Bách Việt trùng cửu - nguồn http://báchviệt18.vn/
Trích thần tích đình Luật Nội và Luật Ngoại (xã Quang Lịch, Kiến Xương, Thái Bình) do Hàn lâm viện Đông Các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Vĩnh Hựu thứ 5 (bản dịch của Vũ Đình Ngạn dịch năm 1991):
….Bấy giờ có người Trung Quốc là Triệu Đà quê ở Chân Định đem 10 vạn quân đến đánh nhau với vua Thục trong 3 năm, hàng hơn trăm trận. Sau đó vua Thục An Dương Vương bị thua. Triệu Đà lên ngội vua, đóng đô ở An Quảng. Bấy giờ ở Đông Nghĩa Lĩnh (nay là Cổ Tích), tổng Xuân Lũng, huyện Vi Sơn, phủ Lâm Thao, đạo Sơn Tây có một quan lang cũng là dòng dõi về Thủy thần của Hùng Vương, tên húy là Tuệ công, trấn giữ miền đầu sông (nay thuộc vùng sông Đà) lấy con gái của tiến quan tên là a Sung Nương…
Tuệ công có võ nghệ tinh thông, tài cao, thuật giỏi. Vua Triệu Việt Vương nghe tiếng ông có sức khỏe phi thường, thân hình to khỏe, sức có thể bạt núi, băng ngàn, lên rừng bắt hổ. Dân trong vùng thường gọi là tướng nhà trời xuống cõi trần.
Vua Triệu Việt Vương liền sai sứ thần mang chiếu chỉ đến triệu Tuệ Công vào kinh đô hỏi về tài đức.
Tuệ công vâng lệnh theo sứ thần vào kinh đô để bái yết nhà vua, nói về thao lược binh pháp không đâu là không hiểu thấu. Vua lấy làm ưng ý, liền phong cho Tuệ công làm chức Huyện doãn huyện Chân Định, phủ Kiến Xương, đạo Sơn Nam hạ…
Thần tích này bắt đầu bằng cái mốc Triệu Đà người Chân Định thắng Thục An Dương Vương và lập đô ở “An Quảng”. Nhưng ngay sau đó lại gọi là “Vua Triệu Việt Vương” và kể về một quan lang dòng dõi Hùng Vương là Tuệ Công được Triệu Việt Vương phong cho chức Huyện doãn huyện Chân Định. Huyện Chân Định sau đổi thành Trực Định, nay là huyện Kiến Xương thuộc tỉnh Thái Bình. Thần tích này cho những thông tin thật khó hiểu nhưng rất đáng chú ý:
- Thời Triệu Đà được gọi là Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục).
- Triệu Đà quê ở Chân Định là huyện Chân Định, phủ Kiến Xương, tức là ở đất Thái Bình ngày nay.
Tiếp theo thần tích kể Tuệ công nhận chức, đi đến làng Luật Nội thì mặt trời vừa khuất. Ông cho quân trú lại một đêm, lệnh cho gia thần lập đồn trú tại đây… Tuệ công đi cầu tự ở đền Phù Đổng (Kinh Bắc). Đến ngày 15 tháng Giêng năm Giáp Tý thì bà (A Sung Nương) sinh giờ Dần có khí lành và hương thơm trong nhà. Cậu bé mới sinh có vẻ mặt khôi ngô uy nghi nghiêm chỉnh, mặt đỏ như son, sau lưng có chữ “Thạch Thần đại tướng quân”, bụng to, rốn sâu, chân có lông màu đỏ, thực có tướng kỳ dị, cha mẹ đầu quý.
Lên ba tuổi Thạch Thần đã hiểu về âm luật. Cha mẹ đặt tên cho là Thạch Công. Đến năm Thạch Công 11 tuổi thân hình vạm vỡ, có sức khỏe bằng hàng trăm người. Bấy giờ quan huyện doãn làm tờ tâu lên vua Triệu Việt Vương.
Vua cho triệu Thạch Công vào chầu, thấy tướng mạo đúng như sớ tâu. Vua liền bảo: “Trời sinh ra Hiền tướng để giúp ta đó!”.
Rồi vua phong cho thân mẫu của Thạch Công là bà Phương Dung Trinh Thục quận phu nhân, ch bó hốt bàng để về làng Luật Ngoại cư trú. Sau này trăm tuổi cứ viết theo danh hiệu như trong sắc chỉ, không nên thay đổi…
Huyện doãn Chân Định thời Triệu Việt Vương là Tuệ Công sinh con trai có dị tướng, 11 tuổi đã được vua Triệu ban phong làm tướng cùng với thân mẫu của mình.
Bấy giờ nước ta có giặc Lương vào xâm lược, cướp của, tàn phá các nơi như Cao Bằng, Tụ Long, Bảo Lạc, Hưng Hóa, cộng đến hơn 16 châu động. Giặc chiếm đến bốn phần mười trong nước. Quan quân không chống nổi phải dâng sớ về triều tâu vua. Vua lấy làm lo sợ liền triệu văn võ trăm quan đến bàn việc đánh giặc. Các quan trong triều nhìn nhau chưa có kế gì hay.
Thạch Công liền tâu với vua: “Hạ thần xin nhà vua cho được chọn tướng tài và 12 vạn quân, 100 ngựa, 1000 thuyền thì giặc Lương có thể bình được, chỉ trong 1 tháng đầu tướng giặc sẽ bị treo dưới trướng.”
Thạch Công chọn được 8 vạn quân tinh nhuệ, 13 viên tướng giỏi, vừa gia phóng cho Thạch Công đốc lĩnh mọi lực lượng cả hai đường thủy bộ đi đánh giặc Lương. Thạch Công được phong chức “Thạch Thần dục tướng quân”…
Ngày hôm sau cùng giao chiến với quân Lương, Trải qua 5 tháng gồm 35 trận đánh, chém được 100 tướng giặc, nhưng vẫn chưa phân được thắng bại. Mẹ con ngài cùng thu quân về Chân Định.
Phu nhân lập đồn trại ở xã Luật Ngoại để chống nhau với giặc. Cùng ngày ấy Thạch Công truyền lệnh cho nhân dân làng Luật Nội dựng đồn trại ở phía phải để chống giặc.
Trải qua một tháng bị chết nhiều… Mẹ con cùng chạy đến bến sông Lịch Bài rồi cùng về về chầu trời.
Câu đối ở đình Luật Ngoại (Vũ Đình Ngạn dịch):
Trăng thu trải cuộc bể dâu, Nam nước Việt Bắc giặc Lương, ghi ngàn đời sử
Sông Bài nổi gương tiết nghĩa, trước Bà Trưng sau Bà Triệu, cùng một bậc người.
Thông tin của thần tích đình Luật Nội – Luật Ngoại thật kỳ lạ. Thân phụ là Hùng Tuệ Công làm huyện doãn Chân Định thời Triệu Đà (thời Hùng Vương) thế mà con trai thì lại chống “giặc Lương”. Thời Triệu Đà vào khoảng thế kỷ 2 trước Công nguyên. Còn thời Triệu Quang Phục chống giặc Lương nếu theo chính sử ngày nay là ở thế kỷ 6 sau Công nguyên. Tính ra từ đời bố (Tuệ Công) đến đời con (Thạch Công) có tới hơn 800 năm. Chuyện này phải hiểu thế nào?
Vấn đề khác là Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục) đã thắng giặc, về định đô rồi thì mới có thể phong quan (huyện doãn) cho các tướng được. Sau khi Triệu Quang Phục đã phá giặc Lương theo chính sử đâu còn lúc nào có giặc Lương sang xâm chiếm nước ta? Triệu Việt Vương lúc này phải đương đầu với Hậu Lý Nam Đế mới đúng.
Câu chuyện về Tuệ Công – Thạch Công ở Chân Định đã cho thấy quân của Hậu Lý Nam Đế đã được gọi là “giặc Lương” trong truyền thuyết về Triệu Việt Vương.
Đến triều Thái Tổ nhà Lê hai mẹ con Thạch Công đã âm phù cho Thái úy Nguyễn Kim chém tướng Liễu Thăng ở Lạng Sơn. Vua Lê phong mỹ tự cho 2 mẹ con là:
- Quốc mẫu Vua bà A Phương Dung Trinh thục phu nhân
- Thạch Thần linh ứng Hộ quốc tế thế đại vương.
Cụm di tích đình Luật Nội và Luật Ngoại ở Kiến Xương đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, cho thấy quy mô và tầm vóc giá trị của di tích này.
Thời kỳ Triệu Việt Vương ở nước ta không hề được thấy ghi chép trong các sách sử Trung Hoa. Cộng thêm những truyền thuyết mờ ảo về chiếc móng rồng Triệu Quang Phục nhận từ thân nhân tại đầm Dạ Trạch, đến chuyện ở rể đánh tráo mũ đâu mâu của Nhã Lang, đã làm cho không ít sử gia Tây có, ta có nghi ngờ về sự tồn tại của nhân vật này. Tác giả Tạ Chí Đại Trường thậm chí còn cho rằng Triệu Việt Vương được thờ ở mấy làng cửa sông Đáy chỉ là một vị thần sông đã được “nhân hóa” mà thành.
Những thần tích ở Kiến Xương Thái Bình cho một nhận định hoàn toàn khác. Thời kỳ Triệu Việt Vương là một thời kỳ có thật, kéo khá dài với những quan huyện doãn, tướng tài chống giặc rõ ràng. Thời Triệu Việt Vương như thần tích đình Luật Nội đã kể chính là triều đại bắt đầu từ Triệu Đà người Chân Định. Tức là triều đại của các vị vua họ Triệu ở Nam Việt vào thời trước Công nguyên. Vua Triệu của nước Nam Việt đã được gọi là Triệu Việt Vương, thật quá hợp lý và rõ ràng.
Chân Định (Kiến Xương, Thái Bình) là vùng quê gốc của Triệu Vũ Đế (nay còn đền thờ tại thôn Đồng Xâm xã Hồng Thái của huyện Kiến Xương) nên những lưu tích về thời kỳ Triệu Việt Vương ở vùng này còn khá rõ. Ở đây không chỉ có vết tích của các tướng của Triệu Việt Vương (Tuệ Công, Thạch Công, Phương Dung phu nhân) mà còn có đình và đền Cổ Trai (xã Hồng Minh, Hưng Hà) là hậu cứ phía Nam của căn cứ đầm Dạ Trạch, đình Tử Các (xã Thái Hòa, Thái Thụy) là căn cứ khởi nghĩa của Lý Bôn, miếu Hai Thôn (xã Xuân Hòa, Vũ Thư) thờ Lý Nam Đế và Đỗ Hoàng hậu,…
Lý Nam Đế và Hoàng hậu Đỗ Thị Khương (tranh từ Miếu Hai Thôn ở xã Xuân Hòa, Vũ Thư)
Câu đối ở đền Độc Bộ (Yên Nhân, Ý Yên, Nam Định) thờ Triệu Việt Vương:
獨木破梁兵南國同胞皆赤子
頹波障海口浮沙托植囿青春
Độc mộc phá Lương binh, Nam quốc đồng bào giai xích tử
Đồi ba chướng hải khẩu, phù sa thác thực hữu thanh xuân.
Dịch:
Độc mộc phá quân Lương, nòi giống nước Nam cùng máu đỏ
Sóng dồn che cửa bể, phù sa hoa cỏ hóa xuân xanh.
Câu chuyện về Hùng Tuệ và Thạch Thần ở Kiến Xương cho thấy sử Việt lâu nay đã nhầm lẫn các sự kiện thời Tiền Lý tới 800 năm:
- Lý Bôn – Triệu Vũ Đế khởi nghĩa ở Thái Bình năm 208 TCN bị chép lẫn với chuyện của nhà Hậu Lý nước Nam Triệu ở đất Phong Châu. Nam Triệu Hậu Lý hàng phục nhà Tùy năm 602.
- Triệu Việt Vương là triều đại các vị vua Triệu của nước Nam Việt đóng đô ở Quảng Đông tiếp nối sự nghiệp của Triệu Vũ Đế sau khi Lữ Hậu mất từ năm 189 TCN đến 111 TCN.
- “Giặc Lương” trong truyền thuyết Triệu Quang Phục là cuộc tấn công của Lộ Bác Đức nhà Hiếu (Tây Hán) đánh Nam Việt năm 111 TCN, đã buộc vị Triệu Việt Vương cuối cùng phải tử tiết ở cửa Đại Ác (Độc Bộ).
Đúng là ở vùng đất ven biển này “sóng dồn phù sa” đã che khuất lịch sử thật sự, anh hùng đã “bị thác hóa” sau tới 800 năm. Sự nhầm lẫn trong sử Việt thật khó tưởng tượng… Nhưng rồi đến lúc sự thật cũng sẽ dần được sáng tỏ…