Dòng HÙNG VIỆT

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Trang chuyên khảo về lịch sử và văn minh Hùng Việt

Trang chủ


Gallery


Giả thuyết mới về những lớp gạch bên dưới Hoàng thành Thăng Long Empty

November 2024

MonTueWedThuFriSatSun
    123
45678910
11121314151617
18192021222324
252627282930 

Calendar Calendar

Khách thăm



Giả thuyết mới về những lớp gạch bên dưới Hoàng thành Thăng Long Flags_1



    Giả thuyết mới về những lớp gạch bên dưới Hoàng thành Thăng Long

    Admin
    Admin
    Admin


    Tổng số bài gửi : 1197
    Join date : 31/01/2008

    Giả thuyết mới về những lớp gạch bên dưới Hoàng thành Thăng Long Empty Giả thuyết mới về những lớp gạch bên dưới Hoàng thành Thăng Long

    Bài gửi by Admin 12/10/2015, 3:12 pm

    Hoàng thành Thăng Long là phức hợp di tích – di vật khảo cổ đồ sộ, với số lượng hàng triệu hiện vật, nhiều chủng loại và niên đại. Vị trí Hoàng thành là thành Đại La, trị sở của đất Tĩnh Hải dưới thời nhà Đường và tiếp đó là kinh đô Thăng Long của nước Đại Việt từ thời Lý. Các nền móng, công trình kiến trúc của Hoàng thành được xây dựng bằng những loại gạch thuộc các thời kỳ khác nhau. Nhiều viên gạch có in chữ Hán, ghi lại địa danh, quốc hiệu, niên hiệu của thời kỳ mà gạch được làm ra. Đây là những bằng chứng rõ ràng nhất về giai đoạn lịch sử đầy biến động của nước ta, khi nước Đại Việt độc lập mới ra đời. Bài viết nêu lên một cách hiểu mới về ý nghĩa lịch sử của những minh văn đúc trên 3 lớp gạch cổ nhất trong di tích Hoàng thành Thăng Long.[1]

    Gạch Giang Tây quân


    Lớp gạch ở tầng sâu nhất của Hoàng thành Thăng Long là loại gạch có chữ Giang Tây quân 江西軍 hoặc Giang Tây chuyên 江西塼.Đây là loại gạch tốt, được xác định là làm dưới thời nhà Đường. Tên gạch Giang Tây quân hiện nay được giải thích là thời đó hàng năm vào mùa thu và đông nhà Đường thường phái nhiều đội quân phòng thủ Lĩnh Nam, gọi là “quân phòng thu”, “quân phòng đông”. Các đoàn quân được tổ chức và mang phiên hiệu từng tỉnh ở Trung Quốc, mà chủ yếu là quân vùng Giang Tây.[2]
    Lý giải trên tỏ ra không phù hợp với lịch sử thời kỳ này. Năm 866 tướng Cao Biền đánh đuổi quân Nam Chiếu ra khỏi thành Tống Bình. Nhà Đường đổi An Nam đô hộ phủ thành Tĩnh Hải quân, bổ nhiệm Cao Biền là Tiết độ sứ. Cao Biền xây thành Đại La bắt đầu từ năm này. Như vậy, thành Đại La là trị sở của Tĩnh Hải quân do một Tiết độ sứ cầm đầu. Tiết độ sứ là người cầm cờ tiết độ, có toàn quyền thay mặt cho nhà vua trên khu vực mình quản lý. Chế độ phiên trấn tiết độ trên đất Tĩnh Hải lúc này gần như một chế độ tự trị. Với bối cảnh đó rất khó có khả năng quân đội từ một “quân” khác lại sang Tĩnh Hải quân để xây thành. Hơn nữa tại sao chỉ thấy mỗi quân Giang Tây có chữ in trên gạch để lại? Chữ Giang Tây quân ở đây chắc chắn phải có nghĩa khác.

    Giả thuyết mới về những lớp gạch bên dưới Hoàng thành Thăng Long Gach-Giang-Tay-723x1024

     Gạch “Giang Tây quân” trưng bày ở Bảo tàng Thái Bình.

    Gạch Giang Tây quân còn được tìm thấy ở một loạt các di tích khác trong lớp khảo cổ cùng thời như ở Thành nhà Hồ (Thanh Hóa), Thành Hoa Lư  (Ninh Bình) hay ở khu vực phòng thủ ven biển Thái Thụy – Thái Bình[3]. Đặc biệt, ngay ở Hà Nội, tại di chỉ Hàm Rồng ở làng gốm Kim Lan (Gia Lâm) bên bờ sông Hồng cũng phát hiện được loại gạch này.


    Đình làng Kim Lan thờ Cao Biền làm thành hoàng làng. Đôi câu đối cổ ở cột nghi môn đình Kim Lan:
    静海甄傳瓷陶業
    江西甎築大羅城
    Tĩnh Hải chân truyền từ đào nghiệp
    Giang Tây chuyên trúc Đại La thành.
    Dịch:
    Thầy Tĩnh Hải truyền nghề gốm sứ
    Gạch Giang Tây đắp Đại La thành.

    Việc gạch Giang Tây quân được dùng xây thành Đại La mới được biết trong khoảng những năm đầu thế kỷ 21 khi khai quật sâu xuống khu vực Hoàng thành Thăng Long. Vậy mà ở Kim Lan người dân đã biết từ lâu rằng thành Đại La được xây bằng loại gạch này và bởi Tiết độ sứ Cao Biền. Theo như thần tích tại đây, Kim Lan là làng gốm cổ có từ thời Cao Biền. Đây là một trong những nơi đã đúc nên loại gạch Giang Tây quân của thành Đại La. Gạch Giang Tây quân hoàn toàn không phải do đội quân từ nơi khác đến làm nên.
    Đôi câu đối trên ở đình làng Kim Lan cho gợi ý về nghĩa tên gạch Giang Tây quân. Giang Tây thời Cao Biền là từ dùng tương đương với Tĩnh Hải. “Tĩnh” là tính chất tĩnh lặng của phương Tây theo Dịch học phương Đông. “Giang” là từ biến âm của “dương”, có nghĩa là biển (như trong từ “đại dương”). Khu vực miền Bắc Việt và phần Tây Quảng Tây thời Đường được gọi là đất Tĩnh Hải, nằm ở phía Tây của biển Đông. Trong khi đó, đối lập lại, khu vực Đông Quảng Tây và Quảng Đông được gọi là Thanh Hải, là vùng phía Đông của biển. Vì chữ Tĩnh Hải 静海 viết khá nhiều nét, nên trên các viên gạch để cho đơn giản người ta đã dùng từ đồng nghĩa ít nét hơn là từ Giang Tây 江西 thay thế.
    Đáng chú ý là những viên gạch Giang Tây quân đã cho thấy đơn vị hành chính “quân” của thời Đường do một Tiết độ sứ cai quản (tức là một “sứ quân”) có phạm vi rộng lớn như thế nào. Trong giai đoạn tiếp theo, loạn 12 sứ quân lại chỉ được định vị ở quanh vùng đồng bằng sông Hồng, mỗi sứ quân chỉ có phạm vi quãng 1-2 tỉnh ngày nay. Điều này không khớp với qui mô của các “sứ quân” như thể hiện trên viên gạch Giang Tây quân ở Hoàng thành.
    Giả thuyết mới về những lớp gạch bên dưới Hoàng thành Thăng Long Kim-Lan-2-1024x682

     Đình Kim Lan thờ Cao Biền ở Gia Lâm.


    Đại Việt quốc quân thành chuyên


    Lớp gạch tiếp theo ở Hoàng thành Thăng Long là gạch Đại Việt quốc quân thành chuyên 大 越國軍城塼. Loại gạch này đầu tiên tìm thấy ở cố đô Hoa Lư ở Ninh Bình. Điều này cho thấy Hoa Lư cũng như Thăng Long sau thời “Tĩnh Hải sứ” – “Giang Tây quân” đã chuyển thành “Đại Việt quốc”, là một quốc gia độc lập. Tên “Đại Việt quốc” trên các viên gạch ở Hoa Lư là một sự thách đố các nhà nghiên cứu lịch sử vì theo Đại Việt sử ký toàn thư mãi tới năm 1054 khi Lý Thánh Tông lên ngôi mới đặt quốc hiệu là Đại Việt. Do đó hiện có ý kiến cho rằng tên Đại Việt trên các viên gạch ở Hoa Lư là quốc hiệu thời Đinh – Lê và đầu Lý. “Việt Nam không có quốc hiệu Đại Cồ Việt mà chỉ có quốc hiệu Đại Việt…”[4].
    Tuy nhiên, các giải thích như vậy không thật đầy đủ. Nếu từ thời Đinh nước ta đã gọi là Đại Việt thì tới Lý Thánh Tông còn “đặt quốc hiệu là Đại Việt”[5] làm gì? Hơn nữa thời Đinh và Tiền Lê kinh đô đang đóng ở Hoa Lư, tại sao gạch Đại Việt quốc quân thành chuyên lại đã được dùng để xây cung điện ở thành Đại La?
    Xét trên một phạm vi rộng của cả vùng Lĩnh Nam dưới thời kỳ Mạt Đường thì quốc hiệu Đại Việt trên các viên gạch ở Hoa Lư và Đại La phải là của nhà Nam Hán, kinh đô đóng ở Phiên Ngung (Quảng Đông). Năm 917 Lưu Nham (Lưu Cung) lên thay anh là Lưu Ẩn, tự xưng đế, lập nước quốc hiệu Đại Việt. Năm 923 Lưu Nham đánh Khúc Thừa Mỹ, nhập Tĩnh Hải quân vào nước Đại Việt. Đến năm Đinh Sửu (947) Lưu Nham cải quốc hiệu là Nam Hán[6]. Trong thời gian dài từ năm 923 đến 947 Lưu Nham có thể đã cho củng cố các thành trên đất Tĩnh Hải, xây hành cung ở Đại La và Hoa Lư.
    Thiên sử thi chữ Nôm thế kỷ 17 Thiên Nam ngữ lục cung cấp thêm một dẫn chứng về sự hiện diện của Lưu Ẩn – Lưu Nham ở thành Đại La. Theo tác phẩm này sau khởi nghĩa của Phùng Hưng thì các quan cai trị Giao Châu của nhà Đường lần lượt là Tăng Cổn, Thông Đình, Lý Trác rồi đến Lưu Ẩn[7]:
    Sau thằng Lưu Ẩn nó rày tới nơi
    Khoe khoang trí ngõ hơn người
    Đời Tống Chu Miện nên trai anh hùng
    Binh sang ở giữa thành Long
    Phúc thay nó lại có lòng cứu dân.

    Theo sách này thì Lưu Ẩn đã vào thành Đại La của nhà Đường từ trước khi Lưu Nham lập nước Đại Việt. Nhận định những viên gạch Đại Việt quốc quân thành chuyên là gạch thời Đại Việt của Lưu Nham được củng cổ thêm bởi tư liệu này.
    Giai đoạn Đại La ở Hoàng thành Thăng Long như vậy không chỉ có 1, mà là có tới 2 thời kỳ. Thời kỳ thứ nhất từ khi Cao Biển khởi dựng thành năm 866, là lúc khu vực miền Bắc nước ta thuộc Tĩnh Hải quân của nhà Đường. Giang Tây là tên gọi tương đương với Tĩnh Hải thời kỳ này. Thời kỳ thứ hai bắt đầu từ năm 917 khi Lưu Nham lập nước Đại Việt và xây thành bằng gạch Đại Việt quốc quân thành chuyên.

    Gạch Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo


    Lớp gạch kế tiếp bên trên gạch Đại Việt quốc quân thành chuyên là lớp gạch mang dòng chữ Lý gia đệ tam đế Long Thủy Thái Bình tứ niên tạo 李家第三帝龍瑞太平四年造. Tạm hiểu là gạch được chế tạo vào năm Long Thụy Thái Bình thứ 4 đời hoàng đế thứ ba nhà Lý. Hoàng đế thứ ba nhà Lý có niên hiệu Long Thụy Thái Bình là Lý Thánh Tông. Như vậy viên gạch trên có niên đại năm 1057, 4 năm sau khi Lý Thánh Tông lên ngôi.
    Giả thuyết mới về những lớp gạch bên dưới Hoàng thành Thăng Long Gach-Ly-gia-de-tam

    Gạch “Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo” ở Hoàng thành Thăng Long.

    Gạch mang niên hiệu Long Thụy Thái Bình còn tìm thấy ở các di tích thời Lý khác như ở chùa Phật Tích (huyện Tiên Du, Bắc Ninh), tháp Tường Long (Đồ Sơn, Hải Phòng)[8]. Lý Thánh Tông cũng là người đã cho xây Văn Miếu, tháp Báo Thiên và các công trình quan trọng khác ở kinh thành Thăng Long.
    Từ khi Lưu Nham lập nước Đại Việt năm 917 đến năm 1057 theo chính sử hiện nay thì khu vực miền Bắc nước ta đã trải qua hàng loạt triều đại của Ngô Quyền, Dương Bình Vương, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành. Năm Thuận Thiên nguyên niên (1010) Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về La Thành, đổi tên là thành Thăng Long[9]. Vậy mà suốt quãng thời gian từ lúc Lý Thái Tổ dời đô (năm 1010) tới thời Lý Thánh Tông lên ngôi (năm 1054) ở Hoàng thành Thăng Long lại không hề tìm được loại gạch nào có niên hiệu tương ứng. Tại sao Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long mà lại không xây dựng một công trình nào trong thành?
    Nếu theo đúng những lớp gạch hiện khai quật được ở Hoàng thành Thăng Long thì người đã dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, xây dựng thành quách cung điện ở đây phải là Lý Thánh Tông, vị hoàng đế thứ ba của nhà Lý. Lý Thánh Tông cũng là người đã đặt quốc hiệu Đại Việt năm 1054, bắt đầu một nền độc lập tự chủ thật sự của nước ta. Theo chứng cứ khảo cổ này tại Hoàng thành thì sự kiện dời đô và đặt tên thành Thăng Long có khả năng đã bị sử sách chép nhầm từ Lý Thánh Tông sang cho Lý Thái Tổ. Đây là giả thuyết cần được xem xét thêm, để tìm lại đúng lịch sử thật sự về thời kỳ khai sinh của nước Đại Việt.





    CHÚ THÍCH:

    [1] Bài viết gửi tạp chí Xưa và Nay tháng 10/2015.
    [2] Đỗ Văn Ninh, Chương VII: Những viên gạch kể chuyện mình, trong Hoàng thành Thăng Long, Tống Trung Tín (chủ biên), NXB Văn hóa thông tin, 2006.
    [3] Di tích khảo cổ học ở Thái Bình. Vũ Đức Thơm, Nguyễn Ngọc Phát, Bảo tàng Thái Bình, 2009.
    [4] Đỗ Văn Ninh, xem chú thích trên.
    [5] Đại Việt sử ký toàn thư. Ngô Sĩ Liên tu soạn. Cao Huy Giu dịch. NXB Hồng Bàng, 2012.
    [6] Việt Nam sử lược. Trần Trọng Kim, NXB Thời đại, 2010.
    [7] Thiên Nam ngữ lục. Nguyễn Thị Lâm khảo cứu, phiên âm, chú giải. NXB Văn học, 2001.
    [8] Thử tìm một mô hình tháp Phật giáo thời Lý qua các phát hiện ở chùa Phật Tích. Ngô Văn Doanh, TC Di sản văn hóa, số 4 (41), 2012, tr. 77 – 81.
    [9] Việt Nam sử lược, xem chú thích trên.

      Hôm nay: 22/11/2024, 10:42 am