Dòng HÙNG VIỆT

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Trang chuyên khảo về lịch sử và văn minh Hùng Việt

Trang chủ


Gallery


Việt Nam thời lập quốc từ truyền thuyết đến lịch sử . phần 1   Empty

November 2024

MonTueWedThuFriSatSun
    123
45678910
11121314151617
18192021222324
252627282930 

Calendar Calendar

Khách thăm



Việt Nam thời lập quốc từ truyền thuyết đến lịch sử . phần 1   Flags_1



    Việt Nam thời lập quốc từ truyền thuyết đến lịch sử . phần 1

    Admin
    Admin
    Admin


    Tổng số bài gửi : 1197
    Join date : 31/01/2008

    Việt Nam thời lập quốc từ truyền thuyết đến lịch sử . phần 1   Empty Việt Nam thời lập quốc từ truyền thuyết đến lịch sử . phần 1

    Bài gửi by Admin 7/8/2012, 2:44 pm

    Việt Nam thời lập quốc từ truyền thuyết đến lịch sử . phần 1

    Phạm Trần Anh
    Nguồn
    http://www.khoahoc.net


    Truyền thuyết là những truyền kỳ lịch sử dân gian từ đời này sang đời khác “Bức thông điệp” của người xưa về cội nguồn dân tộc. Đó chính là những ý nghĩ cao sâu phản ảnh một thực thể văn hoá xã hội, ẩn hiện trong truyền thuyết được thần thoại hóa nên thoạt nghe nó đượm vẻ huyền hoặc hoang đường. Hầu như tất cả các dân tộc đều có truyền thuyết về thời kỳ mở đầu dựng nước phản ánh tư duy của con người thời cổ đại. Tự thuở hồng hoang, buổi ban sơ của nhân loại, con người nhỏ bé yếu ớt trước một thiên nhiên đầy sức mạnh huyền bí nên bị khuất phục để từ đó dẫn đến những hình thức tôn giáo nguyên thủy. Người cổ xưa cố gắng giải thích các hiện tượng tự nhiên trong trời đất, từ ý niệm đực cái trong cuộc sống dẫn tới hình tượng cha trời mẹ đất, đến ý niệm đất nước, núi sông … Con người thời cổ đại với tín ngưỡng đa thần, họ tôn thờ từ thần mưa, thần nắng đến thần gió, thần sấm chớp, thần núi, thần sông… Chính vì vậy, mỗi bộ tộc đều chọn một vị thần riêng xem như vật tổ linh thiêng để che chở cho bộ tộc trong cuộc đấu tranh sống còn với thiên nhiên và với các bộ tộc khác. Những vật tổ biểu trưng này được thần thánh hoá nên truyền thuyết mang tính thần thoại vì thế phần lớn sự kiện được hư cấu thay thế cho những yếu tố lịch sử, yếu tố địa lý nơi cư trú đôi khi cũng được thay đổi để thêm phần huyền hoặc nữa.

    Việt Nam được mệnh danh là xứ sở của huyền thoại đầy tính hiện thực, Việt Nam cũng là nơi mà cuộc sống hiện thực đầy tính huyền thoại đến nỗi người ngoại quốc không thể phân biệt đâu là huyền thoại đâu là hiện thực nữa. Thật vậy, đôi khi trong chúng ta một số người Việt Nam đọc truyện cổ tích Họ Hồng Bàng với huyền thoại Tiên Rồng còn cho là huyền hoặc hoang đường thì làm sao một người ngoại quốc lại có thể hiểu nổi truyền thuyết đầy tính hiện thực sinh động của Việt tộc cho được. Lịch sử tiến hoá của loài người cho biết ngôn ngữ bao giờ cũng có trước văn tự. Trước khi loài người biết dùng chữ viết để ghi chép lưu lại cho đời sau những sự kiện lịch sử thì người xưa đã lưu truyền trong dân gian những truyền thuyết thần thoại dưới dạng những câu truyện cổ tích. Những truyền thuyết này phản ánh trung thực những sự kiện nhất định trong tiến trình lịch sử của một dân tộc. Thế nên, việc tìm hiểu cội nguồn dân tộc thuở xa xưa là một điều hết sức cần thiết. Ngày nay tri thức loài người đã thoát khỏi cái vòng vây của lý trí, của tinh thần cưc đoan duy lý một thời để thực sự chứng nghiệm chân lý. Bằng phương pháp nghiên cứu với tinh thần khoa học nhưng không quên yếu tố nhân bản của đời sống tâm linh, chúng ta tìm về quá khứ để lý giải những tinh tuý mà người xưa đã để lại, ẩn tàng dưới lớp vỏ thần thoại huyền hoặc. Những lý giải này phải được kiểm chứng bởi nguồn sử liệu minh văn trong các thư tịch cổ. Đồng thời chúng ta phải dùng kết quả của các công trình nghiên cứu khoa học của khoa Tiền sử học, Nhân chủng học, Khảo cổ và Ngôn ngữ học nhất là phương pháp phân tích cấu trúc phân tử di truyền DNA để kiểm chứng lại một lần nữa để từ đó, chúng ta có quyền khẳng định sự thật lịch sử, phục hồi chân lý khách quan của lịch sử. Thực tế cuộc sống đã cho chúng ta cái nhìn trung thực hơn khi mà nhân loại chứng kiến những sự thực lịch sử bị bóp méo, xuyên tạc bởi các nhà viết sử mà thực chất là văn nô của một chế độ, thì giá trị trung thực của truyền thuyết được trân trọng hơn bao giờ hết. Truyền thuyết chính là những trang chiếu giải trung thực được trọn vẹn ý nghĩa của nó, lý giải sáng tỏ những ẩn ý hàm tàng trong truyền thuyết mà người xưa đã gửi gấm cho thế hệ chúng ta tìm về nguồn cội dân tộc nói riêng và tiến hoá của nhân loại nói chung. Đó là yêu cầu cấp thiết của tất cả chúng ta, những người con của một dân tộc tự hào là “Con Rồng cháu Tiên” với gần 5.000 năm văn hiến chi bang.

    Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, Trần Thế Pháp đời Trần đã chép lại những truyết thuyết dân gian vào bộ sách “LĨNH NAM TRÍCH QUÁI”, Lý Tế Xuyên viết “VIỆT ĐIỆN U LINH” để truyền lưu nguồn gốc giống dòng Việt Nam cho đời sau. Trần Thế Pháp tác giả Lĩnh Nam Trích Quái viết “ Từ thời Xuân Thu chiến quốc chưa có quốc sử để ghi chép cho nên nhiều truyện bị mất đi, may còn truyện nào không bị thất lạc được dân gian truyền miệng thì đó là SỬ ở trong truyện chăng? ”.

    Vũ Quỳnh (1452 – 1516 ) Hoàng Giáp Thượng thư trong lời tựa bản hiệu đính sách Lĩnh Nam Trích quái đã viết :“ Mọi chuyện ở đây tuy có vẻ kỳ lạ nhưng không hão huyền, thần kỳ nhưng không yêu ma, hoang đường nhưng không quái đản... Dấu xưa còn đó, tất cả chỉ cốt theo khuyên điều thiện ngăn cấm điều ác, bỏ lòng dối trá mà dưỡng tâm chân thực”. Lý Tế Xuyên khi viết “Việt Điện U Linh ” cũng ấp ủ hoài bão bảo lưu truyền thuyết về nguồn cội dân tộc nên ông cho rằng: “Xem truyện họ HỒNG BÀNG thì hiểu lai do việc khai sáng nước HOÀNG VIỆT. Trời đã sai chim huyền điểu giáng thế sinh ra vua Thương thì hẳn có việc trăm trứng nở thành trăm con trai chia trị Nam quốc Truyện họ Hồng Bàng không thể mất được …”.

    Mãi đến đời Lê, sử gia Ngô Sĩ Liên mới chính thức đưa thời đại Hùng Vương vào Đại Việt Sử Ký Toàn thư. Quan niệm của ông khi viết sử là để “Xét rõ nguồn gốc xưa nay của trị loạn để bạo biếm khen chê răn đời…”. Ngô Sĩ Liên tuy mới chép thời đại Hùng Vương trong phần ngoại kỷ chứ chưa chính thức ghi vào chính sử cốt ý để cho thế hệ đời sau soi sáng cội nguồn qua các công trình nghiên cứu để minh nhiên lý giải cội nguồn dân tộc. Sử gia Ngô Sĩ Liên viết “Nước ĐẠI VIỆT ta ở về phía Nam Ngũ Lĩnh, thế là Trời đã chia bờ cõi Nam Bắc hẳn hòi. Thủy tổ của ta là con cháu Thần Nông. Trời đã sinh ra vị chân chúa vì thế mới cùng Bắc triều đều làm chúa Tể một phương … KINH DƯƠNG VƯƠNG là vị vua đầu tiên của nước Đại Việt ta cùng thời với Đế Nghi ở phương Bắc lên ngôi năm Nhâm Tuất 2879 TDL”.

    Đại Việt Sử ký Toàn thư chép về họ Hồng Bàng như sau : “: Xưa cháu ba đời của Viêm Đế họ Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi, Rồi sau Đế Minh đi tuần phương Nam, đến dãy Ngũ Lĩnh gặp Vụ Tiên nữ sinh ra Vương (Lộc Tục). Vương là bậc Thánh trí thông minh. Đế Minh yêu quí lạ, muốn cho nối ngôi. Vương cố nhường cho anh mình, không dám vâng mệnh. Đế Minh vì thế lập Đế Nghi là con trưởng nối dòng trị phương Bắc. Lại phong cho vua là Kinh Dương Vương, trị phương Nam , đặt tên nước là Xích Quỉ. Vương lấy con gái Chúa Động Đình tên là Thần Long, sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân huý là Sùng Lãm, nhà vua lấy con gái của Đế Lai là nàng Au Cơ, sinh ra trăm trai. Tục truyền là sinh ra trăm trứng), ấy là Tổ của Bách Việt (Trăm giống Việt). Một hôm vua bảo Au Cơ rằng : “ Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thuỷ hoả khắc nhau, sum hợp thật khó”. Bèn cùng nàng từ biệt nhau, chia năm chục con theo mẹ về núi, năm chục con theo cha về miền Nam . Có sách chép là về biển Nam . Phong người con cả là Hùng Vương nối ngôi vua”.

    I . TRUYỀN THUYẾT KHỞI NGUYÊN VIỆT TỘC
    Lĩnh Nam Trích Quái chép về huyền thoại Rồng Tiên khởi nguyên của dân tộc ta như sau:

    “ Cháu ba đời của VIÊM ĐẾ THẦN NÔNG là ĐẾ MINH, Đế Minh sinh ra Đế Nghi rồi đi tuần du phương Nam tới miền Ngũ Lĩnh gặp bà VỤ TIÊN đem lòng yêu thích, lấy về sinh ra LỘC TỤC. Lộc Tục dung mạo đoan chính, sớm tỏ ra thông minh lanh lợi hơn người. Đế Minh thấy thế làm lạ cho nối ngôi vua nhưng Lộc tục từ chối nhường ngôi cho anh là Đế Nghi, không dám vâng mệnh. Đế minh thấy vậy bèn lập Đế Nghi thay mình cai trị đất Bắc và phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam.(1)Lộc Tục lên ngôi lấy hiệu là KINH DƯƠNG VƯƠNG, đặt tên nước là XICH QUI. Bờ cõi nước Nam ta lúc bấy giờ, Bắc giáp hồ Động Đình tỉnh Hồ Nam (TQ) bây giờ, phía Nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành), phía Đông giáp bể Nam Hải, phía Tây tới Ba Thục Tứ Xuyên. Kinh Dương Vương có tài bơi lặn xuống thủy phủ lấy con gái Vua hồ Động Đình là LONG NỮ sinh ra SÙNG LÃM chính là LẠC LONG QUÂN sau thay vua cha trị nước, còn Kinh Dương Vương không biết đi đâu ..

    Đế Nghi ở phương Bắc truyền ngôi cho con là Đế Lai. Nhân khi trong nước vô sự, nhớ tới chuyện ông mình là Đế Minh đi tuần thú phương Nam gặp được tiên nữ. Đế Lai bèn bảo bề tôi thay mình giữ nước rồi đi tuần du nước Xích Qui ở phương Nam . Đến nơi, Đế Lai thấy Lạc Long Quân đã về thủy phủ trong nước vô chủ bèn để cho ái nữ ÂU CƠ và những kẻ hầu hạ ở lại nơi hành tại còn mình đi dạo chơi trong thiên hạ, xem các nơi hình thắng, thấy những kỳ hoa dị thảo, trân cầm dị thú như Tê Tượng, Đồi mồi, vàng bạc châu báu, tiêu quế nhũ hương, trầm đàn các vị cùng sơn hào hải vật không thiếu thứ nào. Phương Nam bốn mùa khí hậu không lạnh không nóng. Đế Lai đem lòng yêu thích quên cả chuyện về. Nhân dân nước Nam khổ vì cảnh phiền nhiễu, không được sống yên lành như xưa nên cùng nhau cất tiếng gọi : “ Bố ơi bố ở nơi nào hãy mau về cứu chúng con !”. Long Quân thoắt nhiên trở về thấy Au Cơ dung mạo tuyệt mỹ đang ở một mình, Long Quân lấy làm yêu thích bèn hoá thành một chàng trai hình dáng xinh đẹp, tả hữu trước sau có kẻ hầu người hạ, tiếng ca tiếng nhạc vang lừng đến tận nơi hành tại. Âu Cơ trông thấy Long Quân lòng cũng xiêu xiêu .. Long Quân đón về ở động Long Trang. Khi Đế Lai trở về không thấy Âu Cơ bèn sai quần thần đi tìm khắp thiên hạ, Long Quân có phép thần thông, biến hoá ra trăm hình ngàn vẻ, nào yêu tinh quỷ ma, nào rồng rắn hổ voi làm cho kẻ đi tìm sợ hãi không dám lục lạo nữa. Đế Lai truyền ngôi cho Đế Du Võng. Du Võng đánh nhau với Hoàng Đế ở Phản Tuyền không thắng được mà chết. Họ Thần Nông phương Bắc đến đây là hết.

    Lạc Long Quân và Âu Cơ sống với nhau chừng một năm thì sinh được một cái bọc cho là điềm không lành nên đem bỏ ở ngoài đồng. Qua 7 ngày, cái bọc nở ra một trăm trứng, mỗi trứng là một người con trai, Long Quân liền đón về nuôi không cần bú mớm. Ai trông thấy cũng đều kính phục cho là đám anh em phi thường. Long Quân ở mãi nơi thủy phủ, làm cho mẹ con Âu Cơ phải sống lẻ loi muốn đi về đất Bắc, khi tới biên giới Hoàng Đế nghe tin lấy làm lo sợ chia quân ngăn giữ cửa ải. Mẹ con Âu Cơ không về đất Bắc được nên đêm ngày kêu gọi Long Quân rằng: “ Bố ơi, bố ở nơi nào làm cho mẹ con tôi phải buồn đau”. Long Quân nghe thấy trở về gặp Âu Cơ ở Tương Dã. Au Cơ vừa khóc vừa nói rằng:“Thiếp nguyên là người đất Bắc cùng chàng ăn ở với nhau, sinh được trăm đứa con trai, không biết dựa vào đâu mà nuôi nấng. Vậy xin theo chàng, xin chàng đừng ruồng bỏ làm cho mẹ con tôi là kẻ không chồng, không cha, chỉ riêng mình đau khổ mà thôi ”. Long Quân buồn rầu nói: “ Ta là giống Rồng đứng đầu thủy phủ, nàng là giống TIÊN người ở trên đất vốn không đoàn tụ được với nhau. Tuy khí ÂM DƯƠNG hợp lại mà sinh con nhưng giống dòng tương khắc như nước với lửa, khó bề ở với nhau dài lâu được. Nay phải chia ly, ta mang 50 con trai về Thủy phủ chia trị các nơi, còn 50 con theo nàng ở lại trên đất, có việc cùng gắn bó đừng bỏ rơi nhau…(2) Trăm người con trai cúi đầu lặng lẽ nghe lời Bố rồi cùng nhau từ biệt mà đi …”.

    Thoạt nghe có vẻ hoang đường huyền hoặc thế nhưng vấn đề là chúng ta phải đặt mình vào thuở ban sơ cách đây mấy ngàn năm, lúc đó chúng ta mới hiểu những gì mà Tổ tiên ta đã gởi gấm cho chúng ta qua bức thông điệp hơn sáu ngàn năm lịch sử đó. Làm sao có chuyện người đẻ ra trứng rồi trứng nở ra người? Thế nhưng, chi Âu của người Việt cổ chọn vật tổ biểu trưng là chim thì phải đẻ ra trứng thế thôi. Vả chăng, chiết tự chữ “Tiên” viết theo chữ Hán là“Người xuất hiện trên núi” (Nhân+sơn) gồm Người + núi = Tiên nghĩa là người ở miền núi hàm ý chỉ cư dân Au Việt sống trên miền cao. “ Tuỳ dương Việt Trĩ” con chim Phượng Hoàng của người Việt tung cánh bay bay lên trời gắn liền với hình tượng Tiên của mẹ Âu Cơ. Mặt khác chim bay theo hướng mặt trời, vừa diễn tả ý niệm người Việt thiên cư dần về hướng Đông Nam xuống miền sông nước như truyền thuyết kể Bố Lạc dẫn 50 con xuống “ Thuỷ phủ”. Bố Lạc ở miền sông nước nên được truyền thuyết hoá thành Rồng vì chỉ có Rồng mới ở miền sông nước, mới hút nước phun ra để cho Việt tộc là cư dân nông nghiệp làm mùa màng thuận lợi,

    Mỗi dân tộc đều có những truyền thuyết độc đáo mang sắc thái đặc thù biểu trưng riêng của dân tộc đó, vì thế ngay cả những dân tộc mà ngày nay được xem là văn minh cũng đều có một con vật tổ biểu trưng cho dòng giống như Ấn Độ là voi, Tàu là con cọp, Pháp là con gà trống, Anh là con sư tư , Mỹ là con chim đại bàng và Pháp lấy con gà làm quốc huy cho cả nước.

    Theo cơ cấu luận thì Sử ký là sử hàng ngang ghi chép các biến cố, các sự kiện cụ thể với những con người cự thể theo năm tháng còn Huyền sử được gọi là sử hàng dọc mang tính tâm linh xoay quanh những tác động lý tưởng biểu thị bằng những sơ nguyên tượng giàu phổ biến tính. Thật vậy, tiếp đầu ngữ syn có nghĩa là cùng với, synchronic là cùng với mọi lúc mọi nơi. Cái biểu tượng uyên nguyên đó có thật như một lý tưởng nhưng chưa hiện thực được. Đó là những nguyên lý được kết tinh và tiềm ẩn trong đời sống tâm linh của một dân tộc như trong huyền sử RỒNG TIÊN thì Au Cơ chỉ là hình tượng nguyên sơ. Việc mẹ Au Cơ chỉ là một cái bọc không chỉ nói về cái bọc mà nó biểu tượng cho ý niệm công thể, ý nghĩa của hai chữ “ĐỒNG BÀO”cùng chung một bào thai của mẹ Âu Cơ. Cũng thế trăm con không nhất thiết phải là một trăm mà hàm ý là số nhiều và quan trọng nhất là thư tịch cổ Trung Hoa chép về cộng đồng Bách việt đã chứng minh sự thật lịch sử của huyền thoại Rồng Tiên.

    Theo triết gia Kim Định thì huyền sử nói mà không nói, thật mà không hiện thực là thế đó. Ngày nay, không ai phủ nhận được giá trị của huyền thoại và truyền thuyết được coi như lịch sử dân gian mà đôi khi nó có giá trị trung thực hơn cái gọi là “chính sử” của các chế độ độc tài xưa và nay. Beaudclaire một thi sĩ nổi tiếng đã nhìn nhận sức mạnh của truyền thuyết huyền thoại vì đó là “Sử cô đọng cuộc sống dân gian, ở đó đọng lại máu và nước mắt của các dân tộc”. Đại văn hào Pháp Victor Hugo khi viết “Truyền kỳ các thời đại” ông đã tìm về nguồn cội, khai thác các truyền thuyết thần thoại xa xưa vì theo ông, đó là “LỊCH SỬ được lắng nghe ở ngưỡng cửa của truyền thuyết. Truyền kỳ có phần nào hư cấu nhưng tuyệt đối không có ngụy tạo”. Thật vậy, truyền thuyết tự thân nó không phải là lịch sử biên niên nhưng truyền thuyết là có thật, nó phản ảnh những ý nghĩa có thật của một thời lịch sử ban sơ mà người xưa ký thác vào dưới lớp vỏ hư cấu huyền hoặc để truyền lưu gửi gấm cho những thế hệ sau. Một triết gia nói “Tất cả nền văn minh triết cũng như trí khôn loài người đều ẩn tàng trong các huyền thoại, truyền kỳ lịch sử dân gian”. Vấn đề là phải làm sao hiểu được những lý tưởng uyên nguyên, những tâm linh sâu thẳm hàm tàng ẩn chứa qua những hình tượng nguyên sơ trong đó “ Tất cả đã được nói rồi trong các thần thoại, vấn đề chúng ta là chỉ còn phải tìm hiểu” như P. Ricoeur đã viết (3). Nói theo JUNG, một triết gia thời đại thì “ Truyền thuyết huyền thoại hàm chứa những ý nghĩa lịch sử trung thực nhất vì nhân vật thần thoại là sản phẩm đúc kết biết bao suy tư của một thời đại tạo dựng độc sáng nhưng nó phải chờ thế hệ sau diễn đạt bằng ngôn từ minh nhiên lý giải…”

    Truyền thuyết RỒNG TIÊN khởi nguyên của dân tộc cho chúng ta biết cội nguồn giống dòng Việt tộc là hậu duệ của Thần Nông. Vấn đề đặt ra là tại sao tổ tiên chúng ta lại truyền ghi trong “Ngọc phả” là bắt đầu từ cháu ba đời của Thần Nông chứ không phải từ Đế Viêm Thần Nông? Làm sáng tỏ vấn nan này chính là để khẳng định Đế Viêm Thần Nông là thủy tổ của Việt tộc, khởi từ Đế Minh cháu đời thứ ba của Đế Viêm đồng thời minh xác Việt tộc chính là hậu duệ của Thần Nông, kế thừa truyền thuyết Âm Dương của phương Đông.

    Thư tịch cổ Trung Quốc thường mù mờ, sai lạc và bí hiểm nữa. Điều này cũng dễ hiểu vì sử liệu về thời cổ đại thì làm sao mà rõ ràng mạch lạc cho được, người viết sử cũng chỉ dựa trên những truyền kỳ dân gian mà ghi chép lại. Mặt khác, các sử quan “ Thiên triều Đại Hán” với chủ trương Đại nhất thống luôn tìm cách bóp méo, xuyên tạc thậm chí sửa đổi các sử liệu cho phù hợp với sử quan gọi là chính thống của họ, thì làm sao có thể nhất nhất tin vào cái gọi là chính sử của họ cho được.

    Mãi đến thế kỷ thứ III, các sử gia Trung Quốc mới nhất loạt nghiên cứu biên soạn tài liệu về cổ sử. Các nguồn Bàng sử và Dã sử như Thế bản, Sơn Hải kinh, Xuân Thu Vĩ mạng Lịch tư, Hoài Nam Tử … Cũng như quan niệm lịch sử truyền thống cho rằng không phải nhân vật Hoàng Đế người được coi như mở đầu lịch sử Hán tộc mà cho rằng những nhân vật lịch sử huyền thoại như Đế Chuyên Húc, Đế Cốc… mới khởi nguyên lịch sử Hán Tộc. Những quan điểm lịch sử này không được Hán tộc chấp nhận vì cho đó là quan điểm truyền thống lịch sử Nam phương. Duy chỉ quan điểm lịch sử của Tư Mã Thiên, tác giả bộ Sử ký được coi là quan điểm chính thống Trung Quốc. Tư Mã Thiên bắt đầu bộ Sử ký bằng nhân vật Hoàng Đế cộng chủ, thủ lĩnh liên minh các bộ tộc Trung Nguyên là người mở đầu lịch sử Trung Quốc chứ không phải Phục Hi, Thần Nông. Thật ra Tư Mã Thiên cũng hiểu rõ hơn ai hết là Đế Hoàng không phải là người Hán nhưng vẫn viết theo sử quan chính thống Hán. Tư Mã Thiên lại tự mâu thuẫn khi xác nhận các vua Việt như Hùng Dịch, Câu Tiễn đều là hậu duệ của Đế Cốc, Đế Chuyên Húc mà theo Hán sử thì Đế Chuyên Húc là con Hoàng Đế. Trong khi đó, Tiều Chu (199-270) với tác phẩm Cổ sử khảo, Từ Chỉnh (khoảng 200-260) với Tam Ngũ lịch, Vỹ Chiếu (204 -273) với Đông Kỷ, Hoàng Phủ Mật (215 – 282) với Đế Vương thế kỷ… Tất cả những sử gia này đã tiến hành tập hợp bảo lưu các tài liệu khẳng định họ Thần Nông có liên quan huyết thống với Việt tộc.(4)

    “Thế bản” viết “Việt họ Mi, con Tước, với Sở cùng tổ, là hậu duệ của Chúc Dung, con của Doãn Thường tức là vua Việt Câu Tiễn, Câu Tiễn sinh vua Thạch Du, Thạch Du sinh Bất Thọ, Bất Thọ sinh vua Ông, Ông sinh vua Ê, Ê sinh vua Chi Hầu, Chi Hầu sinh Vương Vô Cương, Vương Vô Cương bị Sở Uy Vương nước Sở diệt…”. Thế bản và Vỹ Chiếu kết nối Tổ tiên của Vua Việt Câu Tiễn với Chúc Dung. Điều này khẳng định Thần Nông là tổ tiên của Việt tộc.Truyền thuyết họ Chúc Dung của Việt vương Câu Tiễn được thừa nhận và phổ biến rộng rãi ngay từ thế kỷ thứ III TDL. Chính Tư Mã Thiên đại biểu cho quan điểm lịch sử truyền thống Hán tộc trong Sử Ký, phần Câu Tiễn thế gia, Tư Mã Thiên cũng xác nhận: “ Tiên tổ của Câu Tiễn là miêu duệ của vua Vũ tức là con thứ của Đế Thiếu Khang họ Hạ Hầu”. “Ngô Việt Xuân Thu” của Triệu Việp viết khoảng năm 4 TDL và “Việt tuyệt thư” do Viên Khương viết cùng thời có cùng quan điểm với Tư Mã Thiên. Những công trình nghiên cứu gần đây cho thấy không có gì khác biệt giữa các quan điểm trên vì tất cả đều có cùng một cội nguồn chủng tộc .

    Tác giả Vỹ Chiếu của “Quốc Ngữ” viết: “Câu Tiễn hậu duệ của Chúc Dung”, vậy Chúc Dung liên hệ thế nào với Đế Viêm Thần Nông? Hải nội kinh của Sơn Hải Kinh (5) cho biết “Vợ Viêm Đế là Thích Yểu, con của Xích Thủy sinh Viêm Cư. Viêm Cư sinh Tiết Tinh. Tiết Tinh sinh Hí Khí, Hí Khí sinh Chúc Dung xuống ở Giang Thủy… Theo Lưu Hy trong “Thích Danh” thì : “Người Kinh và Dự (Việt tộc) gọi vợ lớn là thúc, thúc tức chúc vậy, chúc tức là thỉ vậy”. Do đó, tên Chúc Dung chỉ là đọc ngược của tên Viêm Đế là Đế Viêm vậy. Đế Viêm là Chúc Dung nhưng theo Sơn Hải kinh thì Chúc Dung thực ra là cháu ba đời của Viêm Đế, chứ không phải là Viêm Đế .(6)

    Theo thư Tịch cổ Trung Quốc, “Đế Vương thế kỷ” của Hoàng Phủ Mật (215-282) thì lai lịch gốc tích Viêm Đế Thần Nông như sau:“Viêm Đế Thần Nông, họ Khương, mẹ là Nhiệm Tợ, tức con gái của họ Hữu Kiều tên Nữ Đang, làm chánh phi của Thiếu Diễm, đi chơi phía Nam Hoa Sơn có gặp đầu Thần Long cảm Nữ Đang ở Thương Dương mà sinh Viêm Đế, đầu người thân trâu, lớn lên ở sông Khương, nhân thế mà lấy làm họ. Đế Viêm đóng đô ở Trần (Hà Nam ) tạo ra đàn cầm 5 dây, bắt đầu dậy thiên hạ trồng lúa, nên gọi là Thần Nông. Lại nói vốn nổi lên từ Liệt Sơn, nên có kẻ gọi họ là Liệt Sơn, một hiệu là họ Đẩu Khôi ấy là Nông Hoàng. Có kẻ nói vào thời Đế Viêm chư hầu họ Túc Sa Làm phản, không chịu vâng lời, Cơ Văn can gián bèn giết đi. Đế Viêm rút về Tu Đức. Dân Túc Sa tự đánh vua mình mà về theo Đế Viêm. Đế Viêm từ nước Trần dời đô về Khúc Phụ ở Lỗ, lập lại số 8 quẻ, tức 8 lần 8 là 64 quẻ, ở ngôi 120 năm mới băng hà, táng ở Trường Sa. Đế Viêm lấy con gái họ Bôn Thủy tên Thính Yểu, sinh Đế Lâm, Đế Lâm sinh Đế Khôi, Đế Khôi sinh Đế Thừa, Đế minh, Đế Trực, Đế Ly, Đế Du Võng phàm 8 đời cộng 530 năm”.

    “Hoài Nam Tử” quyển 9 chép về thời thái bình thịnh trị Thần Nông như sau: “Xưa khi Thần Nông trị thiên hạ, tinh thần không xuôi ngược trong lòng, trí óc không rong ruổi ngoài bốn cõi. Người ta mang lòng nhân thành, mưa ngọt tuôn rơi, ngũ cốc tốt tươi. Xuân sinh, Hạ lớn, Thu gặt, Đông cất, tháng rảnh, ngày thơi, cuối năm dâng cúng, đúng thời thường khoản, cùng ở minh đường. Chế độ minh đường tuy có mà không. Bốn phương gió mưa, không hay đánh úp, nóng lạnh không hay tổn thương, lải rải mà vừa. Nuôi dân lấy công bằng, dân chất phác, trọng thẳng thắn, không giận tranh mà của đủ, không nhọc thân mà việc xong, nhờ trời đất giúp để cùng hoà đồng. Do thế, có uy mà không giết, ra hình mà không dùng, pháp luật bớt đi không phiền ai cả. Vì vậy, sự cải hoá của “Người” giống như thần. Đất của “Người”, phương Nam tới Giao Chỉ, không ai là không nghe vậy. Vào thời ấy, luật ít hình nhẹ, lao tù trống trơn mà thiên hạ một tục, chẳng ai mang lòng gian trá”.(7)

    Theo công trình nghiên cứu của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp ghi lại trong“Bách Việt Ngọc Phả Truyền thư ” năm 1785 Quang Trung nguyên niên thì chỉ có nhị hoàng là Phục Hi và Thần Nông trong khi sách sử Trung quốc từ trước đến nay vẫn ghi là tam hoàng. Thật vậy Kinh Thi phần mở đầu cũng chỉ chép có nhị hoàng là Phục Hi và Thần Nông. Ngũ Đế gồm Đế Chuyên Húc, Đế Cốc, Đế Chí, Đế Nghiêu và Đế Thuấn. Hoài Nam Tử cũng xác nhận chỉ có nhị hoàng là Phục Hi và Thần Nông. Tư Mã Thiên sử gia chính thống của Đai Hán trong bộ Sử ký muốn đề cao Hoàng đế là tổ tiên của Hán tộc nên ghi Hoàng đế đứng đầu ngũ đế vì vậy Tư Mã Thiên đã loại Đế Chí là vị vua thứ ba ra nên xếp lại ngũ đế đứng đầu là Hoàng đế rồi tới Chuyên Húc, Đế Cốc, Đế Nghiêu và Đế Thuấn. Theo Bách Việt Ngọc Phả Truyền thư thì nhị hoàng là Phục Hi còn gọi là Đế Thiên (2698-2599 TDL). Phục Hi họ Hiên Viên tên thụy là Thái Hạo thờ Rồng. Phục Hi truyền ngôi cho con là Thần Nông tức Đế Thần, họ Khương tên thụy là Thiếu Hạo thờ Chim. Sử sách Trung quốc ghi Thiếu Hạo họ Kim thiên nhưng Từ Húc Sinh trong “ Trung quốc Cổ sử đích truyền thuyết thời đại” đã liệt kê các họ thời cổ trong đó có họ Cát Thiên chứ không có họ Kim Thiên.

    Nguồn sử liệu trên cho ta thấy nhiều điều lý thú, góp phần làm sáng tỏ quan hệ huyết thống của Việt tộc. Nguồn sử liệu khách quan(8) trên cũng cho chúng ta biết là truyền thuyết về họ Hồng bàng đã có từ lâu và là một sự thực chứ không phải vay mượn du nhập từ những nhân vật anh hùng ca Đại Bharata của Ấn Độ(9). Bây giờ chúng ta mới hiểu tại sao bắt đầu từ Đế Minh, tổ của Việt tộc chứ không từ thủy tổ Viêm Đế vì Đế Minh là cháu ba đời đã mở đất về phương Nam tới tận Giao Chỉ Theo Vỹ Chiếu trong Quốc Ngữ thì “Vua Câu Tiễn hậu duệ của Chúc Dung”,Chúc Dung chính là Đế Minh cháu 3 đời Đế Viêm. Đó là một sự kiện lịch sử có thật chứ không phải do tiền nhân chọn để tách biệt với Hán tộc.

    Cứ theo truyền thuyết về Họ Hồng Bàng thì “Đế Minh truyền ngôi cho Đế Nghi làm vua ở phương Bắc và phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam, lấy hiệu là Kinh Dương Vương, đặt tên nước là Xích Quỉ…”(10). Nội dung mà tổ tiên Việt tộc muốn chuyển tới cho chúng ta biết là từ nơi sinh tụ phía Tây Bắc Trung Nguyên, Việt tộc do Viêm Đế Thần Nông lãnh đạo đã chia thành hai nhánh thiên di để tìm vùng đất hứa, một nhánh đi qua Cam Túc tiến về Bắc dọc lưu vực Hoàng Hà vượt ngã ba sông Vị, sông Hoàng định cư ở vùng sông Bộc lập nên các triều đại của dòng Thần Nông phương Bắc, số khác định cư ở Sơn Đông mà cổ sử Trung Quốc gọi là “Đông Di”. Trước đó cả ngàn năm một nhánh khác định cư ở vùng đất đỏ mà Kinh thư gọi là “Xích qui phương” từ Ba Thục tới Dạ Lang, Quí châu rồi lần theo triền sông Dương Tử tràn xuống Đông Nam định cư khắp Trung Nguyên. Truyền thuyết gọi là dòng Thần Nông phương Nam . Những chi Việt tộc này cổ sử Trung Quốc gọi là “Man di” là “rợ kinh man”… Đó chính là các chi Mân Việt, Dương Việt, Nam Việt, Quì Việt, Điền Việt và Lạc Việt…

    Truyền thuyết cũng cho biết là nhánh thiên di về Bắc lưu vực sông Hoàng Hà định cư ở vùng lưu vực sông Bộc. Tại đây xảy ra chiến tranh giữa các chi tộc để giành ngôi thủ lĩnh. Cuối cùng Li-Vưu(11)bị thủ lĩnh Hoàng đế tiêu diệt, khiến Lạc bộ Trĩ đã phải vượt Hoàng Hà xuống lưu vực phía Nam, một số khác phải di tản theo đường biển đến Cao Ly (Đại Hàn), Nhật Bản, Cổ Việt (Bắc Việt Nam ), Mã Lai.. Truyền thuyết họ Hồng Bàng kể tiếp “… Đế Lai truyền ngôi cho Đế Du Võng thì đánh nhau với Hoàng Đế ở Phản Tuyền không thắng được mà chết. Họ Thần Nông phương Bắc đến đây là hết… Long Quân ở mãi thủy phủ, làm cho mẹ con Âu Cơ phải sống lẻ loi, muốn đi về đất Bắc khi tới biên giới, Hoàng Đế nghe tin lấy làm lo sợ, bèn chia quân canh giữ cửa ải. Mẹ con Âu Cơ không về Bắc được…”

    Theo“Ngũ Đế Kỷ” thì Li-Vưu là hậu duệ của Thần Nông phương Nam . Li-Vưu thống lĩnh mấy anh em tù trưởng các bộ lạc đánh Đế Du Võng. Lúc bấy giờ, Hoàng Đế vua nước Hữu Hùng ở phía Tây Bắc thuộc tỉnh Sơn Tây đem quân tới đánh và diệt Li-Vưu ở cánh đồng Trác Lộc. Thế nhưng cổ sử Trung Quốc thì tô điểm về nhân vật Hoàng Đế mà họ cho là tổ tiên nhân dân Trung Quốc, theo đó thì: “ Họ Thần Nông truyền được 8 đời đến đời Đế Du Võng thì bị Hoàng Đế đánh giết. Lúc bấy giờ nhân khi Li -Vưu dòng Thần Nông phương Nam, giao tranh với Thần Nông phương Bắc là Đế Du Võng thì Hoàng Đế ở phía Tây Bắc lưu vực Hoàng Hà tràn xuống và đánh bại bộ lạc Viêm Đế ở phía Tây và Li-Vưu ở phía Nam trở thành thủ lĩnh của liên minh các bộ lạc ở Trung Nguyên”. Phải chăng vì Hán tộc muốn nhận Hoàng Đế là tổ tiên họ nên họ đã ghi về nhân vật Hoàng Đế một cách mù mờ khó hiểu?.

    Vấn đề của chúng ta là phải phục hồi sự thật lịch sử, phải xét lại nhân vật Hoàng Đế có phải là tổ tiên của Hán tộc như Tư Mã Thiên đã viết hay không? Lịch sử thời cổ đại khi mà nhân loại chưa có chữ viết, chưa có hình thức sử biên niên thì làm sao sử gia cổ đại của Hán tộc có thể ghi lại một cách trung thực những sự kiện lịch sử ở Trung nguyên. Hán tộc chủ trương tiêu diệt Việt tộc, triệt tiêu văn hoá nên không còn văn bản cổ nào viết về thời cổ đại. Chính vì vậy, các sử gia Hán đã xuyên tạc, bóp méo thậm chí sửa đổi sự thực lịch sử nên họ đã viết một cách mập mờ, bí hiểm, để từ đó thêm những chi tiết để làm cơ sở cho những việc tô điểm nhân vật Hoàng Đế m họ tự nhận là tổ tiên của họ. Các sử gia “đại Hán” đều cho rằng Hoàng đế (2700-2600TDL) là tổ tiên lỗi lạc của Hán tộc ở lưu vực Hoàng Hà. Sau khi đánh thắng bộ lạc Viêm Đế ở phía Tây và Li Vưu ở phía Nam , trở thành thủ lĩnh của liên minh bôc lạc ở Trung Nguyên. Tư Mã Thiên với sử quan chính thống “Đại Hán” đã không chép gì về Thần Nông nhưng xem Hoàng Đế là ông Tổ của Hán tộc. Cổ sử Trung quốc cũng cho rằng Hoàng Đế là Hiên Viên hoàng đế, để từ cơ sở này, mặc nhiên tự nhận là người kế thừa triết lý Âm Dương từ thời Phục Hy. Đây là một sự cố ý mạo nhận với lý của kẻ mạnh, thế mà sách sử xưa nay cứ rập khuôn sao chép luận cứ này..!

    Ngày nay, các nhà Trung Hoa học đều có chung một nhận định là lịch sử Trung Quốc chỉ mới bắt đầu từ đời Thương Chu. Ngay các học giả Trung Hoa như V.K. Tinh, Wang Kwo Wu và Quách Mạt Nhược đều xác định là tất cả các huyền thoại về các vị vua cổ xưa không thấy ghi trong giáp cốt đời Thương mà mới chỉ ghi trong sách vở thời Xuân Thu Chiến Quốc mà thôi. Nhóm Tân học là nhóm “Nghi cổ phái” do Quách Mạt Nhược chủ xướng đã bác bỏ thời Tam Hoàng Ngũ Đế là của Trung quốc. Chính Lương Khải Siêu cũng thừa nhận là lịch sử Trung quốc mới chỉ có khoảng 4 ngàn năm nay mà thôi. Thật vậy:

    1. Nếu Hoàng Đế là tổ tiên của Hán tộc thì dứt khoát là phải ghi trên giáp cốt đời Thương rồi, nên Khổng Tử (551–479 TDL) đã không hề nhắc tới nhân vật Hoàng Đế một lần nào.

    2. Huyền thoại về thủy tổ Bàn Cổ mới được nói đến trong quyển Tam Hoàng. Những nhân vật huyền sử như Phục Hi, Nữ Oa không hề được nhắc tới trong các sách cổ như Kinh thi, Trúc thư kỷ niên và đặc biệt là không hề thấy xuất hiện trong đồ đồng hoặc Bốc từ đời Thương.Thần Nông được Mạnh Tử thời Xuân Thu Chiến quốc nhắc tới còn Hoàng Đế mới chỉ được biết tới vào thế kỷ thứ III TDL mà thôi.

    3. Thời kỳ Xuân Thu chiến quốc là thời các quốc gia Bách Việt vượt nổi lên, hết Việt xưng bá thời Xuân Thu rồi Sở lãnh đạo liên minh 6 nước chống Tần thời Chiến quốc. Chính vì vậy, thời kỳ này huyền sử Việt mới xuất hiện với cc nhn vật Phục Hi, Nữ Oa, Thần Nông, Hoàng Đế, Đế Nghiêu, Đế Thuấn và Vũ nhà Hạ của Việt tộc. Khổng Tử đại biểu của Hán tộc biết rõ điều này nên không hề nhắc tới nhân vật Hoàng đế.

    4. Với Cổ sử khảo của Tiều Chu (199-270) Tam ngũ Lịch của Từ Chỉnh (khoảng 200-260) Đông Kỷ của Vỹ Chiếu (204-273) Đế Vương thế kỷ của Hoàng Phủ Mật (215-181). Tất cả sử gia này bảo lưu các tài liệu khẳng định họ Thần Nông có liên quan huyết thống với Việt tộc. Thế Bản viết “Việt họ Mi, con Tước với Sở cùng tổ, là hậu duệ của Chúc Dung, Chúc Dung chỉ là đọc ngược tên Viêm đế tức là Đế Viêm”. Theo Sơn Hải Kinh thì Chúc Dung thực ra là cháu 3 đời của Đế Viêm, đó chính là Đế Minh theo truyền thuyết họ Hồng Hàng.

    5. Cổ sử chép: Hoàng Đế sinh ở gò Hiên viên lấy đức “Thổ” lên làm vua nên gọi là Hiên Viên Hoàng Đế. “Ngũ Đế kỷ” chép:“Hoàng Đế tức Hiên viên Hoàng Đế, vua nước Hữu Hùng ở phía Tây Bắc tỉnh Thiểm Tây và Sơn Tây”. Cổ sử chép “Hữu Hùng quốc vương… cũng như Hữu Ngu thị Đế Thuấn ..” mà theo từ điển Từ Hải thì chữ “hữu” chỉ là trợ từ nên vua nước Hữu Hùng thực ra là “ Hùng Quốc Vương”, vua họ Hùng của thị tộc lấy họ Hùng làm tên nước. Thiểm Tây, Sơn Tây là địa bàn sinh tụ của Lạc bộ Chuy, phải chăng Hoàng Đế chính là vị vua họ Hùng gọi là Hùng Quốc Vương?

    Theo Nguyễn Đoàn Tuân trích dẫn cổ thư thì năm Hồng Bàng thứ 183 tức 2697 TDL, chư hầu tôn một người họ Công tôn ở đất Thọ Khâu chuyên trồng loại dược thảo khúc Dật nên còn có tên là Khúc phụ. Thời kỳ này, nước biển rút dần nên bán đảo Sơn Đông là một hòn đảo đang được bồi đắp khiến vịnh Giao Châu thu hẹp dần. Năm 20 tuổi, thủ lĩnh họ Công Tôn dời đến bến Cơ Thủy, lấy họ mẹ là Cơ. Bến Cơ Thủy gần huyền hồ trong vùng ngã ba Tam giang Bắc gồm sông Vị, sông Hoàng và sông Lạc, nơi đây có gò Hiên viên nên thủ lĩnh họ Công Tôn lấy hiệu là Hiên Viên để nhận là hậu duệ của Hiên Viên Hoàng Đế thuở xa xưa. Hiên Viên Hoàng Đế có trước cả Phục Hy, Thần Nông mà sách xưa viết là Toại Nhân đứng đầu tam Hoàng là Toại Nhân, Phục Hi và Thần Nông. Công Tôn có hiệu cũ là Hữu Hùng, lấy tên đất làm hiệu chung cho cả họ Công Tôn. Đông phương Sóc đời Hán nghiên cứu sách Trúc thư kỷ niên viết rằng vị thủ lĩnh này đi thăm vùng sông Lạc là địa bàn cư trú của Lạc bộ Chuy, thấy phương Nam có những làn mây sáng đỏ, bèn hỏi các bô lão Dương Quảng Thành, Phong Hậu, Thiên Lão, Lực Mục, Đại Hồng, Thường Thiên là những bậc kỳ tài về Đạo đức và y đạo thì được cho biết rằng đó là ánh sáng toả ra do hai sao, một đỏ một vàng cùng xuất hiện vào vận hội Giáp Tý nguyên thứ tư. Vì đó mà vị thủ lĩnh này mặc áo vàng và xưng là Hoàng đế. Trong một lần đi qua sông Lạc thấy cá to nổi lên và cầu được mưa, sau đó lại nhận được Đồ thư xuất Hà.

    Theo một truyền thuyết khác thì Hà Đồ do Phục Hi cách đây khoảng 3500TDL, khi đi tuần thú ở sông Hoàng Hà thấy Long Mã từ dưới sông hiện lên, trên lưng có Hà Đồ ghi việc trời đất mở mang. Lạc thư là do vua Đại Vũ năm 2205 TDL khi đi trị thủy ở sông Lạc thấy rùa thần nổi lên trên mu rùa vẽ Lạc thư. Trúc thư Kỷ niên chép rằng Hoàng đế cai trị được năm chục năm thì Phượng Hoàng xuất hiện là thời thái bình thịnh trị của Việt Tộc. Năm mươi năm là con số ngũ hành trong triết lý Âm Dương của Việt tộc. Thư tịch cổ Trung Quốc chép rằng Hoàng đế đứng đầu ngũ đế, lấy số 5 làm Trung cung nạp thổ (hành thổ) ứng với bộ Ngũ Điển. Ngũ Điển là bộ sách của các đời Thiếu Hạo, Chuyên Húc, Cao Tân và Đường Nghiêu. Ngu Thuấn. Gốc của Ngũ Đức, Ngũ hành để nói về tiểu đạo đó là đạo làm người. Phượng Hoàng là vật tổ biểu trưng của chi Âu Việt và vùng Thiểm Tây-Sơn Tây, ngã ba Tam giang Bắc gồm sông Vị, sông Hoàng, sông Lạc là địa bàn cư trú của Việt tộc. Âm Dương ngũ hành và những con số linh là của Việt tộc…

    Tất cả đã cho chúng ta thấy là nếu nhân vật Hoàng Đế có thật thì dứt khoát Hoàng đế phải là Đế Hoàng của Việt tộc hậu duệ của ông tổ Thần Nông, nhưng thuộc dòng Thần Nông phương Bắc. Đời Chu Thành Vương năm thứ 6 (1110 TDL),Việt Thường cử sứ giả đến triều Chu biếu chim Bạch Trĩ. Quan Trủng Tể (thừa tướng) là Chu Công Đán nhớ lời Hoàng Đế có lời thề rằng “ Giao chỉ ở ngoài phương xa, không được xâm phạm…”. Nguồn sử liệu trên cho thấy Hoàng đế có liên hệ huyết thống với Việt tộc. Theo Từ Hải thì Hoàng Đế và Li Vưu đều là những thị tộc trưởng nên tranh giành nhau ngôi thủ lĩnh mà thôi. Truyền thuyết xưa kể rằng Thần Nông và Hoàng Đế cùng một ông Tổ là Thiếu Điển và thư tịch cổ cũng cho biết Đế Hoàng ở Tân Trịnh Hà Nam chứ không phải từ Tây Bắc vùng Thiểm Tây, Sơn Tây như Hán sử viết.

    6. Thư tịch cổ Trung Hoa ghi rõ là nguyên phi của Hoàng Đế là Luy tổ. Luy tổ phát minh ra nghề nuôi tằm và chế ra thứ xe gọi là dọi chỉ để kéo kén ra tơ. Cổ sử Trung Quốc gọi Bách Việt ở Hoa Nam là Nam man, chữ man viết với bộ Trùng. Theo các nhà Trung Hoa học như H. Wiens thì miền Nam là cái nôi của nghề trồng dâu nuôi tằm nên Luy Tổ phải là người Việt. Mặt khác, cũng theo học giả này thì Cổ thư Trung Hoa chép rằng Hoàng Đế cưới vợ cho con là Chuyên Húc (Chan Yi) là người Thục Sơn, ni Thục thuộc vùng Ba thục, địa bàn sinh tụ của chi Lạc bộ Chuy Việt tộc có vật biểu là chim. Chuyên Húc đẻ ra con đầu lòng là Đế Cốc (2.435-2369TDL). Đế Cốc, con của Chuyên Húc cũng lấy vợ người Thục Sơn sinh con sau làm vua Kinh Man. Đế Cốc là cháu của Hoàng Đế mà cổ sử lại chép Đế Cốc là cháu Đế Thiếu Hạo thuộc Bái điểu tộc thờ chim (Âu Việt), như vậy nhân vật Hoàng Đế mà Tư Mã Thiên đề cao là tổ tiên nhân dân Hán chính là Đế Hoàng của Việt tộc.

    Sự thực lịch sử này đã được nhà Trung Hoa học nổi tiếng Học giả W. Eberhard công bố là vào khoảng năm 450TDL, một học giả nào đó đã mang Hoàng đế nguyên là một vị thần nhỏ trong địa phận Sơn Đông lên làm vị vua đầu tiên của dân tộc Trung Quốc. Tư Mã Thiên đã dựa vào đó mà chép rằng Hoàng Đế là quốc tổ của Hán tộc. Trên thưc tế, nếu Hoàng Đế là người Hán thì thư tịch cổ, sách sử Thương phải chép rồi, trong khi nhân vật Hoàng Đế mới chỉ được biết đến vào thời Xuân Thu Chiến quốc là thời kỳ nở rộ của Bách Việt. Vả chăng, Sơn Đông là nơi sinh tụ của Lạc bộ Tri ca Việt tộc mà cổ sử Trung quốc gọi là Đông Di nên vị thần Đế Hoàng phải là người Việt cổ. Như vậy, Đế Hoàng, Đế Chuyên (còn gọi là Xuyên Húc), Đế Cốc, Đế Chí, Đế Nghiêu, Đế Thuấn và Hạ Vũ đều là dòng dõi Thần Nông của Việt tộc. Vì vậy, thư tịch cổ Trung Hoa mới chép rằng “Chuyên Húc chi thời, Giao Chỉ để lệ” nghĩa là thời Đế Chuyên Húc Giao Chỉ đã có nền văn minh rực rỡ rồi.

    Tư Mã Thiên trong sử ký, phần Câu Tiễn thế gia cũng xác nhận “Tiên tổ của Câu Tiễn là miêu duệ của vua Vũ tức là con thứ của Đế Thiếu Khang nhà Hạ, họ Hạ Hầu. Cổ sử Trung quốc ghi năm Quí Tỵ 2148 TDL,Vua Đại Vũ nhà Hạ hội chư hầu ở Cối Kê và năm Quí mão 2085 TDL, vua Thiếu Khang nhà Hạ phong cho con thứ ba là Vô Dư ở đất Việt”. Sự thật lịch sử một lần nữa được hậu duệ của Việt tộc khẳng định khi Hùng Dịch và các vua Sở nhận là hậu duệ của Hiên Viên Hoàng đế. Vua các nước Trịnh và hoàng tộc một số nước ở bán đảo Sơn Đông như Tề, Lỗ, Trần cũng đều nhận là con cháu của Thần Thái Sơn và lấy họ Khương là họ của Đế Thần Nông của Việt tộc. Cổ thư Trung Hoa cũng chép đời Hoàng đế sai Thương Hiệt theo dấu chân chim tạo ra lối chữ gọi là Điểu triện. Theo Kim Định thì chữ Thương có nghĩa là kho lúa, là xanh chỉ phương Đông, còn Hiệt là chim chỉ phương Nam cùng nghĩa với việc ngắm vết chân chim nghĩa là ngắm nền văn minh Việt đi với Chim Hồng Bàng. Như vậy chính Thương Hiệt đặt ra lối chữ theo lối chân chim gọi là Điểu Triện của Việt tộc. Đến triều Chu, Thái sử Trứu mới sửa Điểu triện của Việt tộc thành “Đại triện” còn gọi là “Trứu thư” chính thức của Hán tộc.

      Hôm nay: 22/11/2024, 11:29 am