Dòng HÙNG VIỆT

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Trang chuyên khảo về lịch sử và văn minh Hùng Việt

Trang chủ


Latest topics

» Vài hàng ...nhân ngày giỗ quốc tổ .
by Admin Yesterday at 11:54 am

» Đầu non
by Admin 28/3/2024, 9:39 am

» Trời xanh -mây trắng -núi hồng (hình chụp ở Mĩ)
by Admin 22/3/2024, 2:26 pm

» Thời Bắc thuộc (viết lại)
by Admin 20/3/2024, 1:36 pm

» Lẩn thẩn ...Tiền Hậu , Đông Tây ...không thể nối .
by Admin 13/3/2024, 11:09 am

» Sử thuyết Hùng Việt ...Nhiều điều khác .
by Admin 1/3/2024, 4:52 pm

» Suy nghĩ về cặp đôi Nam – Nữ
by Admin 24/2/2024, 4:58 pm

» 2 chuyện cần bàn thêm
by Admin 23/2/2024, 2:39 pm

» Sử Việt 2 chuyện cần bàn .
by Admin 22/2/2024, 11:49 am

» Cẩn thận Chữ với nghĩa
by Admin 13/2/2024, 2:59 pm

Gallery


Tản Lĩnh ngọc ký Empty

April 2024

MonTueWedThuFriSatSun
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930     

Calendar Calendar

Khách thăm



Tản Lĩnh ngọc ký Flags_1



    Tản Lĩnh ngọc ký

    Admin
    Admin
    Admin


    Tổng số bài gửi : 1186
    Join date : 31/01/2008

    Tản Lĩnh ngọc ký Empty Tản Lĩnh ngọc ký

    Bài gửi by Admin 4/9/2021, 2:22 pm

    Nguồn : Tản Lĩnh ngọc ký – Bách Việt trùng cửu (bahviet18.com)
    Thần tích của làng Dũ Lâu, tổng Lâu Thượng, huyện Hạc Trì, tỉnh Phú Thọ. Dịch từ bản khai năm 1938.
    Tản Lĩnh ngọc ký Img_6940-2

    [size=36]Thánh Tản giáng sinh[/size]

    Thời Kinh triều 18 nhánh, có động Lăng Sương, huyện Thanh Xuyên, phủ Gia Hưng, đạo Hưng Hóa, xứ Sơn Tây. Động ấy là nơi núi gấm ngang trời, nước biếc tràn đất, non nước như tranh, cây cỏ tươi tốt, báo kêu chim hót véo von, gác khói đài mây lung linh, sương chiều bảng lảng. Thật đúng là nơi đẹp đẽ nhất trời Nam.
    Lúc bấy giờ có Trưởng ông tên là Nguyễn Cao Hành, tuổi đã 70, Thái bà tên Đinh Thị Điên, tuổi 50, cùng nhau sinh sống ở đó. Ông bà thường tích đức, làm việc nghĩa, hương khói cúng tế một mực phong lưu, rộng rãi, lễ lạt dư giả. Bỗng một hôm trông thấy ở trong động mây lành vương vấn, khí tốt rạng rỡ, một con rồng vàng cuộn mình giáng xuống, lấy nước phun sóng như châu ngọc. Đáy giếng tuôn sóng khí thiêng. Hương vị thoáng bốc phủ ngang khắp trên mặt đất. Được một chốc lát, Rồng cưỡi mây mà bay lên biến mất. Gió nhẹ thổi như có ý muốn đón người. Thái bà nhân đó đi qua tường ở bên trái, gánh nước trong giếng lại chỗ bàn đá trắng, đứng lên đó để tắm gội. Thân mình tự nhiên có mùi hương tỏa ngào ngạt, khí tốt giăng đầy, anh sinh tú đúc, cảm thấy như tinh khí đầy khắp, mừng tụ lại ở bụng. Sau đó mãn nguyệt ý như có động, mang thai được 14 tháng. Đến sáng ngày Rằm tháng Giêng năm Đinh Tỵ, Thái bà đang ngồi nghỉ trên hòn đá trắng bỗng thấy mây năm sắc bay, hào quang giáng khí. Lúc ấy sinh hạ được một người con trai, thần sắc tuấn tú, khí mạo hiên ngang, cao lớn khác vạn người. Được trăm ngày sau mới đặt tên là Nguyễn Tuấn. Nghe chuyện lạ ấy người lúc đó có thơ rằng:



    Tinh thần ngọc cốt cách Lăng Sương
    Mở chốn Rồng thiêng xuống thế dương
    Thái Thủy cũng là Thiên Thượng Mẫu
    Hoài thai lâu lạ khác bao thường.

    Tản Lĩnh ngọc ký Img_1472
    Tảng đá nơi sinh Thánh Tản ở Lăng Sương.


    [size=36]Gậy thần sách ước[/size]

    Lại nói, Nguyễn Tuấn khi 6 tuổi thì cha mất. Thái bà làm lễ an táng. Bảy tuổi, mẹ con dắt nhau đến núi thiêng Thứu Lĩnh Ngọc Tản (ở xứ Mang Bồi) mà ngụ cư tại đó. Lại kết thân cùng với một lão bà ở núi ấy tên là Ma Thị Cao Sơn Thần nữ. Được ba năm, nhớ đến mộ phần gia đình, bèn trở về động cũ Lăng Sương, đổi tên là Nguyễn Tùng. Khi lên 12 tuổi bắt đầu theo nghiệp với tiên sinh Lý Đường chuyên tâm học hành. Tuy là ngõ cụt ngách hẹp nhưng tính tình vui vẻ vốn có không đổi. Ngày ngày kiếm góp cây khô, búa rìu tiêu dao làm kế sinh nhai. Đêm đêm bên án tuyết song huỳnh một bầu rượu ngon làm thú vị. An bần lạc đạo, coi đó như chí lớn vậy. Tuy nhiên đôi khi cảm thương mẹ vất vả, xót xa mẹ cực nhọc, nên thường bỏ sách thở dài, gạt nước mắt mà rằng:
    –    Sinh ra ta, nuôi nấng ta là lòng yêu thương của mẹ hiền, sánh như chuyện ba lần di dời. Nay tình cảnh như thế này, không có gì để an ủi mẫu thân.
    Ngày qua năm lại, mới đến núi thiêng Ngọc Tản kêu than với lão bà Ma Thị rằng:
    –    Ô hô! Vận trời tuần hoàn, việc người thường biến. Trước đây ở động Lăng Sương khó khăn, tạm còn đủ ăn. Ngày nay, rừng đã cạn củi, cách nuôi mẹ như chim yến đợi mồi. Chí tình của người con có hiếu biết làm sao đâu. Con nguyện xin làm con nuôi của Lão bà để ngày tiện hái củi, sau là có thể nuôi dưỡng được mẹ nuôi vậy.
    Lão bà nghe lời than đó bèn đồng ý. Nguyễn Tùng dẫn mẹ đến cùng ở trên núi Tản Viên. Sau đó được 1 năm thì Thái bà qua đời. Nguyễn Tùng làm lễ chôn cất. Sau cùng với Lão bà Ma Thị cùng sống tại đó.
    Một hôm lên đỉnh núi thiêng để chặt một cây lớn cành dài. Ngày hôm đó quay về báo cho người trong động cùng lên trên núi để lấy cây gỗ đó, nên tới hôm sau đến nơi thì đã thấy cây gỗ cành lá tươi tốt y như cũ. Nguyễn Tùng tự thấy làm lạ, lại chặt cây một lần nữa. Chặt xong giả vờ đi rồi quay về phục ở đó để xem xét. Tới ban đêm bỗng thấy một lão ông thân cao một trượng, râu trắng phơ, đầu đội mũ hoa, mình khoác áo gấm, lưng thắt đai vàng, chân xỏ hài mây, tay phải cầm một cây gậy trúc, thong thả bước đi như phượng múa gấm hoa, rồng ngậm ngọc duẩn, nếu không là nơi vườn Kỳ thì cũng là vật lạ chốn Lãng Uyển. Theo sau có một hề đồng, tay cầm một chiếc chuông vàng, lắc 3 hồi. Ông lão miệng đọc thần chú, lấy gậy chỉ vào. Bỗng thấy tất cả một bên gió mát thổi đến, lành mây bao phủ, tinh thần của rừng núi hội tụ, đất trời biến hóa trong chớp mắt. Cây gỗ sống lại. Nguyễn Tùng nhìn thấy rõ ràng, liền chạy ngay lại nơi đó, hai tay ôm lấy ông lão, hỏi rằng:
    –    Cụ là người ở đâu đến, xưng hô thế nào. Sao lại thương tiếc một cành cây già để mất nỗi trông mong của người dân đói rét?
    Ông lão nói:
    –    Ta là Sơn Tinh Thái thần, tên là Thái Bạch Thần Tinh Tử Vi Thiên tướng, vâng nhận sắc hạ của Ngọc Hoàng, canh giữ vùng rừng núi. Nay cái cây này là cây Ngô đồng quý giúp đời sinh thánh, đất dựng lầu phượng, chính là cây chủ của núi Ngọc Tản trời Nam, không thể chặt được. Cho nên ta phải giữ cây quý để cầu cho núi sông được vững bền, quốc gia được trị lâu dài bởi vua sáng, để thiên hạ có những ngày thái bình vậy.
    Nguyễn Tùng chắp tay tạ và nói:
    –    Một lời nói của Thiên tướng đã sáng tầm nhìn của tôi. Đâu dám không theo mệnh. Đúng là sự đời như ngựa hoang, thói đời như phù du. Có có không không, sinh sinh hóa hóa. Cơ vi khó ngờ, sự đổi khác thường. Cả trời đất này cùng chung lý đó. Tùng tôi nay nguyện được nhận gậy thiêng cùng với thần chú để cứu sự sinh tử của nhân gian, để báo ơn sâu của cha mẹ, sau là để nhờ được ban phép mà không còn phải hái củi nuôi mẹ.
    Ông Lão nghe lời nói đó, biết là người đại hiếu, không phải là người thường, bèn lấy gậy thần cùng thần chú truyền thụ cho. Rồi lại dặn rằng:
    –    Đầu trên của gậy có thể cứu người. Đầu dưới có thể trừ hại chúng. Chỉ đất đất nứt, chỉ nước nước cạn. Phép thực linh nghiệm, cơ sâu diệu huyền. Nếu chỉ trời thì mây bạt sương tan, chiếu tận cửu trùng. Hãy cẩn thận! Hãy cẩn thận! Không thể! Không thể!
    Dặn xong, thần Thái Bạch bay lên không mà đi. Nguyễn Tùng từ khi có được gậy thần, vui mừng trở về động núi Tản Viên, bái tạ mẹ nuôi, lại đem mộ cốt của mẹ về động cũ Lăng Sương. Nhân đó tự xưng là Thần sư.
    Ngày hôm đó Thần sư đi qua thôn Cốc của sách Thủ Pháp, bỗng thấy hơn năm trăm con voi và hổ tập trung ở một vùng trên đường qua lại. Trăm muông thú chạy hàng đàn. Thần sư lấy gậy chỉ vào. Lập tức hổ theo hướng Bắc, voi theo hướng Đông, tránh đầu gậy mà chạy hết. Nhờ đó mà đường đi được thông suốt.
    Thần sư đi tới bờ sông nhìn thấy nước trời một màu, khói sương mờ mịt, bên sông vắng lặng, thuyền trống mái gác. Thần sư lấy lấy gậy chỉ vào, tức thì mặt nước rẽ mở, giữa sông trở thành một con đường, đi qua đó như đi trên đất bằng vậy.
    Thần sư đi đến bãi Trung Độ của xã Ma Xá, còn có tên là bãi Trường Sa. Trên đường bỗng thấy đám trẻ chăn trâu đánh chết một con rắn đen, hô nhau lôi kéo làm vui đùa. Thần sư thấy vậy sự đáng thương hại cần cứu, mới động lòng mà nói với lũ trẻ chăn trâu rằng:
    –    Lũ các ngươi chớ có đùa nghịch như thế. Ta muốn mua con rắn này.
    Bọn trẻ cười mà đồng ý. Thần sư lấy 36 văn tiền để mua rắn, rồi đem đến đầu trên bãi Trường Sa niệm thần chú, dùng gậy chỉ vào. Tức thì mờ mờ ảo ảo phục dẫn ở đầu gậy. Con rắn sống lại. Rắn đen khoanh tay bái tạ. Thần sư đứng nhìn, thấy rắn đen trườn ra sông, chia thành đường nước dẫn về tới Động Đình, mới biết đó là con của Long Vương.
    Bấy giờ Thần sư trở về động Lăng Sương. Rắn đen trở về Động Đình, đem mọi việc tâu với Đế Quân. Đế Quân nhớ công đức ấy bèn sai Thái tử cùng với Đô đốc Giao Long đi đón Thần sư ở quê động. Thần sư bởi vậy đi theo đến Long cung, qua tường gấm đến cửa châu, nhìn thấy gác ngọc lầu châu tầng tầng lớp lớp, thần Côn tướng Ngao hàng hàng lớp lớp sắp hàng. Binh lính cá, ba ba đứng chầu ở cung ngọc. Đế Quân ngự ở tòa chính, nghênh thỉnh Thần sư vào ngồi ở bên phải long sàng, rồi nói:
    –    Long chủng Đông Cung là Thái tử của Trẫm, hôm qua đi chơi chốn điện thiêng Tùng Đài (là đền thiêng giữa sông xã Sơn Bạn), chẳng may gặp biến ở Trường Sa. May nhờ ngài cứu thoát, thật đúng là ơn sâu nghĩa lớn. Hôm nay mời đến muốn tỏ tấc lòng báo đáp.
    Thần sư tâu rằng:
    –    Thủy phủ Dương gian, đường lối khác nhau. Sự tinh rộng của giống rồng, sao có thể hiểu hết được. Chỉ vì nhà của nô tì vốn âm thầm làm việc thiện, lại được gần gũi dung nghi của bệ hạ. Đâu dám mong sự báo đáp.
    Hôm đó trong cung mở tiệc hội lớn. Chiếu rồng trải khắp, đèn phượng thắp cao. Giường ngọc bình hương, vàng ròng mã não, đều là những vật lạ trân kỳ trên thế gian không có, tất cả được bày ra la liệt trước mắt. Tiệc ngọc yến bày, Đế Quân đích thân mời. Thần sư rằng:
    –    Kẻ trần thế được gặp long nhan đã là điều hiếm có. Nay may mắn vượt sóng ba đào tới chốn này, bình sinh chưa từng có được niềm vui như vậy, đâu dám không uống say chịu ơn.
    Tiệc xong, Đế Quân lấy vàng bạc báu vật ra lễ tạ. Thần sư cố từ chối không nhận. Thái tử bảo riêng với Thần sư rằng:
    –    Hôm nay được gặp mặt rồng, là cơ hội ngàn năm có một. Thần sư công đức như núi Ngao biển Kình, tiền tài xem nhẹ như chiếc lông, đức này không phải là thường. Nay có một quyển sách thần là phép màu chân truyền, vốn có thể thấu trời suốt đất chỉ trong một lời ước. Tôi xin tâu riêng với Đế Quân được dùng để báo đáp.
    Thần sư đáp: Được.
    Do đó Thái tử tâu với Đế Quân. Đế Quân cảm công đức của Thần sư liền lấy sách ấy trao cho Thần sư nhân xem. Thần sư được sách đó rồi, từ tạ Đế Quân. Đế Quân khiến Thái tử đem quân đi tiễn Thần sư trở về, đến tận bãi sông, quay về động cũ. Thần sư nhân lúc từ biệt mà làm thơ rằng:
    Không gặp làm sao có kiếp sinh
    Khi đi là nghĩa, về là tình
    Quay lên đỉnh Thứu, người còn vọng
    Trở lại cung Rồng, khách chẳng đành
    Một dải âm dương đôi tách ngả
    Chín trời mây nước mộng ba canh
    Tạm biệt cửa sông hai mắt dõi
    Tương tư chốn ấy bởi xa tình.

    Tản Lĩnh ngọc ký Img_8986
    Bãi Trường Sa


    [size=36]Chúc thư Ma Thị[/size]

    Lại nói Thần sư trở về động Lăng Sương, gậy chú để cầu, sách thần để ước, tự nhiên hóa sinh thành lầu gác vạn vật, vàng bạc châu báu, đầy đủ mang tới núi thiêng Ngọc Tản. Thần sư nói với Lão bà rằng:
    –    Nghĩa tử từ lúc hàn vi cùng ở với mẹ. Công đức của mẹ lớn như trời vậy. Được một bữa cơm cũng tất đền đáp, huống chi là ơn sâu huệ dầy. Sao có thể quên tình? Hôm nay đến đây cảm vận thần vận quỷ, có ít nhiều là để báo công đức này.
    Bèn lấy sách thần ngầm khấn trời đất, đọc ước một phép. Tự nhiên một trận mây mưa ập đến, sấm chớp nổi lên cùng sấm vang dậy trời, mưa châu ngọc khắp đất. Được nửa canh giờ bỗng thấy tiền vàng từ không trung rơi xuống trăm vạn ngàn quan. Thần sư lấy mang vào cung dâng cho dưỡng mẫu. Dưỡng mẫu thấy tấm lòng nhân hậu, ngầm mừng muôn việc đủ đầy. Bèn đem các vật rừng núi trao lại cho Thần sư để mình sau khi trăm tuổi có nơi thờ phụng, cúng tế. Nhân đó lập một bản chúc thư để mãi ngàn vạn đời coi giữ việc hương lửa miếu đường.
    Thần nữ Ma Thị Cao Sơn ở núi làng quê Mang Bồi, sách Thủ Pháp, huyện Thanh Xuyên, phủ Gia Hưng, xứ Hưng Hóa, nước Văn Lang nay lập chúc thư.
    Sự là ở tại động này, núi sông, khe suối, miếu mạo, cỏ cây, rừng rú, trước giờ đến nay đều là của tôi. Nghĩ mình sau khi trăm tuổi, thân về chốn Bồng Lai, tất việc hương hỏa xuân thu không ai phó thác phụng sự gia đường.
    Năm nay đang là năm Quý Dậu, có một người con nuôi quê ở cùng huyện tại động Lăng Sương là Nguyễn Tuấn, từ nhỏ đã chung sống xem như con đẻ. Nay Ma Thị tôi tuổi đã ngoài 90, chỉ sợ mệnh trời chưa biết sớm tối ra sao, muốn kê khai ra đây mọi vật, nhất nhất ghi rõ trong chúc thư, giao lại cho Nguyễn Tuấn tuân theo mệnh của mẹ mà coi giữ các vật trong núi, mãi mãi không rời, lưu truyền vạn đời để làm hương hỏa phụng thờ. Trời đất có lẽ, xưa nay có luật, nên lập một đạo để lại ý này này cho người đời sau mãi tuân theo. Những nơi sở hữu núi sông, đất đai, khe suối, miếu mạo, cao rộng trượng xích thế nào đều được kê khai như sau, cứ chiếu theo đó mà sử dụng:
    Kê:
    –     Núi thiêng Thứu Lĩnh Ngọc Tản ở tại sách Thủ Pháp, dân các xứ cộng 22 xóm. Núi Ngọc Lĩnh cao 112.300 trượng.
    –    Một đoạn từ Thượng điện trên núi đến Hạ điện, nay gọi là khe Lăng Cốc, cửa ngòi Bùi men tới sông Cái dài 1 vạn trượng.
    –    Một đoạn từ đỉnh núi Mũi Mèo, tục gọi là cửa ngòi Bo, men tới bờ sông dài 300 trượng.
    –    Một đoạn trên từ Hạch Đa đến cửa sông ngòi Lỗ dài 200 trượng.
    –    Một đoạn trên từ đồi Mỏ Cò đến sông dài 300 trượng.
    –    Một đoạn trên từ Ba Dương, thường gọi là ngòi Lông, đến mép sông dài 500 trượng.
    –    Một đoạn đường ngàn dặm từ xứ Hàm Rồng, xã Cẩm Đái dài 8.500 trượng.
    Đông giáp 2 huyện Ma Nghĩa, Thạch Thất. Nam giáp 2 huyện Mỹ Lương, Phúc Lộc. Tây giáp huyện Thanh Xuyên. Bắc giáp huyện Bất Bạt. Mặt tiền chính Tây, tọa Cấn hướng Khôn.
    Lại có Đại giang Tả kiên thần Ma Lãng Sơn, Hữu kiên Nhạc Sơn, Tây Nam sơn Chi Đồng Thần Trấn Đồng Long Đại vương, Tây Bắc Hậu Phi Bạch Y Thần nữ Đại vương.
    Tất thảy ruộng đất tế tự cộng lại là 278 mẫu 4 sào 1 thước 1 tấc, tính từ sông Đà dưới tới ngã ba sông Lô làm giới hạn. Đông Tây 4 phía ruộng đất sông ngòi như đã kê trên.
    Năm 18 đời Hùng Duệ Vương, 28 tháng 8 lập chúc thư.
    Ma Thị Cao Sơn Thần nữ ký.

    Lập chúc thư xong, Thần sư bái tạ, lại cùng ở với Lão bà. Được 1 năm, Ma Thị mắc bệnh, gọi Thần sư lại đưa cho chúc thư mà rằn:
    –    Sau khi Ma Thị ta mất, con đặt cho một cỗ thọ đường ở trong miếu đường để phụng sự, để cho tỏ hiếu đạo.
    Thần sư dập đầu lĩnh mệnh. Ngày hôm đó Ma Thị qua đời. Thần sư làm lễ an táng, thiết lập đền miếu, lại bày một cỗ thọ đường ở bên trái, bốn mùa hương lửa phụng thờ theo phép tắc. Đến nay hiện vẫn còn. Người đời sau có bài tán rằng:
    Cơ đồ tạo dựng
    Nghiệp đế lâu dài
    Mười tám đời dằng dặc
    Bao ngàn năm qua lâu
    Bấy giờ có Thánh Tản
    Chăm Ma Thị mẹ nuôi
    Lão bà lâm mệnh mất
    Truyền lại bức di thư
    Lập miếu thiêng trên núi
    Bên trái đặt thọ đường
    Nhà cửa đều giao lại
    Đạo hiếu cho vạn toàn
    Anh hùng trăm đời mãi
    Núi sông gom một trời
    Đáng yêu thay, thần tiên vạn cổ
    Lạ kỳ thay, mẹ con một nhà.

    Tản Lĩnh ngọc ký Img_7642
    Đền Hạ Tản Viên ở Thủ Pháp


    [size=36]Sơn Tinh – Thủy Tinh[/size]

    Lại nói, bấy giờ cơ đồ họ Hùng đã được 18 nhánh, Duệ Vương trị vì, đóng đô ở Việt Trì bên sông Bạch Hạc, lấy tên nước là Văn Lang, quốc đô tên là thành Phong Châu. Duệ Vương là người anh hùng đại lược, thiên tư thông minh, thánh trí, bên trong tu sửa văn đức, bên ngoài lo phòng bị biên phương, dốc chí hưng bình để yên Trung Quốc. Lại năng kính Trời Pháp Tổ, cầu phúc cho dân. Trời giáng điềm lành cho nước nhà. Do đó Vua lại càng thêm sùng trọng, kính sự thần kỳ, truyền hịch cho thần dân thiên hạ tăng việc tu sửa đền miếu, trang trí cung điện, nghiêm trang nghi vệ. Ngày ngày dâng hương hoa để cho tỏ ý thành kính. Các quan sở tại châu huyện đều đến các đền miếu mỗi tháng hai lần để chầu, cầu mong trăm thần cho quốc mạch được lâu dài. Vua lại tự mình đến núi Nghĩa Lĩnh yên định các tôn lăng cung điện cùng với các đền thiêng của các công thần huân tướng của các triều đại, tất cả các doanh điện đều tu sửa. Một bầu phong cảnh trải khắp mặt đất. Bốn phía lâu đài tráng lệ cuốn trời.
    Khi Vua đang trị vì, tuy sinh được nhiều hoàng tử nhưng đều đã về quy tiên. Vương bèn xa giá đến cung tiên Tam Đảo, dao xem thắng cảnh, tùy nơi đất tốt mà lập miếu điện, phụng đảo cầu con. Nhưng khi đó số mệnh sắp hết, cơ đồ họ Hùng đã đến lúc cuối. Vua nằm mộng thấy điềm lành rắn ráo. Sau sinh được hai nàng công chúa, đều có đức hiền trinh, phong tư yểu điệu, khóe hạnh má đào, sóng thu vạn điểm, ngọc trau mây quấn, mười phần xuân sắc. Người thứ nhất tên là công chúa Mị Châu Tiên Dung, sau gả cho Chử Đồng Tử (quê ở xã Đa Hòa, huyện Đông Anh, phủ Khoái Châu, đạo Sơn Nam). Người thứ hai tên là công chúa Càn Nương Ngọc Hoa, cung trăng đang khóa, nhụy ngọc còn che, nhân duyên định ước còn chưa đến kỳ.
    Vương muốn tìm người tài mà gả để tiếp nối ngôi báu, bèn lập một tòa lầu ở cổng thành Việt Trì, tên đề “Lầu cầu hiền kén rể”, biển đề “Ngắm trăng cầu hiền”. Truyền hịch đi khắp thiên hạ thần dân trăm họ, ai là người thông minh tài trí, đức độ anh hùng, có thể nối được ngôi của Trẫm thì sẽ gả công chúa cho.
    Ngày đó thuyền bè tấp nập bên sông, trước lầu nhộn nhịn xe ngựa. Bút văn múa mà hình rồng động, sao đẩu rơi, sông mưa lạnh. Trận võ bày mà hổ báo khiếp, tiếng sấm kinh, góc bể trào. Một mối nước nhà mà bốn bể anh hùng. Tuy nhiên đều là được mặt này mà mất mặt kia, không có toàn tài, khó để xưng nhận là thơ Đào yêu, còn chưa thổi được đàn ngâm vậy. Người đời bấy giờ có thơ rằng:
    Trăng gió một trường giục động tâm
    Bốn bề chật mắt thấy anh quần
    Việt thành then khóa xuân nào biết
    Ai người sẽ mở, ai người cầm?

    Lại nói lúc đó có Tản Viên Sơn Tinh với Động Đình Thủy Tinh, hai người là bạn học cùng nhau, có nhiều phép thuật thông thiên mà chưa đến ứng tuyển. Hôm sau Sơn Tinh gửi lời đến Thủy Tinh rằng:
    – Người xưa nói giai nhân khó được, nam tử đã khó gặp, huống chi lại là việc cưới công chúa làm vợ. Tôi với anh âm dương hai đường khác biệt, mà lại có cùng tình bạn học. Ngày này ở dương thế cung vua đang thật là bậc khuynh thành như trướng Đường buồng Ngu, chưa chọn được ngưới xứng tuyển. Chúng ta chẳng quản ở xa mà tới, để cầu lấy duyên này. Ngoài chúng ta ra thì còn ai xứng nữa.
    Thủy Tinh từ khi được tình ý đó, ngay hôm ấy sửa sang hành trang, tu tập quan quân, lập tức đến núi thiêng Ngọc Tản cùng hội với Sơn Tinh. Sơn hào hải vị, mở yến tiệc lớn, nâng cốc mừng thọ, để tiếp khách. Lễ mừng xong, Sơn Tinh với Thủy Tinh cùng đến kinh thành, cung kính trước ngự tiền tâu rằng:
    – Chúng thần thẹn vì tài hèn, may sinh ra trên nước của Vua. Trộm nghe Thánh thượng mở khoa lớn chọn rể. Chúng thần đến muộn, xin Vua ngự cho thử thi tài, may thì không ngoài hịch chiêu hiền vậy.
    Vua rất vui mừng, bèn rời xa giá đến sông Bạch Hạc để thi tài. Thế rồi Sơn Tinh đến đứng ở đầu sông. Thủy Tinh quay về đáy nước. Phút chốc bỗng thấy giữa sông mây mưa, mặt nước sóng dồn, ngã ba sông tràn nước, tiếng sấm nổi đến làm kình côn lạc phách, cuồng phong vạn dặm thổi tung, sóng dựng kinh hồn rùa cá. Trùng trùng trắng đỏ, gieo khắp cõi trần. Xúm xít xanh vàng, mịt mờ trời đất. Thiên hình vạn trạng, quỷ xuất thần chìm, biến hóa u minh. Hễ trông thấy đó là run tim mất mật.
    Sơn Tinh ở nơi ấy tay trái cầm sách, tay phải cầm gậy, miệng ngâm thần chú mà chỉ vào. Tức thì mọi thứ kỳ lạ đều theo đầu trượng mà quét sạch. Bỗng lại có núi Ngũ nhạc nổi lên cao ngàn vạn trượng, đứng sừng sững giữa trời đất. Thú chạy đến chầu, chim bay cùng họp.
    Thủy Tinh ở giữa sông lại gọi sóng to gió dữ. Vạn vật mất hình tiêu biến trong nước. Biến biến hóa hóa. Hai người phép đều cùng thật là huyền diệu.
    Ngày hôm đó mới xa giá về cung, cử sứ giả gọi hai người lại nói rằng:
    – Trẫm chỉ có một người con gái yêu, trước giờ chưa chọn được ai để kết đôi. Nay hai khanh đều là bậc anh hùng, không biết phân định thế nào. Há chẳng là Ngô mừng thì Sở rầu, Hán ca thì Tần khóc. Chi bằng sáng sớm ngày mai ai có thể đem sính lễ đến trước thì Trẫm sẽ gả cho.
    Thế là Thủy Tinh về cung Động Đình để cầu tìm vật lạ (nguyên là sách ước đã đem cho Sơn Tinh). Sơn Tinh ra ngay dưới lầu, lấy trong tay áo ra cuốn sách thần, đọc chúc với trời mà ước được đồ sính lễ. Bỗng thấy, voi trắng chín ngà, kỳ trân dị vật từ trên trời hạ xuống. Sơn Tinh thu lấy đó, vào giữa giờ Tý đem sính lễ vào đến lầu rồng. Vua bèn gọi công chúa lại mà gả cho Sơn Tinh. Sơn Tinh làm lễ. Lễ xong bái tạ, đón về sơn động.
    Đến giờ Mão ngày đó Vua thấy Thủy Tinh mới đem lễ tới. Vua nói:
    –    Sơn Tinh đã đem sính lễ đến trước. Trước đã có lời hẹn, nay biết làm sao được.
    Thủy Tinh vì thế rất oán hận, mới về tâu lên Đế Quân, xin dẫn quân tiến đánh Sơn Tinh. Đế Quân đồng ý. Cùng ngày Thủy Tinh tụ họp thủy tộc, bày trận ngàn hàng côn sấu, lập binh vạn đội kình nghê, thuyền rồng dốc tiến ra giữa sông, trống ba ba gõ vang rung đáy nước, hàng hàng thẳng tiến. Đi được nửa đường thì Sơn Tinh nghe tin, bèn cùng với Duệ Vương giăng lưới võng sắt ở bến Thụy Hương huyện Từ Liêm để ngăn. Quân thủy tộc không tiến được. Thủy Tinh mở ngang một dải sông nhỏ từ Lị Nhân đến vùng chân núi Quảng Oai, kéo lên bờ trên của cửa sông Hát mà ra sông Cái, vào sông Đà để tập kích núi Tản Viên ở mặt sau. Lại mở một con sông ngang nhỏ gọi là sông Bờ, tấn công núi Tản Viên ở hướng mặt trước. Vì thế Sơn Tinh mới dùng phép thần biến hóa, liền gọi người trong núi lại, lấy tre đan thành rào chắn ở trên núi. Lại bảo cho dân rằng:
    – Các ngươi nếu thấy dâng nước tiến công ở trước rào thì đều bắn và chém đi.
    Nhân dân tin theo lời đó. Trong khoảnh khắc thủy tộc tiến quân đến đánh. Nhân dân đều dùng cung kiếm bắn và chém chết rất nhiều. Khi ấy các loài kình nghê côn sấu chết lấp đầy các hang hốc bên sông. Thủy Tinh căm phẫn oán hận, cho nên đến nay mỗi năm đến tháng sáu tháng bảy thường dân nước lại đánh. Nhân dân sống dưới núi thường bị mưa gió lũ lụt gây hại rất nhiều. Nhưng vì Sơn Tinh được quyển sách thần, có bí thuật phép tiên, nên quân thủy tộc không thể gây hại. Người bấy giờ có thơ rằng:   
    Tương tranh sự đó Thủy – Sơn thần
    Muốn viết thơ này để hậu nhân
    Bể ái gương treo đôi mắt gửi
    Ham tình động sóng giữa thu phân
    Sách ước đủ rồi đền nợ trước?
    Má hồng sao chịu ganh phu quân
    Trường Sa ngày ấy mà không gặp
    Còn Sắc hay Không, Thủy Tinh thần?

    Tản Lĩnh ngọc ký Img_9643
    Ghềnh Bợ Đà giang


    [size=36]Chống Thục lần thứ nhất[/size]

    Lại nói, thời Duệ Vương trị nước, bốn bể thanh bình. Đế tử tiên ông quê người nước cũ. Núi sông trải Thần Phù, Yên Tử, cao thấp mây trắng vầng hồng. Trăng gió rọi Hoa Quật, Long Biên, trên dưới non xanh nước biếc.
    [Sơn Thánh] khi đó hoặc dạo chơi trên sông Tiểu Hoành, ngắm cảnh thú vị sông nước mênh mang. Đi qua đất các xã Cổ Đằng, Tam Sơn, Vật Lại, huyện Ma Nghĩa, ngắm nhìn vẻ đẹp núi sông, lập làm hành cung (nay là điện Trung thần cung). Lại đi qua 8 xã Thuỵ Diễm, Tam Sơn, Lễ Toàn, Nhân Lý, Văn Khê, Xuân Hương, An Phúc, Tùng Cao của huyện Phúc Lộc, lập thêm Nam thần cung ở cửa 12 khe của Bể Cạn. Lại thường đi săn tới xã An Diệu, huyện Mỹ Lương, lập cung điện Mang Sơn, rồi giữ ruộng thờ (72 mẫu nay tại xã An Diệu, và 200 mẫu nay ở xã Đông Triều làm dân tạo lệ) để cung cấp cho hậu thế làm hương lửa phụng thờ. Đến khi về đến núi Tản Viên. Động cũ là nơi đất này, ba ngọn núi vượt lên, vạn nhẫn cao vời, tốt đẹp u sảng, khó có thể tả hết. Lại thêm xóm thôn đông đúc, phong tục chất phác. Sơn Thánh rất yêu mến, bèn thiết lập trên đỉnh núi, thuộc đất Thủ Pháp 22 xóm (nay Thượng thần cung tọa Càn hướng Khôn là chính điện; Trung, Hạ thần cung là nơi cầu đảo; Đông thần cung là nơi yết kiến; Nam thần cung, Bắc thần cung là nơi trú ngự). Từ đó tuân mệnh Thượng Đế thường cùng với Tứ phủ Công đồng ở hải đảo mà đi tuần xem vạn sự trong nhân gian.
    Khi Duệ Vương được 115 tuổi, năm Ất Mùi, nhân thấy Duệ Vương tuổi đã cao, mà 20 hoàng tử đều đã về cõi tiên, không có người nối dõi, Thục thừa cơ muốn dấy động, âm thầm khởi binh, muốn từ phía Tây lại đánh Duệ Vương chiếm lấy nước. Vua bèn cùng với các đình thần bàn bạc. Trong triều có Trác Công bước lên nói:
    – Bệ hạ vâng theo mệnh trời, vua tôi tướng sĩ đều yên ổn vô sự đã lâu ngày. Quân binh huấn luyện không tinh. Nay có can qua động tới, liên quan đến nhân dân xã tắc, tình thế không thể giữ được như nguyên thì sự linh thiêng của Thái tổ Thái tông trên trời không phải không bị phương hại bởi chúng ta sao. Vạn nhất xảy ra binh dữ chiến nguy, Thục khó mà phá được, tổ tông và dân chúng biết trông vào đâu. Chi bằng nhân đây mà dùng mưu thận trọng, bí mật hối lộ tướng địch, gửi thư cho chúa quân địch, để xem ý có lui binh không, rồi mới tùy cơ hội về sau.
    Vua nghe vậy muốn dùng kế đó, bèn triệu Tản Viên Sơn Thánh đến hỏi. Sơn Thánh tâu rằng:
    –    Hơn hai ngàn năm đến nay, mười bảy đời thánh quân gây dựng, ơn sâu đức dày đến tận cốt tủy của nhân dân. Nay nước giàu quân mạnh. Uy đức của Bệ hạ ban cả ra nước ngoài. Còn quân Thục đã không tự giữ gìn lại dám nổi lên chống lại thì cơ thất bại đã nghiệm rõ. Nếu một ngày Bệ hạ nêu rõ tội ấy rồi dấy thảo phạt, lấy nghĩa mà phục thì dân ta sẽ đều theo Bệ hạ mà không theo giặc. Mối họa của quốc gia lo gì không dẹp được. Thần xin lĩnh 3 vạn hùng binh vượt ra chiến địa, một mình một xe sang đến đất Thục thì có thể bình định được.
    Vua nghe vậy rất vui mừng, bèn ngay hôm đó trai giới lập đàn bày lễ, cúng tế trời đất, lấy nỏ thần linh chú trao cho Thánh mà rằng:
    –    Binh cơ quý ở thần tốc. Tướng quân dùng thứ này mà bắn thì sẽ được như có thần vậy.
    Lại cùng vào tế cáo trong miếu. Vua đứng quay mặt về phía Bắc. Tướng quay mặt hướng Nam. Vua thân lấy búa nắm phần cán, trao cho Thánh phần đầu mà rằng:
    –    Từ đây trở lên trên do Tướng quân cai quản.
    Vua lại lấy rìu nắm phần đầu, trao cho Thánh phần cán mà nói:
    –    Từ đây trở xuống dưới do Tướng quân cai quản.
    Thế là Sơn Thánh bái tạ nhận mệnh, đường đường quyết chiến mà ra đi. Duệ Vương có bào thơ úy lạo rằng:
    Cửa ngọc xuất chinh phất phới cờ
    Ba quân nghiêm giữ chẳng sai tơ
    Việc công vó ngựa bay trong gió
    Trướng hổ đâu nghi tuyết mòn giờ
    Ly biệt một lần chia cách núi
    Ruổi rong ngàn dặm tựa như mơ
    Kiếm cung từ cổ anh hùng sự
    Gánh hết gian nan lạnh nào chờ.

    Lại nói bấy giờ quân Thục tiến đến núi Quỳnh Nhai (nay là địa phận phủ An Tây). Sơn Thánh tiến quân đến Mộc Châu, gõ chiêng lớn bày trận, đóng binh tại đó. Lại gửi hịch cho các phiên thần tập hợp binh lính, tùy nơi mà ứng chiến. Thế rồi Sơn Thánh hạ lệnh sai 2 vạn hùng binh, tiến đến núi Quỳnh Nhai, ra ngoài vùng Cổ Táo hơn 50 dặm khiêu chiến. Tướng Thục nghe vậy liền điều 30 vạn quân đến. Quân Hùng giả vờ bỏ chạy, phục nấp ở hai bên vùng Thiên Táo đến Mộc Châu. Sơn Thánh ngồi trên núi Mộc Châu, tay cầm sách thần niệm chú mà ước. Bỗng từ trên trời giáng xuống một đại thần tướng, thân cao 5 trượng, tay cầm một chiếc tiêu gỗ dài 30 trượng, hình như vỏ ốc, đứng tại đầu núi ở mé bên trái Sơn Thánh. Thần tướng thổi tiêu lên thì sấm rền gió giật, sương nổi mây bay, mù mịt vạn khoảnh, đổ cây bốc nhà, cát dâng đá chạy, trời đất tối sầm.
    Quân Thục thua to chạy tán loạn. Sơn Thánh bèn đánh trống liên tục, lấy nỏ thần bắn hơn trăm phát. Thế rồi quân mai phục bốn mặt vây lại, chém hết 30 vạn đầu quân Thục, không thoát một tên, không lọt một ngựa. Thần tướng tự nhiên bay lên không mà đi.
    Sơn Thánh liền truyền gửi tấu báo tin thắng trận. Duệ Vương ban chiếu mời về. Sơn Thánh vâng mệnh dẫn quân quay trở về đến cửa thành, bái tạ. Duệ Vương phong Sơn Thánh làm Nhạc phủ kiêm Thượng đẳng thần. Ngự chế làm bài thơ úy lạo rằng:
    Quả nhân chẳng liệu kẻ phương xa
    Cử nghĩa lao phiền tướng nước ta
    Vạn dặm trống cờ dồn hết lực
    Trời cao mưa gió gạt khăn qua.
    Đúng là thước kiếm xua giặc dữ
    Liền ngay thành chiếm lại cho vua
    Nghìn năm về trước, nghìn năm lại
    Quốc gọi là thần, đáng con nhà.

    Tản Lĩnh ngọc ký Img_9723
    Bia đình Viễn Lãm (Thanh Thủy, Phú Thọ), thờ Tả Thánh


    [size=36]Vua Hùng nhường ngôi[/size]

    Lại nói, được 2 năm, quân Thục nuôi lòng căm phẫn, tích dưỡng quân mã, cử binh phục thù, cầu viện nước láng giềng, được hơn trăm vạn tinh binh, tám vạn kỵ mã, chia làm 5 đạo. Đạo quân chính 30 vạn quân, 5 ngàn ngựa, tiến thẳng theo đường núi Mộc Châu, Hoàng Tùng, Quỳnh Nhai mà đến. Đạo quân bên trái 10 quân, 1.500 ngựa, theo mặt châu Lạng Sơn, Văn Lan mà đến. Đạo quân bên phải 20 vạn quân, 1.000 ngựa, theo vùng đất Đại Man mà đến. Đạo quân giữa 10 vạn quân, 500 ngựa, theo đường châu Bố Chính, Minh Linh mà tới. Một đạo quân thủy 3.000 chiếc thuyền, 30 vạn quân, tiến theo cửa Hội Thống, Hoan Châu. Thủy bộ cùng tiến, thuyền ngựa song hành. Duệ Vương lo lắng mới triệu các đình thần đến hỏi. Tất cả đưa mắt nhìn nhau, không có một kế khả thi.
    Sơn Thánh tâu rằng:
    –    Trước đây Thục Vương ngông cuồng, coi thường oai trời, một bầy lẫm liệt, tưởng che được cả trời. Hoàng đế Bệ hạ đã độ lượng khoan hồng, miễn cho khỏi rơi tổ vỡ trứng. Nay lại không biết hối cải, muốn tiếp tục mưu đồ vọng tưởng, châu chấu đá xe, thế như lông tơ trên lò lửa. Bệ hạ sao phải lo lắng việc điều quân khiển tướng. Thần xin đảm nhận việc này.
    Duệ Vương tươi tỉnh lại hỏi:
    – Còn việc gìn giữ miếu đường thì Khanh định tính như thế nào?
    Sơn Thánh tâu rằng:
    – Sự quyền biến không thể dự đoán trước được. Thần xin được lĩnh 50 vạn hùng binh. Thiên hạ của quân vương khắc có ngày được yên định.
    Duệ Vương đồng ý. Sơn Thánh mới lấy 10 vạn quân mạnh, voi ngựa trăm con, theo đường chính Mộc Châu chiếm giữ những nơi lũy cao hào sâu, không ra giao chiến. Ngầm sai Dũng mãnh Nguyên soái Tổng đốc Đại vương dẫn 3 vạn quân theo bên trái ra châu Văn Lan để ứng chiến cánh tả của quân Thục. Lại sai Long Linh Chi quân Phụ quốc Thượng Đại tướng quân dẫn 2 vạn binh mã men theo đằng sau châu Đại Man mà ra, giả lập một đồn binh để ứng chiến với hậu quân của Thục. Lại sai Phụ quốc Ma Vương Đại thần Anh linh Nhất bộ Hào kiệt Thượng tướng quân dẫn 2 vạn binh mã mà ra ứng chiến cánh quân bên phải ở châu Bố Chính Minh Linh. Lại sai Tán quốc Tá thánh Đại thần Đồng Đôi Hào kiệt Đại tướng quân, dẫn 3 vạn binh mã cùng với thuyền bè hơn 2.000 chiếc ứng chiến thủy đạo ở Hoan Châu, cửa biển Hội Thống Môn, cai quản luôn một mặt của Ái Châu. Lại sai Đại thần Trần Cơ Hổ Ma vương Anh đô Thượng đại tướng quân đem 3 vạn quân tùy địa thế mà ứng chiến. Sơn Thánh thân dẫn đạo quân theo núi Mộc Châu đánh lớn một trận, lấy được ấn tích cờ xí của quân địch, bèn giả làm một bức thư của Thục chủ gửi cho tướng Thục rằng:
    – Nước Văn Lang triều Hùng có một thần tướng. Nay nhà ngươi phụng mệnh dẫn quân đến đánh nước người. Binh quý ở bí mật, chớ nên khinh động. Đợi khi có chiếu thư báo, tất sự sẽ có thể định được.
    Viết xong làm giả ấn tín của quân địch mà đóng vào trong thư. Lại khiến một người thạo việc ăn mặc quần áo của quân địch, tự xưng là sứ giả Thục, cưỡi ngựa đến trại lính cánh quân chính của địch đưa thư cho tướng Thục. Tướng Thục từ khi nhận được thư, ra sức cố thủ. Cánh quân phải nghe có biến cũng không gửi thư báo gấp đến được.
    Sơn Thánh bèn tiến quân, ngày đêm đi gấp hơn 500 dặm, đến thẳng kinh đô nước Thục mà đánh. Chủ tướng nước Thục không kịp đến cứu. Sơn Thánh lấy sách và gậy thần chỉ vào, đại phá cánh binh chính của Thục, bắt sống toàn bộ. Ba cánh quân thủy bộ tự nhiên phải rút chạy. Thế là Sơn Thánh quay cờ khải hoàn, đuổi sạch quân địch, dẫn binh mã về kinh thành tấu cáo chiến thắng. Từ đó thiên hạ thanh bình, quốc gia vô sự.
    Duệ Vương muốn nhường ngôi cho Tản Viên Sơn Thánh, nhưng Sơn Thánh cố từ chối không nhận, quỳ xuống tâu lên Duệ Vương rằng:
    – 18 đời họ Hùng hưởng nước dài lâu, tất là lòng trời có hạn nên có quân Thục thừa cơ đến chiếm Trung Hoa. Vả lại Thục chúa vốn cũng là bộ chủ nước Ai Lao, cùng là tông phái của đế vương đời trước. Thế nước khác thường đều do tiền định. Vua sao quyến luyến một cảnh trời Nam mà chống lại ý trời, tất dẫn đến thế cùng cực chém giết mà hại sinh linh vậy.
    Duệ Vương ngừng hồi lâu rồi nói:
    – Lời của Khanh nói cũng có lý, ta đã biết rồi. Nhưng lại nghe nói rằng thời bình thì quan trọng trước hết là con trưởng, thời loạn thì đầu tiên là kẻ có công. Thục chúa ngông cuồng, Trẫm đã được Khanh làm vây cánh, binh trời lẫm liệt, chúng địch sạch tan, quốc thái dân an. Công của Khanh không lớn lao hay sao? Khanh lại là rể quý trong nhà, là trung thần của đất nước, là người được Trẫm cầu để nối ngôi trời. Trị quốc chính ngoài Khanh ra thì còn ai nữa? Khanh hãy nhận lấy ngôi này, đừng từ chối mà phụ ý cầu hiền của Trẫm.
    Tản Viên Sơn Thánh bất đắc dĩ đành tuân theo mệnh đó. Từ đó tuy giúp Vua trị nước, thân ở trong triều, nhưng không dứt được chí dạo chơi nơi Lãng Uyển Bồng Hồ, vàng bạc châu báu coi nhẹ như sợi tơ. Lánh tục tìm nhàn vốn là ý nguyện bình sinh chẳng thể thay đổi được. Được hai ba tháng, Tản Viên Sơn Thánh lại nói với Duệ Vương rằng:
    –    Sự nghiệp bá vương thay đổi xưa nay là lẽ thường. Họ Hùng hưởng nước đã hơn hai ngàn năm. Nước Việt từ Thái tổ Thượng Hoàng khai sáng, đều đã có con hiền cháu thánh, cha truyền con nối, tới nay được18 triều. Bệ hạ sinh hạ được 20 hoàng tử, đều đem thân về chốn Bồng Lãng, thoát khỏi bụi trần, sau không có người để mong kế truyền. Nghiệm đó thì cơ đồ họ Hùng đã đến lúc mạt, vận nước sắp đến hồi kết thúc. Lại như thần, vốn chỉ là con rể trong nước, mà nắm giữ đại quyền, không dám mà không một lần nhận mệnh cho Bệ hạ được yên lòng. Đâu dám ở ngôi trời lâu dài mà chống lại thiên cơ. Thần xin Bệ hạ cầu người hiền mà nhường lại ngôi vị cho thuận với lòng trời, gỡ bỏ nỗi lo muôn năm vậy.
    Bèn trả lại ngôi vị cho Duệ Vương mà nhận lời đó để lại cai quản đất nước, rồi đợi tìm người hiền nối vị. Thế rồi Tản Viên Sơn Thánh bái tạ từ biệt, khắp nơi dưới trời không đâu là không có dấu chân Thánh, cùng gió mây voi ngựa mà ngắm xem sông núi, sương móc xe kiệu mà lên xuống trời đất. Lúc thì đàn reo sáo múa, thi thư đối xướng với đất trời, nhạc phượng ca loan, tiếng hình là điều thú vị cõi Bồng Lai. Cỏ bồng dẫn lối, Ngũ hồ gió trăng, thuyền câu là dấu tiên, soi hình cảnh hội khói sương, xe mây vạn hình là bước chân, non xanh nước biếc quấn quít chưa đẫy càn khôn. Thánh Nam thần Bắc, ra vào chốn phong cảnh chín trời. Cứ mỗi năm đúng tháng ngày sóc ngày vọng cùng với những phiên đại lễ của triều đình thì Sơn Thánh hôm đó đều quay giá về triều, chưa lần vắng mặt. Tan chầu lại theo lối cũ ghé bước nhàn du. Cứ thế được hơn 10 năm thì bỏ hết được mối ràng buộc.
    Đến đúng năm Mậu Thân ngày 15 tháng 1 bỗng thấy Thục chúa sai sứ giả tới đem theo một trặm hốt vàng cùng với một trăm thước gấm rồng, trước dâng lễ, sau đưa thư cầu tới Duệ Vương. Thư trong đó viết:
    –    Bộ chủ Ai Lao, thần, Thục, khâm thừa mệnh trời làm chúa tể một phương, ngày trước dám ngông cuồng không theo đúng lễ làm thần mà dám xúc phạm bền trên, thật là đáng chết, mà quốc gia vẫn còn toàn vẹn, thực là ơn lớn của Thiên hoàng. Nay trộm nghĩ, thần vốn cũng là tông phái của nhà họ Hùng, đã khai cơ sáng nghiệp, nối dài công đức của tổ phụ mà có điều lành cho con cháu nước nhà được một bề phú quý to dày như vậy. Lại nghĩ, người có tổ, vật vốn có tông. Thần được nhiều ơn đức mà không báo đáp tổ phụ ở dưới cửu tuyền, không thỏa linh thiêng của miếu đền phi tử. Mỗi khi nghĩ đến thì lại càng thêm thâm cảm. Nên nay không sợ bị lời quở trách uy nghiêm, xin bề trên niệm tình trước đối với thần Thục đây, cho được kết hòa thân, phụng lễ chầu cống, để được thẫm đẫm ơn vua, sau là không phụ ý nguyện bình sinh của bậc con cháu này vậy.
    Hôm ấy, Sơn Thánh đang đứng trong chính điện. Vua xem xong thư ấy nhân việc đó mà hỏi Sơn Thánh rằng:
    – Thục Vương vốn là tông phái của Tiền Hoàng đế. Trước vì ngông cuồng mà dám đến xâm chiếm nước ta. May mà ý trời còn cho cơ đồ họ Hùng chưa hết. Ngày nay Thục chúa lại xin được cầu hòa. Mong tướng quân xem kỹ rồi nói với Trẫm nên thế nào.
    Sơn Thánh đến trước ngự tiền mà tâu riêng rằng:
    – Thục chúa đúng là tông phái của Tiền Hoàng đế, làm chúa tể một phương. Ngày trước muốn đến xâm lăng làm cho Bệ hạ phiền lòng, cũng là bởi trời khiến cơ đồ họ Hùng thứ 18 một phen điêu đứng. Bệ hạ không cần phải oán giận vậy. Ngày nay lại cầu hòa, tức là biết tiến biết lui. Thục chúa đúng là một vị hiền quân, nay biết kế ấy không bằng mở rộng lượng độ đồng ý cầu hòa thân. Đó là sự sáng sốt đem đến sự hòa thuận của Bệ hạ. Vả lại họ Hùng theo ý trời đã định, nhân việc cầu hòa này mà gọi tới nhường ngôi cho. Bệ hạ như thế sẽ là bậc thánh. Việc xong Bệ hạ cùng với thần có thuốc của thần tiên, chi bằng rong ruổi cõi trần, ba sinh nơi Lãng Uyển Bồng Hồ, mãi cùng với trường xuân tuế nguyệt, lầu rồng gác phượng không dính bụi phàm. Trần gian non xanh nước biếc miên man thưởng ngoạn. Tốt thay Quân tử! Đó chẳng là vui sao? Thần và Bệ hạ đã rõ kế đó thì hãy quyết đoán. Việc không thể chần chừ.   
    Thế là Duệ Vương nói:
    – Khanh nói phải thay. Trẫm theo như vậy.
    Bèn sai sứ giả theo binh mã về triệu Thục chúa đến nhường ngôi cho. Thục chúa bái tạ. Duệ Vương nhân đó ban cho nỏ thần rồi quay về núi Nghĩa Lĩnh, hẹn cùng Sơn Thánh mong hóa sinh bất diệt. Một hôm Duệ Vương ngự bút làm thơ rằng:
    Cỏ động tiên bồng đượm xuân xanh
    Rêu phủ cung vua mới vẻ lành
    Bởi ở thế gian nhiều sự vặt
    Gió bụi với trời sao cố ganh.

    Ngâm thơ xong Duệ Vương cùng với Sơn Thánh và công chúa Ngọc Hoa cùng giữa ban ngày mà bay lên trời đi vào cõi hóa sinh bất diệt.
    Thục chúa nhận được nhường ngôi, cảm công đức ấy bèn đại giá đến núi Nghĩa Lĩnh, lập nên miếu điện để làm nơi quốc gia thờ phụng. Lại dựng 2 cột đá ở giữa núi, chỉ trời mà thề rằng:
    –    Xin được nguyện ước trời xanh chứng giám cho tỏ tường. Thần tiểu tử tôi là Thục An Dương thu nhận cơ đồ họ Hùng, tiếp nối chính thống. Ơn sâu đức lớn sánh cùng trời đất. Nay lập miếu đường họ Hùng để làm nơi muôn vạn năm cúng thần, hương lửa không ngớt, phụng thờ như lễ. Giả sử các vua sau này kế vị mà bội ước nhạt thề thì núi sông trời đất sẽ chứng giám việc phụ lời thề này.
    Chúc xong, Thục Vương quay về đô thành, ban chiếu cho thôn Cổ Tích, xã Nghĩa Lĩnh Nghĩa Cương làm thôn dân trưởng tạo lệ, bốn mùa tám tiết hương đèn không ngừng để phụng thờ Hùng Vương Sơn thánh (xem theo trong sự tích của Hùng Vương). 22 xóm của huyện Bất Bạt, Thủ Pháp, làm dân thôn trưởng tạo lệ, bốn mùa tám tiết hương đèn không ngừng để phụng thờ Sơn Thánh. Cùng với xã Trung Độ cùng huyện làm dân trưởng thủ lệ. Chính quán động Lăng Sương, ngoại quán, các xã An Lãng, An Đức, Lũng Phong, Lũng Phao, Ly Trúc, Thái Hoà của khuê Mông Hóa, Vật Lại, Vật An, Vật Phú, Tri Lai, Đồng Bảng, Cẩm Đới, Bình Lộng, An Vệ, Bảo Vệ, Cổ Lãm, An Bạch của huyện Minh Nghĩa, cùng với các ruộng thờ ở các phủ huyện xã sách động trang, cộng 2.700 mẫu để phụng thờ hương lửa cho các điện Thượng, Hạ, Trung, mãi trùm vạn thế.
    Trải qua Đinh, Lê, Lý, Trần thay vua đổi bá thì Tản Viên Sơn Thánh đều có phép thuật thần tiên. Lúc hoặc biến hiện ra chân thân, lúc hoặc cảm thông linh ứng. Hộ quốc an dân, có công với đời. Các triều đại đều chuẩn y các cung điện cùng với các xã trưởng tạo lệ, dân hộ nhi mà miễn việc binh thuế cùng các việc sai dịch, phụng thờ như trước. Cứ thế mà cùng với mạch nước để tiếng thơm truyền lưu vạn cổ. Tốt đẹp thay!

    Tản Lĩnh ngọc ký Nui-tan
    Núi Tản nhìn từ sông Đà


    [size=36]Sau thời Hùng Vương[/size]

    Năm Giáp Thìn ngày 9 tháng 1, An Dương Vương lên ngôi, đóng đô ở thành Cổ Loa cai quản quốc gia, nối thừa cơ đồ to lớn mà Hùng Duệ Vương giao phó lại. Vua ở ngôi tổng cộng 50 năm. Thiên hạ thanh bình, quốc gia vô sự. Tuy nhiên Vua từ khi được nỏ thần linh quang quốc bảo của Hùng Vương thì không chịu khó tu sửa văn, huấn luyện võ, chọn tuyển tướng, luyện tập quân để chế ngự giặc ngoài. Tới khi An Dương Vương tuổi đã 80, có người họ Triệu, tên Đà, người Chân Định, thừa cơ khởi binh dẫn lính đến thẳng huyện Quế Lâm, đại chiến với Thục Vương. Lúc ấy Sơn Thánh nghe được tin, liến biến phép thần thông, tự nhiên bay trên không mà tới, cùng với binh mã tiến thẳng đến nơi cùng Triệu Đà giao chiến. Trong vòng 10 lần đều chiếm được phần thắng. Sơn Thánh nghĩ đến sinh linh và việc hương lửa bèn nói với Thục Vương rằng:
    –    50 năm thiên hạ đã được Hoàng thiên định vậy. Ngày nay Triệu Đà bó tay không kế, ta không muốn gây họa nữa. Triệu Đà đến khiêu chiến với ta tới mức đánh cùng diệt tận. Sinh mệnh đều đang nằm trong tay của Vua. Vì nước tất phải vì dân. Chi bằng thuận theo lòng trời, gọi họ Triệu đến nhường cho ngôi vị.
    Vua nghe thấy lời ấy bèn mới nhường lại ngôi vị cho Triệu Đà, còn mình thì đi vào biển lớn mà hóa.
    Triệu Đà được quốc gia mà lên ngôi vào năm Bính Ngọ. Cha truyền con nối được 5 đời thánh vương. Trước sau cộng 149 năm. Tới khi Lạc Dương Vương nối truyền chính thống, ở ngôi được 1 năm thì có Tô Định dẫn quân đến xâm chiếm Trung Nguyên. Họ Triệu bại vong, không người cứu giúp. Cho tới khi có chắt gái của Hùng Vương, tên Trắc và Nhị, là bậc nữ trung hào kiệt, bậc thánh thần trên trần thế, dấy nổi oai hùng, cất quân đến đánh. Đương thời nam nhi thao lược cũng không có người như vậy. Nữ tướng dẫn quân, cầu đến thần linh. Trưng Vương mật cáo Tản Viên Sơn Thánh tụ hội bách thần ở cửa sông Hát Môn (nay là ở xã Hát Môn, huyện Phúc Lộc), lập đàn tế cáo thần linh. Đọc chúc rằng:
    –    Trời sinh ra người làm tông chủ vạn vật trời đất, chủ cho dân sinh, khai nuôi cây cỏ. Các đế vương đời trước đều là các bậc thánh minh thiên tử. Triều đình có đạo yêu dân vì nước, có đức hóa rộng lớn. Thiên hạ thanh bình, quốc gia vô sự. Nay có người ngoại tộc tên Tô Định tỏ thái ý ngông cuồng khắp nơi, ngược bạo người dân. Trời đất thần người đều căm phẫn. Kẻ hèn tôi vốn là một nữ nhân nhà họ Hùng, nghĩ tới sinh linh, rỏ trăm giọt lệ Hoàng thiên. Ngày hôm nay đau lòng thương dân đỏ, trượng nghĩa trừ bạo tàn. Xin trăm họ các vị tôn thần linh thiêng hội đàn chứng giám cho lời thề, giúp sức cho Trưng nữ dẫn quân dẹp giặc, giữ nước giúp dân. Dám mong phục dựng lại cơ đồ cũ của tổ tông, đưa nhân dân khỏi tầng cực khổ, thoát ra khỏi nơi nước lửa binh đao, sau không phụ ý của Hoàng thiên, thỏa linh thiêng của miếu đền tiên tử, an ủi cha ông dưới nơi chín suối.
    Chúc xong bèn hô xuất quân ngàn hàng vạn đội. Lại truyền hịch khắp quan lang, phụ đạo các châu quận nước Nam, định ngày giờ dẫn quân 5 vạn, tức chia các đạo tiến đánh, tạo thành kỳ binh, đến thẳng đồn của Tô Định mà đại phá trong một thời. Quân Định bỏ chạy. Thế là Trưng Vương xây 65 thành ở Lĩnh Ngoại, chiếm phục lại toàn bộ vùng đất Nam Bang. Trưng nữ lên ngôi Hoàng đế. Trưng nữ ở ngôi ba năm, từ năm Canh Tý đến năm Nhâm Dần lên ngự ở triều đình. Trưng nữ một thời xuân mộng, được lập miếu ở cửa sông Hát Môn, các xã ấy phụng thờ hương lửa, tới nay hiện còn di tích. Thời thuộc Đông Hán, Ngô, Tấn, Tống Tề, Lương cộng là 314 năm đến khi Nam Bang thay nhau bốn đời Đinh, Lê, Lý, Trần khai mở hoàng đồ, đều có biến hóa điềm thần, các triều giúp nước. Sự đã được ghi rõ trong Sử ký Nam Việt.

    Tản Lĩnh ngọc ký Img_1197
    Nghi môn đình Phú Hữu (Ba Vì, Hà Nội)


    [size=36]Toản yếu lục Tản Viên Sơn Thánh[/size]

    Xưa Kinh Dương Vương sinh Lạc Long Quân, có con gái của Đế Lai là Âu Cơ sống ở động Lăng Sương huyện Bất Bạt, đi ra chơi ở bãi Trường Sa. Long Quân thích sắc đẹp đó bèn cùng kết duyên. Mười tháng mang thai sinh một bầu trăm trứng. Qua tháng
    Trăm trứng nở ra những người con trai, không bú mớm mà trưởng thành. Sau Long Quân chia biệt, chia 50 người con theo cha về biển làm Thủy Tinh. 50 người con theo mẹ lên núi làm Sơn Tinh. Lên núi xuống biển, có sự thì gọi nhau.
    Vương tên là Hương Lang. Thời Đường Nghiêu, hồng thủy ngập trời. Lạc Long Quân sai trăm trai cùng nhau trị thủy. Chỉ có Vương vũ dũng anh uy, lại có phép tiên, cầm gậy sắt chỉ nước, thủy hoạn hết, có công xếp hàng đầu.
    Tới khi quân Ngô nước Tần khởi binh, thỉnh Vương đến giúp, quả nhiên được đại thắng. Tần ăn mừng.
    Sau Vương theo về hải quốc, đi ngắm các danh thắng, tới núi Tản Viên, thấy ba ngọn vượt lên, cao vời vạn nhẫn, đẹp đẽ u sảng, không thể mô tả. Bèn lập cung ở trên đỉnh núi mà ở. Tới nay, cầu đảo có nhiều linh ứng.

    Niên hiệu Thuận Thiên năm thứ 3, ngày 5 tháng 11

      Hôm nay: 19/4/2024, 3:27 pm