Dòng HÙNG VIỆT

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Trang chuyên khảo về lịch sử và văn minh Hùng Việt

Trang chủ


Gallery


Giải nghĩa một số địa danh trong cổ sử Việt qua phép phiên thiết Hán Nôm Empty

November 2024

MonTueWedThuFriSatSun
    123
45678910
11121314151617
18192021222324
252627282930 

Calendar Calendar

Khách thăm



Giải nghĩa một số địa danh trong cổ sử Việt qua phép phiên thiết Hán Nôm Flags_1



    Giải nghĩa một số địa danh trong cổ sử Việt qua phép phiên thiết Hán Nôm

    Admin
    Admin
    Admin


    Tổng số bài gửi : 1197
    Join date : 31/01/2008

    Giải nghĩa một số địa danh trong cổ sử Việt qua phép phiên thiết Hán Nôm Empty Giải nghĩa một số địa danh trong cổ sử Việt qua phép phiên thiết Hán Nôm

    Bài gửi by Admin 11/3/2016, 10:15 am

    Chữ Hán cũng như chữ Nôm là những loại chữ biểu ý, không phải biểu âm, nên để ghi chú cách đọc của các chữ này từ thời Đông Hán người ta đã dùng phép phiên thiết. Phiên thiết (反切) là dùng hai chữ riêng rẽ để ghi chú một âm của chữ khác, lấy thanh (phụ âm) của chữ đầu ghép với vận (vần) của chữ sau để tạo thành một âm. Phép phiên thiết được áp dụng không chỉ trong việc xây dựng các từ điển chữ Hán ở Trung Quốc, mà ở nước ta thời xưa đây là cách để ghi các địa danh, nhân danh trong tiếng Nôm vào văn bản. Tìm hiểu các tên chữ tạo nên bởi phép phiên thiết từ âm Nôm cho phép giải mã được ý nghĩa thật sự vốn có của các tên gọi này trong lịch sử cổ đại nước ta.
    Một âm Nôm thường không có chữ Hán với âm tương ứng nên thời xưa cách để ghi các âm Nôm này trong văn viết là dùng phép phiên thiết, sử dụng 2 ký tự chữ Hán để ký 1 âm Nôm. Lâu ngày, do chỉ thông qua các thư tịch lưu lại, 2 ký tự này trở thành tên gọi của địa điểm hay nhân vật thay cho âm Nôm ban đầu. Người đời sau dễ nhận nhầm rằng 2 chữ này có ý nghĩa nhất định về đối tượng được gọi đến mà quên đi rằng đó vốn chỉ là 2 ký tự ghi âm, không hề mang nghĩa liên quan.
    Có thể kể một loạt các làng Việt cổ có “tên chữ” là tên phiên thiết từ tên Nôm như làng Và ở xã Trung Hưng, Sơn Tây có tên chữ là Vân Già (Vân Già đọc thiết cho âm ). Làng Dầm là thôn Xâm Dương ở xã Ninh Sở, Thường Tín (Xâm Dương đọc phản thiết Dầm). Làng Cổ Hiền, còn gọi là trại Quyền hay thành Quèn, ở xã Tuyết Nghĩa, Quốc Oai (Cổ Hiền thiết Quyền – Quèn).
    Nhiều tên địa danh, nhân danh của người Việt đã được giải thích là do tiếng Nôm cổ có các tổ hợp phụ âm kép nên khi chép bằng chữ Hán được phiên âm thành 2 chữ. Ví dụ, tên huyện Câu Lậu được cho là phiên âm từ klâu – trâu. Hay tên huyện Luy Lâu (Doanh Lâu) là phiên âm của cổ âm blâu/ tlâu – dâu. Nay, nếu áp dụng phép phiên thiết cho những tên gọi này sẽ cho các liên hệ đơn giản và rõ ràng, không cần vận dụng cổ âm. Câu Lậu thiết Câu – Châu – Trâu. Doanh Lâu thiết Dâu.
    Vận dụng phép phiên thiết kết hợp với các tư liệu dân gian cho phép giải nghĩa một số tên gọi trong cổ sử Việt.


    Đô kỳ đóng cõi Mê Linh
    Địa danh Mê Linh là nơi Hai Bà Trưng đóng đô sau khi khởi nghĩa chống giặc Hán thành công. Địa danh này được GS. Trần Quốc Vượng giải thích là tên ghi cổ âm Mling hay Mlang, mà theo tiếng các dân tộc ở Tây Nguyên có nghĩa là “một loài chim”, từ đó đi đến kết luận Hai Bà Trưng thuộc bộ tộc thờ chim làm vật tổ. Nay áp dụng phép thiết cho tên gọi này có Mê Linh thiết Minh, tức là tên Nôm của địa danh Mê Linh thực ra là Minh. Đô kỳ Mê Linh hay Minh đô của Hai Bà Trưng là nơi nào?
    Ở đền Hùng tại núi Nghĩa Lĩnh (xã Huy Cương, Việt Trì, Phú Thọ) nay còn câu đối:
    天書定分正統肇明都百粵山河惟有祖
    光岳協靈故宮成萃廟三江襟帶尚朝尊
    Thiên thư định phận, chính thống triệu Minh đô, Bách Việt sơn hà duy hữu tổ
    Quang nhạc hiệp linh, cố cung thành tụy miếu, Tam Giang khâm đái thượng triều tôn.
    Dịch:
    Sách trời định chốn, chính thống dựng Minh đô, núi sông Bách Việt duy có tổ
    Núi tỏa linh thiêng, cung cũ lập miếu đền, một dải Tam Giang hướng về nguồn.
    Câu đối này chỉ ra rằng Minh đô của các vua Hùng là đất Phong Châu, nơi có ba con sông Đà, Lô, Thao (Tam Giang) hội tụ ở ngã ba Việt Trì. Vị vua đầu tiên của người Việt được Lĩnh Nam chích quái nhắc đến trong Truyện họ Hồng Bàng là Đế Minh, là người đã lập Minh đô ở Phong Châu. Đế Minh được thờ phụng ở vùng Phú Thọ dưới tên Hùng triều Thánh tổ Cao Sơn Minh Vương trong các thần tích tại đây.
    Bà Trưng “quê ở Châu Phong”, thuộc dòng dõi “Lạc Hùng chính thống”, phất cờ khởi nghĩa chống giặc, dựng nước đóng ở Minh đô – Phong Châu, hoàn toàn hợp lý. Mê Linh thời Trưng Vương là cả vùng đất Tây Thổ – Phong Châu rộng lớn, không chỉ là một huyện ngoại thành Hà Nội như bây giờ.


    Giải nghĩa một số địa danh trong cổ sử Việt qua phép phiên thiết Hán Nôm <a href=Giải nghĩa một số địa danh trong cổ sử Việt qua phép phiên thiết Hán Nôm Image017


    Nghi môn đền Thượng trong khu di tích đền Hùng ở Phú Thọ.

    Bổng và Đổng, hai vị tối linh thần nước Nam
    Tên gọi Phù Đổng của người anh hùng làng Dóng đã được các học giả quan tâm bàn luận khá nhiều. Cao Huy Đỉnh liên hệ tên Đổng với các tên Đùng, Tùng, Dông, với tính cách khổng lồ, dông tố, sấm sét . Còn GS. Trần Quốc Vượng cho rằng Phù Đổng là ghi âm Nôm cổ blỏng hay blổng.
    Áp dụng phép phiên thiết có Phù Đổng thiết Phổng hay Bổng (các phụ âm ph- và b- chuyển đổi cho nhau trong cổ âm). Lời tiếm bình Việt Điện u linh của tiến sĩ thời Lê là Cao Huy Diệu chép “Hương, Bổng, Đổng, Đằng là bốn vị tối linh của nước ta”. Thần Bổng, một trong 4 vị tối linh thần của nước Nam, chính là Thánh Dóng. Thánh Dóng được gọi là Phổng – Bổng bởi vì mới lên 3 tuổi ăn cơm cà của làng mà lớn “phổng”, nhanh như thổi, cưỡi ngựa sắt đánh giặc Ân. Thắng giặc ngài bỏ mũ áo lên núi Sóc Sơn rồi bay “bổng” về trời.
    Vậy còn vị linh thần có tên Đổng được nhắc đến là ai? Vị thần này được biết thông qua thần tích đền Bộ Đầu thuộc xã Thống Nhất, Thường Tín, Hà Nội. Nơi đây thờ Đổng Sóc Thiên Vương Huyền Thiên Đại Thánh. Trong đền có bức tượng Đổng Thiên Vương bằng đất nung lớn, cao tới 7-8 m, đang ra tay diệt trừ thủy quái. Thần Đổng hay ông Đùng, như vậy là vị thần khổng lồ Huyền Thiên Trấn Vũ, tức là vị thần được thờ ở Quán Thánh tại Hồ Tây, Hà Nội. Sự trùng hợp giữa tên phiên âm (Đổng – Đùng) và tên phiên thiết (Phù Đổng – Bổng) đã dẫn đến sự nhầm lẫn giữa 2 nhân vật này trong các sự tích, cũng như trong quan niệm về Tứ bất tử nước Nam.




    Giải nghĩa một số địa danh trong cổ sử Việt qua phép phiên thiết Hán Nôm %3Ca%20href=Giải nghĩa một số địa danh trong cổ sử Việt qua phép phiên thiết Hán Nôm Image019


    Tượng ông Đổng ở đền Bộ Đầu.

    Đức thánh Chiêm Lý Ông Trọng
    Trong số tứ linh thần được kể đến thì thần Hương là Lý Ông Trọng ở làng Thụy Hương hay làng Chèm, nay là đất quận Từ Liêm, Hà Nội. Trong đình Chèm còn lưu bức chạm phượng hàm thư với bài thơ Tứ linh thi, tương truyền được làm từ thời Cao Biền. Cái tên Từ Liêm được GS. Trần Quốc Vượng nhận định là tên phiên âm của âm Nôm cổ tlem – trèm. Chính xác hơn, áp dụng phép phiên thiết có Từ Liêm thiết Tiêm – Chiêm – Chèm. Từ Liêm là tên phiên thiết của làng Chèm, không phải phiên âm Nôm cổ.
    Tên Chèm hay Chiêm ở đây có nghĩa gì? Xem lại truyện Lý Ông Trọng, người được Tần Thủy Hoàng trọng dụng, phong làm tướng trấn giữ đất Lâm Thao. Đại Nam quốc sử diễn ca kể:


    Hiếu liêm nhẹ bước thanh vân
    Làm quan hiệu úy đem quân ngữ Hồ
    Uy danh đã khiếp Hung Nô
    Người về Nam quốc hình đồ Bắc phương.




    Giải nghĩa một số địa danh trong cổ sử Việt qua phép phiên thiết Hán Nôm Image018


    Bức Phượng hàm thư với bài Tứ linh thi ở đình Chèm.

    Hung Nô đọc thiết là Hồ, 2 từ này cùng dùng chỉ quân giặc mà Lý Ông Trọng đã ngăn giữ như trong đoạn thơ trên. Khu vực liên quan tới “Chiêm” và “Hồ” thời Tần thì phải là vùng phía Nam nước ta vì truyền thuyết Việt cho biết phía Nam nước Văn Lang là nước Hồ Tôn, tiền thân của quốc gia người Chiêm sau này.
    Thần tích đình Chèm ghi: Lý Ông Trọng được Hùng Vương phong chức Chỉ huy sứ. Ngài giúp vua dẹp yên các loại giặc hay quấy nhiễu biên giới phía Tây và phía Nam khiến chúng sợ không dám xâm phạm bờ cõi nước Văn Lang. Thần tích đình Trạo Thôn (Đa Lộc, Ân Thi, Hải Dương, quê mẹ Lý Ông Trọng) còn viết Lý Ông Trọng đánh giặc “Ai Lao và Chiêm Thành”. Những tư liệu này cho thấy Lý Ông Trọng làm tướng nhà Tần trấn giữ vùng đất phía Tây Nam, là khu vực người Chiêm hay người Chăm. Lý Ông Trọng là người Việt, lập công nghiệp trên đất Việt, chứ không phải sang tận tỉnh Cam Túc bên Trung Quốc để chống giặc phương Bắc cho nhà Tần. Do sự lẫn lộn về chữ nghĩa tạo nên bởi phép phiên thiết (Hung Nô thiết Hồ) dẫn đến công tích và sự nghiệp của Lý Ông Trọng đã bị đặt ngược chiều Nam – Bắc.
    Sử dụng phép phiên thiết để đọc các tên gọi địa điểm và nhân vật trong cổ sử, kết hợp với những dữ liệu của văn hóa dân gian tại các di tích và trong các thần tích còn lưu lại cho phép hiểu đúng hơn về lịch sử nước ta thời cổ đại.


    TÀI LIỆU DẪN
    1. Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm. Trần Quốc Vượng. NXB Văn học, 2003.
    2. Giới thiệu khu di tích tích lịch sử đền Hùng. Vũ Kim Biên. Sở VH-TT Phú Thọ, 2008.
    3. Lĩnh Nam chích quái. Trần Thế Pháp, Vũ Quỳnh, Kiều Phú nhuận chính. Đinh Gia Khánh, Nguyễn Ngọc San phiên dịch. NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 2011.
    4. Đại Nam quốc sử diễn ca. Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái. Bản phiên âm, hiệu đính và chú giải của Nguyễn Khắc Thuần. NXB Giáo dục, 2007.
    5. Người anh hùng làng Dóng. Cao Huy Đỉnh. NXB Trẻ, 2015.
    6. Từ điển di tích văn hóa Việt Nam. Ngô Đức Thọ chủ biên. NXB Văn học, 2003.
    7. Danh nhân Lý Ông Trọng với di tích và lễ hội đình Chèm. UBND xã thụy Phương. NXB Văn học, 2011.

      Hôm nay: 21/11/2024, 8:13 pm