Dòng HÙNG VIỆT

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Trang chuyên khảo về lịch sử và văn minh Hùng Việt

Trang chủ


Latest topics

» Đầu non
by Admin Yesterday at 9:39 am

» Trời xanh -mây trắng -núi hồng (hình chụp ở Mĩ)
by Admin 22/3/2024, 2:26 pm

» Nước họ Hùng Bắc thuộc lần thứ I và thứ II.
by Admin 20/3/2024, 1:36 pm

» Lẩn thẩn ...Tiền Hậu , Đông Tây ...không thể nối .
by Admin 13/3/2024, 11:09 am

» Sử thuyết Hùng Việt ...Nhiều điều khác .
by Admin 1/3/2024, 4:52 pm

» Suy nghĩ về cặp đôi Nam – Nữ
by Admin 24/2/2024, 4:58 pm

» 2 chuyện cần bàn thêm
by Admin 23/2/2024, 2:39 pm

» Sử Việt 2 chuyện cần bàn .
by Admin 22/2/2024, 11:49 am

» Cẩn thận Chữ với nghĩa
by Admin 13/2/2024, 2:59 pm

» tết...ta
by Admin 9/2/2024, 4:39 pm

Gallery


Cao Biền và Ả Lã. Empty

March 2024

MonTueWedThuFriSatSun
    123
45678910
11121314151617
18192021222324
25262728293031

Calendar Calendar

Khách thăm



Cao Biền và Ả Lã. Flags_1



    Cao Biền và Ả Lã.

    Admin
    Admin
    Admin


    Tổng số bài gửi : 1185
    Join date : 31/01/2008

    Cao Biền và Ả Lã. Empty Cao Biền và Ả Lã.

    Bài gửi by Admin 25/3/2018, 9:31 am

    Bách Việt trùng cửu – nguồn http://asakicorp.com/bachviet18/?p=2980

    Làng Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) thờ vị thành hoàng là Ả Lã Nàng Đê như vị tổ nghề dệt lụa. Tuy nhiên thần tích của vị này lại được gắn với tướng Cao Biền thời Đường. Điều này khá kỳ lạ vì Ả Lã Nàng Đê được biết là một vị nữ tướng thời Trưng Vương, được thờ ở nhiều nơi, tại sao lại là vợ của Cao Biền thời Đường được? Tất cả các làng lân cận với Vạn Phúc như Ngọc Trục, Đại Mỗ, Tây Mỗ đều thờ Ả Lã Nàng Đê, nhưng là nữ tướng của Trưng Vương. Khu vực Hà Đông cũng không có vết tích gì của Cao Biền cả. Ở đây hẳn đã có sự nhầm lẫn hoặc chắp nối không ăn khớp giữa các nhân vật.

    Cao Biền và Ả Lã. Img_2334

    Danh hiệu của Ả Lã Nàng Đê ở làng Vạn Phúc được chép là Quốc vương thiên tử Nga Hoàng đại vương. Đây rõ là danh hiệu của Trưng nữ Vương, như được nêu trong thần tích của làng Nại Tử (Đan Phượng, Hà Nội). Phải là Trưng Vương thì mới xưng “Quốc vương thiên tử”. Còn Nga Hoàng là tên con gái của Đế Nghiêu được gả cho Đế Thuấn. Khi Đế Thuấn đi tuần và mất, bà Nga Hoàng đã tự vẫn trên dòng sông Tương theo chồng. Trưng Vương khởi nghĩa trả thù chồng nên cũng thường được ví với các vị thần sông Tương này như trong câu đối tại đền Hát Môn:
    Tây Giang tỷ muội thần Tương nữ
    Đông Hán tung hoành bá Việt vương.
    Dịch:
    Giang Tây em chị thần Tương nữ
    Đông Hán dọc ngang bá Việt vương.
    Ở miếu thờ Ả Lã tại Vạn Phúc còn cho biết bà là hậu duệ của vua Hùng. Như thế không thể nào Ả Lã ở Vạn Phúc lại sống ngang thời Đường thế kỷ thứ 9 với Cao Biền được.
    Ả Lã Nàng Đê được thờ ở khu vực sông Nhuệ, sông Đáy là Trưng Vương vì đây là nơi tử tiết của nữ chủ như từng đề cập tới trong các bài viết trước. Còn mối liên quan đến Cao Biền thì chắc chắn do một sự khớp nối khác giữa các nhân vật lịch sử trong thần tích.


    Cao Biền và Ả Lã. Cao-bien-a-la

    Vị trí 2 khu vực và các địa danh nói đến trong bài.

    Lần xem các di tích về Cao Vương Biền trên khu vực miền Bắc thì chợt nhận thấy, Vạn Phúc vốn cũng là tên một tổng của huyện Thanh Trì nằm bên bờ hữu sông Hồng. Trên bản đồ thời Hồng Đức (1470 – 1497) đoạn sông chỗ này có ghi chú gồm phía Bắc là làng Tiểu Lan Châu, giữa là Đại Lan châu và Nam là Cao Biền Nhuệ.
    Cao Biền Nhuệ tức là mũi Cao Biền vì dòng sông Hồng ở khúc này uốn lượn gấp khúc thành mũi, bên bồi bên lở thành các bãi sông rộng (các châu). Đây cũng là khu vực có sự tích về Cao Biền đã đóng quân ở đây như ở làng Mỹ Ả (Đông Mỹ, Thanh Trì) và làng Kim Lan (Gia Lâm) nằm 2 bên bờ sông đều thờ Cao Biền. Đặc biệt ở Kim Lan người ta đã phát hiện ra di chỉ bãi Hàm Rồng với rất nhiều đồ gốm, tiền cổ (tiền Khai Nguyên thông bảo, Đại Hưng bình bảo và Thiên Phúc trấn bảo). Trong các di vật còn tìm thấy cả gạch Giang Tây quân, là loại gạch xây thành Đại La dưới thời Cao Biền. Khu vực này như vậy là nơi Cao Biền đóng quân, làm gạch ngói cho xây thành Đại La.
    Khu vực sông Hồng uốn gấp khúc này là một vùng đất địa linh nhân kiệt quan trọng của Thăng Long Hà Nội. Từ thời Triệu Vũ Đế đi ngang qua đây đã thấy rồng vàng hiện lên. Nay còn di tích của Triệu Vũ Đế là điện Long Hưng ở xã Xuân Quan (Văn Giang, Hưng Yên). Xuân Quan và Kim Lan trước đây là cùng một xã, gọi là Xuân Lan. Rất có thể chữ Lan đây là ghi âm Lang – Long. Kim Lan hay Kim Long nghĩa là rồng vàng như xuất hiện trong sự tích về Triệu Vũ Đế ở trên.
    Khu vực này cũng có tục thờ bà tổ nghề dâu tằm vì đây là bãi sông bồi lấp, rất thích hợp cho trồng dâu nuôi tằm. Ví dụ, văn tế tiên tằm vào tháng giêng (Xuân nguyên tế tiên tàm văn) của làng Kim Lan xướng:
    Hoàng đế Hữu Hùng thị thánh đế vị tiền
    Nguyên phi Tây Lăng thị Hoàng hậu vị tiền…
    Còn trong văn tế khai hạ tháng giêng của làng Đại Lan nêu:
    Tiên tàm thánh đế Nguyên phi Tây Lăng thị Loa tổ vị tiền…
    “Tây Lăng thị” đây là Tây Thiên Lăng Thị Tiêu, vị quốc mẫu ở núi Tam Đảo, người cùng với Hoàng đế Hữu Hùng (Đế Minh) khai quốc họ Hùng.


    Cao Biền và Ả Lã. Kim-lan

    Nghi môn đình Kim Lan (Gia Lâm, Hà Nội).

    Như vậy do những sự trùng hợp về tên gọi sau mà sự tích của Cao Biền thời Đường bên bãi sông Hồng đã bị gắn với sự tích của Ả Lã Trưng Vương ở vùng Hà Đông:
    ·Vạn Phúc vừa là tên đất Vạn Bảo ở Hà Đông, vừa là tổng Vạn Phúc ở Thanh Trì.
    ·Mũi Cao Biền ở sông Hồng gọi là Cao Biền Nhuệ, bị nhầm với sông Nhuệ, nhánh sông chảy qua Hà Đông.
    ·Bà tổ nghề dâu tằm bên sông Hồng của vùng Mỹ Ả bị nhầm với Ả Lã của làng lụa Vạn Phúc.
    ·Ả Lã Trưng Vương khởi nghĩa vùng Phong Châu hay vùng phía Tây của biển Đông (Tây Giang trong câu đối trên ở đền Hát Môn) bị lẫn với vùng đất Tĩnh Hải quân của Tiết độ sứ Cao Biền (cũng gọi là Giang Tây như trên các viên gạch xây thành thời này).
    ·Ở Hà Đông cũng có miếu Hàm Rồng nơi thờ Ả Lã Nàng Đê, tương truyền là một long mạch mà Cao Biền đã phát hiện. Còn ở bên sông Hồng là di chỉ Hàm Rồng ở làng Kim Lan, tương truyền (theo Thiên Nam ngữ lục) là nơi Cao Biền để dành táng mả…


    Cao Biền và Ả Lã. Img_3718
    ·Đình Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội.


    Xem thêm thần tích của làng Vạn Phúc (Hà Đông) và của làng Kim Lan (Gia Lâm). Thần tích xã Vạn Phúc (Hà Đông) viết:
    Xưa cõi trời Nam bắt đầu mở mang, phân chia cương giới theo hướng sao Đẩu sao Ngưu. Từ triều Hùng vương mở vận, thánh tổ xây dựng cơ đồ, tương truyền trải qua 18 đời với hơn hai nghìn năm thịnh trị, đời đời cha truyền con nối, tất thảy đều xưng Hùng. Ngọc bạch xa thư, núi sông thống nhất, đó là tổ tông của Bách Việt vậy.
    Truyền đến Hùng Duệ Vương sinh được 2 con gái, không có người nối dõi bèn nhường ngôi cho họ Thục. Thục An Dương Vương ở ngôi vừa được 50 năm thì có người ở Chân Định họ Triệu tên Đà dấy binh đến xâm lấn. Nhà Thục mất. Triệu Đà chiếm được nước, cha truyền con nối 5 đời làm vua, được 105 năm thì đổi qua triều Tiền Lý, Hậu Lý, Ngô Vương lập quốc, Nam Bắc phân tranh. Từ đó nước ta thuộc Tây Hán. Thời Hán Vũ Đế tướng Lữ Gia của nước Việt ta không quy phục triều đình nhà Hán, giết sứ giả Hán là An Quốc Thiếu Quý. Nhà Hán bèn ra lệnh cho Lộ Bác Đức đem quân đánh, bắt sống được Dương Hầu và Lữ Gia, thôn tính đất nước. Ra lệnh đặt thú lệnh cai quản ở đó…
    Thần tích làng Kim Lan kể tương tự:
    Kể từ trời Nam mở nước, cương vực phân chia, thánh tổ họ Hồng Bàng trải xem non nước, thấy đất Hoan Châu rộng lớn bèn kiến lập kinh đô, tu tạo cung điện, cha truyền con nối hưởng phúc dài lâu, hơn 2000 năm đều lấy tôn hiệu là Hùng Vương. Thục An Dương Vương lên ngôi mới được 5 năm thì Triệu Vũ đến đánh, lấy được nước này, năm đời làm vương được 149 năm, rồi lại trải qua các đời Tiền Lý, Hậu Lý, Ngô Vương lập nước, Nam Bắc phân tranh…
    Thần tích 2 làng này đưa ra một thứ tự rất lạ. Sau khi nhà Triệu truyền ngôi 5 đời thì tới thời “Tiền Lý, Hậu Lý, Ngô Vương”. Như thế các vị vua Lý Bôn, Lý Phật Tử và Ngô Quyền là ở vào quãng thời gian ngay trước và sau Công nguyên. Điều này chỉ có thể hiểu được theo Sử thuyết Hùng Việt, khi xác định Lý Bôn là Lưu Bang nhà Hiếu (Tây Hán), Lý Phật Tử là Lưu Bị nhà Tây Thục, còn Ngô Quyền là Tôn Quyền nước Đông Ngô.
    Thần tích làng Vạn Phúc (Hà Đông) tiếp tục bằng sự tích khá dài về Nam Chiếu, nội dung tương tự như trong Truyện Nam Chiếu của Lĩnh Nam chích quái:
    Về sau con cháu họ Triệu tán loạn tứ phương, họp nhau ở cửa biển Thần Phù, nơi cô quạnh không bóng người. làm thuyền ra biển, đột nhập vào bờ giết quan thú lệnh nhà Hán. Dân sợ quá bèn quy phục theo, tôn là Nam Triệu vương. Đến khi Ngô Vương Tôn Quyền sai Lữ Đại làm thú mục cai trị bọn họ. Thời đó bọn Nam Chiếu ở khắp các nơi núi cao biển sâu, sóng gió hiểm ác, từ núi Thiên Cầm cho đến bờ biển Hà Hoa, Cao Vọng, Ô Tôn, Trường Sa, Hoàng Sa. Chúng thường thường ẩn hiện đánh giết thú lệnh, chưa từng ai cứu được. Cuối đời Tấn, thiên hạ đại loạn, anh em họ Triệu có người tên là Triệu Ông dũng lược hơn người, được mọi người suy tôn quy phục, kết thông với bọn Nam Chiếu nước Bà Dịch, chia đầu nguồn bờ biển thành 2 lộ: Từ Quỳ Châu đến Diễn Châu là lộ Nhứ La; Từ Sắt Châu đấn Mãn Châu là lộ Lâm An, phía Nam giáp biển đến Hoành Sơn và đến phía Đông nước Bà Dịch. Tấn ra lệnh đem quân Tào Cam đánh họ nhưng không thắng. Bọn Nam Chiếu thường xâm lược các nơi nước An Nam, thú lệnh không thể chế ngự được.
    Đối chiếu theo Sử thuyết Hùng Việt thì Nam Triệu Vương nổi dậy thời Tây Hán à khởi nghĩa của Trưng Vương cùng con cháu nhà Triệu vì Trưng Vương Ả Lã là con gái Lữ Gia và là hoàng phi của Triệu Vệ Dương Vương. Còn Triệu Ông thời Tấn là Mạnh Hoạch, hoạt động ở vùng Tây Bắc và Bắc Trung Bộ Việt lúc này. Mạnh Hoạch do đó cũng là con cháu họ Triệu nước Nam Việt và là thủ lĩnh của Nam Chiếu từ thời Hán – Tấn.
    Thêm một ý là khởi nghĩa của Khu Liên (Khu Đạt) vào cuối thời Đông Hán nổ ra ở Tượng Lâm, lập nước Lâm Ấp, được nhận định cũng là khởi nghĩa của Triệu Quốc Đạt. Rất có thể Khu Liên cũng là dòng dõi nhà Triệu và cơ sở ban đầu của khởi nghĩa là vùng đất của Nam Triệu – Nam Chiếu (Tây Bắc và Bắc Trung Bộ). Khu Liên mất (hy sinh?), phần đất này chuyển cho Mạnh Hoạch (Triệu Ông Lý) cai quản. Phần Đông Bắc bộ do Sỹ Nhiếp họ Phạm, là cháu bên ngoại của Khu Liên tiếp quản.


    Cao Biền và Ả Lã. Kim-lan-2

    Đình Kim Lan (Gia Lâm, Hà Nội).

    Cuối cùng, một điểm đáng lưu ý trong các sắc phong cho Cao Biền ở Kim Lan thì vị này được gọi là Cao Minh. Minh và Hiển cùng một nghĩa là sáng, rõ. Có thể vì thế mà Cao Biền còn được gọi là Cao, người Bắc quốc trong các di tích thờ Cao Sơn đại vương, vị thần trấn Nam của Thăng Long và Hoa Lư.
    Những ghi chép, truyền khẩu của người Việt về các nhân vật lịch sử được thờ phụng qua hàng ngàn năm chắc chắn có những lầm lẫn. Ả Lã Trưng Vương, vị vua bà Nam Triệu vương, tổ của nước Nam Chiếu thời Hán – Tấn lại được ghép thành vợ của Cao Vương Biền, người đã đánh dẹp Nam Chiếu trên đất Tĩnh Hải. Gạt đi lớp bụi mờ của thời gian, thì những thần tích, những câu chuyện đó vẫn mang cốt lõi lịch sử chân thực.


    Tài liệu tham khảo:
    Trần Văn Mỹ. Làng Đại Lan những nét văn hóa xưa. NXB Văn hóa thông tin, 2010.
    Trần Văn Mỹ. Làng Kim Lan xưa và nay. NXB Văn hóa thông tin, 2010.
    Tuyển tập thần tích. Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội. NXB Hà Nội, 2010.

      Hôm nay: 29/3/2024, 9:18 am