở Đông Dương đã tuyệt chủng năm 2010 tại Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai), nhưng hình tượng Tê giác – Kỳ lân sẽ không thể mất trong văn hóa Việt vì nó đã hóa thành loài vật linh thiêng bất diệt trong Tứ linh, biểu tượng cho một nền văn minh sớm, đầy rực rỡ của người Việt.
Hình con Tê trên Chương đỉnh ở Huế.
Với việc phục hồi nguyên mẫu của Kỳ lân là loài Tê giác, linh vật của hướng Tây, thì định vị của Trung Nguyên thời kỳ nhà Chu chắc chắn phải dời xa hơn về phương Nam, nơi có loài thú này sinh sống. Bởi Trung Nguyên có nghĩa là chỗ giữa của thiên hạ bốn phương. Thần thú Kỳ lân nay đã hiện nguyên hình là con Tê giác thì lịch sử phương Đông cổ đại, gắn liền với sự khởi lập thiên hạ của nhà Chu, với triết lý Âm dương Ngũ hành, với biểu tượng Tứ tượng Tứ linh… rồi cũng sẽ trở nên sáng tỏ, trở về bản căn vốn có của sự thật lịch sử.
MINH THI
(Báo Lao động cuối tuần số 35 từ 28.8 đến 30.8.2020. Trang 4-5.)
Kỳ lân là biểu tượng của văn hóa và lịch sử cổ truyền ở Việt Nam cũng như Trung Quốc. Tương truyền, khi Khổng Tử sinh ra ở nước Lỗ thì thấy Kỳ lân xuất hiện, báo hiệu thánh nhân ra đời. Khổng Tử chép Kinh Thư từ thời thượng cổ đến khi Lỗ Ai Công săn được Kỳ lân thì dừng lại. Vì thế Kinh Thư còn được gọi là Lân Kinh, là cuốn sách về lịch sử Trung Hoa cổ đại. Thế nhưng, liệu ai có thể ngờ được rằng, nguyên mẫu của Kỳ Lân, con vật đứng đầu trong Tứ linh, lại là con Tê giác, một loài vật chỉ gặp ở xứ nhiệt đới phương Nam.
Trong Kinh Thi phần Chu Nam có bài thơ Quyển nhĩ như sau:
“Trèo lên trái núi
Ngựa ta mệt rồi
Bình ta rót rượu hủy quang
Để mà tránh khỏi đau thương lâu dài.”
Bà Chu hậu nhớ chồng đi xa, lên núi cao, uống rượu trong một chiếc “hủy quang” để mong quên đi nỗi nhớ thương.
Hủy quang là một loại đồ vật bằng đồng, mô phỏng hình dáng con Tê giác, dùng để đựng rượu, thịnh hành ở thời Tây Chu. Một chiếc Hủy quang bằng đồng xanh của thời kỳ này được thấy ở Lào.
Chiếc quang đựng rượu hình Tê giác thời Tây Chu.
Chiếc quang hình con Tê giác này có phần đầu rất lớn, một sừng to, cong, vươn ra phía trước. Sừng khác nhỏ hơn ở trên trán. Tai Tê giác nhọn. Phần sau của nắp quang là hình mặt lợn, mõm rộng, tai cong. Con mắt của chú Tê giác này to tròn, rất sống động. Phần thân chiếc quang Tê giác được trang trí bằng những hoa văn nổi. Dài theo thân quang ở mỗi bên là hình một con chim lớn, cách điệu, mỏ tù, đuôi dài, mào cong như con chim phượng trên chiếc quang chim thú ở trên. Phần ngực Tê giác hai bên có hình con quỳ long nhỏ, có sừng, đang há miệng, quay đầu về phía con chim phượng.
Tê giác vốn là một loài thú lớn, chỉ sống ở vùng nhiệt đới nóng ẩm. Vậy mà hình tượng Tê giác đã đi vào trong kinh sách và hiện vật văn hóa Trung Hoa hàng ngàn năm trước. Suy xét sâu hơn nữa thì Tê giác còn hiện hữu trong văn hóa phương Đông ở trong bộ linh vật là Tứ linh.
Sách Lễ ký của Khổng Tử, tài liệu sớm nhất nói về Tứ linh, cho một trật tự 4 con vật này như sau: “Lân, Phụng, Quy, Long”. Theo đó, con Lân hay Kỳ Lân là loài linh vật đứng đầu Tứ linh.
Khái niệm Tứ linh liên quan trực tiếp đến học thuyết Ngũ hành trong văn hóa phương Đông. Bảng kê đầy đủ về Ngũ hành được tóm tắt thấy trong sách Lã Thị Xuân Thu của Lã Bất Vi đời Tần như sau:
– Mộc đức: mùa Xuân, phương Đông, màu xanh. Động vật tiêu biểu là loài có vảy, tức là chỉ con Rồng (Long)
– Hỏa đức: mùa Hè, phương Nam, màu đỏ. Động vật tiêu biểu là loài chim có lông vũ, chỉ chim Phượng hoàng (Phụng).
– Kim đức: mùa Thu, phương Tây, màu trắng. Động vật tiêu biểu là loài thú có lông mao, tức là chỉ Kỳ lân (Ly).
– Thủy đức: mùa Đông, phương Bắc, màu đen. Động vật tiêu biểu là loài giáp giới, chỉ con Rùa (Quy).
Theo bản kê trên, Lân là con thần thú đứng đầu các loài có lông mao và là biểu tượng của hướng Tây. Điều này trùng khớp với tên của loài Tê giác vì bản thân chữ Tê còn có âm đọc là Tây.
Một câu hỏi là trong Tứ linh tên gọi đúng là con Ly hay là con Lân? Phép phiên thiết Hán Nôm giúp giải đáp câu hỏi này. Kỳ lân đọc phản thiết là Ly. Tức là “Kỳ lân” là từ ghi âm của chữ Ly. Gọi là Lân hay Ly đều là về một con vật, một hình tượng.
Bàn về nguyên mẫu và ý nghĩa của con Lân có thể xem bài phong dao Lân chi chỉ (Chân con Lân) trong Kinh Thi (phần Chu Nam):
“Kìa là chân của Kỳ lân. Con Văn Vương cũng hậu nhân rõ là. Ôi, như Kỳ lân thật mà!
Kìa là trán của Kỳ lân. Cháu Văn Vương cũng hậu nhân vô cùng. Ôi, như Kỳ lân, một lòng!
Kìa là sừng của Kỳ lân. Họ Văn Vương cũng hậu nhân xiết nào. Ôi, như Kỳ lân làm sao!”
Về con Lân trong bài thơ này tác giả Chu Hy (thế kỷ 12 thời Nam Tống) đã chú giải như sau: “Lân, loại thú mình giống con chương, đuôi bò, móng ngựa, thú đứng đầu trong các loài có lông… Chân con Lân không đạp lên cỏ tươi, không dẫm lên côn trùng còn sống.”
Ngày nay cả ở Việt Nam và Trung Quốc đều thể hiện Kỳ lân ở dạng loài động vật bốn chân móng guốc, đầu rồng, thân có vảy. Nhưng như vậy hóa ra Kỳ lân là con Long mã (đầu rồng chân ngựa). Điều này hoàn toàn không phù hợp vì trong bộ Tứ linh đã có riêng con rồng (Long) là loài có vảy. Ở vị trí con Lân phải là loài có lông mao.
Bài Lân chi chỉ trong Kinh Thi ca ngợi dòng dõi Chu Văn Vương, có lòng nhân hậu, có thánh đức như con Lân không dẫm lên côn trùng, không ăn sinh vật… Con Lân hay con Ly là con thần thú biểu tượng của nhà Chu, cho lòng nhân đức của Văn Vương, người khởi dựng nhà Chu trong lịch sử.
Tượng Kỳ lân trong dòng gốm Cây Mai Nam Bộ.
Ở miền Nam Việt Nam trước đây có dòng gốm Cây Mai cũng thường tạo hình Kỳ lân dưới dạng con thú có râu dài, có một sừng và có hai bông hoa lớn, ý chỉ là loài không ăn thịt, cũng là có nghĩa ca ngợi tính nhân hậu của Kỳ lân. Con vật có lông mao, hình dáng như con hươu lớn, có móng guốc như ngựa, đuôi như đuôi bò, ăn hoa lá, có một sừng, lại biểu tượng cho hướng Tây thì chắc chắn phải là con Tê giác.
Trong cuốn Hoa văn Việt Nam, tác giả Nguyễn Du Chi có bàn như sau: Ở Việt Nam hình tượng Kỳ lân cũng được du nhập vào rất sớm. Từ thời Lý đã được chú ý đến loại đề tài này. Tuy nhiên, đọc sách vở thấy Kỳ lân có nhiều nét giống Tê giác, nên năm 1057 triều đình nhà Lý đã mang hai con này qua Quảng Châu định cống vua Tống và nói là Kỳ lân. Vì người Trung Quốc tin rằng chỉ có thánh nhân ra đời mới có Kỳ lân xuất hiện nên các quan nhà Tống đã cãi nhau sôi nổi về việc con vật được cống nạp này. Sách Tục tư trị thông giám trường hiện của Lý Đảo đời Tống còn chép rõ hình dáng con vật: “Hình như trâu, mình có da dày từng mảnh như giáp, đầu mũi có sừng, hay ăn cỏ, quả, dưa, cho ăn phải lấy gậy đanh nó mới ăn”.
Có thể nhận ra rằng vì các loài Tê giác chỉ có ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới nên những người phương Bắc (Trung Quốc) không biết nguyên mẫu con Lân là con Tê giác. Do đó đã biến con Lân trong văn hóa Trung Hoa thành một con vật hoàn toàn tưởng tượng (Long mã), không phù hợp với những mô tả về Kỳ lân trong thư tịch cổ.
Tượng Tê giác thời Lý ở chùa Phật Tích, Bắc Ninh.
Tê giác là loài vật vốn rất được tôn trọng ở nước ta không chỉ bởi sừng Tê là vật quý. Với ý nghĩa cát tường, hình Kỳ lân – Tê giác một sừng đã được vẽ màu trên những chiếc đĩa gốm Chu Đậu nổi tiếng khắp thế giới. Tê giác cũng bắt gặp trong những cặp tượng linh thú thời Lý đặt trước sân chùa Phật Tích ở Bắc Ninh, hay chầu bên lăng mộ các vua Lê ở Lam Kinh, Thanh Hóa.
Tê giác trong văn hóa phương Đông là tượng trưng cho sức mạnh tinh thần, trí tuệ và văn hóa. Vua Minh Mạng khi lên ngôi, cho đúc Cửu đỉnh đặt ở Thái miếu tại Hoàng thành Huế, cũng đã cho khắc hình con Tê lên Chương đỉnh, như một biểu tượng của văn chương.
Con Tê giác cuối cùng ở Đông Dương đã tuyệt chủng năm 2010 tại Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai), nhưng hình tượng Tê giác – Kỳ lân sẽ không thể mất trong văn hóa Việt vì nó đã hóa thành loài vật linh thiêng bất diệt trong Tứ linh, biểu tượng cho một nền văn minh sớm, đầy rực rỡ của người Việt.
Hình con Tê trên Chương đỉnh ở Huế.
Với việc phục hồi nguyên mẫu của Kỳ lân là loài Tê giác, linh vật của hướng Tây, thì định vị của Trung Nguyên thời kỳ nhà Chu chắc chắn phải dời xa hơn về phương Nam, nơi có loài thú này sinh sống. Bởi Trung Nguyên có nghĩa là chỗ giữa của thiên hạ bốn phương. Thần thú Kỳ lân nay đã hiện nguyên hình là con Tê giác thì lịch sử phương Đông cổ đại, gắn liền với sự khởi lập thiên hạ của nhà Chu, với triết lý Âm dương Ngũ hành, với biểu tượng Tứ tượng Tứ linh… rồi cũng sẽ trở nên sáng tỏ, trở về bản căn vốn có của sự thật lịch sử.
MINH THI
(Báo Lao động cuối tuần số 35 từ 28.8 đến 30.8.2020. Trang 4-5.)