Dòng HÙNG VIỆT

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Trang chuyên khảo về lịch sử và văn minh Hùng Việt

Trang chủ


Gallery


Vài điều bàn về Cao Lỗ tướng quân Empty

November 2024

MonTueWedThuFriSatSun
    123
45678910
11121314151617
18192021222324
252627282930 

Calendar Calendar

Khách thăm



Vài điều bàn về Cao Lỗ tướng quân Flags_1



    Vài điều bàn về Cao Lỗ tướng quân

    Admin
    Admin
    Admin


    Tổng số bài gửi : 1197
    Join date : 31/01/2008

    Vài điều bàn về Cao Lỗ tướng quân Empty Vài điều bàn về Cao Lỗ tướng quân

    Bài gửi by Admin 15/6/2016, 10:37 am

    Bách Việt trùng cửu – nguồn http://báchviệt18.vn/

    Về Cao Lỗ tướng quân của Thục An Dương Vương, người đã chế tạo nỏ thần chống giặc, có ý kiến cho rằng đây chẳng qua nguyên là tục “thờ đá” vì Cao Lỗ còn được gọi là Thạch thần. Di tích lăng mộ và đền thờ Cao Lỗ ở Gia Bình, Bắc Ninh bị cho là “nhầm” vì Cao Lỗ là người từ đất Thục sang nước ta, không phải quê hương bản quán ở đây và không đúng là thủy tổ họ Cao. Những ý kiến này thực ra không có cơ sở, chỉ là lấy cách nhìn “ngày nay” để bài bác chuyện xưa chứ chưa hiểu đúng bản chất của nhân vật Cao Lỗ trong bối cảnh lịch sử của thời nhà Thục.

    Vài điều bàn về Cao Lỗ tướng quân Image009

    Lăng mộ Cao Lỗ ở Đại Than.

    Thần tích làng Vũ Dương Vũ (Hưng Hà, Thái Bình) kể (trích theo Đặng Đình Hùng, Họ Đinh thời Hùng Vương trên đất Thái Bình):
    Đức Không Thuyền đại vương tên là Phẩm họ Đinh quê ở Bạch Hạc, Thành Phong Châu, tỉnh Sơn Tây, bà vợ là Trần Thị Anh. Ngài là người thi thư quán thế, hiếu đễ thuyền gia. Rất giỏi việc dùng binh, giỏi cả thi thư xạ ngự, bói toán. Khi ấy ở đời vua Hùng Duệ Vương, nghe tiếng của ngài nhà vua đã mời ngài ra giúp việc và cho ngài làm tri huyện nhưng ngài có tính khăng khái cương trực, từng không kiêng sợ. Đương thời ngài nhận chức tri huyện, có lập doanh cừ ở làng Vũ Xá, gặp năm đói kém ngài thương dân đói khát, bèn lấy tiền thuế phát chẩn cho dân. Có kẻ dèm pha tố giác với triều đình: ngài tiêu tiền thuế để làm phúc riêng cho mình. Vua bèn phế người xuống làm thứ dân, bắt ngài đi chèo đò ở bến Thần Vũ ngài không giám chối mệnh. Từ khi ngài phải về chèo đò, nhân dân đều tôn kính, thường xưng hiệu là Không Thuyền Ông.
    Thời ấy ở đất Ai Lao bộ có họ Thục tên Ban (Bạn) là Thục Chúa, nghe tin vua Duệ Vương định nhường ngôi cho con rể là ông Tản Viên Sơn, bèn đem quân đánh họ Hùng. Vua sai Tản Viên Sơn đem quân ra nghênh chiến. Quân Thục bị thua, Thục Chúa chạy đến bến Hồng Vũ thì đã gần sáng, đương hồi tháng 6, tháng 7. Nước của sông to, quân của đức Tản Viên đã đuổi gần tới nơi. Trong lúc cấp bách đường cùng, Thục Chúa trông thấy ở mé sông có thuyền của Không Thuyền liền gọi cầu cứu chở qua sông. Không Thuyền cũng nghĩ thầm hẳn Thục Chúa thua trận chạy trốn, ta mà bắt được đem nộp thì được công to. Nhưng lại nghĩ rằng: “Chấp nhân ư nguy cấp chi trung, khởi vô nghĩa hồ cứu nhân ư hoạn nạn, chi chính thị nhân dã”. Ngài bảo rằng ngày nay quân của Hùng gia còn đương canh hàng nghiêm ngặt, Minh Công tạm trú gia thôn sở nguyệt. Thục Chúa còn nghi ngại chẳng giám nghe lời, ngài phải chỉ trời mà thề rằng: nếu tôi có lòng bất chính thì trời sẽ hại tôi. Thục Chúa thấy ngài quả có lòng thành thực, liền theo ngài về nhà, ngài để Thục Chúa ở chùa Vũ Xá hơn một tháng. Thấy quân Hùng gia không còn truy lùng nữa, hai ba lần Thục Chúa mời ngài cùng về bản quốc, để báo đại ân. Ngài từ chối không chịu đi, nói rằng tôi đã ăn lộc Hùng gia mà nay lại về với Minh Quân là vô đạo. Một đêm ngài nằm mộng thấy thần báo một bài thơ rằng:
    Hữu thời quân tất hữu thời thần
    Hà tất phu phu tác đạo nhân
    Nghi giữ Thục Vương hồi Thục quốc
    Công danh tái đắc ức liên thân.
    Khi ấy ngài mới vui lòng về Ai Lao. Thục Chúa phong ngài là Bảo Hựu Không Thuyền đại đô đốc, thực ấp vạn hộ. Thục Chúa gọi em là bà Phượng Hoa công chúa gả cho ngài. Được 5 đến 6 tháng bà nằm mộng thấy 3 con lân nhập hoài mà có thai, đến ngày 10 tháng 2 năm Giáp Dần sinh ra một bọc, phá ra 3 người con trai. Khi đang sinh thấy hương hoa thơm ngát ở phòng sinh. Sinh được hơn trăm ngày, ngài đặt tên con trưởng là Nam Công, con thứ là Chiều Công, thứ ba là Hàn Công, đến năm 14 tuổi, bà mẹ hốt nhiên không ốm mà chết.
    Đến khi Tam Công 18 tuổi, thiên kinh vạn quyển qua tay thuộc lòng. Thục Chúa đều phong tước cho. Khi ấy cha con ngài đều khuyên Thục Chúa cầu hòa cùng Duệ vương. Duệ vương được tin Thục Chúa xin cầu hòa, bèn triệu Thục Chúa lại nhường ngôi cho. Thục Chúa lên ngôi đóng đô ở thành Cổ Loa, phong Bảo Hựu làm Bảo Hựu Không Thuyền đại tướng, trưởng tử Nam Công làm quản Nam Đô phụng sự, thứ tử Chiều Công làm Phụng thị tả hữu. Quý tử Hàn công làm Chính hàn giáo thiên hạ tứ phương trí sĩ.
    Từ khi ấy cha con ngài thường đi lại làng Vũ Xá. Ngài sai làm một nhà hội đồng cung để cho 3 con cùng ở. Một ngày 3 cha con cùng ngồi ở hội đồng cung chợt thấy một người đầu râu tóc bạc, đầu đội mũ hoa từ ngoài đi vào, cha con trông thấy mời vào cùng ngồi chơi nói chuyện thiên văn địa lý, văn chương thi phú thấy rất hợp liền kết làm nhất bái huynh đệ. Lão nhân đến tối thì đi, sáng sớm lại đến, đã ba, bốn ngày vẫn như thế. Đến hôm ấy lão nhân đi ra thì cha con ngài cùng đi theo, thấy lão nhân rẽ nước mà xuống sông, đến sáng sớm hôm sau cha con đi ra thì lại trông thấy lão nhân rẽ nước mà đi lên, rồi vào hội đồng cung. Thấy mọi người ngạc nhiên, lão nhân cười mà nói rằng, ta trước là con nhà Hùng gia cai trị ở Giang Khẩu, nay thấy cha con nhà ngươi là người anh tài đạo đức khí cao chí trung cho nên không lấy âm dương làm cách biệt mà đến chơi. Cha con ngài nói rằng tôn nhân đã không lấy âm dương làm cách biệt giám kết làm chi lan, có việc gì nguy cấp thì xin cấp cứu, lão nhân vâng dạ bảo rằng ta từ nay có việc triều đình không hay đi lại như trước, ngươi có việc gì muốn cầu cứu thì ta cho thần hiệu. Khi có việc gì thì hô thần hiệu ta sẽ tới, nói rồi viết hai chữ “Giang Khẩu” đưa cho cha con ngài, rồi đi.
    Thời Thục Chúa tại vị đã được 32 năm có người ở Chân Định tên là Triệu Đà cử binh lại xâm chiếm, đồn trú ở Bắc Ninh Thiên Đức Giang. Thục Chúa sai sứ triệu cha con ngài về triều rồi đem quân đánh giặc. Khi ấy ngài đang thiết ban ở hội đồng cung để cầu Giang Khẩu đại vương, nghe thấy sứ triệu, ngài bèn gọi nhân dân ở làng Vũ Xá cắt cử coi giữ cung sở lập tức ngài xuất bản bộ binh mã và chọn những người tráng kiện ở làng Vũ Xá được 35 người để làm gia nô thủ túc. Thục Vương kíp sai đem một trăm nghìn quân ra đánh Triệu Đà, cha con ngài bái tạ Thục Vương rồi đem quân đường đường trực tuyến đến thiên đức giang thiết đầu sở rồi cùng Triệu Đà kháng cự. Cha con ngài cùng cha con Triệu Đà đánh nhau vài mươi trận, cha con ngài đều toàn thắng bắt được nhiều lương thực khí giới. Triệu Đà thấy cha con ngài uy dũng không dám ra đánh, đem quân về danh sở cố thủ không xuất chiến nữa.
    Than ôi số mệnh tại thiên, Không Thuyền ở chốn chiến trường chợt bị bệnh nặng rồi chết vào ngày 19 tháng chạp. Ba vị Tam Công sai gia nhân về tâu Thục Vương. Vua Thục nghe tâu rất là thương tiếc, gấp sai xa giá ra chỗ quân trung đem Không Thuyền về thành đô. Khi ấy Triệu Đà gọi con cùng chư tướng bàn rằng nay Thục Vương đã mất một viên chúa tướng, Thục Vương xa giá đến đây, ta cố đánh một trận toàn thắng. Ngay đêm ấy chia làm bốn phía cùng tấn công. Đương khi 3 vị Tam Công còn đang sầu lão cùng với vua Thục và Quách Quàn thân phụ ở trong trại chợt thấy quân Triệu Đà vây bốn mặt giáp chiến. Quân Thục bị chết vô số, ba vị Tam Công ra đánh khi ấy quân Triệu phấn dũng, Tam Công không địch nổi lại chạy về trại cố thủ. Chúa Thục cả sợ, Tam Công nói rằng bệ hạ đừng lo, tôi đã có Giang Khẩu thần cấp cứu, nói rồi rồi đốt hương cầu Giang Khẩu xin lại cấp cứu ta. Vừa cầu xong chợt nổi: một trận gió to gẫy cây tốc nhà, bay sỏi đá, có tiếng gọi to rằng ta đã lại cứu lũ ngươi sao không đem quân ra đánh. Tam Công nghe thấy lập tức đem quân ra đánh. Triệu binh thất điên bát đảo bị chết vê số, Triệu Đà chạy về doanh sở.
    Ba vị Tam Công mời Đức Giang Khẩu về lầu Thục Vương. Đức Giang Khẩu nói rằng ta muốn lại thăm Không Thuyền Vương rồi cùng về lầu bái yết Thục Vương. Đức Giang Khẩu thăm vị Không Thuyền Vương đã khuất rồi từ tạ mà đi, Thục Vương sai rước Không Thuyền Vương về táng ở thành Cổ Loa, lại gia tăng ở mỹ tự 6 chữ “bảo hộ, dục vận, chiến lưu”, sắc chỉ về làng Vũ Xá lập miếu ở hành cung bên chùa để thờ cúng. Thục Vương lại sai sứ đem Kim Quy thần cung giao cho ba vị Tam Công khiến lui quân Triệu Đà. Tam Quân được thần cung ấy liền thắng vài mươi trận. Triệu Đà từ ấy chạy về Chân Định, ba vị Tam Công bái tạ Thục Vương xin về làng Vũ Xá, túc trực tại nhà hội đồng cung ở làng Vũ Xá, chúc thỉnh Đức Giang Khẩu tới để mở tiệc khánh hạ.
    Đương khoảng tháng 6, tháng 7, trong một ngày 3 vị Tam Công đương ngồi ở hội đồng cung sở thấy Đức Giang Khẩu rẽ nước đi lên cười mà tụng rằng:
    Ngũ thập nhiên gian tại Thục Vương
    Hựu quy Triệu thị khá tuy tường
    Kim nai đặc thỉnh tam công đảng
    Hồi thủy vân vương kết nghĩa trường.
    Đương khoảng giời đất yên tĩnh ba vị Tam Công cùng hóa cả.
    Câu chuyện về Không Thuyền đại vương và Giang Khẩu thần giúp Thục Vương đánh giặc đọc kỹ thấy có rất nhiều tư liệu mới mẻ đối với giai đoạn khúc mắc này của sử Việt. Tên của Thục Vương ở đây chép là Thục Ban (Bạn). Vì 2 phụ âm B và P đổi cho nhau nên Thục Bạn là tương đương với tên Thục Phán trong chính sử.
    Thần tích chép Không Thuyền đại vương đánh giặc ở Thiên Đức giang. Thiên Đức là tên cổ của sông Đuống. Vị Giang thần sông Đuống ở đây gọi là Giang Khẩu hoặc Đức Giang Khẩu. Cửa sông Đuống là cửa Lục Đầu ở Bắc Ninh. Vị thần Giang Khẩu như vậy tương đương với Thanh Giang sứ giả trong truyền thuyết Kim Quy. Thanh Giang sứ là thần sông chứ không phải thần biển.
    Khi nhận ra thần Giang Khẩu là thần Kim Quy thì Không Thuyền đại vương được kể phải là Cao Lỗ, vị tướng giúp vua Thục đánh giặc và chế tác nỏ thần. Cao Lỗ còn gọi là Cao Thông. Không Thuyền đọc thiết âm là Thông, trùng với tên của Cao Lỗ.
    Tướng Cao Lỗ có đền thờ chính và lăng mộ tại thôn Đại Trung (Cao Đức, Gia Bình, Bắc Ninh). Khu vực này chính là nơi sông Đuống đổ vào Lục Đầu, gọi là bãi Đại Than. Sự trùng khớp vị trí của lăng Cao Lỗ và bến đò trên cửa sông Đuống trong thần tích Không Thuyền đại vương khẳng định thêm Không Thuyền chính là tướng Cao Lỗ.
    Câu đối ở lăng Cao Lỗ tại Đại Than
    愼密弩機萬代時君皆倚重
    艱難農事千秋上帝憫精忠
    Thận mật nỗ cơ vạn đại thời quân giai ỷ trọng
    Gian nan nông sự thiên thu thượng đế mẫn tinh trung.
    Dịch:
    Cẩn mật nỏ thần, vạn đời các vua đều coi trọng
    Gian nan nông nghiệp, nghìn thu thượng đế cảm lòng trung.
    Cao Lỗ được biết đến là một vị tướng tài giỏi và là một nghệ nhân về các nghề thủ công, nông nghiệp. Ông là người chế tạo ra nỏ thần của nhà Thục, được coi là “ông tổ chế tạo vũ khí” của nước Nam.
    Để nhận rõ Cao Lỗ là ai cần điểm lại lịch sử nhà Thục ở nước ta. Truyền thuyết về Thục An Dương Vương kể về cả một thời đại nhà Thục từ lúc dựng nước tới lúc mất nước. Đoạn đầu Thục Phán đánh Hùng Vương và lên ngôi đã được biết là chuyện Cơ Phát đánh giặc Ân, lập nên nhà Chu trong Hoa sử. Đoạn An Dương Vương xây thành Cổ Loa là sự kiện Chu Bình Vương dời đô từ Tây Kinh về Đông Kinh ở Đông Ngàn Cổ Loa. Đoạn cuối về Mỵ Châu – Trọng Thủy là việc nhà Tần diệt Chu Noãn Vương, kết thúc vương triều Chu kéo dài gần 1000 năm.
    Xét trên một giai đoạn lịch sử dài như vậy, thật khó xác định Cao Lỗ là vị tướng ở thời gian nào. Chắc chắn một điều là tướng Cao Lỗ không liên quan tới việc trừ yêu diệt quỷ xây thành Cổ Loa như vẫn nhiều người lầm tưởng vì việc xây thành Cổ Loa là công tích của Huyền Thiên Lão Tử ở Đông Anh. Như vậy Cao Lỗ chỉ có thể là vị tướng ở thời kỳ đầu hoặc ở giai đoạn cuối của nhà Chu Thục.
    Cao Lỗ chỉ một vị tướng người nước … Lỗ. Lỗ là nước chư hầu nằm ở phía Tây của nhà Chu. Lỗ hay Lẽ, Lý là tính chất lý lẽ của phương Tây, đối lập với tính chất tình thương, từ ái của phương Đông trong Dịch học. Cao là từ dùng để chỉ người lãnh đạo. Như thế Cao Lỗ tức là vị thủ lĩnh phía Tây.
    Một loạt các tên gọi khác của Cao Lỗ khẳng định điểm này. Cao Lỗ còn gọi là Thạch thần. Hay trong thần tích ở Thái Bình Cao Lỗ trở thành Không Thuyền đại vương mang họ Đinh. Thạch hay Đinh đều là những dịch tượng chỉ hướng Tây, với tính chất tĩnh lặng, cương định.
    Thần tích đền Đại Than cho biết Cao Lỗ khi sinh ra trên người có chữ Cao Lỗ Thiên, được đặt tên là Lỗ Công. Cao Lỗ Thiên không phải là “ông trời họ Cao tên Lỗ” mà là vị thủ lĩnh của trời Tây (Lỗ).
    Giả thuyết như vậy thì Cao Lỗ có thể là vị tướng ở một trong 2 thời điểm. Ở thời lập quốc nhà Chu thì Cao Lỗ là Chu Công Đán, người em của Chu Vũ Vương được phong ở đất Lỗ. Chu Công hay Lỗ Công đã không về đất phong mà ở lại kinh thành nhà Chu phò tá cháu còn nhỏ là Chu Thành Vương. Sau khi dẹp loạn Vũ Canh và Tam Thúc, Chu Công đã đưa đám quý tộc nhà Ân cũ về an trí tại thành Lạc Dương, tức là ở thành Cổ Loa.
    Thần tích ở Đại Than cho biết Cao Lỗ khi giúp Thục Vương đã dẫn quân như sau:
    Chỉ đạo theo đường từ châu Minh Linh Bố Cánh đi ra, một đạo theo đường núi từ Quỳnh Nhai Hoàng Tùng thập châu đi ra, một đạo theo đường Tuyên Tiên Tụ Long đi ra, một đạo theo đường núi Tam Điệp Ái Châu đi ra, một đạo theo đường Hoan Châu hội quân ở cửa biển, dựng cờ lớn ở đất Mộc Châu.
    Tất cả những địa danh trên cho thấy khu vực cai quản của Cao Lỗ là vùng rừng núi Tây Bắc và Bắc Trung Bộ ngày nay. Đây chính là địa phận nước Lỗ, đất phong của đại công thần Chu Công Đán của nhà Chu.
    Giả thuyết thứ hai nếu Cao Lỗ ở vào cuối thời Chu Thục, đã từng giúp Thục kháng Tần (Triệu), thì khả dĩ nhất Cao Lỗ là ông Lỗ Ban. Cao Lỗ được thờ là tổ nghề rèn (dưới tên Lư Cao Sơn). Lỗ Ban cũng là người nước Lỗ và được tôn là ông tổ nghề xây dựng, nghề mộc. Truyện kể về Lỗ Ban từng chế tạo các máy móc dùng trong chiến trận, như truyện Công Thâu Ban và Mặc Gia bày sa bàn đấu với nhau chín ngày đêm.
    Không Thuyền đại vương ở Thái Bình họ Đinh tên Phẩm. Rất có thể chữ Phẩm là biến âm của chữ Ban, tương tự trường hợp tên Thục Ban trong thần tích so với tên Thục Phán. Đinh là hướng Tây, giống như Lỗ. Như thế Đinh Phẩm tương đương với Lỗ Ban.

    Vài điều bàn về Cao Lỗ tướng quân Image010-1

    Đền Phnom Bakheng, nơi có truyền thuyết về Lỗ Ban ở Angkor.

    Không rõ làm sao, trong sách Chân Lạp phong thổ ký của viên công sứ nhà Nguyên là Châu Đạt Quan ở thế kỷ 13 lại kể ở Angkor Wat trên đất Cămpuchia có mộ của Lỗ Ban:
    Ngôi tháp bằng đá (Phnom Bakheng) ở ngoài cửa thành hướng Nam nửa dặm, người ta thuật lại rằng ông Lỗ Ban, vị kiến trúc sư Trung Hoa theo huyền thoại đã xây cất trong một đêm. Ngôi mộ của ông Lỗ Ban (Angkor Wat) ở ngoài cửa Nam lối một dặm, trong một vòng thành gần mười dặm, có hàng trăm căn nhà bằng đá.
    Bậc thầy về xây dựng Lỗ Ban của Trung Hoa lại ở Cămpuchia. Nước Lỗ rõ ràng không ở đâu xa tận bán đảo Sơn Đông, mà là khu vực nước Lào ngày nay. Có vậy thì mộ của Lỗ Ban mới nằm trong quần thể Angkor.
    Bản thân trong cách bố trí số các ngọn tháp ở Angkor đều dùng số 5 với khái niệm tương tự như Ngũ hành. Ví dụ như ở ngôi đền Phnom Bakheng được nói đến có 5 bậc tháp khi đi lên.

    Vài điều bàn về Cao Lỗ tướng quân Image011

    5 bậc tháp ở đền Phnom Bakheng.

    Trong truyện kể về Lỗ Ban (Nghiên cứu của Lỗ Ban) có thể thấy ông đã rất ủng hộ nhà Chu. Thậm chí có chỗ kể ông có người chị ở đất Chu. Lỗ Ban chế tạo ra con chim gỗ để đi tìm chị ở nước Chu. Bố của ông không biết dùng chim gỗ nên bị rơi ở nước Vũ, sau đó bị giết ở đây…
    Nước Lỗ vốn là nước của Chu Công, vị đại công thần của hoàng tộc nhà Chu nên với nước Chu có quan hệ đặc biệt, luôn luôn ủng hộ nhà Chu. Tới tận cuối thời Chiến Quốc nước Lỗ vẫn còn kẻ sĩ như Lỗ Trọng Liên, thà nhảy xuống biển Đông mà chết chứ không chịu theo Tần.
    Quay lại vấn đề về Cao Lỗ, người mà danh tích và sự nghiệp gắn với việc chế tạo chiếc nỏ thần. Câu đối về Cao Lỗ ở đình Đại Trung:
    名振螺城昭聖跡
    靈揚龟弩赫神威
    Danh chấn Loa thành chiêu thánh tích
    Linh dương quy nỗ hách thần uy.
    Dịch:
    Danh dội Loa thành rạng thánh tích
    Linh thiêng Quy nỏ tỏ uy thần.
    Nỏ thần của Cao Lỗ thật sự là gì thật khó biết nhưng bí quyết của nỏ nằm ở chiếc lẫy nỏ do thần Kim Quy trao tặng. Lẫy nỏ thần này được gọi thần cơ. Chữ Cơ 機 còn có nghĩa là điều then chốt, cốt yếu, chứ không nhất thiết chỉ nghĩa là chiếc lẫy để bắn nỏ. Xét về ý nghĩa của bí quyết “móng rùa” này chắc chắn phải liên quan tới Dịch học. Rùa là loài vật có mai giáp dùng để chép Dịch thời cổ (Quy tàng dịch).

    Vài điều bàn về Cao Lỗ tướng quân Image012-1

    Đình Đại Trung ở Gia Bình, Bắc Ninh.

    Ngay xem trong thần tích về Không Thuyền đại vương ở Thái Bình, 3 vị con của Không Thuyền (Cao Lỗ) là Chiều Công, Nam Công và Hàn Công cùng với Giang Khẩu thần dùng nỏ thần Kim Quy thắng giặc. Tên của các vị này xếp thành đủ 4 phương. Nam Công là hướng Nam. Chiều Công là hướng Tây, hướng buổi chiều mặt trời lặn. Hàn Công là hướng Bắc, hướng của xứ lạnh (hàn). Còn Giang Khẩu thần hay Thanh Giang sứ là hướng Đông (Thanh là màu xanh, màu của phương Đông). Cùng với Không Thuyền đại vương 4 phương này hợp thành Ngũ hành.
    Lỗ Ban cũng là một bậc thầy về phong thủy (Dịch học). Tới ngày nay còn truyền lại dụng cụ “thước Lỗ Ban” được sử dụng rộng rãi trong thuật phong thủy. Phải chăng bí kíp móng rùa của Cao Lỗ chính là nằm ở chiếc “thước Lỗ Ban” này? Hiểu một cách rộng hơn thì Cao Lỗ đã tạo ra một mực thước tốt nhờ vận dụng Dịch học để thiết kế các công cụ tác chiến, nhờ đó giúp cho Thục An Dương Vương chống giặc.
    Thay cho lời kết bài viết, xin dẫn thêm đôi câu đối ở cổng lăng mộ Cao Lỗ tại Đại Than:
    文武兼全神機妙造無雙將
    龍韜虎畧却趙抗秦第壹功
    Văn vũ kiêm toàn, thần cơ diệu tạo vô song tướng
    Long thao hổ lược khước Triệu kháng Tần đệ nhất công.
    Dịch:
    Đủ gồm văn võ, sáng tạo lẫy thần kỳ diệu, vị tướng có một không hai
    Tài trí hổ rồng, đánh đuổi Triệu chống giữ Tần, công lao đứng hàng thứ nhất.

      Hôm nay: 11/11/2024, 4:33 am