Dòng HÙNG VIỆT

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Trang chuyên khảo về lịch sử và văn minh Hùng Việt

Trang chủ


Latest topics

Gallery


Chống Thục lần thứ hai và hóa sinh bất diệt. Ngọc phả cổ về Tản Viên Đinh Phi Thánh mẫu triều Hùng Việt Thường Thị, bộ Hạ. Empty

November 2024

MonTueWedThuFriSatSun
    123
45678910
11121314151617
18192021222324
252627282930 

Calendar Calendar

Khách thăm



Chống Thục lần thứ hai và hóa sinh bất diệt. Ngọc phả cổ về Tản Viên Đinh Phi Thánh mẫu triều Hùng Việt Thường Thị, bộ Hạ. Flags_1



    Chống Thục lần thứ hai và hóa sinh bất diệt. Ngọc phả cổ về Tản Viên Đinh Phi Thánh mẫu triều Hùng Việt Thường Thị, bộ Hạ.

    Admin
    Admin
    Admin


    Tổng số bài gửi : 1198
    Join date : 31/01/2008

    Chống Thục lần thứ hai và hóa sinh bất diệt. Ngọc phả cổ về Tản Viên Đinh Phi Thánh mẫu triều Hùng Việt Thường Thị, bộ Hạ. Empty Chống Thục lần thứ hai và hóa sinh bất diệt. Ngọc phả cổ về Tản Viên Đinh Phi Thánh mẫu triều Hùng Việt Thường Thị, bộ Hạ.

    Bài gửi by Admin 1/12/2020, 11:07 am

    Bách Việt trùng cửu
    Bản ngọc phả được sao trong bản khai của làng Tang Ma, tổng Phương Giao, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ năm 1938. Bản ngọc phả này được chép là tổng hợp các bộ phả gồm: bộ Thượng về thời Hùng Vương, bộ Trung về Tiền Thánh mẫu, bộ Hạ về sự tích Sơn Thánh.
    Bộ Hạ
    Chống Thục lần thứ hai và hóa sinh bất diệt

    Chống Thục lần thứ hai và hóa sinh bất diệt. Ngọc phả cổ về Tản Viên Đinh Phi Thánh mẫu triều Hùng Việt Thường Thị, bộ Hạ. Img_1520-2
    Tản Viên Sơn Thánh và Đinh Phi Thánh Mẫu ở Lăng Sương

    Lại nói, được 2 năm Thục chúa nui lòng căm phẫn, tích dưỡng quân mã, cử binh phục thù, cầu viện nước láng giềng, được hơn trăm vạn tinh binh, ba vạn kỵ mã, một vạn chiến thuyền, chia làm 5 đạo thủy bộ cùng tiến vào nước Nam Man ta muốn chiếm Trung Hoa. Các đạo bộ binh nhanh chóng theo các chân núi mà tiến, xuất ra từ Văn Chấn, Trấn Yên, Yên Lập, Văn Bàn, Thuỷ Vĩ, qua Thanh Nguyên, Thuận Châu, Mộc Châu, Phù Hoa, Việt Châu, Mai Châu tới Lai Châu, Luân Châu, Quỳnh Nhai châu, Chiêu Tấn, Sùng Lăng châu, Khiêm Châu, Sùng An châu, Thu Vật, Lục Yên, Đại Man, Tụ Long Bảo Lạc, Côn Lôn, Bắc Tạ, qua châu Bố Chính, Lạng Sơn các địa phương. Lại xuất thủy quân, một vạn thuyền bè, từ cửa biến Thần Phù, Hoan Châu, Ái Châu đến đường thủy sông Lục Đầu, sông Bạch Đằng mà tiến. Cờ xí rợp đất, chiêng trống động trời.
    Biên cương gửi thư báo gấp. Vua vô cùng lo lắng, bèn triệu Tản Viên Sơn Thánh nhanh chóng đem binh mã tới thẳng Loa thành để lập trận. Lại triệu đại hội đình thần bàn bạc. Vua hỏi các đình thần, các quan đều quay mắt nhìn nhau, không có kế sách khả thi. Sơn Thánh bèn tâu rằng:
    –    Thần xin khỏi vất vả đến thánh giá mà tự dẫn các tướng sĩ cùng mười vạn hùng binh. Quân Thục chẳng quá vài ngày là bình định được.
    Sơn Thánh bái tạ, từ cửa thành mà tiến, chia các bộ binh hai đường thủy bộ cùng tiến, đến thẳng đồn chính của quân Thục mà đại chiến một trận. Thu được dấu ấn của quân Thục, bèn viết một bức thư rồi giả làm theo dấu ấn đó của Thục chúa đóng vào thư, cho người mặc quần áo của quân địch đưa thư cho tướng Thục rằng:
    –    Nước Nam có một thần tướng, chớ nên khinh thường xuất chiến. Đợi khi có chiếu lệnh xuống hãy tấn công.
    Tướng Thục đọc thư đó bèn kiên trì phòng thủ không ra đánh. Sơn Thánh trong hôm đó bèn xuất quân, không kể ngày đêm, tiến thẳng đến thành Thục, tay cầm gậy, miệng đọc chú mà chỉ vào. Bỗng thấy nước Thục đại loạn. Sơn Thánh mới phá được trận, bắt hết tướng sĩ binh mã nước Thục. Các đồn đóng quân của các đạo không kịp nghe thấy biến, bị chém hơn vạn đầu các quân tướng. Số còn lại đều bị bắt sống hết, đem về kinh đô, dâng biểu tâu lên đế đình. Duệ Vương nghe thấy rất vui mừng. Sơn Thánh bái tạ xin quay về quê nhà. Đế đồng ý, lại phong thêm cho Sơn Thánh, tặng phong Thái bà cùng với Tả Hữu Kiên Thần, cho phép các nhà ở Lăng Sương đều được miễn hết sưu dịch, phong hiển ấp đó làm làng hộ nhi.
    –    Phong Tản Viên Sơn Thánh mẫu Đinh Phi chủ Ngọc bệ hạ.
    –    Phong Tả Kiên Cao Sơn Hiển ứng Đại vương.
    –    Phong Tản Viên Sơn Chiêu dung Hiểu ứng Nhạc phủ kiêm Thượng đẳng Bệ hạ.
    –    Phong Hữu Kiên Quý Minh Linh ứng Đại vương.
    Động Lăng Sương làm hiển quán hộ nhi phụng thờ. Còn như Đồng Luận, Lương Tuyền, Đan Thê, Thạch Xá đều cho làm làng trung nghĩa, cùng giúp thánh giá. Còn Thủ Pháp, Ma Xá, Mang Bồi đều cho lập các cung ở đó sau làm nơi thờ phụng. Còn các hành cung mà Thánh đã từng qua sau cũng là nơi phụng thờ cùng với ruộng thờ đều có ghi chép các hạn ngạch đầy đủ.
    Lại nói, Thánh hôm ấy (ngày 11 tháng 8) dẫn quân sĩ quay về quê nhà Lăng Sương. Nhân dân đón giá bái hạ. Thánh hôm đó (ngày 12 tháng 8) bái yết gia đường thân mẫu, mở tiệc mừng lớn trong 3 ngày (từ ngày 12 đến 15). Sơn Thánh cùng với các quan Tả Hữu ở lại chơi quê nhà (tức động Lăng Sương), được hơn mười ngày bèn triệu các hương lão, chức sắc, nhân dân đến ở sân đình nói rằng:
    –    Ta cùng với nhân dân đều là người quê ở chốn này, không có tình cảm khác biệt, cùng là bà con láng giềng. Nay ta vốn tuân mệnh Thiên đình giáng xuống để giúp Vua thời nay. Lòng ta không có ham muốn những báu vật, vàng bạc ở chốn trần gian coi nhẹ như lông hồng, yêu mến nơi Bồng Doanh, Lãng Uyển, thích thuốc trường sinh. Hôm nay có các cung lầu đã lập ở các nơi giao cho nhân dân cùng gìn giữ cùng với lăng mộ của gia tiên thánh mẫu, sau là nơi thờ phụng của nhà ta vạn thế vậy (Các địa phương là dân hộ nhi trung nghĩa thiết lập hành cung phụng thờ, đến các ngày sinh hóa của Thánh mẫu, cùng tới nơi nhà này mà phụ giúp cúng tế, cùng với cung đền ở núi thiêng Tản Viên đều phụng thờ Thánh. Các dân hộ nhi của Thánh mẫu và dân tạo lệ của Sơn Thánh đều có những di tích riêng).
    Việc xong, Sơn Thánh qua về đình cung ở núi Tản Viên, làm lễ ở đền dưỡng mẫu. Hôm ấy (ngày 12 tháng 9) nhân dân làm lễ bái hạ. Sơn Thánh ở lại đình cung đó (tức là các vùng đất du hành ở Mang Bồi cùng với sách Thủ Pháp tại núi Tản Viên). Lại thiết lập hành cung cho các địa phương, gia thần nhân dân tạo lệ (ở tại các cung Đông Tây, cùng với hành cung của các nơi đi săn, sau đều thành nơi thờ phụng Thánh, nơi nào cũng có di tích riêng). Qua hơn một tháng tới ngày 10 tháng 11, Thánh quay về với việc nước. Duệ Vương muốn nhường lại ngôi cho Sơn Thánh. Sơn Thánh cố từ chối không được, bèn theo ý của Vua mà giúp việc trị quốc vững mạnh được vài năm. Thế rồi Tản Viên Sơn Thánh khuyên Duệ Vương rằng:
    –    Họ Hùng cơ đồ hưởng đất nước trải các đời cũng đã lâu dài. Nên lòng trời tất có hạn mới xếp đặt việc Thục Vương thừa cơ gây hấn để chiếm Trung Hoa. Hơn nữa Thục vốn là bộ chủ Ai Lao, cũng là tôn phái của Tiền Hoàng đế (tức là con trong một bọc trăm trứng của Lạc Long Quân, chia thành 15 bộ, có bộ Ai Lao trong đó). Thế nước tốt xấu đều do tiền định. Vua việc gì phải yêu mến một cảnh trời Nam mà đánh dẹp giặc mạnh, gây hại đến sinh linh. Sao bằng Bệ hạ cùng thần cùng có thuật thần tiên, tiêu dao nơi bất lão Bồng Hồ, Lãng Uyển. Quyết bỏ chốn lầu rồng gác phượng, ám nhiễm bụi trần. Vàng bạc châu báu xem nhẹ như sợi tơ. Tiên đồng ngọc nữ cũng xem quên trong nháy mắt. Chí đó mới thật là cao vậy.
    Vua nghe vậy mới đồng ý theo cách đó, bèn gửi thư cho Thục mà nhường lại đất nước. Thục chúa (tức An Dương Vương) sai sứ đến tạ. Vua nhân đó ban nỏ thần cho Thục, rồi về núi Nghĩa Lĩnh hẹn cùng Tản Viên Sơn Thánh và công chúa Mị Nương hôm đó (ngày 5 tháng 5) cùng ngày bay lên trời hóa sinh bất diệt (khi Duệ Vương hóa ở núi Nghĩa Lĩnh có mây bay năm sắc. Đế tọa ở đầu đỉnh núi, mây năm sắc bao phủ, khí lành ngào ngạt, trăm thú đến chầu. Đến giờ Ngọ Đế bay lên trời mà bất diệt. Ngày 4 tháng 6 Tản Viên Sơn Thánh cùng với công chúa Mị Nương dẫn binh mã quay về quê nhà Lăng Sương, làm lễ trước đền Thánh mẫu, giao lại cho nhân dân các nơi cung đền phụng thờ, làm lệ điển cho hậu thế. Đến ngày mồng 5 thì quay về đỉnh núi Tản Viên làm lễ dưỡng mẫu. Tới khắc đầu giờ Ngọ thấy giữa trời sương ráng, ba tiếng động dời đất, bỗng thấy mây trắng từ Nghĩa Lĩnh trải sang đến núi Tản Viên như đường mây. Sơn Thánh cùng Mị Nương ngồi trên bàn đá đến hội đón thánh giá. Vợ chồng ban ngày bay lên trời cùng với Duệ Vương trong cùng một ngày. Bàn đá và cây to này nay vẫn còn).
    Lại kể từ khi Thục An Dương Vương được đất nước, cảm tạ trước công đức nhường ngôi của Duệ Vương và Tản Viên Sơn Thánh lớn như trời đất, bèn xây dựng một Dao đài cùng với 2 cột đá ở Nghĩa Lĩnh, rồi làm lễ đọc lời thề, không bao giờ quên công đức của Duệ Vương. Lại rời giá đến núi Tản Viên, tu sửa miếu đền, làm lễ bái tạ, định cộng đức sánh ngang với trời đất không cùng.
    Vua bái tạ, việc xong, quay giá về kinh đô Phong Châu. Lại triệu các tông phái của Hùng Vương và Sơn Thánh cùng với quý ấp, bản quán và các nơi thờ phụng, đều ban cho làm làng trung nghĩa trưởng tạo lệ (Hùng Vương đã ghi riêng nơi chính thờ phụng Sơn Thánh là điện Tản Viên, nhân dân tạo lệ Trung Nghĩa, Đồng Luận, Lương Tuyền, Đan Thê, Thạch Xá, sách Thủ Pháp, Ma Xá, huyện Minh Nghĩa, Phúc Lộc, các cung Đông Tây Nam Bắc dân các trang phụng thờ, đều là dân tạo lệ, để lại các di tích riêng cùng với các nơi ruộng thờ đã được ban, cũng có hạn mức được ghi lại), tiếp trong họ tộc được cấp ruộng tại làng, phụng thờ với quốc gia cùng yên lành, muôn năm không dứt, vạn cổ trường tồn, nhật nguyệt mãi rạng, còn mãi với núi sông. Sau có tiên sinh Lê Đức Trọng khen rằng:
    Sinh mà không diệt lạ kỳ thay
    Vạn cổ lưu danh tại phượng đài
    Tản Lĩnh đường đường công đức đó
    Rạng cùng nhật nguyệt, đối thiên thai.

    Lại nói qua thời Đông Hán, Ngô, Tấn, Tống, Tề Lương cộng 349 năm, cho đến bốn họ Lê, Lý, Trần, Lê nước Nam khai sáng cơ đồ, đều có nhiều sự linh ứng, giúp nước cứu dân. Nên trải các triều đại đế vương Tiền Lê, Hậu Lê, Tiền Lý, Hậu Lý tuân theo như tiền triều khai sáng đều truy phong mỹ tự Kiêm Thượng đẳng phúc thần, vạn năm hương lửa, cúng tế không ngừng.
    –    Phong Tản Viên Sơn Thánh Quốc mẫu Đinh Phi chủ Ngọc bệ hạ. Phụng thờ chính ở động Lăng Sương (các trang phụ tế ghi tích riêng).
    –    Phong Tản Viên Sơn Thánh Chiêu dung Hiển ứng Hộ quốc Tá thánhUy cảm Hoằng hóa Nhân đức Nghĩa võ Anh triết Minh tín Trợ thuận Hiển công Quảng tế Phù vận Trợ hiển Cao minh Phu hưu Hồng liệt Chương nghị Xung tĩnh Uyên mục Nguyên thông Duệ trí Vĩnh dụ Phu dũng Uy ân Phổ trạch Diệu vi Bảo bang Tương hỗ Trợ linh Hiển liệt Hoành hưu Dương võ Tuyên cứ Quảng vận Diệu hoá Phu dũng Phổ ân Uy đức Tuy dân Dực vận Phụ quốc Bảo dân Hậu đức Chí nhân Cương nghị Trấn quốc kiêm Thượng đẳng thần.
    Nay sắc.
    Các ngày sinh hóa của Thánh mẫu và Sơn Thánh cùng với tên húy, màu quần áo cấm khi cúng lễ được khai như sau:
    –    Ngày sinh của Thánh mẫu là ngày 7 tháng 1 (dùng lễ chay ba bàn, tế trâu, lợn đen, rượu ngọt, ca hát một đêm).
    –    Ngày hóa của Thánh mẫu là ngày 12 tháng 6 (dùng lễ lợn toàn màu đen, ba bộ gà sống, tế rượu 6 đấu cùng các đồ khác).
    –    Ngày sinh của Sơn Thánh là ngày 15 tháng 1 (dùng lễ chay ba bàn, năm con gà trắng, lợn toàn màu đen, rước bởi cặp vợ chồng có đủ trai gái tới nơi lễ mà cúng, xôi trăm đấu, ca hát một ngày đêm)
    –    Ngày Sơn Thánh lên trời vào ngày 5 tháng 5 (lễ dùng thịt trâu một màu, xôi trăm đấu, rượu và các đồ khác).
    –    Kiêng cấm các chữ Tuấn, Tùng, Ngọc, Mỹ, Hương, Bích, Hằng, Cao, Minh. Trang phục màu vàng trắng, xanh đậm cũng cấm dùng.
    Tản Viên Sơn Tam vị Chiêu dung Hiển ứng Nhạc phủ kiêm Thượng đẳng thần Ngọc bệ hạ.
    Tả Kiên thần Cao Sơn Hiển ứng Đại vương.
    Hữu Kiên thần Quý Minh Linh ứng Đại vương.
    Chính bản đến đây là hết. Tuy nhiên, từ chỗ đánh Thục trở xuống so với bản cũ có nhiều sai khác, nhưng vẫn ghi thêm vào đây để tham khảo bổ sung.
    Lại nói được 2 năm, quân Thục nuôi lòng căm phẫn, mới cử binh phục thù, cầu trợ giúp từ các nước láng giềng, chỉnh đốn cấp được vạn tinh binh, ngựa tám ngàn, chia làm 5 đạo. Chính binh 30 vạn, ngựa một ngàn, theo đường núi Thập Châu, Hoàng Tùng, Quỳnh Nhai mà xuất vào. Một đạo cánh tả mười vạn quân, ngựa 1.500 con theo đường châu Lạng Sơn, Văn Lan mà tiến vào. Cánh hữu 20 vạn quân, ngựa ngàn con theo đường châu Đại Man mà vào. Một đạo 10 vạn quân, ngựa 500 con theo đường châu Bố Chính Minh Linh mà vào. Một thủy đạo thuyền 3.000 chiếc, quân thạo thủy chiến 30 vạn, theo cửa biển Hoan Châu, Hội Thống Môn. Thủy bộ cùng tiến, thuyền ngựa cùng đi, thanh thế quân binh chấn động.
    Duệ Vương lo lắng mới triệu đình thần đến hỏi. Mọi người đều nhìn nhau mà không có kế sách khả thi. Tản Viên Sơn Thánh mới tâu rằng:
    –    Trước đây Thục Vương ngông cuồng, coi thường oai trời, một bầy lẫm liệt, tưởng che được cả trời. Hoàng đế đã độ lượng khoan hồng, miễn cho khỏi rơi tổ vỡ trứng. Nay lại không biết hối cải, muốn tiếp tục mưu đồ vọng tưởng, châu chấu đá xe, thế như lông tơ trên lò lửa. Bệ hạ sao phải lo lắng việc điều quân khiển tướng. Thần xin đảm nhận việc này.
    Duệ Vương tươi tỉnh lại hỏi:
    –    Còn việc gìn giữ miếu đường thì Khanh định tính như thế nào?
    Sơn Thánh tâu rằng:
    –    Sự quyền biến không thể dự đoán trước được. Thần xin được lĩnh 50 vạn hùng binh. Thiên hạ của quân vương khắc có ngày được yên định.
    Duệ Vương đồng ý. Sơn Thánh mới lấy 10 vạn quân mạnh, voi ngựa trăm con, theo đường chính Thập Châu chiếm giữ những nơi lũy cao hào sâu, không ra giao chiến. Ngầm sai Dũng mãnh Nguyên soái Tổng đốc Đại vương dẫn 3 vạn quân theo bên trái ra châu Văn Lan để ứng chiến cánh tả của quân Thục. Lại sai Quý Minh Long Linh Chi quân Phụ quốc Thượng Đại tướng quân, nay tức là Tả Kiên thần, trấn tại lầu Tây Bắc Động Sơn Thần vị, tên là Tuấn Long, trấn bên sông dưới chân núi, men theo đằng sau châu Đại Man mà ra, giả lập một đồn binh để ứng chiến với hậu quân của Thục. Lại sai Phụ quốc Ma Vương Đại thần Anh linh Nhất bộ Hào kiệt Thượng tướng quân dẫn 6 vạn binh mã mà ra ứng chiến cánh quân bên phải ở châu Bố Chính Minh Linh. Lại sai Tán quốc Tá thánh Đại thần Tuấn Đôi Hào kiệt Đại tướng quân, nay là Tản Viên Sơn Tả kiên Lãng Ma Lộ Sơn Thần vị, tên là Tuấn Đôi, dẫn 3 vạn binh mã cùng với thuyền bè hơn 30 chiếc ứng chiến thủy đạo ở Hoan Châu, cửa biển Hội Thống Môn, cai quản luôn một mặt của Ái Châu. Lại sai Đại tướng Thần cơ Hổ Ma vương Dũng mãnh Anh linh Đô thượng Đại tướng quân đem 3 vạn quân tùy nơi mà ứng chiến.
    Sơn Thánh tự dẫn quân theo đường núi Thập Châu, đánh lớn một trận, lấy được ấn tích cờ xí của quân Thục. Sơn Thánh bèn giả viết một bức thư của Thục Vương cho chủ tướng quân Thục rằng:
    –    Nước Văn Lang triều Hùng có một thần tướng. Nay nhà ngươi phụng mệnh dẫn quân đến đánh nước lớn. Binh quý ở bí mật, chứ nên khinh động. Đợi khi có chiếu báo, tất sẽ định được.
    Viết xong làm giả ấn tín của quân địch mà đóng vào trong thư. Lại khiến một người thạo việc ăn mặc quần áo của quân địch, tự xưng là sứ giả Thục, cưỡi ngựa đến trại lính cánh quân chính của địch đưa thư cho tướng Thục. Tướng Thục từ khi nhận được thư, ra sức cố thủ. Cánh quân phải nghe có biến cũng không gửi thư báo gấp đến được.
    Sơn Thánh bèn tiến quân, ngày đêm đi gấp hơn 150 dặm, đến thẳng kinh đô nước Thục, chia quân mà đánh. Chủ tướng nước Thục không kịp đến cứu. Sơn Thánh lấy sách và gậy thần chỉ vào, đại phá cánh binh mã bên trái của Thục, bắt sống toàn bộ. Ba cánh quân thủy bộ tự nhiên phải rút chạy. Thế là Sơn Thánh quay cờ khải hoàn, đuổi sạch quân địch, dẫn binh mã về kinh thành tấu cáo chiến thắng. Từ đó thiên hạ thanh bình, quốc gia vô sự. Duệ Vương muốn nhường ngôi cho Tản Viên Sơn Thánh, nhưng Sơn Thánh cố từ chối không nhận, quỳ xuống tâu lên Duệ Vương rằng:
    –    18 đời họ Hùng hưởng nước dài lâu, tất là lòng trời có hạn mà có quân Thục thừa cơ đến chiếm Trung Hoa. Vả lại Thục Vương vốn cũng là bộ chủ nước Ai Lao, cùng là tông phái của đế vương đời trước. Thế nước khác thường đều do tiền định. Vua sao quyến luyến một cảnh trời Nam mà chống lại ý trời, tất dẫn đến thế cùng cực chém giết mà hại sinh linh vậy.
    Duệ Vương ngừng hồi lâu rồi nói:
    –    Lời của Khanh nói cũng có lý, ta đã biết rồi. Nhưng lại nghe nói rằng thời bình thì quan trọng trước hết là con trưởng, thời loạn thì đầu tiên là kẻ có công. Thục Vương ngông cuồng, Trẫm đã được Khanh làm vây cánh, binh trời lẫm liệt, chúng địch sạch tan, quốc thái dân an. Công của Khanh không lớn lao hay sao? Khanh lại là rể quý trong nhà, là trung thần của đất nước, là người được Trẫm cầu để nối ngôi trời. Trị quốc chính ngoài Khanh ra thì còn ai nữa? Khanh hãy nhận lấy ngôi này, đừng từ chối mà phụ ý cầu hiền của Trẫm.
    Tản Viên Sơn Thánh bất đắc dĩ đành tuân theo mệnh đó. Từ đó tuy giúp Vua trị nước nhưng không dứt được chí dạo chơi nơi Lãng Uyển Bồng Hồ, vàng bạc châu báu coi nhẹ như sợi lông. Lánh tục tìm nhàn vốn là ý nguyện bình sinh chẳng thể thay đổi được. Được hai ba tháng, Tản Viên Sơn Thánh lại nói với Duệ Vương rằng:
    –    Sự nghiệp bá vương thay đổi xưa nay là lẽ thường. Họ Hùng hưởng nước đã hơn hai ngàn năm. Nước Việt từ Thái tổ Hoàng đế khai quốc, đều đã có con hiền cháu thánh, cha truyền con nối, tới nay được18 triều. Bệ hạ sinh hạ được 20 hoàng tử, đều đem thân về chốn Bồng Lãng, thoát khỏi bụi trần, sau không có người để mong kế truyền. Nghiệm đó thì cơ đồ họ Hùng đã đến lúc mạt, vận nước sắp đến hồi kết thúc. Lại như thần, vốn chỉ là con rể trong nước, mà nắm giữ đại quyền, không dám mà không một lần nhận mệnh cho bệ hạ được yên lòng. Đâu dám ở ngôi trời lâu dài mà chống lại thiên cơ. Thần xin Bệ hạ cầu người hiền mà nhường lại ngôi vị cho thuận với lòng trời, gỡ bỏ nỗi lo muôn năm vậy.
    Bèn trả lại ngôi vị cho Duệ Vương mà nhận lời đó để lại cai quản đất nước, rồi đợi tìm người hiền nối vị. Thế rồi Tản Viên Sơn Thánh bái tạ từ biệt, khắp nơi dưới trời không đâu là không có dấu chân Thánh, cùng gió mây voi ngựa mà ngắm xem sông núi, sương móc xe kiệu mà lên xuống trời đất. Lúc thì đàn reo sáo múa, thi thư đối xướng với đất trời, nhạc phượng ca loan, tiếng hình là điều thú vị cõi Bồng Lai. Cỏ bồng dẫn lối, Ngũ hồ gió trăng, thuyền câu là dấu tiên, soi hình cảnh hội khói sương, xe mây vạn hình là bước chân, non xanh nước biếc quấn quít chưa đẫy càn khôn. Thánh Nam thần Bắc, ra vào chốn phong cảnh chín trời. Cứ mỗi năm đúng tháng ngày sóc ngày vọng cùng với những phiên đại lễ của triều đình thì Sơn Thánh hôm đó đều quay giá về triều, chưa lần vắng mặt. Tan chầu lại theo lối cũ ghé bước nhàn du. Cứ thế được hơn 10 năm thì bỏ hết được mối ràng buộc.
    Đến đúng năm Mậu Thân ngày 15 tháng 1 bỗng thấy Thục chúa sai sứ giả tới đem theo một trặm hốt vàng cùng với một trăm thước gấm rồng, trước dâng lễ, sau đưa thư cầu tới Duệ Vương. Thư trong đó viết:
    –    Bộ chủ Ai Lao, thần, Thục, khâm thừa mệnh trời làm chúa tể một phương, ngày trước dám ngông cuồng không theo đúng lễ làm thần mà dám xúc phạm bền trên, thật là đáng chết, mà quốc gia vẫn còn toàn vẹn, thực là ơn lớn của Thiên hoàng. Nay trộm nghĩ, thần vốn cũng là tông phái của nhà họ Hùng, đã khai cơ sáng nghiệp, nối dài công đức của tổ phụ mà có điều lành cho con cháu nước nhà được một bề phú quý to dày như vậy. Lại nghĩ, người có tổ, vật vốn có tông. Thần được nhiều ơn đức mà không báo đáp tổ phụ ở dưới cửu tuyền, không thỏa linh thiêng của miếu đền phi tử. Mỗi khi nghĩ đến thì lại càng thêm thâm cảm. Nên nay không sợ bị lời quở trách uy nghiêm, xin bề trên niệm tình trước đối với thần Thục đây, cho được kết hòa thân, phụng lễ chầu cống, để được thẫm đẫm ơn vua, sau là không phụ ý nguyện bình sinh của bậc con cháu này vậy.
    Hôm ấy, Sơn Thánh đang đứng trong chính điện. Duệ Vương xem xong thư ấy nhân việc đó mà hỏi Sơn Thánh rằng:
    –    Thục Vương vốn là tông phái của Tiền Hoàng đế. Trước vì ngông cuồng mà dám đến xâm chiếm nước ta. May mà ý trời còn cho cơ đồ họ Hùng chưa hết. Ngày nay Thục chúa lại xin được cầu hòa. Mong tướng quân xem kỹ rồi nói với Trẫm nên thế nào.
    Sơn Thánh đến trước ngự tiền mà tâu riêng rằng:
    –    Thục chúa đúng là tông phái của Tiền Hoàng đế, làm chúa tể một phương. Ngày trước muốn đến xâm lăng làm cho Bệ hạ phiền lòng, cũng là bởi trời khiến cơ đồ họ Hùng thứ 18 một phen điêu đứng. Bệ hạ không cần phải oán giận vậy. Ngày nay lại cầu hòa, tức là biết tiến biết lui. Thục chúa đúng là một vị hiền quân, nay biết kế ấy không bằng mở rộng lượng độ đồng ý cầu hòa thân. Đó là sự sáng sốt đem đến sự hòa thuận của Bệ hạ. Vả lại họ Hùng theo ý trời đã định, nhân việc cầu hòa này mà gọi tới nhường ngôi cho. Bệ hạ như thế sẽ là bậc thánh. Việc xong Bệ hạ cùng với thần có thuốc của thần tiên, chi bằng rong ruổi cõi trần, ba sinh nơi Lãng Uyển Bồng Hồ, mãi cùng với trường xuân tuế nguyệt, lầu rồng gác phượng không dính bụi phàm. Trần gian non xanh nước biếc miên man thưởng ngoạn. Tốt thay Quân tử! Đó chẳng là vui sao? Thần và Bệ hạ đã rõ kế đó thì hãy quyết đoán. Việc không thể chần chừ.  
    Thế là Duệ Vương nói:
    –    Khanh nói phải thay. Trẫm theo như vậy.
    Bèn sai sứ giả theo binh mã về triệu Thục chúa đến nhường ngôi cho. Thục chúa bái tạ. Duệ Vương nhân đó ban cho nỏ thần rồi quay về núi Nghĩa Lĩnh, hẹn cùng Sơn Thánh mong hóa sinh bất diệt. Một hôm Duệ Vương ngự bút làm thơ rằng:
    Cỏ động tiên bồng đượm xuân xanh
    Rêu phủ cung vua mới vẻ lành
    Bởi ở thế gian nhiều sự vặt
    Gió bụi với trời sao cố ganh.

    Ngâm thơ xong Duệ Vương cùng với Sơn Thánh và công chúa Ngọc Hoa cùng giữa ban ngày mà bay lên trời đi vào cõi hóa sinh bất diệt.
    Thục chúa nhận được nhường ngôi, cảm công đức ấy bèn đại giá đến núi Nghĩa Lĩnh, lập nên miếu điện để làm nơi quốc gia thờ phụng. Lại dựng 2 cột đá ở giữa núi, chỉ trời mà thề rằng:
    –    Xin được nguyện ước trời xanh chứng giám cho tỏ tường. Thần tiểu tử tôi là Thục An Dương thu nhận cơ đồ họ Hùng, tiếp nối chính thống. Ơn sâu đức lớn sánh cùng trời đất. Nay lập miếu đường họ Hùng để làm nơi muôn vạn năm cúng thần, hương lửa không ngớt, phụng thờ như lễ. Giả sử các vua sau này kế vị mà bội ước nhạt thề thì núi sông trời đất sẽ chứng giám việc phụ lời thề này.
    Chúc xong, Thục Vương quay về đô thành, ban chiếu cho các xã Nghĩa Lĩnh, Ma Xá, thôn Cổ Tích làm thôn dân trưởng tạo lệ, bốn mùa tám tiết hương đèn không ngừng để phụng thờ Hùng Vương Sơn thánh, xem theo trong sự tích của Hùng Vương. 22 xóm của huyện Bất Bạt, Thủ Pháp, Lăng Sương làm dân thôn trưởng tạo lệ, bốn mùa tám tiết hương đèn không ngừng để phụng thờ Sơn Thánh. Cùng với xã Trung Độ cùng huyện làm dân thủ lệ. Chính quán động Lăng Sương, ngoại quán xã Phí Xá, cùng với các ruộng thờ ở các phủ huyện xã sách động trang, cộng 2.700 mẫu để phụng thờ hương lửa cho các điện Thượng, Hạ, Trung, mãi trùm vạn thế. Trải qua Đinh, Lê, Lý, Trần thay vua đổi bá thì Tản Viên Sơn Thánh đều có phép thuật thần tiên. Lúc hoặc biến hiện ra chân thân, lúc hoặc cảm thông linh ứng. Hộ quốc an dân, có công với đời. Các triều đại đều chuẩn y các cung điện cùng với các xã trưởng tạo lệ, dân hộ nhi mà miễn việc binh thuế cùng các việc sai dịch, phụng thờ như trước. Cứ thế mà cùng với mạch nước để tiếng thơm truyền lưu vạn cổ. Tốt đẹp thay!

      Hôm nay: 23/11/2024, 12:45 pm