Dòng HÙNG VIỆT

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Trang chuyên khảo về lịch sử và văn minh Hùng Việt

Trang chủ


Latest topics

» Vài hàng ...nhân ngày giỗ quốc tổ .
by Admin 18/4/2024, 11:54 am

» Đầu non
by Admin 28/3/2024, 9:39 am

» Trời xanh -mây trắng -núi hồng (hình chụp ở Mĩ)
by Admin 22/3/2024, 2:26 pm

» Thời Bắc thuộc (viết lại)
by Admin 20/3/2024, 1:36 pm

» Lẩn thẩn ...Tiền Hậu , Đông Tây ...không thể nối .
by Admin 13/3/2024, 11:09 am

» Sử thuyết Hùng Việt ...Nhiều điều khác .
by Admin 1/3/2024, 4:52 pm

» Suy nghĩ về cặp đôi Nam – Nữ
by Admin 24/2/2024, 4:58 pm

» 2 chuyện cần bàn thêm
by Admin 23/2/2024, 2:39 pm

» Sử Việt 2 chuyện cần bàn .
by Admin 22/2/2024, 11:49 am

» Cẩn thận Chữ với nghĩa
by Admin 13/2/2024, 2:59 pm

Gallery


Có một nền văn hóa Việt Nam (III) Empty

May 2024

MonTueWedThuFriSatSun
  12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  

Calendar Calendar

Khách thăm



Có một nền văn hóa Việt Nam (III) Flags_1



    Có một nền văn hóa Việt Nam (III)

    Admin
    Admin
    Admin


    Tổng số bài gửi : 1186
    Join date : 31/01/2008

    Có một nền văn hóa Việt Nam (III) Empty Có một nền văn hóa Việt Nam (III)

    Bài gửi by Admin 8/7/2018, 10:05 am

    Bài của nhà văn Hoài Thanh do Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam xuất bản, Hà Nội, 1946.
    III
    Đó, đại khái một vài tính chất căn bản của văn hóa Việt Nam từ xưa đến nay. Còn từ nay về sau? Văn hóa Việt Nam rồi đây có còn giữ những tính chất ấy nữa không? Điều ấy ai mà biết trước. Duy có điều chắc chắn là chúng ta không nên bắt buộc văn hóa Việt Nam sau này phải giữ mãi những tính chất ngày trước. Chúng ta còn sống ắt chúng ta còn biến đi. Bắt ngày mai phải giống hệt hôm qua là một chuyên điên rồ, một chuyện tối vô lý. Muốn sống mà lại muốn giữ cho bằng được những gì Việt nam trong thời trước là tự mâu thuẫn với mình. Gọi bằng Việt Nam là một sự thực luôn luôn thay đổi với cuộc sống không ngừng. Làm sao có thể níu lại cuộc sống không ngừng? Cái điều hôm nay ta gọi là tính chất Việt Nam có phải từ bao giờ vẫn là tính chất Việt Nam đâu. Khi ta cho hai câu:
    “Thấy bạn mà chẳng thấy chàng,
    Bâng khuâng như mất lạng vàng trên tay”.
    có tính chất Việt Nam hơn hai câu của Chiêu Lỳ:
    “Bắc yến, Nam hồng thư mấy bức,
    Đông đào, Tây liễu khách đôi nơi”.
    là ta nhìn theo con mắt bây giờ. Nếu ta có thể nhìn theo con mắt người xưa, trước hồi Bắc thuộc, khi chưa có ca dao lục bát và cũng chưa có thơ Việt luật Đường, thì cả bốn câu ấy chẳng câu nào có tính chất Việt Nam. Cái điều gọi bằng tính chất Việt Nam trong ca dao là một sự sáng tạo sau này của người Việt. Đã thế có cần gì phải khư khư thủ cựu.
    Huống chi bản tính người Việt Nam xưa nay lại không ưa gì chuyện bế quan tỏa cảng. Cha ông ta có hồi thi hành chính sách ấy cũng chỉ là sự cùng bất đắc dĩ mà thôi. Ta vẫn thường mở rộng cửa để đón gió bốn phương. Nho, Phật, Lão ta không từ chối đã đành trên con đường Nam tiến, ta còn sẵn sàng dung nạp mọi tín ngưỡng của dân thổ trước. Sau khi ở Quảng Nam, ở Bình Định, người Chăm đành bỏ tháp Chàm không hương khói, chúng ta đã thay họ trong công việc phụng thờ. Ngay các giáo sĩ phương Tây lúc mới đến xứ ta cũng đều được tự do truyền giáo. Các nhà sư của ta hồi bấy giờ không hề bài xích họ. Chính họ nói với ta thế, trong các tập bút ký còn lưu lại ngày nay. Xem thế thì muốn cho văn hóa sau này có tính chất Việt Nam mà lại bài xích, những gì không phải Việt Nam, cũng là tự mình mâu thuẫn với mình nữa.
    ***
    Dẫu sao ta tìm hiểu hôm qua không phải để ràng buộc ta vào hôm qua, để nô lệ hôm qua mà cốt để sửa soạn ngày mai, để tìm những bài học có thể hướng dẫn ta trong ngày mai. Vấn đề tương lai của văn hóa Việt Nam là một vấn đề tối quan trọng, ta không thể bỏ qua.
    Có nhiều người nghĩ rằng thời đại này là thời đại lạ lùng nhất trong lịch sử Việt Nam. Văn minh phương Tây đã đến với ta một cách đột ngột và gây nên ở xứ ta nhiều vấn đề rắc rối, khác hẳn những vấn đề cha ông ta từng gặp và từng giải quyết trên bước đường tiến hóa của giống nòi. Nhưng nghĩ kỹ, thời đại này ta thấy lạ lùng chỉ vì một lý do rất giản dị là có ta trong đó. Ta hãy quên mình trong khoảng khắc, hay trong khoảnh khắc, thử đặt mình lên trên thời đại để nhìn các thời đại kế tiếp nhau trong lịch sử nước nhà với một thái độ hoàn toàn khách quan, ta sẽ thấy thời đại ta đương sống đây vẫn có chỗ giống nhiều thời đại đã qua và cha ông ta ngày xưa cũng đã từng giải quyết những vấn đề tương tự với các vấn đề hiện đương khiến ta băn khoăn suy nghĩ. Chẳng hạn, lần đầu tiên người Hán truyền cho ta cái thuật làm đồ sắt cùng với học thuyết Khổng Mạnh, chắc những sự biến thiên do đó gây nên trong xã hội Việt Nam cũng sâu sắc, cũng mạnh mẽ chẳng kém gì những sự biến thiên ta chứng kiến hôm nay và sự hoang mang của ông cha ta cũng chẳng khác gì sự hoang mang của ta trước tàu bay, tàu lặn và khoa học, triết học phương Tây. Nhưng cha ông ta cũng chỉ hoang mang trong một thời hạn và chẳng mấy chốc đã biết thích nghi cùng hoàn cảnh mới.
    Vậy ông cha ta đã xử trí như thế nào? Cha ông ta đã không e dè, không ngần ngại đón tất cả, nhận tất cả nền văn minh mới mẻ từ phương Bắc truyền sang, từ những kỹ thuật cần cho đời sống vật chất đến những học thuật cần cho sự tổ chức đời sống chính trị, xã hội và tinh thần. Tuy thế, sau bao nhiêu thế kỷ, người Việt Nam vẫn không bị đồng hóa, vẫn giữ được bản sắc riêng. Ấy là vì, mặc dầu không có dụng ý rõ ràng, chung quy ta chỉ mượn tư tưởng của người, còn những gì sâu thẳm trong lòng ta đại khái vẫn của ta. Xem thế đủ biết văn hóa Việt Nam vốn xây dựng trên những căn bản tinh thần tiềm tàng mà vô cùng kiên cố. Nếu không, làm sao chịu đựng được một sự công phá trường kỳ như thế, Cha ông ta đã tiếp cái cành văn hóa Trung Quốc vào cái gốc văn hóa Việt Nam. Thiết tưởng giờ đây chúng ta vẫn có thể giải quyết vấn đề văn hóa một cách tương tự như vậy. Chúng ta cũng chẳng cần phải dè dặt gì. Chúng ta hãy đón những cái hay, tất cả những cái hau của người về kỹ thuật cũng như về học thuật có thể giúp ta cải tạo đời sống của ta. Chúng ta hãy mạnh bạo đi tới. Chúng ta hãy khoa học hóa nền văn hóa Việt Nam. Và ta chẳng lo gì mất gốc, vì trong lòng ta vẫn có những căn bản tinh thần của nòi giống cũng như trong thân thể ta vẫn trụ lưu dòng khí huyết của cha ông.
    Về phương diện này, phong trào thơ mới khởi lên từ 1932 là một cuộc thí nghiệm rất đáng chú ý. Lúc đầu các nhà thơ mới có cái dụng ý theo mới một cách hoàn toàn, mới về ý, về lời, cả về điệu nữa. Người ta muốn phá vỡ những khuôn khổ xưa, người ta táo gan làm những câu thơ mười hai chân như thơ Pháp. Nhưng hồn thiêng của cha ông còn nương trong tiếng nói đã ngăn ngừa không cho con cháu làm loạn. Bấy nhiêu sự ngông cuồng đều mệnh yểu. Chắc mấy chốc người ta lại trở về với lục bát, với song thất lục bát, hai thể thơ Việt, với thất ngôn, một thể thơ đã nhập tịch từ lâu, với thơ tám chữ, một biến thể của điệu ca trù ngày trước. Chung quy gọi bằng thơ mới, hầu hết là những bài tứ mới điệu xưa. Mà chính điệu thơ, mới là điều quan hệ. Nó phát biểu phần sâu sắc nhất trong tâm khảm người ta.
    Người ta thường nói nền văn hóa. Thiết tưởng văn hóa Việt Nam rất hợp với nghĩa chữ nền. Ở đây quả thực chỉ có một cái nền, không có lâu đài văn hóa nào hết. Song chính nhờ thế mà trên nền kia, ta có thể tùy tiện xây dựng những lâu đài hợp với nhu cầu của thời thế, của dân tộc, và một khi những lâu đài ấy không hợp nữa, ta có thể dễ dàng san phẳng đi để dựng lên những lâu đài khác. Đời sống tinh thần của ta rất dồi dào, ta mang trong mình rất nhiều khả năng về văn hóa, nhưng trên đường học thuật tư tưởng, ta đi ra với hai bàn tay trắng, nên không có gì vướng víu, ta có thể tha hồ mượn những cái hay của người làm của ta. Người phương Tây rất ngạc nhiên thấy ta hôm qua chỉ biết có Tứ Thư, Ngũ Kinh mà hôm nay bỗng tin theo những thuyết rất mới mẻ, rất cấp tiến của khoa học, triết học hiện kim. Họ không biết rằng học thuật tư tưởng không phải là những căn bản tinh thần của dân tộc ta. Tư tưởng nào có lợi cho đời sống của dân tộc thì ta theo, nhưng một khi tình thế đổi thay, tư tưởng ấy trở nên có hại cho đời sống chung, ta sẽ trút bỏ dễ dàng không tiếc hối. Vậy cứ tình thế bây giờ, mặc dầu vì chế độ thực dân ác độc, trong tám mươi năm nay, ta chỉ thấy khổ và khoa học mà chẳng hưởng thụ dược bao nhiêu, ta cũng phải đón lấy khoa học phương Tây. Không những ta phải gắng thâu thái mọi kiến thức khoa học mà ta còn phải tập lấy phương pháp khoa học để tổ chức đời sống vật chất và tinh thần của dân tộc ta. Và chắc chắn thế nào ta cũng sẽ thành công bởi vì đại khái ta chỉ làm lại cái công việc cha ông ta đã làm rất nhiều lần trong lịch sử, trải qua các thời đại đồ đá cũ, đồ đá mới, đồ đồng, đồ sắt v.v…

      Hôm nay: 7/5/2024, 1:49 pm