Dòng HÙNG VIỆT

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Trang chuyên khảo về lịch sử và văn minh Hùng Việt

Trang chủ


Latest topics

» Vài hàng ...nhân ngày giỗ quốc tổ .
by Admin 18/4/2024, 11:54 am

» Đầu non
by Admin 28/3/2024, 9:39 am

» Trời xanh -mây trắng -núi hồng (hình chụp ở Mĩ)
by Admin 22/3/2024, 2:26 pm

» Thời Bắc thuộc (viết lại)
by Admin 20/3/2024, 1:36 pm

» Lẩn thẩn ...Tiền Hậu , Đông Tây ...không thể nối .
by Admin 13/3/2024, 11:09 am

» Sử thuyết Hùng Việt ...Nhiều điều khác .
by Admin 1/3/2024, 4:52 pm

» Suy nghĩ về cặp đôi Nam – Nữ
by Admin 24/2/2024, 4:58 pm

» 2 chuyện cần bàn thêm
by Admin 23/2/2024, 2:39 pm

» Sử Việt 2 chuyện cần bàn .
by Admin 22/2/2024, 11:49 am

» Cẩn thận Chữ với nghĩa
by Admin 13/2/2024, 2:59 pm

Gallery


Nam thiên Tứ bất tử Empty

April 2024

MonTueWedThuFriSatSun
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930     

Calendar Calendar

Khách thăm



Nam thiên Tứ bất tử Flags_1



    Nam thiên Tứ bất tử

    Admin
    Admin
    Admin


    Tổng số bài gửi : 1186
    Join date : 31/01/2008

    Nam thiên Tứ bất tử Empty Nam thiên Tứ bất tử

    Bài gửi by Admin 3/11/2014, 9:23 am

    Bách Việt trùng cửu – nguồn http://báchviệt18.vn/

    Hiện nay thuật ngữ Tứ bất tử được quan niệm là tên gọi chung của bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng Việt Nam, đó là Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên vương, Chử Đồng Tử, và Liễu Hạnh Công chúa. Mỗi vị tượng trưng cho một lĩnh vực đời sống của nhân dân nên được coi là “bất tử”. Ví dụ, Tản Viên Sơn Thánh tượng trưng cho ước vọng chinh phục tự nhiên, chiến thắng thiên tai. Thánh Gióng, hay Phù Đổng Thiên Vương tượng trưng cho tinh thần chống ngoại xâm và sức mạnh tuổi trẻ. Chử Đồng Tử tượng trưng cho tình yêu, hôn nhân, và sự sung túc giàu có. Mẫu Liễu Hạnh tượng trưng cho cuộc sống tinh thần, phúc đức, sự thịnh vượng, văn thơ…
    Tuy nhiên… suy nghĩ kỹ thì quan niệm cho rằng dân gian đã “bất tử” hóa những ước vọng của mình vào các vị thần không hẳn đúng. Nếu vậy thì vị thần nào chẳng “bất tử” được. Đúng hơn thì trước hết bản thân những vị thánh này phải có khả năng “bất tử” đã thì mới có thể gọi là thần bất tử.
    Một số tài liệu thay vào chỗ của Mẫu Liễu Hạnh là Từ Đạo Hạnh hoặc Nguyễn Minh Không là dẫn chứng cho điều này vì cũng như Mẫu Liễu, Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không liên quan đến việc “hóa sinh” đầu thai. “Bất tử” không phải đồng nghĩa với “bất diệt”. Bất tử nghĩa là “không chết”, đúng với nghĩa đen của nó. Chỉ có các vị thần có thể “cải tử hoàn sinh” hoặc có khả năng chuyển kiếp thì mới được gọi là thánh “bất tử”. Không phải dân gian đã đem mong muốn của mình gửi gắm vào các vị thần mà là hành trạng, khả năng của chính những nhân vật này đã cho phép gọi họ là “bất tử” trong quan niệm dân gian.

    Từ nhận thức như vậy ta có thể xem xét từng vị thần trong Tứ bất tử để hiểu tại sao lại gọi họ là những thần bất tử.

    Tản Viên Sơn Thánh
    Đứng đầu Tứ bất tử là Tản Viên Sơn Thánh vì đây là vị “Đệ nhất phúc thần” nước Nam. Tản Viên Sơn Thánh cũng là nhân vật có xuất xứ lâu đời nhất trong số các vị thần bất tử được nói đến. Sự tích của Tản Viên bắt đầu từ thủa Hồng Bàng dựng nước. Theo thần tích đền Và (Sơn Tây) thì Tản Viên đã nhận được cây gậy thần đầu sinh đầu tử của Thái Bạch tử vi thiên tướng trên núi Tản. Từ đó Tản Viên xưng là Thần sư, đi cứu độ nhân gian, dùng gậy thần cứu sống được con rắn là con của Long Vương Động Đình. Khi xuống thăm Long Cung Tản Viên lại được thêm cuốn sách ước có phép nhiệm màu thay đổi trời đất… Chính vì có những phép thuật này mà Tản Viên Sơn Thánh đã được gọi là thần bất tử.

    Nam thiên Tứ bất tử P1020264-1024x768
    Nghi môn Nam cung Tản Viên (Ao Vua).


    Câu đối ở đền Và (Sơn Tây), là Đông cung của Tản Viên nói tới những phép thuật của thần:
    西傘東宫此地廷遊傳異蹟
    左書有仗参天神化福同人
    Tây Tản Đông cung, thử địa đình du truyền dị tích
    Tả thư hữu trượng, tham thiên thần hóa phúc đồng nhân.
    Dịch:
    Núi Tản bên Tây, cung điện bên Đông, vua ngao du đất này lưu truyền tích lạ
    Sách cầm bên trái, gậy mang bên phải, thần biến hóa cùng trời tạo phúc chúng dân.
    Như đã từng xác định, gậy thần sách ước của Tản Viên thực chất là Hà đồ Lạc thư của người Việt, trong đó bao hàm đạo Âm dương (sinh tử), Trời đất (Hà – Lạc). Nhờ những kiến thức khoa học này ở thủa bình minh của dân tộc mà Tản Viên Sơn Thánh đã quy tụ được các bộ tộc ở vùng Nam Giao (2 anh em Cao Sơn, Quý Minh), trị thủy thắng lợi. Thánh Tản do vậy đã trở thành vị thần bất tử đầu tiên của người Việt.

    Ca dao:

    Nhất cao là núi Tản Viên
    Thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Độc Tôn.

    So về độ cao thực tế thì núi Tản rõ ràng là thấp hơn núi Tam Đảo. Việc xếp thứ hạng ở đây như vậy là xếp thứ hạng của 3 vị thần ở 3 ngọn núi này. Tản Viên đứng đầu ở núi Tản. Núi Tam Đảo là địa bàn của Cao Sơn (bộ tộc Lang Tiên Thị của Tây Thiên quốc mẫu). Độc Tôn như vậy phải ứng với Quý Minh, là dòng dõi của vua Hùng Đế Minh, đóng tại núi Nghĩa Lĩnh (Phú Thọ).

    Chử Đạo Tổ
    Câu chuyện về Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa được tóm tắt trong câu đối ở đền Đa Hòa (xã Bình Minh, Khoái Châu, Hưng Yên):
    淳孝格天沙渚幔帷成異遇
    至誠通聖瓊林杖笠契真傳
    Thuận hiếu cách thiên, Sa Chử mạn duy thành dị ngộ
    Chí thành thông thánh, Quỳnh Lâm trượng lạp khế chân truyền.
    Dịch:
    Hiếu thuận động tới trời, bãi Chử màn che thành kỳ ngộ
    Thành chí thông tận thánh, Quỳnh Lâm gậy nón tiếp chân truyền.
    Chử Đồng Tử vì hiếu thuận với cha nên đã kỳ ngộ gặp được Tiên Dung ở bãi Tự Nhiên. Sau đó nhờ thành tâm học đạo đã được tiên ông truyền cho phép màu ở núi Quỳnh Lâm. Phép màu của Chử Đồng Tử là “trượng lạp”, tức là cây gậy và chiếc nón thần. Theo thần tích đền Đa Hòa thì Chử Đồng Tử “học được tiên thuật, có thể cải tử hoàn sinh”, đã cứu sống nhiều người dân.
    Một lần nữa ta thấy lý do để gọi Chử Đồng Tử là thần bất tử chính là ở phép cải tử hoàn sinh này. Gậy và nón cũng là hình ảnh của vuông – tròn, âm – dương. Thần tích ở Đa Hòa còn kể tại đây có vị thần Cá (thần Dí) đã vật chết voi của nhà vua, nhưng khi được yêu cầu làm voi sống lại thì không làm được, bởi “phép cải tử hoàn sinh chỉ có Tản Viên Sơn Thần và Đức thánh Chử Đồng Tử là làm được…”. Điều này cho thấy không phải “thần” nào cũng có thể “cải tử hoàn sinh”. Chỉ có 2 vị thần bất tử là Tản Viên Sơn Thánh và Chử Đồng Tử là có phép thuật này.
    Chử Đồng Tử còn lấy người vợ thứ là Tây Cung công chúa. Câu đối ở đền Đa Hòa:
    東土降生三顯聖
    南邦不死四靈神
    Đông thổ giáng sinh tam hiển thánh
    Nam bang bất tử tứ linh thần.
    Dịch:
    Đất Đông giáng sinh ba hiển thánh
    Nước Nam bất tử bốn linh thần.

    Nam thiên Tứ bất tử IMG_7029-1024x682
    Đền Đa Hòa ở Khoái Châu, Hưng Yên.


    Ba người (Chử Đồng Tử, Tiên Dung, Tây Cung công chúa) dùng phép thuật của mình cứu dân, xây dựng lâu đài, để rồi một đêm cùng bay về trời. Câu đối ở đền Đa Hòa:
    化境是何年自然為洲一夜成澤
    奇緑曠千古人間夫婦天上神仙
    Hóa cảnh thị hà niên, Tự Nhiên vi châu, nhất dạ thành trạch
    Kỳ duyên khoáng thiên cổ, nhân gian phu phụ, thiên thượng thần tiên.
    Dịch:
    Cảnh hóa đó năm nào, đây bãi Tự Nhiên, một đêm thành đầm trạch
    Kỳ duyên trùm thiên cổ, vợ chồng nhân gian, lên trời biến thần tiên.
    Thần tích Đa Hòa chép: “Cả ba vị từ đó đi thành tiên thành thánh, hóa sinh bất diệt, được xếp vào hàng thứ hai trong Tứ bất tử của nước Việt ta”.
    Việc xác định vị trí thứ hai trong Tứ bất tử thuộc về Chử Đồng Tử khá quan trọng vì vị trí này thường bị chép cho Phù Đổng Thiên Vương. Xét trong Tứ bất tử thì người càng có vị trí cao thì khả năng phép thuật linh ứng càng cao. Điều quan trọng hơn là thời điểm xuất hiện của người đó càng sớm trong chiều dài lịch sử. Sau Tản Viên ở thời Hồng Bàng, truyền tích Chử Đồng Tử hay Chử Đạo Tổ đã cho thấy sự ra đời rất sớm của Đạo Giáo (đạo thần tiên) ở Việt Nam. Tứ bất tử thực ra là 4 nhân vật chính, đánh dấu những mốc trong quá trình hình thành và phát triển Đạo Giáo của người Việt ở nước Nam.

    Đổng Thiên Vương
    Theo quan niệm hiện tại thì Thánh Gióng, cậu bé làng Phù Đổng cưỡi ngựa sắt đánh thắng giặc Ân là một trong Tứ bất tử. Tuy nhiên, khi xét quan niệm về thần “bất tử” là những vị thần có phép màu nhiệm, có sinh hóa, có liên quan đến đạo thần tiên (Đạo Giáo) thì nhân vật Thánh Gióng hoàn toàn không phù hợp là thần bất tử. Thánh Gióng không có phép màu nào, dùng sức khỏe đánh giặc. Đánh thắng giặc xong là thần “hóa”, bay về trời ở núi Sóc… và không quay trở lại nữa. Như vậy sao có thể gọi là thần “bất tử”?
    Ở đây các học giả đã có sự nhầm lẫn do… mặt chữ. Vị thần bất tử thứ ba là Đổng Thiên Vương, chứ không phải Phù Đổng Thiên Vương. Phù Đổng thiết Phổng hay Bổng, chỉ Thánh Gióng. Còn Đổng Thiên Vương là Huyền Thiên Đại Thánh. Đền thờ Huyền Thiên Đổng Thiên Vương nằm ở làng Bộ Đầu (xã Thống Nhất, Thường Tín, Hà Nội).
    Câu đối ở Huyền Thiên quán tại làng Ngọc Trì (Thạch Bàn, Gia Lâm, Hà Nội), đối diện bên kia sông với đền Bộ Đầu:
    南交有國自鴻庞歷陳黎迄今刧局贏輸靈氣依依騰宇宙
    北方之星日玄武中天地而立纒度经緯神光赫赫鎭龜蛇
    Nam Giao hữu quốc tự Hồng Bàng, lịch Trần Lê hất kim, kiếp cục doanh thâu, linh khí y y đằng vũ trụ
    Bắc phương chi tinh nhật Huyền Vũ, trung thiên địa nhi lập, triền độ kinh vĩ, thần quang hách hách trấn quy xà.
    Dịch:
    Nam Giao lập nước từ Hồng Bàng, trải Trần Lê tới nay, kiếp cuộc thắng thua, linh khí y nguyên bay vũ trụ
    Phương Bắc là sao thời Huyền Vũ, giữa trời đất mà nên, bao trùm ngang dọc, ánh thần hiển hách trấn rắn rùa.

    Nam thiên Tứ bất tử Ngoc-Tri-1024x682
    Trấn Vũ quán ở Ngọc Trì, Gia Lâm.


    Cũng theo sự tích ở Ngọc Trì thì Huyền Thiên nhiều lần giáng sinh, tu hành, từ đó có phép thuật trấn yêu ma các động. Còn Huyền Thiên ở đền Sái (Đông Anh) là người đã giúp Thục An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Núi Sái là núi Thất Diệu – Vũ Đương, nơi Huyền Thiên – Lão Tử đã tu luyện thành danh. Câu đối ở đền Sái:
    自蜀朝顯蹟于兹佛界峙神宫宸極髙瞻星北拱
    爲曜嶺揚靈之最民風存帝典福壽齊祝月東來
    Tự Thục triều hiển tích vu tư, Phật giới trĩ thần cung, thần cực cao chiêm tinh Bắc củng
    Vi Diệu lĩnh dương linh chi tối, dân phong tồn đế điển, phúc thọ tề chúc nguyệt Đông lai.
    Dịch:
    Từ triều Thục hiển tích tới khi, giới Phật vững cung thần, đài cực cao xem sao Bắc vái
    Giúp núi Diệu tỏ linh hết mức, lệ dân lưu sự đế, phúc thọ chỉnh khấn trăng Đông về.
    Huyền Thiên không ai khác chính là Lão Tử, vì Huyền Thiên hay Huyền Nguyên là tên sắc phong của nhà Đường cho Lão Tử. Lão Tử, vị giáo chủ Đạo giáo, chuyên về thuật trường sinh bất lão (được tôn phong là Thái Thượng Lão Quân), có phép màu trấn yểm yêu quỷ, quy xà nên Huyền Thiên Đổng Thiên Vương là một thần bất tử hoàn toàn hợp lý. Chú ý thì có thể thấy phép thuật của Đổng Thiên Vương hạn chế hơn so với Chử Đạo Tổ. Trong khi Chử Đồng Tử có thể cải tử hoàn sinh, tham dự vào huyền cơ thiên địa, thì phép thuật của Đổng Thiên Vương chỉ hạn chế ở khả năng chữa bệnh, diệt yêu trừ quỷ, chỉ trường sinh hay hóa sinh chứ không cải tử hoàn sinh được. Vì thế xếp Đổng Thiên Vương ở vị trí thứ ba trong Tứ bất tử sau Chử Đạo Tổ.
    Đổng Thiên Vương – Lão Tử đã giúp vua Chu (Thục) xây thành Đông Đô (Cổ Loa) vào lúc giao thời Tây và Đông Chu. Chử Đạo Tổ như vậy phải là nhân vật trước thời kỳ này, vào thời Tây Chu hoặc thời Thương. Tuy định vị được thời gian của Chử Đồng Tử nhưng vấn đề Chử Đồng Tử là nhân vật lịch sử nào vẫn là một câu hỏi cần tiếp tục được tìm hiểu.
    Bắt đầu từ vị thần bất tử thứ ba Đổng Thiên Vương ta thấy xuất hiện thông tin về đạo Phật. Lão Tử được coi trong một thân là thánh thần tiên phật như câu đối ở đình Thổ Hà (Việt Yên, Bắc Ninh):
    等釋迦仁濟群生佛法千古神仙千古
    與孔聖功垂萬世春秋一經道德一經
    Đẳng Thích Ca nhân tế quần sinh, Phật pháp thiên cổ thần tiên thiên cổ
    Dữ Khổng thánh công thùy vạn thế, Xuân Thu nhất kinh Đạo Đức nhất kinh.
    Dịch:
    Sánh Thích Ca nhân nghĩa giúp chúng sinh, Phật pháp nghìn kiếp thần tiên nghìn kiếp
    Cùng Thánh Khổng công đức trùm vạn thế, Xuân Thu một kinh Đạo Đức một kinh.
    Quan niệm về luân hồi, chuyển kiếp đầu thai cũng là quan niệm của đạo Phật. Đạo giáo nói đến tu tiên, trường sinh bất lão và cải tử hoàn sinh chứ không đầu thai. Lão Tử ban đầu là một nhân vật trường sinh bất lão, luyện tiên đan (Thái Thượng Lão Quân). Sang đến hình ảnh Huyền Thiên mới thêm việc chuyển kiếp theo quan niệm đạo Phật.
    Huyền Thiên là vị thần trấn phương Bắc rất rõ. Trong khi đó Thánh Gióng lại là thần trấn phương Nam với khả năng cưỡi ngựa phun lửa (tượng trưng của phương Nam) và lấy núi Sóc làm nơi hóa (Sóc phương là phương Nam). Nam Bắc bị đảo lộn nên thành ra Thánh Gióng bị gọi nhầm thành thần bất tử. Việc chỉnh lại vị trí Đổng Thiên Vương trong Tứ bất tử cho phép nhận diện đúng hơn về bản chất của quan niệm này.

    Liễu Hạnh Thánh Mẫu
    Khả năng hóa sinh nhiều lần và trong một ngôi gồm cả thánh thần tiên Phật thấy rõ hơn ở thánh mẫu Liễu Hạnh. Câu đối ở phủ Bóng (Vụ Bản, Nam Định):
    仙而佛聖而神事有萬奇留越史
    崇以南嵬以北跡傳千古記南書
    Tiên nhi Phật, thánh nhi thần, sự hữu vạn kỳ lưu Việt sử
    Sùng dĩ Nam, ngôi dĩ Bắc, tích truyền thiên cổ ký Nam thư.
    Dịch:
    Tiên là Phật, thánh là thần, sự có vạn kỳ lưu sử Việt
    Tôn ở Nam, ngôi ở Bắc, tích truyền thiên cổ chép sách Nam.
    Hay câu đối ở lăng mộ Mẫu Liễu tại Vụ Bản nói về khả năng hóa sinh, chuyển thể của thánh.
    五百餘年神故化
    再三轉世聖而仙
    Ngũ bách dư niên thần cố hóa
    Tái tam chuyển thế thánh nhi tiên.
    Dịch:
    Năm trăm năm lẻ thần vẫn hóa
    Ba lần chuyển thế thánh là tiên.

    Nam thiên Tứ bất tử IMG_4413-1024x682
    Lăng mộ Liễu Hạnh ở Phủ Giầy, Nam Định.


    Khả năng tái sinh tuy là “bất tử” nhưng so với “thuật trường sinh bất lão” thì còn kém hơn một bậc vì tái sinh tức là vẫn phải chết rồi mới sống lại được ở thân thể khác. Nghĩa là vẫn chưa thoát được vòng “luân hồi” của đạo Phật. Còn người trường sinh bất lão thì đã thoát khỏi sự chi phối của luân hồi, có thể tham dự vào cơ trời.

    Mẫu Liễu được tôn sùng vì trong các lần chuyển hóa đều thể hiện là người có “hiếu, trinh, từ”.
    勝蹟肇仙鄉而聖而神而佛
    靈聲振越甸惟慈惟孝惟貞
    Thắng tích triệu Tiên hương, nhi thánh nhi thần nhi phật
    Linh thanh chấn Việt điện, duy từ duy hiếu duy trinh.
    Dịch:
    Thắng tích mở Tiên Hương, là thánh là thần là phật
    Linh thiêng vang Việt điện, bởi lành bởi hiếu bởi trinh.
    Còn phép thuật cụ thể của Mẫu là gì thì không được đề cập đến. Có thể thấy khả năng của Mẫu Liễu hạn chế hơn nhiều so với Huyền Thiên Đổng Thiên Vương. So về thời gian xuất hiện và năng lực thì Mẫu Liễu Hạnh xếp hàng cuối trong Tứ bất tử là đúng, cho dù Liễu Hạnh là Mẫu chủ của Địa phủ trong đạo Tứ phủ.

    Để tóm tắt lại về Tứ bất tử nước Nam xin đọc câu đối ở đền Đa Hòa:
    碧漢飛昇桂郊四之一
    玄幾参賛天地二可三
    Bích hán phi thăng Quế Giao tứ chi nhất
    Huyền cơ tham tán thiên địa nhị khả tam.
    Dịch:
    Bay lên dòng Bích Hán, Quế Giao bốn là một
    Tham dự vào huyền cơ, trời đất hai như ba.
    Như vậy thần bất tử là những vị thần của Đạo Giáo, có phép tiên có thể cải tử hoàn sinh hay đầu thai chuyển kiếp. Tứ bất tử là tập hợp các vị thần này, thể hiện quá trình phát triển của đạo thần tiên ở Việt Nam. Thứ tự và vị trị của Tứ bất tử được sắp xếp như sau:
    –    Đứng đầu là Tản Viên Sơn Thánh, người có gậy thần sách ước, có khả năng cải tử hoàn sinh, là người đã tập hợp các bộ tộc Việt chiến thắng thiên tai trong thời kỳ dựng nước. Phương hướng của Tản Viên là hướng Tây (Tây Tản).
    –    Thứ hai là Chử Đạo Tổ, cũng là người nắm được thuật Âm dương, có bảo bối là gậy nón, có khả năng cải tử hoàn sinh. Chử Đạo Tổ có khả năng là một đạo sĩ vào thời Thương hoặc Tây Chu. Chử Đồng Tử là thần nắm hướng Đông (Đông thổ).
    –    Xếp thứ ba là Đổng Thiên Vương Huyền Thiên Lão Tử, là giáo chủ Đạo giáo, trường sinh bất lão với cuốn Đạo đức kinh, có khả năng trừ yêu dẹp quỷ, trấn quy xà. Lão Tử là người đã giúp vua Chủ An Dương Vương xây thành Cổ Loa vào đầu thời Đông Chu. Đổng Thiên Vương là người trấn phương Bắc (Huyền phương).
    –    Cuối cùng là thánh mẫu Liễu Hạnh, thần chủ của Địa phủ trong Tứ phủ, có khả năng tái sinh nhiều lần, đắc đạo thánh thần tiên phật, nổi danh hiếu trinh từ ở thời Lê. Liễu Hạnh là người thành Nam (Nam Định), nắm giữ phương Nam.

      Hôm nay: 27/4/2024, 4:12 am