Dòng HÙNG VIỆT

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Trang chuyên khảo về lịch sử và văn minh Hùng Việt

Trang chủ


Latest topics

» Vài hàng ...nhân ngày giỗ quốc tổ .
by Admin 18/4/2024, 11:54 am

» Đầu non
by Admin 28/3/2024, 9:39 am

» Trời xanh -mây trắng -núi hồng (hình chụp ở Mĩ)
by Admin 22/3/2024, 2:26 pm

» Thời Bắc thuộc (viết lại)
by Admin 20/3/2024, 1:36 pm

» Lẩn thẩn ...Tiền Hậu , Đông Tây ...không thể nối .
by Admin 13/3/2024, 11:09 am

» Sử thuyết Hùng Việt ...Nhiều điều khác .
by Admin 1/3/2024, 4:52 pm

» Suy nghĩ về cặp đôi Nam – Nữ
by Admin 24/2/2024, 4:58 pm

» 2 chuyện cần bàn thêm
by Admin 23/2/2024, 2:39 pm

» Sử Việt 2 chuyện cần bàn .
by Admin 22/2/2024, 11:49 am

» Cẩn thận Chữ với nghĩa
by Admin 13/2/2024, 2:59 pm

Gallery


NHỜ TIẾN BỘ CỦA DI TRUYỀN HỌC (DNA), phần 2 . Empty

April 2024

MonTueWedThuFriSatSun
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930     

Calendar Calendar

Khách thăm



NHỜ TIẾN BỘ CỦA DI TRUYỀN HỌC (DNA), phần 2 . Flags_1



    NHỜ TIẾN BỘ CỦA DI TRUYỀN HỌC (DNA), phần 2 .

    Admin
    Admin
    Admin


    Tổng số bài gửi : 1186
    Join date : 31/01/2008

    NHỜ TIẾN BỘ CỦA DI TRUYỀN HỌC (DNA), phần 2 . Empty NHỜ TIẾN BỘ CỦA DI TRUYỀN HỌC (DNA), phần 2 .

    Bài gửi by Admin 7/8/2012, 2:15 pm

    NHỜ TIẾN BỘ CỦA DI TRUYỀN HỌC (DNA), phần 2 .

    Xem chừng chỉ có một loài linh trưởng qua được cái cầu thay đổi cấu trúc di truyền mà trước kia được gọi là đột biến di truyền và bước nhẩy biện chứng. Muốn hiểu tại sao thì trước hết ta phải trả lời được hai câu hỏi căn bản nữa là :

    1 - cấu trúc di truyền của người vượn và người hiện đại khác nhau như thế nào ?

    2 - Nếu loài người đã sinh ra từ một nguồn duy nhất mà nhân chủng học ngày nay thường gọi là từ một "bà Mẹ Phi Châu", thì tại sao con người lại kẻ da trắng tóc hoe như người Âu Châu ? Kẻ da vàng tóc đen như người Á Châu ? Kẻ da đen tóc xoắn như đa số người Phi Châu và Hải đảo Thái Bình Dương ?

    Về câu hỏi thứ nhất :

    Người ta biết được rằng con người hiện đại như chúng ta ngày nay có 23 cặp vòng xoắn nhiễm thể (chromosomes) trong khi người vượn có những 24 cặp, trong đó chỉ có 5 cặp là giống người hiện đại. Do đó, trước kia, bằng lý luận và bằng linh cảm các nhà nhân chủng học đã đoán biết được người vượn đã tiến hóa để trở thành người hiện đại phải vượt được cái cầu thay đổi cấu trúc di truyền. Nhưng thời đó khoa di truyền học chưa tiến bộ nên người ta chỉ có thể lý luận có tính cách triết học là sự thay đổi này phải có nhờ bước nhẩy biện chứng : Các học giả thời ấy giả thiết khi những biến chuyển nhỏ về lượng tích lũy đến một mức nào đó có thể gây những biến đổi về chất. Trả lời như vậy là chưa thỏa đáng, không thể làm vừa ý những người đắm mình trong tinh thần khoa học, thường được mệnh danh là khoa học chính xác trước đây.

    Ngày nay nhờ tiến bộ của khoa di truyền như trên đã nói, người ta hiểu, ngoài thay đổi vì phóng xạ, có thể có thay đổi cấu trúc di truyền DNA theo luật tự nhiên vì những nguyên do khoa học, như trên đã trình bày.

    Vậy thì, trong các loại người vượn, đã có một loại, ở Phi Châu, hội đủ được những yếu tố khoa học để thay đổi được cấu trúc di truyền của luật Spontaneous Point of Mutation này, chuyển được DNA (translocation) của loài Homo-Erectus thành DNA của loài Homo-Sapiens mà thành người hiện đại. Việc này xẩy ra chỉ mới khoảng 100.000 năm cách ngày nay (tối đa là 200.000 năm). Vậy di truyền học DNA đã chứng minh thuyết các nhà nhân chủng học chủ trương chỉ riêng người vượn Thượng Cổ (Paleo-Anthropus) đã chuyển hóa thành người Hiện Ðại là đúng.

    Về câu hỏi thứ hai :

    Con người Homo-Erectus từ Phi Châu dần dà đã phân bố đi các nơi theo nhiều đợt qua nhiều giai đoạn khác nhau : đợt qua Á Châu trở thành người da vàng tên khoa học là Mongoloid, đợt qua Âu Châu trở thành người da trắng Europoid và đợt xuống Nam Phi Châu và qua hải đảo trở thành người Negro-Australoid. Những người này có vóc dáng mầu da, ánh mắt, râu tóc ... khác nhau. Tại sao ?

    Trước kia, câu trả lời của các nhà nhân chủng học là : vì ảnh hưởng của môi trường sinh sống (môi sinh). Ðiều này có thể hiểu theo hai nghĩa :

    - nghĩa thứ nhất : môi sinh được coi là yếu tố ngoại tại,

    - nghĩa thứ hai : môi sinh khi thâm nhập vào cơ thể con người dần dần đã biến thành yếu tố nội tại của con người đó.

    Theo nghĩa thứ nhất : con người được dinh dưỡng tốt, có khí hậu tốt thì có thể cao lên, to ra; sống tại nới quá nóng hay quá nhiều ánh sáng mặt trời thì da có thể đen hơn; sống ở nơi môi sinh khác hẳn như người Mongoloid qua eo Bering sang Mỹ Châu, da đỏ hơn, to lớn hơn ... Nhưng sự thay đổi hình dáng vì môi sinh như vậy cũng chỉ có thể đến một chừng mực nào đó. Không thể cùng một nguồn gốc hay cùng một mẹ mà kẻ da trắng mũi lõ, người da vàng mũi tẹt, người lại da đen tóc xoăn quắn. Dùng môi sinh theo nghĩa này để giải thích hiện tượng con người cùng một gốc mà vì ảnh hưởng của môi sinh đã biến thành người da trắng (Europoid) ở Âu Châu, da vàng (Mongoloid) ở Á Châu hay da đen (Negro-Australoid) ở Hải Ðảo Thái Bình Dương và các vùng khác ở Phi Châu thì có vẻ không ổn vì không đúng với khoa học và thực tế.

    Nhưng nếu hiểu theo nghĩa thứ hai, vấn đề lại khác : môi trường đặc biệt có thể đưa vào cơ thể con người những yếu tố đặc biệt (như các vi khuẩn, tia cực tím do ánh sáng mặt trời, các chất độc, các khoáng sản đặc biệt ... ) khiến con người khi hội đủ yếu tố có thể có sự đột biến di truyền tự nhiên mà khoa học ngày nay gọi là spontaneous point of mutation. Trong trường hợp đó nhiễm sắc thể DNA trong gene sẽ làm con người thay đổi đi về hình dáng, màu da, râu tóc, sức khỏe, tật bệnh, cả về thông minh và có thể về tác phong thiên hướng của con người như nghiện rượu, đa sát ... nữa. Cái nhiễm sắc thể DNA này, một khi đã lập thành sẽ tồn tại vĩnh viễn trong con người và di truyền mãi mãi cho các thế hệ về sau.

    "Genes contain the information necessary for our bodies to grow, develop and formation. Genes are made of the chemical DNA (Deoxyribosenucleic acid) which is the basic material of heridity. Genes provide the information for the cells in the form of a chemically codes "message", knows as the genetic code". (Fact Sheet No14 - NSW Genetic Educ. prog.)

    và :

    " - all yours DNA is in nearly every cell in your body.

    - it influences things that make up personal identify ; height, build, shin colour, intelligence and possibly propensity for some behaviours such as alcholism.

    - your genetic make up stays with you all your life it cannot be changed" (Information paper No 5 - Sept 1996 - Privacy Commissioner Human Rights Australia)

    Chính vì sự bất lực của khoa học trước kia không giải thích nổi các hiện tượng như cách giải thích của di truyền học DNA vừa kể trên nên thuyết tiến hóa từ một trung tâm duy nhất không đủ sức thuyết phục, nên nhiều tác giả, kể cả người viết những dòng này trước kia, đã phải tạm quay ra thuyết nhiều trung tâm, dựa vào thuyết Tiến hóa Ðộc lập Ða địa phương (Multiregional Evolution) để giải thích về sự xuất hiện của người hiện đại. Xin đừng vội dùng thuyết lai giống để giải thích hiện tượng này vì khởi thủy đã có giống da trắng, da vàng, da đen khác nhau đâu mà lai.

    Tóm lại : tuy trước kia đã có rất nhiều lý thuyết có sức thuyết phục cao, nhưng trước khi có sự khám phá về thay đổi cấu trúc di truyền DNA mà, như trên đã nói, mới chỉ phát minh ít năm gần đây, mọi cuộc bàn cãi về nguồn gốc con người nói chung, về nguồn gốc một chủng tộc nào đó như chủng tộc Hoa, chủng tộc Việt nói riêng, chỉ có giá trị thuần lý thuyết.

    Trong những bài viết trước đây, chúng tôi đã chứng minh bằng những chứng tích do khảo cổ học cung cấp, là con người đã từ phương Nam (Văn Hóa Hòa Bình) di lên phương Bắc và là căn cốt thành lập nên nước Trung Hoa, kể cả các nước Nhật Bản, Triều Tiên. Tuy nhiên, lúc đó chưa có được các bằng chứng về di truyền học nên người viết còn bi lấn cấn về bảng xương sọ có tính Hắc chủng mà các học giả Pháp gọi là người Malanesian, Indonesian, Nam Á, Australoid, và được tất cả các tác giả người Việt gần đây tuân theo như một chứng tích đầy quyền uy của khoa học. Tất cả những lấn cấn này, nay nhờ di truyền học đã được sáng tỏ. Và chúng ta thấy đã đến lúc cần phải duyệt xét lại tất cả các thuyết về nguồn gốc dân tộc Việt Nam từ trước đến nay cho phù hợp với tiến triển của khoa học ngày nay.

    ÐÓNG GÓP CỦA GS. CHU & ÐỒNG NGHIỆP VÀO NGUỒN GỐC NGƯỜI ÐÔNG Á QUA THUYẾT DI TRUYỀN

    Như trên đã nói, xin Quý vị độc giả đọc chi tiết về báo cáo khoa học của GS. Chu và các đồng nghiệp trong số này. Ở đây, chúng tôi chỉ xin nhấn mạnh vào ba điểm căn cốt như sau :

    Ðiểm thứ nhất :

    Công trình khảo cứu của GS.Chu phủ nhận người Trung Hoa đã tự sinh ra và phát triển độc lập trên đất Trung Hoa như nhiều nhà khảo cổ trước đây đã chủ trương đồng thời khẳng định gốc gác của người Trung Hoa từ Ðông Nam Á di lên.

    [Trích Báo cáo GS. Chu :

    "Nervetheless, genetic evidence does not support an independence origin of Homo-Sapiens in China . The phylogeny also suggested that it is more likely that ancestor of the populations currently residing in East China entered from Southeast Asia "].

    Ðiểm thứ hai :

    Người từ Ðông Nam Á di lên đó cũng không hẳn tự phát sinh ở Ðông Nam Á mà họ đã đến từ Phi Châu qua ngả Nam Á.

    [Trích Báo cáo GS. Chu :

    "In both phylogenies with different loci and populations from East Asia always derived from a single lineage, indicating the single origin of those populations ... It is now propably safe to conclude that modern humans originating in Africa constitute the majority of the current gene pool in East Asia"].

    Ðiểm thứ ba :

    Và, sau khi phối kiểm với kết quả của khảo cổ học như việc đo đạc xương cốt sọ mặt ... GS. Chu kết luận riêng người phương Bắc Trung Hoa sau khi đã từ Ðông Nam Á di lên sau lại lai giống với người từ Trung Á và Âu Châu di cư đến. (Có lẽ đây là tổ tiên của người Hoa Hán lập nên nhà Thương - Người viết ghi thêm).

    [Trích Báo cáo GS. Chu :

    "The northern populations were under strong genetic influences from ALTAIC populaitons from the North. But it is unclear how Altaic populations migrated to Northeast Asia . It is possible that ancestral Altaic pop. arrived there from middle Asia, or alternatively they may have originated from East Asia ".

    và :

    "Therefore, it is likely that ancestors of Altaic speaking people originated from an East Asia population that was originally derived from South Asia, although the current Altaic-speaking populations undeniably admixed with later arrivers from mid-Asia and Europe "].

    Như thế là đủ rõ.

    Trong những bài viết trước, chúng tôi đã chứng minh người thuộc Văn hóa Hòa Bình Từ Ðông Nam Á mà điểm chính có thể từ Bắc Việt Nam đã di cư lên góp phần thành lập nước Trung Hoa. (TƯ TƯỞNG số 2 - Nguồn gốc dân tộc Việt Nam ; số 3 - Biển tiến và Sự thuần hóa cây lúa nước; số 4 - Văn hóa Ðông Sơn). Nay thì di truyền học đã chứng minh không phải người Ðông Nam Á chỉ góp phần mà thực ra đã đóng vai trò chính, đã là tuyệt đại bộ phận của nhân chủng lập nên nước Trung Hoa. Ngay cả những người ở phía Bắc Trung Hoa cũng chỉ là người lai giữa giống từ Ðông Nam Á di lên với giống từ phương Tây (ngưới Âu?) di lại. Và việc đó cũng chỉ diễn ra nhiều lắm từ 15.000 năm trở lại đây mà thôi.

    Sự khám phá của Gs. Chu và các đồng nghiệp đã được các học giả khắp nơi hưởng ứng. Nhiều học giả đã bổ khuyết thuyết của Ông Chu bằng những tham luận giá trị. Xin kể ra đây ba khuynh hướng đáng lưu ý nhất :

    Khuynh hướng 1 : Trước hết, phải kể đến nhà di truyền học rất nổi danh vì đã đóng góp cho nhân loại nhiều công trình nghiên cứu giá trị là GS. Cavalli-Sforza. Ông đã chứng minh từ năm 1997 trước khi có sự công bố công trình nghiên cứu của GS. Chu là người từ Châu Phi đã đến Ðông Nam Á qua ngả Nam Á, rồi từ Ðông Nam Á họ đã chia hai ngả : một ra các hải đảo thuộc Châu Ðại Dương để trở thành những người mà sau này các nhà nhân chủng học gọi bằng nhiều tên như Malanesian, Indonesian, Australoid; và một ngược phía bắc lên Ðông Á rồi vượt eo Bering sang Mỹ Châu. (Cavalli-Sforza - genes, people & languages - Proc. Natl. Acad. Sci. - USA, Vol. 194 pp. 7719-7724, 1997). Câu hỏi cần được đặt ra là : Tại sao cũng từ Ðông Nam Á ra đi mà người ra hải dảo thì da sậm, tóc xoăn; trong khi người ngược phía Bắc lại thuộc da vàng, tóc đen? Cần phải có sự nghiên cứu về di truyền học và có thêm tài liệu khảo cổ để trả lời câu hỏi này cho xác đáng. Trong hoàn cảnh tài liệu hiện có, chỉ có thể giả thiết, người từ Phi Châu đến Ðông Nam Á rồi tiện đường (lúc này nước biển thấp nên có nhiều cầu nổi nối liền Ðông Nam Á đến hải đảo) ra hải đảo Thái Bình Dương trước. Trong khi trụ lại Ðông Nam Á, họ đã hội đủ các yếu tố khoa học để có được một sự thay đổi cấu trúc di truyền lần hai, biến từ giống da đen sang giống da vàng trước khi họ tiến lên phía Bắc. (Xin đọc lại đoạn trên về sự thay đổi di truyền DNA là nguyên nhân thay đổi vóc dáng, mầu da, mầu mắt, mầu tóc ...). Vậy phải chăng người Hắc chủng từ Phi Châu đến Ðông Nam Á rồi nhờ hội đủ yếu tố khoa học, đủ cơ duyên, đã biến đổi thành người da vàng mà sau này nhân chủng học gọi bằng tên Mongoloid. Từ đó họ đã tỏa lên phía bắc vượt sang Châu Mỹ tạo thành người Da Ðỏ. Một nhánh khác của Hắc chủng khi đến Âu Châu đợt sau đã nhờ thay đổi cấu trúc di truyền DNA mà thành Bạch chủng, sau này gọi là Europoid. Ðại chủng Vàng Mongoloid ở Á Châu, và Ðen Negro-Australoid ở Phi Châu và các hải đảo Thái Bình Dương, và Trắng (Europoid) ở Âu Châu nay lan sang nhiều nơi khác như Bắc Mỹ, Úc Châu ... là ba đại chủng chính của nhân loại ngày nay.

    Khuynh hướng 2 : Ðến năm 1999, một học giả khác người Trung Hoa, GS. Li Yin, đứng đầu một nhóm khoa học gia về di truyền học (Ðại học Stanford) đã nghiên cứu cùng một vấn đề trên. Báo cáo của ông củng cố thuyết của ông Cavalli-Sforza mà còn chi tiết thêm thuyết con người có gốc duy nhất từ Phi Châu đã di cư đi các nơi khác qua ba đợt như sau :

    Ðợt 1 : Từ Phi Châu đến Nam Á rồi xuống Châu Ðại Dương.

    Ðợt 2 : Từ Phi Châu đến Ðông Nam Á qua ngả Nam Á; rồi từ Ðông Nam Á chia hai ngả, một đến các hải đảo Thái Bình Dương, một ngược lên phía bắc đến Ðông Á và Bắc Mỹ.

    Ðợt 3 : Từ Phi Châu đến Tây và Trung Á rồi từ đó chia hai : một nhóm đi lên Âu Châu rồi qua Bắc Mỹ; một nhóm đi qua Nam Á và vào Bán đảo Ấn Ðộ. Kết quả về di truyền của GS. LiYin về sự di cư của người Phi Châu thực ra cũng không khác nhiều với thuyết di cư do các nhà nhân chủng học mà tiêu biểu là Charles Higham đã vẽ ra bản đồ từ năm 1996 (Li Yin & N. - Distribution of halotypes from a chrosmosomes 21 Region-distinguishes multiple prehistoric human migrations - Proc. of Natl. Acad. Sci. - USA, Vol. 96 pp. 3796-3800, 1999).

    Khuynh hướng 3 : Một tác giả nổi tiếng khác ủng hộ và làm sáng tỏ thêm kết quả nghiên cứu của GS. Chu là GS. Alberto Piazza ở Ðại học Torino, Ý Ðại Lợi, ông nhắc lại ba mô hình được các học giả trước đây đưa ra về nguồn gốc người Trung Hoa là :

    Mô hình 1 : Chủ trương nguồn gốc người Trung Hoa ở Hoa Nam là từ Hoa Bắc di xuống rồi hợp chủng với những người Australoid đã có sẵn ở đó.

    Mô hình 2 : Chủ trương ngược lại cho người Hoa Nam đã di cư lên Bắc và người phía Bắc Trung Hoa chỉ là hậu duệ của người Phương Nam di cư lên.

    Mô hình 3 : Chủ trương hai giống người ở Hoa Bắc và Hoa Nam tiến hóa và phát triển độc lập với nhau qua ba trung tâm chính Yang-Shao, Ching Lien Khang và Ta-Pen-Keng.

    Ông kết luận : mô hình thứ hai (Bắc là hậu duệ của Nam Trung Hoa), người phương Bắc có sau và do từ người phương Nam di cư lên sinh ra, phù hợp với các dự kiện về di truyền học theo khảo cứu của GS. Chu và đồng nghiệp hơn. Những sự nghiên cứu khác dù về di truyền (Cavalli-Sforza), hay về khảo cổ như nghiên cứu về răng (Turnen C. G.); về sọ ( Hanihara T.) của người cổ ở Trung Hoa cũng hậu thuẫn cho mô hình hai này. (Alberto-Piazza - Human Evolution : Towards a genetic history of China - Proc. of Natl. Acad. Sci. - USA, Vol 395, No 6707, 1998).

    Trước khi kết luận bài viết này, chúng tôi có ý định lược duyệt các thuyết đã có về Nguồn gốc Dân tộc Việt Nam và trình bày những ưu khuyết điểm của chúng trước khi đưa ra kết luận chung cuộc cho vấn đề. Nhưng viết đến đây tôi thấy việc làm này cũng không cần thiết nữa. Chung qui thì những thuyết về nguồn gốc dân tộc ta từ trước đến nay, dù do người ngoại quốc viết, dù do người Việt Nam viết cũng chỉ qui về hai mô hình như đã trình bày ở phần mở bài : mô hình 1 căn cứ vào văn bản chủ trương người Việt là hậu duệ của những người từ phương Bắc di cư xuống; mô hình 2 căn cứ vào bảng tỷ lệ xương sọ thời Ðồ Ðá Mới do người Pháp thành lập trước kia và mới được bổ túc vào thập niên 60, chủ trương người Việt là hậu duệ những người thuộc Hắc Chủng từ Hải đảo Thái Bình Dương di vào sau phối hợp với những người Mongoloid từ phương Bắc di cư xuống mà thành. Tất cả những khảo cứu về di truyền học DNA , như vừa trình bày ở trên, đều khẳng định cả hai mô hình trên là sai, là ngược lại với sự thực. Người viết, bằng vào những kết quả mới nhất của khảo cổ học về thời đại đồ đá, thời đại đồ đồng, về sự thuần hóa lúa nước ... cũng đã chứng minh những thuyết ấy là sai sự thực (Tập San TƯ TƯỞNG số 1, 2, 3 và 4). Những chứng minh này hổ trợ cho các kết luận về di truyền học như vừa kể. Chúng tôi sẽ trình bày các sưu khảo khác về đồ gốm, về ngôn ngữ, văn tự, về các phong tục tập quán, nói chung về văn hóa, tất cả đều chứng minh tộc Bách Việt đã có trước và di cư lên phía Bắc để lập ra nhiều nước khác nhau trước khi thống nhất dưới bạo lực của nhà Tần thành nước Trung Hoa như ngày nay. Văn hóa Việt cũng đã có trước rồi sau này tiến hóa thành văn hóa Hoa ăn khớp nhịp nhàng với kết luận của các khảo cứu về di truyền học vừa được công bố trong vài năm gần đây.

    Thuyết của GS. Nguyễn Khắc Ngữ cũng như các GS. Ðại Học Hà Nội về người Hắc chủng ở hải đảo vào lai giống với người Mongoloid là tổ tiên của người Việt ngày nay và thuyết của các học giả Pháp và các học giả người Việt lớp cũ từ Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư đến Ðào Duy Anh, Trần Trọng Kim ... nói về nguồn gốc người Việt là hậu duệ của người từ phương Bắc xuống phải được đảo ngược lại mới đúng với sự thực.

    Người viết xin kết luận bài này với lòng mong ước những nhà di truyền học Việt Nam, trước hết xin bổ khuyết cho phần viết của chúng tôi liên quan đến di truyền học DNA trong những dòng viết ở trên để những tài liệu này được hoàn chỉnh hơn. Thứ nữa, nếu có thể được, xin sớm thực hiện một cuộc khảo cứu về di truyền học DNA cho người Việt Nam , như trường hợp GS. Chu và đồng nghiệp của ông vừa thực hiện đối với người Trung Hoa ngỏ hầu có thể khẳng định và làm rõ rệt thêm rằng người Hòa Bình, đã di cư từ Châu Phi đến, nhưng đã trụ ở Ðông Nam Á và nhờ đó đã có một sự chuyển hóa di truyền lần thứ hai tại đây nhờ những thay đổi về DNA trong nhiễm sắc thể khiến từ người da đen gốc Châu Phi dã chuyển hóa thành da vàng Châu Á trước khi di cư lên phía Bắc. Nhờ vậy Ðông Nam Á (trong đó có Việt Nam) trở thành cái nôi người da vàng cổ nhất của nhân loại tại phần đất không những ở Ðông Nam Á mà ở cả toàn cõi Châu Á vậy.

    CUNG ÐÌNH THANH

    (Viết tại Sydney , Nam Bán Cầu,

    nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương , 10 tháng Ba năm Canh Thìn 14/4/2000)


      Hôm nay: 27/4/2024, 9:36 pm