Dòng HÙNG VIỆT

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Trang chuyên khảo về lịch sử và văn minh Hùng Việt

Trang chủ


Latest topics

» Vài hàng ...nhân ngày giỗ quốc tổ .
by Admin 18/4/2024, 11:54 am

» Đầu non
by Admin 28/3/2024, 9:39 am

» Trời xanh -mây trắng -núi hồng (hình chụp ở Mĩ)
by Admin 22/3/2024, 2:26 pm

» Thời Bắc thuộc (viết lại)
by Admin 20/3/2024, 1:36 pm

» Lẩn thẩn ...Tiền Hậu , Đông Tây ...không thể nối .
by Admin 13/3/2024, 11:09 am

» Sử thuyết Hùng Việt ...Nhiều điều khác .
by Admin 1/3/2024, 4:52 pm

» Suy nghĩ về cặp đôi Nam – Nữ
by Admin 24/2/2024, 4:58 pm

» 2 chuyện cần bàn thêm
by Admin 23/2/2024, 2:39 pm

» Sử Việt 2 chuyện cần bàn .
by Admin 22/2/2024, 11:49 am

» Cẩn thận Chữ với nghĩa
by Admin 13/2/2024, 2:59 pm

Gallery


Sự tích Man Nương Empty

April 2024

MonTueWedThuFriSatSun
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930     

Calendar Calendar

Khách thăm



Sự tích Man Nương Flags_1



    Sự tích Man Nương

    Admin
    Admin
    Admin


    Tổng số bài gửi : 1186
    Join date : 31/01/2008

    Sự tích Man Nương Empty Sự tích Man Nương

    Bài gửi by Admin 12/6/2017, 11:06 am

    Bách việt trùng cửu – nguồn http://báchviệt18.vn/

    Thần tích xã Đặng Xá, huyện Ân Thi, Hưng Yên, chép theo sách Truyền thuyết dân gian người Việt (quyển 2), Kiều Thu Hoạch chủ biên, NXB KHXH, 2014.
    Tương truyền vào cuối đời Hán Minh Đế có một nhà sư tên là Khâu Đà La vốn dòng đạo Bà La Môn ở nước Thiên Trúc, tay cầm gậy thần xích chu du bốn bể mười phương. Sư đến thành Luy Lâu, hồi đó là trị sở của Sĩ Vương. Trong thành có một viên quan tên là Tu Định, là người Siêu Loại. Tu Định thấy Đà La có khí độ thần tiên phơi phới, bèn mời về nhà riêng. Đà La về nhà Tu Định ở. Nhà sư thanh tịnh nhiều ngày không ăn uống. Tu Định thấy vậy lấy làm lạ, nảy sinh lòng kính ngưỡng. Nhà Tu Định có cô con gái tuổi mới mười hai, đêm đến khêu đèn thắp nhang rất là kính cẩn. Nhà sư thấy cô bé nhỏ tuổi mà có lòng thành như vậy cũng lấy làm lạ bèn đặt cho cái tên là Man Nương. Hơn một tháng thì sư xin về. Tu Định muốn giữ lại, liền cúi đầu xin được độ làm đệ tử. Vì thế sư lưu lại bảy hôm nữa, vời Man Nương đến trước mặt, sư xoa đầu cô mà phán rằng: “Mi đã thành pháp bảo của ta. Ta rất yêu mi!”. Nhân đó lại bảo Tu Định rằng: “Sau ba năm trời đại hạn, chẳng những lúa má cháy khô mà cả người và gia súc cũng không có chỗ nào mà uống. Nay ta giúp cho gia đình nhà ngươi sống qua lúc đó”. Nhà sư lấy gậy thần xích cắm xuống vườn nước bèn vọt lên. Tu Định theo đúng chỗ đó đào một cái giếng để phòng ngừa hạn hán. Nhà sư bèn từ giã vào núi.
    Hồi ấy Man Nương đến tuần cập kê, chưa lấy chồng mà đã có chửa. Tu Định xấu hổi hỏi vặn con: “Mày không chồng mà có chửa là lỗi tại ai?”. Nhà sư chưa kịp vân du mà đã nghe được lời căn vặn con của Tu Định, bèn mỉm cười phán rằng: “Hãy nhịn, nhịn, nhịn… mọi điều oan gia từ đây sẽ hết”. Tu Định lĩnh hội được ý của sư, ông nuôi dưỡng Man Nương chu đáo. Nàng có mang đẫy mười bốn tháng, đến giờ Ngọ ngày mồng Tám tháng Tư năm Giáp Ngọ, sinh được đứa con gái. Nàng ẵm con vào rừng tìm sư, lúc đến nơi nhà sư cất tiếng gọi con: “Hỡi đứa con của Đà La”, bèn ẵm đứa bé vào trong rừng sâu hô to lên rằng: “Hỡi các cây gỗ to! Cây nào ẵm đứa con này cho ta thì mở lòng ra mà nhận. Sau này sẽ làm thiên thần, hưởng sự thờ cúng của thế gian, lưu truyền vĩnh viễn muôn đời”.
    Có một cây to vui vẻ trả lời: “Tôi xin giữ đứa trẻ này”. Cái cây ấy nứt ra, nhà sư liền đưa đứa bé ấy vào trong lòng cây gỗ. Cây gỗ từ từ khéo lại. Nhà sư đọc câu kệ rằng:
    “Hình hài như nghịch lữ,
    Tâm không cảnh diệc không
    Ngưng nhiên nhất vị ngộ
    Ứng vạn vật duyên đồng”.
    Nghĩa là: Hình thể con người ở đời như cái quán trọ, trong lòng hư không tất cả đều hư không. Lặng thinh một mùi vị ngộ đạo, ứng tiếp vạn vật chung một nhân duyên.
    Đọc xong cây kệ thì đi đâu mất không thấy xuất hiện. Man Nương cúi đầu lạy tạ rồi trở về nhà.
    Hồi đó trời nắng hạn ba năm không có một giọt nước mưa. Các giếng khô kiệt, riêng có giếng nhà Tu Định nước lúc nào cũng đầy ăm ắp. Nhân dân trong thành nhiều người được uống nhờ ơn đức. Sĩ Vương nghe tin, liền hỏi nguyên nhân thế nào. Man Nương cho người đem đầu đuôi câu chuyện báo cáo cho Vương hay. Vương cho người vào núi tìm sư, ba lần đi ba lần về không, chẳng biết sư trụ trì ở đâu. Vương lại vời Man Nương đến truyền lệnh cho nàng vào rừng tìm sư về thành làm phù phép khu trừ hạn hán giúp nước cứu dân. Nàng vâng lệnh vào rừng, gặp sư ngồi nhập định dưới bóng cây to. Nàng bạch sư về sắc lệnh của Vương mời làm phép hộ quốc cứu dân qua cơn tai nạn. Sư nghe lời trở về, liền hô gió gọi mưa, biến hóa, bay nhảy trên không, hóa phép thư phù, chẳng đầy chớp mắt thì mưa đổ như trút. Khi ấy trong nước từ trên xuống dưới, không ai là không tỏ ra sung sướng, không một vật nào không tỏ vẻ sinh dưỡng trưởng thành.
    Sau này gió bão nổi lên bật hẳn cây gỗ lớn theo lũ cuốn trôi xuống sông Long Biên, từ từ trôi đến bến thành Luy Lâu thì dừng lại. Mọi người đều nghe thấy trong thân cây văng vẳng có tiếng âm nhạc. Chẳng những thế mà cái cây cây gỗ lớn ấy còn tỏa ra mùi thơm ngào ngạt và dọi ánh hào quang rực rỡ. Dân đem việc lạ ấy tâu lên Sĩ Vương. Vương ngầm ra coi thấy quả nhiên như vậy. Ngày hôm sau Vương sai lực sĩ kéo cây gỗ lên bờ sông. Vương thấy cây gỗ rất chắc, có ý muốn xẻ ra để xây dựng điện Kính Thiên nhưng chưa quyết định. Đêm hôm ấy Sĩ Vương chiêm bao thấy một vị quan trưởng đầu đội mũ hoa đến trước mặt Vương nói: “Nay ta cùng ngài nên mở mắt mà coi: tám nghìn năm trở về trước, ta với ngài vốn là người quen thuộc”. Vương tỉnh dậy bèn đem việc chiêm bao ấy nói cho quân thần nghe. Trong số này có người nói: “Cây gỗ để ở bên thành rất thiêng sao không lấý nó để tạc thần tượng”. Ngay hôm ấy Vương cho mời người thợ mộc là Đào Độ cắt cây gỗ ra làm bốn đoạn để tạc bốn pho tượng. Ở giữa đoạn gỗ thứ nhất trong lòng có một hòn đá, người thợ mộc đem hòn đá ấy ra sông rửa, chẳng ngờ sểnh tay rơi xuống sông mất.
    Sau khi tạc xong bốn pho tượng, Vương mở hội khánh thành, bỗng nhiên mây kéo đen nghịt, mưa đổ xuống, sấm nổi lên, chớp sáng lòe, nhân đó Vương đặt tên cho bốn pho tượng là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện và viết bài thơ rằng:
    Nam bang sơn nhạc giáng thần linh
    Văn hiến khai đoan hiển Phật kinh
    Thánh mẫu quả nhiên sinh thánh tử
    Cam lâm nhuận trạch hậu dân sinh.
    Nghĩa là: Núi non nước Nam có thần linh giáng thế, mở nguồn văn hiên cho nên kinh Phật được sáng rõ, mẹ thánh quả nhiên sinh ra con thánh, mưa ngọt nhuần thấm bồi đắp cuộc sống cho dân.
    Vương bảo quần thần: “Sông núi giáng linh cho nên được bốn pho thần tượng này, thật là một sự kiện kỳ diệu của nghìn muôn năm. Hơn nữa thần còn hiển linh cứu hạn hán cho dân thật là tuyệt vời. Các người nên tìm nơi đất danh thắng, lập đền thờ phụng các ngài.”
    Khi ấy có thầy địa lý chính tông tên là Quách Thông tâu rằng: “Bốn pho tượng thánh nên chia ra các đền để thờ phụng khiến cho ơn đức của thánh thấm đến muôn dân. Phương Nam của ta thuộc “bính đinh”, nếu được vị thần anh linh để trấn thủ thì thật là ngôi phúc tinh của một xứ sở vaayj. Thần trước đây có đi qua Sơn Nam thấy ở địa phận xã Gia Phúc, tổng La Phù, huyện Thượng Phúc có một kiểu đất sơn thủy triều phục, ở giữa có một cái gò nổi lên hình như bông sen ở trong tấm gương sáng. Bên cạnh có chuông trống, đằng trước có hình nhà sư bái lễ. Đất này thật là đất danh lam thắng cảnh”.
    Vương bèn thân hành đến thăm, nhìn khắp trước sau quả nhiên đúng như lời của Quách Thông. Vương bèn sai xây dựng lâu đài đồ sộ như điện Kính Thiên, cho rước tượng thánh Pháp Vũ về thờ và đặt tên là chùa Thành Đạo. Vua bèn đề thơ ở chùa, thơ rằng:
    Trùng trùng dũng địa xuất hồng liên
    Chính khí chung lại bảo điện tiền
    Lệ nhuận tây thiên tân đông vũ
    Hùng khoa nam hải cựu sơn xuyên
    Ngọc khê nguyệt đạm khai từ kính
    Hương các phong lại tấu tuệ huyền
    Tối thượng cập nhập đa phúc trạch
    Huyền công vô lượng cánh vô lương.
    Dịch nghĩa: Hoa sen hồng điệp trùng nổi lên mặt đất. Chính khí hun đúc trước điện báu. Vẻ tươi đẹp nổi bật nếp lâu đài của trời Tây, thế hùng mạnh ca ngợi non sông cũ của biển Nam. Ánh trăng nhạt soi suối ngọc như mờ tấm gương từ bi. Gió thổi vào gác thơm như dạo khúc đàn trí tuệ. Nhiều phúc trạch thấm nhuần đến con người là điều hơn hết, công huyền diệu đã là vô lượng càng là vô biên.
    Còn ba pho thần tượng mỗi pho thờ tại một nơi. Tượng thánh Pháp Vân đặt tại chùa Thiền Định; tương thánh Pháp Lôi đặt tại chùa Phi Tướng; tượng thánh Pháp Điện đặt tại chùa Trí Quả, gần với chỗ ở của thánh mẫu (tức thân mẫu của bốn vị thánh).
    Tương truyền khi mới rước vào chùa, ba pho tượng đều nhẹ, riêng có pho tượng Pháp Vân rất nặng nhấc lên không được. Sĩ Vương vời người thợ đến hỏi, người thợ mộc đem cái vết hòn đá trong gỗ trình bày cho Vương biết. Vương liền cho người thuyền chài xuống sông mò hòn đá ấy. Họ thấy ánh hào quang rực rỡ ở dưới sông soi thấu vào người nên không dám đến gần. Thuyền chài lên tâu Vương. Vương liền sai Man Nương xuống sông tìm hòn đá ấy. Man Nương vâng lệnh đến bến sông. Khi đó, hòn đá bỗng nhảy lên bờ. Man Nương ôm hòn đá ấy về trình lên Vương. Vương cho thợ đặt nó vào pho tượng Pháp Vân, pho tượng bỗng nhẹ hẳn lên. Vương lấy làm lạ, bèn đặt tên cho pho tượng Pháp Vân là “Thạch Quang Vương Phật”. Qua đó mới hay đoạn gỗ tạc tượng Pháp Vân đúng là cái đoạn gỗ đã ôm “đứa bé của Đà La” do Man Nương sinh hạ. Nhân đó, Vường tưởng nhớ ơn đức của nhà sư Khâu Đà La, liên sai sứ giả mang hương hoa lễ vật vào rừng xanh lạy tạ. Song sứ giả không tìm thấy tung tích của sư đâu cả, mà chỉ thấy bài kệ vạch ở da cây:
    Kham than tuế mạo lão dư linh
    Thả hỉ bang gia tứ hải thanh
    Yếu sử cơ niên quy khứ sở
    Bạch vân thâm xứ tủng đình đình.
    Dịch nghĩa: Đáng tiếc tuổi tác đã già. Song mừng thấy nước nhà thanh bình bốn bể. Qua một năm thấy chốn đi về. Đó là nơi mây trắng xa xăm, cao vời vợi.
    Sư Đà La hóa đi hay là đi truyền giáo ở nước khác cũng không rõ dấu vết thế nào. Hiện tại trước cửa chùa Thiên Định có một cái mả, người đời đều kêu là mả Man Nương, còn gọi là mả thánh mẫu. Hiện còn di tích ghi lại để nhớ.
    Sau này bốn vị thánh “Tứ Pháp” (Pháp Vũ, Pháp Vân, Pháp Lôi, Pháp Điện) rất anh linh, các nơi đều có lập đền thờ phụng sự. Ngoài thân cây gỗ đã tạc tượng ra còn các cành cội của nó đều được nhân dân đến lấy về tạc tượng hoặc đem yểm tâm cho pho tượng sẵn có. Thánh Tứ Pháp rất anh linh, năm nào đại hạn, cầu đảo đều mưa, nhân dân cầu phúc, cầu tự, cầu tài đều linh ứng rất nhanh. Đức thánh Pháp Vân, trong nước những nơi danh lam thắng cảnh đều có thờ phụng, kể không sao xiết. Chẳng hạn chỉ kể một vài nơi ở Hưng Yên như xã Dị Sử ở Đương Hào, xã Cầu Tu và Đặng Xá ở Ân Thi, xã Bình Kiều ở Đông Yên đều có lập đền thờ. Từ Đông Hán đến Ngô, Tấn, Tống, Tề, Lương gồm ba trăm bốn mươi chính năm, tựu trung có chùa Pháp Vân ở Đặng Xá đã được nước đảo dân cầu, đèn hương bất diệt, hiển ứng vô cùng. Trải các triều Đinh, Lê, Lý… khai sáng nghiệp lớn, các ngài đều hiển linh giúp nước giúp dân, cầu gió được gió, cầu mưa được mưa, cho nên lịch đại đế vương đều có gia phong duệ hiệu.

      Hôm nay: 27/4/2024, 5:48 am