Dòng HÙNG VIỆT

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Trang chuyên khảo về lịch sử và văn minh Hùng Việt

Trang chủ


Gallery


Từ cô Tấm đến thánh Láng Empty

September 2024

MonTueWedThuFriSatSun
      1
2345678
9101112131415
16171819202122
23242526272829
30      

Calendar Calendar

Khách thăm



Từ cô Tấm đến thánh Láng Flags_1



    Từ cô Tấm đến thánh Láng

    Admin
    Admin
    Admin


    Tổng số bài gửi : 1195
    Join date : 31/01/2008

    Từ cô Tấm đến thánh Láng Empty Từ cô Tấm đến thánh Láng

    Bài gửi by Admin 7/6/2018, 4:18 am

    Bách Việt trùng cửu – nguồn http://asakicorp.com/bachviet18/?p=3132

    Truyện Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không trong Lĩnh Nam chích quái kể:
    Ông họ Từ tên Lộ, tự là Đạo Hạnh, ở chùa Thiên Phúc, núi Phật Tích, cha tên là Vinh, làm chức tăng quan đô sát ở triều Lý, thường qua chơi làng An Lãng, lấy con gái người họ Lỗ tên là Loan, nhân thế ở lại đó. Lộ tức là con bà họ Lỗ vậy. Thuở niên thiếu, thích giao du hào hiệp, phóng khoáng, có chí lớn, hành động ngôn ngữ không ai có thể lường được, thường cùng kẻ nho giả Mãi sinh, đạo sĩ Lê Toàn Nghĩa và người con hát là Phan ất kết bạn. Đêm thì mải miết đọc sách, ngày thì thổi sáo đánh cầu, vui sự chơi bời. Cha mẹ thường trách là trễ nải, một đêm ghé dòm qua khe cửa vào trong phòng thấy ngọn đèn gần tàn, sách vở chồng chất, Lộ gục xuống án mà ngủ, tay vẫn chưa rời khỏi sách; do đó cha mẹ không còn lo nghĩ nữa. Sau Lộ dự kỳ thi tăng hương thí, đỗ khoa Bạch Liên.

    Từ cô Tấm đến thánh Láng Chua-Nen-1024x768

    Chùa Nền ở Láng Thượng, Hà Nội, nơi sinh của thánh Láng Từ Đạo Hạnh.

    Không bao lâu, cha dùng tà thuật làm phật ý Diên Thành hầu, Diên Thành sai Đại Điên thiền sư dùng phép đánh chết, ném xác xuống sông Tô Lịch. Xác trôi tới cầu An Quyết, đến trước cửa nhà Diên Thành hầu, hốt nhiên đứng dựng lên ở đấy suốt một ngày không trôi đi. Diên Thành hầu sợ hãi nói với Đại Điên, Đại Điên đến và hét lên rằng: “Người đi tu không được phép giận quá một ngày”. Dứt lời thây đổ xuống mà trôi đi.
    Lộ nghĩ việc báo thù cho cha nhưng chưa nghĩ ra mưu kế. Một hôm, rình Đại Điên ra ngoài, gây sự định đánh, bỗng nghe thấy trên không trung có tiếng thét ngăn lại. Lộ sợ hãi quăng gậy mà đi. Muốn sang chùa ấn Quốc cầu phép lạ để đánh Điên, đường đi qua đất rợ Kim Sỉ (răng vàng) thấy hiểm trở bèn quay về, ẩn cư ở núi Phật Tích, thường ngày đọc kinh Đại-bi-đà-la, đọc trọn mười vạn tám nghìn lần. Một hôm, thấy có thần nhân đến trước mặt mà nói rằng: “Kẻ đệ tử tức là Trấn Thiên Vương, cảm phục thày có công trì kinh nên lại đây để thày sai khiến”. Lộ biết là đạo pháp đã thành, thù cha có thể rửa, bèn thân đến cầu An Quyết, cầm cây gậy chống ở tay ném xuống dòng nước chảy xiết. Gậy đi ngược dòng nước tới cầu Tây Dương thì dừng lại. Lộ mừng mà nói rằng: “Phép của ta thắng được Đại Điên rồi!” Bèn đến thẳng chỗ Điên ở, thấy Điên nói rằng: “Mày không nhớ chuyện ngày trước sao?” Nói rồi nhìn lên không trung, tịnh không thấy gì, bèn đánh liền. Điên phát bệnh mà chết….
    Khi ấy vua Lý Nhân Tông không có con, tháng ba năm Hội tường Đại khánh thứ 3, có người ở phủ Thanh Hoa nói rằng: “ở bãi bể có đứa trẻ kỳ lạ, mới khoảng lên ba, tự xưng là hoàng đế, lấy hiệu Giác Hoàng, phàm vua làm điều gì đứa trẻ ấy cũng biết, đó chính là Đại Điên hóa sinh”. Vua sai quan trung sứ tới xem, thấy đúng như lời nói, bèn đón về kinh sư, cho ở chùa Báo Thiên. Vua thấy đứa trẻ thông minh, rất lấy làm yêu dấu, muốn lập làm kẻ kế tự, quần thần đều cố khuyên can là không thể được, và nói: “Nếu kẻ kia thực là linh dị, tất phải thác sinh ở nơi cung cấm, sau mới có thể lập được”. Vua nghe theo. Bèn mở đại hội bảy ngày đêm cho đầu thai.
    Pháp Lộ nghe tin, nói với chị gái rằng: “Đứa trẻ kia là yêu tà mê hoặc người ta quá đáng. Ta há chịu ngồi yên mà không cứu, để nó làm mê hoặc lòng người, rối loạn chính pháp sao?”. Nhân sai chị gái giả đò làm người đi xem hội, mật đem mấy tấm bùa của Lộ treo ở trên rèm. Hội tới ngày thứ ba thì Giác Hoàng bị bệnh nói với mọi người rằng: “Khắp biên giới trong nước đều có lưới sắt vây che, tuy muốn thác sinh, sợ không có lối vậy”. Vua nghe có kẻ phá mất bùa chú, bèn sai người đi tìm, quả nhiên bắt được Lộ ở Hưng thánh lâu, trói lại, họp quần thần lại để xét xử. Vừa lúc đó Sùng Hiền Hầu đi ngang qua, Lộ năn nỉ nói: “Xin ra sức cứu bần tăng khỏi phải chịu tội, ngày sau xin ngụ thai trong cung để báo đáp công đức này”. Hầu gật đầu.
    Sau ngày hội, quần thần tâu với vua rằng: “Bệ hạ vô tự, nên cầu kẻ kia thác sinh, thế mà tên Lộ cuồng dại dám tự ý giải chú, thật là đắc tội”. Hầu tâu rằng: “Thiết tưởng nếu Giác Hoàng có thần lực thì tuy có trăm tên Lộ giải chú, há đâu có hại được ru? Nay lại trái hẳn, Lộ hơn hẳn Giác Hoàng, thần trộm nghĩ nếu như giết, chẳng thà cho nó thác sinh”. Vua bằng lòng. Lộ đến thẳng phủ đệ nhà Hầu, nhằm chỗ phu nhân tắm, nhìn khắp cả. Phu nhân giận quá, mách với Hầu. Hầu vốn hiểu ý, để mặc không hỏi đến. Phu nhân vì thế có thai. Lộ dặn Hầu rằng đến lúc phu nhân lâm bồn phải báo cho biết trước. Đến kỳ lâm bồn, Lộ được người báo tin, bèn tắm rửa thay quần áo, bảo học trò rằng: “Mối túc nhân của ta chưa hết, phải thác sinh lần nữa ở đời, tạm làm đế vương, kíp đến khi già chết làm nhị thập thiên tử. Nếu thấy thân thể tan ra đất, đó là ta đã thâm nhập vào bùn đất không còn ở trong cõi sống chết nữa”.
    Học trò nghe nói, ai cũng cảm động sụt sùi. Lộ đọc kệ rằng: Thu tới, không cho chim nhạn báo trước, Cười nhạt mà nhìn nhân gian đau xót. Khẽ bảo bọn môn nhân chớ nên luyến tiếc, Thày xưa mấy độ hóa thày nay. (dịch ý) Đọc dứt, nghiễm nhiên mà hóa. Hầu phu nhân bèn sinh con trai, đặt tên là Dương Hoán. Khi lên ba, vua nhân tông nuôi ở trong cung, lập làm hoàng thái tử. Nhân Tông băng hà, thái tử tức vị, ấy là vua Thần Tông do Lộ thác sinh ra vậy. Hình xác Lộ nay còn ở hõm đá trong chùa Thiên Phúc, núi Phật Tích, huyện Ninh Sơn…


    Từ cô Tấm đến thánh Láng Tien-dinh-chua-Lang-1024x683

    Chùa Láng, Hà Nội.

    Câu đối ở chùa Láng (Hà Nội):
    生化何年仙是帝
    英靈此地聖而神
    Sinh hóa khả niên tiên thị đế
    Anh linh thử địa thánh nhi thần.
    Dịch:
    Sinh hóa năm nào tiên chính đế
    Linh thiêng đất đó thánh là thần.

    Từ Đạo Hạnh là một trong những vị thần bất tử trong tín ngưỡng dân gian, được biết với chuyện trả thù cho cha và đầu thai thành Lý Thần Tông. Tuy nhiên, tại sao một vị thánh tổ Phật giáo lại nặng nghiệp trả thù, rồi tranh đầu thai để làm vua như thế? Công nghiệp thực sự của Từ Đạo Hạnh là ở chỗ nào?
    Để lý giải câu chuyện của Từ Đạo Hạnh phải bắt đầu từ vị pháp sư Đại Điên, đối thủ của Từ Đạo Hạnh trong truyện trên. Đại Điên là ai mà lại dám giết cả Tăng đô sát của triều đình (Từ Vinh) và còn định đầu thai làm con vua (Giác Hoàng) nữa?
    Khi tìm hiểu về Đại Điên thì có một thông tin bất ngờ. Giác Hoàng Đại Điên cũng là vị sư đã tham gia vào câu chuyện sinh nở của nguyên phi Ỷ Lan. Vua Lý Thánh Tông hiếm muộn, sau khi rước bà Ỷ Lan về cung, thường sai một thái giám là Nguyễn Bông đi cầu tự ở chùa. Sư trụ trì ở chùa này là Đại Điên, đã dùng phép để cho Nguyễn Bông đầu thai làm con của Ỷ Lan. Ỷ Lan sinh được con trai là thái tử Càn Đức, tức vua Lý Nhân Tông sau này. Về sự kiện này dân gian còn lưu lại di tích chùa Thánh Chúa ở làng Vòng (Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội), nơi còn thờ Nguyễn Bông và nguyên phi Ỷ Lan.


    Từ cô Tấm đến thánh Láng Y-Lan-1024x768Tượng nguyên phi Ỷ Lan ở chùa Thánh Chúa.

    Nơi trụ trì của sư Đại Điên cũng ở khu Dịch Vọng, nay là chùa Duệ Tú tại thôn Tiền. Ở đây, lý lịch của Đại Điên cho biết ông tên là Lê Nghĩa. Rất có thể vị đạo sĩ Lê Toàn Nghĩa mà Từ Đạo Hạnh giao du ban đầu như trong truyện trích dẫn trên chính là Đại Điên.
    Theo thần tích của chùa Duệ Tú, Đại Điên là một thiền sư đắc đạo, một lương y nổi tiếng, một công thần lớn có công giúp nước thời nhà Lý đã được tôn phong là Thánh tổ Giác Hoàng Đại Điên. Nay ở trong chùa Duệ Tú còn tượng ông tạc gỗ kích thước bằng người thật đặt trong khám để phụng thờ. Tới hội chùa Láng (nơi thờ Từ Đạo Hạnh) và chùa Duệ Tú (cùng ngày 7 tháng 3 âm lịch), còn có tục diễn trò đấu thần, khi kiệu rước Từ Đạo Hạnh đến ngõ chùa Duệ Tú (ngõ Vụt – nơi Từ Đạo Hạnh dùng gậy đánh chết Đại Điên) thì hai bên cho bắn pháo vào kiệu của nhau.


    Từ cô Tấm đến thánh Láng Dai-Dien-1024x768

    Tượng Giác Hoàng Đại Điên ở chùa Duệ Tú.

    Đại Điên như thế vừa là một pháp sư, vừa là một thầy thuốc. Gạt bỏ đi lớp màn sương của truyền thuyết, có thể nhận ra công lao chính của vị lương y Đại Điên chính là việc giúp nguyên phi Ỷ Lan có con trai. Nhờ người con trai này Ỷ Lan đã nắm được quyền nhiếp chính. Nếu trong dân gian Ỷ Lan được thể hiện thành hình tượng cô Tấm thì hình tượng ông Bụt luôn hiện lên giúp đỡ sẽ không phải ai khác chính là sư Đại Điên.
    Ỷ Lan vốn mang họ Lê, tên gọi Khiết Nương. Cái tên Ỷ Lan hay Yến Loan theo Mộng khuê bút đàm của nhà Tống có thể chỉ là tên phiên thiết của chữ An. Tên hiệu của bà là An phi thì hợp lý hơn. Đại Điên có  tên là Lê Nghĩa, tức là cùng họ Lê với nguyên phi Ỷ Lan. Không rõ họ Lê ở vùng Bắc Ninh này có liên quan gì tới triều Tiền Lê trước đó hay không? Không phải ngẫu nhiên mà Lý Thánh Tông lại đi chọn một cô gái thôn quê về làm phi tần một cách bất ngờ như vậy.


    Từ cô Tấm đến thánh Láng Den-tho-Y-Lan-1024x683Đền thờ nguyên phi Ỷ Lan trên dải núi Phật Tích (Bắc Ninh).

    Là người hỗ trợ nguyên phi Ỷ Lan, giúp bà sinh độ hoàng thái tử Càn Đức nên tất nhiên Đại Điên biết rất rõ các chuyện của nhà vua Lý Nhân Tông. Vì thế ông mới có tên là Giác Hoàng, nghĩa là người biết mọi chuyện của nhà vua, như trong chuyện kể về đứa trẻ mang tên Giác Hoàng: “phàm vua làm điều gì đứa trẻ ấy cũng biết, đó chính là Đại Điên hóa sinh”.
    Ở đây ta lại thấy một vấn đề khác trong việc truyền thừa của nhà Lý. Lý Thánh Tông vốn hiếm muộn, nhờ Đại Điên tư vấn chữa bệnh mà nguyên phi Ỷ Lan sinh được con trai kế vị. Đến đời Lý Nhân Tông lại không có con trai.  Truyền thuyết giải thích là vì Nhân Tông là do thái giám Nguyễn Bông đầu thai nên vua không có hứng thú với chuyện phòng the. Trước tình thế đó Giác Hoàng Đại Điên hẳn đã phải tính toán một cách thức khác để cho nhà Lý có người kế vị. Mà gia đình được chọn ở đây là Diên Thành Hầu được nhắc tới trong truyện Từ Đạo Hạnh.


    Từ cô Tấm đến thánh Láng Chua-Dam-1024x688Nền chùa Dạm ở Quế Võ, Bắc Ninh, còn gọi là chùa bà Tấm, là ngôi chùa do nguyên phi Ỷ Lan khởi công xây dựng và từng có đền thờ bà.

    Tới đây có thể nhận thấy, mâu thuẫn giữa vị Tăng đô sát Từ Vinh và ngự y Đại Điên nằm ở việc ủng hộ ai để có con trai làm hoàng thái tử. Từ Vinh hẳn đã chống lại Đại Điên chọn gia đình của Diên Thành Hầu là người kế vị, nên bị Đại Điên giết chết. Tới đời con là Từ Đạo Hạnh nối chí cha, diệt Đại Điên và phù trợ cho em vua Nhân Tông là Sùng Hiền Hầu có con trai.
    Tương tự như việc làm của Đại Điên dưới thời Lý Thánh Tông, công đức chính của Từ Đạo Hạnh là việc đã dùng pháp thuật (y thuật) giúp cho vợ của Sùng Hiển Hầu sinh con trai, mà người con này sau lên ngôi là vua Lý Thần Tông. Lý Thần Tông do đó coi Từ Đạo Hạnh như cha đẻ của mình, đã cho thờ cúng ông ở những nơi ông tu hành.
    Sau khi Từ Vinh bị Đại Điên đánh chết, Từ Đạo Hạnh đã đi tu phép Phật. Tuy nhiên, đầu tiên không phải ông sang Ấn quốc tìm đạo mà là ông xuống Nam Định, nơi có chùa Đại Bi ở Nam Trực để tu hành. Sự tích chùa Đại Bi ở đó kể rằng đây là nơi Từ Đạo Hạnh đã lui về sau khi cha bị giết và cùng giao du học phép với Nguyễn Minh Không và Giác Hải. Bản thân chữ Đại Bi cũng gắn với sự tích Từ Đạo Hạnh niệm kinh Đại-bi-đà-la, đọc trọn mười vạn tám nghìn lần mới đắc đạo.
    Hiểu một cách thực tế thì hẳn Từ Đạo Hạnh đã phải rời khỏi quê nhà ở Láng, Thăng Long, xuống trú tránh ở vùng Nam Định. Nam Định lúc này là nơi thịnh hành đạo phù thủy của phái Không Lộ. Cùng với Nguyễn Minh Không và Giác Hải, Từ Đạo Hạnh là một trong những người sáng lập của phái Không Lộ (cùng đi Tây Trúc học Phật).
    Có thể nhờ sự trợ giúp của phái Không Lộ, hoặc nhờ học/cùng tu các pháp thuật của phái này mà Từ Đạo Hạnh đã có đủ bản lĩnh để về thực hiện nốt sự nghiệp của cha: diệt Đại Điên và giúp Sùng Hiền Hầu có con trai.


    Từ cô Tấm đến thánh Láng Gac-chuong-Dai-Bi-1024x683

    Gác chuông chùa Đại Bi (Nam Trực, Nam Định).

    Câu đối ở chùa Đại Bi:
    西地三同行六智神通先得道
    南天四不死两朝帝制別登尊
    Tây địa tam đồng hành, lục trí thần thông tiên đắc đạo
    Nam thiên tứ bất tử, lưỡng triều đế chế biệt đăng tôn.
    Dịch:
    Đất Tây ba người đi, lục trí thần thông thành đạo trước
    Trời Nam bốn bất tử, hai triều vua sắc trọng riêng tôn.
    Sau khi diệt được Đại Điên, Từ Đạo Hạnh đã về chùa Thầy ở Sài Sơn tu hành rồi hóa ở đó. Núi Sài cũng có tên là núi Phật Tích, giống như ngọn núi ở Bắc Ninh, nơi nguyên phi Ỷ Lan đã cho xây một ngôi chùa lớn mà di tích còn lại tới nay. Không rõ đây chỉ là sự trùng lặp hay có ẩn ý gì khác trong cái tên Phật Tích của 2 nơi này.
    Truyền tích cho rằng Từ Đạo Hạnh là tổ của nghề hát chèo và múa rối. Chú ý rằng khác với các Không Lộ thiền sư có xuất xứ từ dân gian, Từ Đạo Hạnh có xuất thân là con quan lớn trong kinh thành, có học hành và đỗ đạt tới khoa Bạch Liên trước khi đi tu. Có thể đóng góp của ông trong đạo phù thủy của phái Không Lộ là đã đưa diễn xướng hát, múa vào trong thực hành đạo. Hát chèo ban đầu có thể được dùng như một dạng hát chầu, kiểu lên đồng khi làm phép phù thủy.
    Tương tự, dấu ấn về múa rối mang đậm màu sắc tín ngưỡng còn lưu lại trong tục múa rối đầu gỗ (Ổi Lỗi) ở di tích chùa Đại Bi, Nam Định. Không rõ có liên quan gì không, nhưng cái tên Ổi Lỗi này cũng chính là tên quê của nguyên phi Ỷ Lan ở làng Thổ Lỗi (Sủi, Lỗi Hương). Từ “Lỗi” còn có thể liên quan trực tiếp đến Từ Đạo Hạnh vì ông có tên là Lộ (họ mẹ là Lỗ). Không rõ vì sao tên họ mẹ của Từ Đạo Hạnh lại trùng với tên của nguyên phi Ỷ Lan: Loan, Lỗi.


    Từ cô Tấm đến thánh Láng Chan-cot-chua-Dai-Bi-1024x683Chân cột hoa sen thời Lý ở chùa Đại Bi.

    Nhận định mới về mối liên quan giữa 2 truyền tích đầu thai thời Lý, một là của Ỷ Lan – Đại Điên, hai là của Sùng Hiền Hầu – Từ Đạo Hạnh đã làm sáng tỏ hơn về sự tích của vị thánh bất tử Từ Đạo Hạnh. Điều này ghi nhận rõ ràng hơn công nghiệp của vị sư tổ này, gạt bỏ đi lời phê phán về hành động khác với giáo lý Phật của Từ Đạo Hạnh. Từ Đạo Hạnh là một pháp sư có tài nghệ độc đáo (hát chèo, múa rối) đã góp phần cho việc nối truyền ngôi của nhà Lý dưới thời Lý Nhân Tông.

      Hôm nay: 21/9/2024, 4:46 pm