Dòng HÙNG VIỆT

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Trang chuyên khảo về lịch sử và văn minh Hùng Việt

Trang chủ


Latest topics

» Đầu non
by Admin Yesterday at 9:39 am

» Trời xanh -mây trắng -núi hồng (hình chụp ở Mĩ)
by Admin 22/3/2024, 2:26 pm

» Nước họ Hùng Bắc thuộc lần thứ I và thứ II.
by Admin 20/3/2024, 1:36 pm

» Lẩn thẩn ...Tiền Hậu , Đông Tây ...không thể nối .
by Admin 13/3/2024, 11:09 am

» Sử thuyết Hùng Việt ...Nhiều điều khác .
by Admin 1/3/2024, 4:52 pm

» Suy nghĩ về cặp đôi Nam – Nữ
by Admin 24/2/2024, 4:58 pm

» 2 chuyện cần bàn thêm
by Admin 23/2/2024, 2:39 pm

» Sử Việt 2 chuyện cần bàn .
by Admin 22/2/2024, 11:49 am

» Cẩn thận Chữ với nghĩa
by Admin 13/2/2024, 2:59 pm

» tết...ta
by Admin 9/2/2024, 4:39 pm

Gallery


Vấn đề con người thời Hùng Vương Empty

March 2024

MonTueWedThuFriSatSun
    123
45678910
11121314151617
18192021222324
25262728293031

Calendar Calendar

Khách thăm



Vấn đề con người thời Hùng Vương Flags_1



    Vấn đề con người thời Hùng Vương

    Admin
    Admin
    Admin


    Tổng số bài gửi : 1185
    Join date : 31/01/2008

    Vấn đề con người thời Hùng Vương Empty Vấn đề con người thời Hùng Vương

    Bài gửi by Admin 18/8/2012, 3:16 pm

    Vấn đề con người thời Hùng Vương

    Nguyễn Mạnh Lợi - Nguồn: Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội Hà Nội, 1974

    Nghiên cứu con người thời Hùng Vương liên quan tới niên đại Hùng Vương. Song đến nay dù khung niên đại thời kỳ này có còn phải tranh luận thêm thì điều chắc chắn có thể nói được là một giai đoạn chủ yếu của nó đã tương ứng với thời đại đồ đồng. Căn cứ vào những tài liệu cổ nhân học được phát hiện, chúng tôi đã có dịp trình bày một số ý kiến liên quan đến vấn đề này trong những báo cáo lần trước (1). Tựu trung những ý chính nêu lên là như sau:
    (1) Nguyễn Đình Khoa: Nhân học với vần đề thời đại Hùng Vương, trong Hùng Vương dựng nước, tập I. Nhà xuất bản khoa học xã hội, 1970, (tr. 156 – 161).
    Nguyễn Đình Khoa: Vấn đề nguồn gốc người Việt – Khảo cổ học số 3 – 4, tháng 12 -1969.
    Nguyễn Đình Khoa và Nguyễn Lân Cường: Những người cổ ở Việt Nam – Khảo cổ học số 11 – 12, tháng 12 – 1971.


    1. Vấn đề con người thời Hùng Vương và vấn đề nguồn gốc người Việt là hai vấn đề gắn vào nhau. Vấn đề thứ nhất bao trùm vấn đề thứ hai vì cư dân thời Hùng Vương không chỉ là tổ tiên riêng của người Việt mà còn là tổ tiên của nhiều tộc anh em miền núi khác nữa. Cho nên giải quyết vấn đề thứ nhất (cư dân Hùng Vương) là đã giải đáp được phần cơ bản của vấn đề thứ hai (nguồn gốc người Việt), và ngược lại giải quyết vấn đề thứ hai (nguồn gốc người Việt) là góp phần quan trọng để giải đáp vấn đề thứ nhất (cư dân Hùng Vương).

    2. Tài liệu cổ nhân học cho hay rằng suốt thời đá mới đã cộng cư trên lãnh thổ Việt Nam nhiều loại hình nhân chủng, trong đó chủ yếu là loại hình Ô-xtơ-ra-lô Mê-la-nê-diêng và Anh-đô-nê-diêng. Nhưng sau đó loại hình Ô-xtơ-ra-lô Mê-la-nê-diêng đã mất dần đi trên bán đảo Đông Dương, cho nên đối với vấn đề đang đặt ra – con người thời Hùng Vương và nguồn gốc người Việt – thì loại hình Anh-đô-nê-diêng có vai trò quan trọng đặc biệt.

    3. Trong những người Mông-gô-lô-ít phương Nam, ngoài loại hình Anh-đô-nê-diêng còn có loại hình Nam Á. Loại hình này là thành phần chủ yếu của nhiều cư dân ở Đông Dương và Đông Nam châu Á hiện nay, bao gồm cả dân tộc Việt. Căn cứ vào tài liệu cổ nhân loại thì có khả năng cho rằng loại hình này đã xuất hiện trên đất Việt Nam (chủ yếu là miền Bắc Việt Nam) ít nhất từ thời đại đồng thau rồi tiếp tục phát triển từ đó đến nay và phân hóa thành nhiều loại hình địa phương.

    4. Từ những kết luận trên mà thấy rằng địa bàn mà người Việt sống tập trung nhất hiện nay ở miền Bắc Việt Nam cũng là nơi mà tổ tiên ta đã từng sống, lao động và chiến đấu cách đây 3000 – 4000 năm lịch sử.


    Vậy thì để giải quyết vấn đề đặt ra – con người thời Hùng Vương và nguồn gốc người Việt – còn vấn đề gì tồn tại? Trước hết phải nói rằng nguồn tài liệu nhân học (bao gồm cả cổ nhân học) dựa vào đó để rút ra những kết luận trên đây còn ít, do đó cần được tiếp tục bổ sung cho đầy đủ hơn.Ngoài ra còn những tồn tại khác, cũng rất cơ bản. Ví như: loại hình Nam Á, một thành phần quan trọng trong cư dân thời Hùng Vương, một nhân tố chủ yếu giải đáp vấn đề nguồn gốc người Việt, nếu xuất hiện vào thời đại đồ đồng, đúng như kết luận nêu ở trên, thì quá trình hình thành loại hình này ra sao? Chúng vốn có nguồn gốc bản địa từ những thời kỳ sớm hơn nữa trên dải đất này hay đã từ một vùng nào chuyển tới: Đối với loại hình Anh-đô-nê-diêng chúng quan hệ như thế nào?

    Tài liệu nghiên cứu về các nhóm người Xá, đem đối chiếu với tài liệu người Khả ở Lào và tài liệu về các tộc người vùng núi tỉnh Quảng Bình đã đưa lại những tia sáng góp phần giải đáp các vấn đề này.

    Thật vậy, sơ đồ chúng tôi phác họa ở phần trên của bài viết (phần , có thể khái quát như sau: “loại hình Nam Á là kết quả một quá trình chuyển biến từ các loại hình Anh-đô-nê-diêng”. Sự khái quát này cũng có thể biểu diễn bằng một sơ đồ:


    Vấn đề con người thời Hùng Vương Image015

    Trong sơ đồ nàỳ, khâu trung gian chính là những loại hình Anh-đô-nê-diêng (kém điển hình) hoặc những loại hình Nam Á (kém điển hình) với tất cả các dạng thể hiện chúng. Những tộc người vùng núi tỉnh Quảng Bình, các tộc Khả ở Lào hay Xá Tây Bắc đều có thể coi là hình ảnh cụ thể của các dạng này. Vậy là nhóm loại hình Nam Á ở nhiều vùng tại khu vực Bắc Đông Dương trong đó có Việt Nam đã được hình thành trên cơ sở những loại hình Anh-đô-nê-diêng bản địa. Quá trình này đã diễn ra từ thời đại đá mới và dần dần rõ nét vào thời đại đồ đồng, khi mà những nét tiêu biểu cho người Nam Á ở khu vực này đã được hình thành về cơ bản.Tài liệu cổ nhân học phát hiện ở miền Bắc Việt Nam là một bằng chứng cho những điều vừa trình bày (tài liệu đã dẫn: Những người cổ ở Việt Nam). Một khu vực thứ hai mà tại đó quá trình diễn biến của nhóm loại hình Nam Á cũng xảy ra mãnh liệt như ở Bắc Đông Dương và cả miền Nam Trung Quốc, vùng tiếp cận với những chủng tộc Mông-gô-lô-ít ở phương Bắc. Nhà học giả Liên Xô là Trê-bốc-xa-rốp khi đề cập tới địa vực của người Nam Á đã cho rằng “trung tâm hình thành của nhóm loại hình này là miền Nam Trung Quốc, rồi từ đó mới phân bố ra các vùng khác ở vùng Đông Nam Á” (1947, tr.61; 1951, tr.343) (1). Nhưng theo chúng tôi thì trung tâm đó không chỏ bó hẹp ở Nam Trung Quốc mà rộng hơn, bao gồm cả Bắc Đông Dương, trong đó Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam. Mặc khác không phải các loại hình Nam Á ở những vùng khác của khu vực Đông Nam Á đều là do kết quả một sự phát tán đơn thuần từ các trung tâm này, mà thực tế cho hay rằng quá trình diễn biến từ những loại hình Anh-đô-nê-diêng trở thành Nam Á là một hiện tượng đã và đang xảy ra phổ biến ở khắp khu vực. Đó chính là nội dung cụ thể của hiện tượng Mông-gô-lô-ít hóa ngày một đậm nét các cư dân ở Đông Nam châu Á. Nguyên nhân và động lựa của quá trình này là một vấn đề phức tạp mà trong phạm vi một bài viết chúng tôi chưa có đủ điều kiện trình bày. Vậy là sau khi hình thành, từ một trung tâm tương đối rộng lớn, loại hình Nam Á cổ - tổ tiên của những người Nam Á hiện nay đã tác động rộng rãi đến các vùng địa vực xung quanh, không những tới phương nam, tới các vùng cực Nam của Đông Nam châu Á, mà còn sang đông tới các hòn đảo như Phi-luật-tân, Hải-nam, Đài-loan hoặc xa hơn nữa và lên bắc đến tận Triều Tiên, Nhật Bản v.v… Tài liệu nghiên cứu của nhiều nhà nhân học Liên Xô đã từng xác minh sự có mặt của thành phần Nam Á tại các vùng này. Ví như khi viết về thành phần nhân chủng người Triều Tiên và Nhật Bản, Ra-ghin-xki đã khẳng định có yếu tố Nam Á trong họ bên cạnh những thành phần nhân chủng khác (2).

    (1) Trê-bốc-xa-rốp N.N. Về vấn đề nguồn gốc người Trung Quốc – Dân tộc học Xô-viết, (tiếng Nga), số 1-1947, tr.30-70; Lê-nin M.G và Trê-bốc-xa-rốp: Sự phân bố cư dân ở vùng Đông Á và Đông Nam Á thời cổ đại, trong “Nguồn gốc loài người và sự phân bố cư dân thời cổ đại” – Tập Công trình của Viện Dân tộc học Liên-xô, (tiếng Nga), t.XVI, 1951, tr.325-354.
    (2) Ra-ghin-xki Ia-ra và Lê-nin M.G: Cơ sở Nhân học, Phần Nhân chủng học (bản tiếng Nga), Ma-xcơ-va, 1955, tr.377-378.


    Những điều vừa trình bày về quá trình hình thành loại hình Nam – Á đã làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề quan trọng trong việc tìm hiểu cư dân thời Hùng Vương.

    Trước hết những người Nam Á cổ xuất hiện vào thời đại đồ đồng ở miền Bắc Việt Nam đã hình thành trên cơ sở những loại hình Anh-đô-nê-diêng bản địa. Trong quá trình này đã xảy ra sự kết hợp tất yếu giữa họ với những người Mông-gô-lô-ít điển hình hơn, có thể ngay với một loại hình Nam Á đã hình thành từ trước đó. Vì vậy điều nói được tương đối chắc chắn là: những người Nam Á trong bộ phân cư dân thời đại Hùng Vương, tổ tiên trực tiếp của những người Nam Á hiện nay ở vùng này trong đó có người Việt, người Mường, có thể cả người Xá, người Táy v.v… đã hình thành ngay trên lãnh thổ Việt Nam chứ không phải từ một vùng nào khác chuyển tới. Tính chất bản địa của họ xác định muộn nhất là từ thời đại đồng, nghĩa là còn có thể sớm hơn khởi đầu, từ một giai đoạn nào đó trong thời đại đá mới. Thời điểm này phụ thuộc vào tác động của các động lực gây nên sự chuyển biến loại hình từ người Anh-đô-nê-diêng bản địa.

    Trong thành phần cư dân của các Vua Hùng, bên cạnh những người Nam Á, còn có người Anh-đô-nê-diêng. Theo cách phác họa trên thì họ có quan hệ thân tộc không xa lắm với nhau, vì đều bắt nguồn từ những loại hình Anh-đô-nê-diêng nguyên thủy hơn. Tuy nhiên quá trình hình thành các loại hình Nam Á không phải đã diễn ra cùng một lúc trên khắp một vùng địa vực rộng lớn, mà tùy nơi, tùy lúc khác nhau, với những tốc độ chuyển biến cũng không đồng đều. Vì vậy sự tương đồng hay khác biệt giữa những người Nam Á với nhau, giữa những người Anh-đô-nê-diêng với nhau cũng như sự phân hóa giữa hai nhóm loại hình Anh-đô-nê-diêng và Nam Á vừa mang tính chất thời gian (giai đoạn), vừa mang tính chất không gian (địa vực). Cho nên những loại hình Nam Á hay Anh-đô-nê-diêng ở Việt Nam có thể khác nhiều với những loại hình Nam Á hay Anh-đô-nê-diêng ở In-đô-nê-xi-a và gần hơn với những loại hình tương ứng ở Nam Trung Quốc, ở Lào. Riêng đối với các tộc Anh-đô-nê-diêng, do điều kiện sống cách biệt kéo dài, sự tiếp xúc và hỗn hợp với các tộc khác nhau không đồng đều nên tính chất về sự khác biệt giữa họ càng phứa tạp hơn giữa các vùng địa vực. Tại trung tâm địa vực hình thành người Nam Á – tức Nam Trung Quốc và Bắc Đông Dương, do quá trình Mông-gô-lô-ít hóa đã xảy ra mãnh liệt hơn các vùng khác, nên phần lớn những loại hình Anh-đô-nê-diêng thời cổ đã chuyển biến dần trở thành Nam Á. Những người Anh-đô-nê-diêng trong thành phần cư dân các vua Hùng cũng không ngoài định lệ này; quá trình hỗn hợp giữa họ với nhau và với người Nam Á trước đây dẫn tới một kết quả là ngày nay về phương diện chủng tộc họ đã tham gia như một bộ phận cấu thành của các tộc người Việt, người Mường, người Tày Thái, người Xá, v.v… Vì vậy hiện nay ở miến Bắc nước ta tuy không còn nhiều tộc người Anh-đô-nê-diêng như ở các vùng phía nam, song dòng máu của họ đã sẵn có trong những người Nam Á ở vùng này.

    Nhiều nhà nghiên cứu, khi bàn về Đông Nam Á đã thấy đó là một khu vực có những đặc thù về nhiều mặt: địa lý, kinh tế, văn hóa, xã hội v.v… Qua đây thấy thêm: Đông Nam Á là một khu vực có tính cách thống nhất về mặt nhân chủng nữa. Giáp ranh Đông Nam Á thì Bắc Đông Dương và Nam Trung Quốc lại làm thành một khối, có nhiều nét điển hình, ít nhất về phương diện thành phần chủng tộc và lịch sử hình thành chủng tộc. Chính trên nhận thức ấy và trong khung cảnh ấy chúng ta đi sâu tìm hiểu thêm một bước về nguồn gốc người Việt trong gia đình các dân tộc Việt Nam.

    IV. Vấn đề nguồn gốc người Việt


    Như đã trình bày ở phần trên hai vấn đề “con người thời Hùng Vương” và vấn đề “nguồn gốc người Việt” liên quan với nhau và giải quyết vấn đề thứ nhất là góp phần giải quyết vấn đề thứ hai về cơ bản. Vì lẽ trong cư dân các Vua Hùng có tổ tiên sinh ra người Việt, một loại hình Nam Á cổ cũng đã được hình thành từ những người Anh-đô-nê-diêng bản địa. Điều cần thiết ở đây là có thêm những dẫn chứng làm sáng tỏ các vấn đề này với trường hợp cụ thể của người Việt đồng thời tiếp tục theo dõi sự chuyển biến của những dạng “Tiền Việt” này trong sự tác động với các tộc láng giềng để trở thành người Việt hiện nay.

    Theo những tài liệu lịch sử của Trung Quốc thì khắp miền nam Trung Quốc từ bờ nam sông Dương Tử cho tới đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam vào khoảng thiên niên kỷ thứ 4 – 3 trước Công nguyên, có những tộc người không phải Hán thường được gọi bằng những tên là Man, là Di, là Việt gồm chung vào “Bách Việt”. Về sau thì xuất hiện nhiều tộc Việt khác nhau như Điền Việt, Dương Việt, Đồng Việt, Mân Việt, Nam Việt, Lạc Việt v.v… Giáp giới với Bắc Bộ Việt Nam là Điền Việt ở Vân Nam, Nam Việt ở Quảng Đông, Lạc Việt ở Quảng Tây và Bắc Bộ Việt Nam. Dựa vào đó nhiều nhà nghiên cứu đã từng cho rằng người Lạc Việt chính là tổ tiên dân tộc Việt. Nếu điều đó đúng thì Lạc Việt phải là một bộ phận quan trọng của cư dân thời Hùng Vương và ngoài ra, bên cạnh Lạc Việt có thể còn các tộc khác nữa, như Tây Âu mà có tác giả coi là tổ tiên của người Cháng, người Tày, người Nùng, v.v… Hoặc giả Lạc Việt là bộ phận chủ yếu của cư dân thời Hùng Vương và như vậy thì Lạc Việt không chỉ là tổ tiên người Việt mà còn là tổ tiên của các tộc người khác nữa ở miền Bắc Việt Nam và có thể cả ở Nam Trung Quốc hiện nay. Dù sao thì đối với nguồn gốc người Việt, người Lạc Việt đã có một vị trí quan trọng đặc biệt.

    Vậy Lạc Việt là người như thế nào? Theo nội dung đã trình bày ở phần trên thì đó chính là những người Nam Á cổ, hoặc những người Anh-đô-nê-diêng đang trong quá trình chuyển biến trở thành Nam Á. Họ đã có mặt ở lãnh thổ Việt Nam ít nhất từ thời đại đồ đồng chứ không phải từ một khu vực nào ở Việt Nam và có thể cả ở Nam phần Trung Quốc mới chuyển tới từ khoảng thế kỷ 3 trước Công nguyên như một số tác giả chủ trương trước đây. Đối với các tộc Man hay Việt khác ở Nam phần Trung Quốc họ có mối quan hệ nhất định về nguồn gốc. Nói chung các tộc trong khối Bách Việt phần lớn đều là những loại hình Anh-đô-nê-diêng cổ dưới tác động của quá trình chuyển biến thành Nam Á.

    Suốt thời đá mới cho tới đồ đồng và sau này tại khu vực Nam Trung Quốc và Bắc Đông Dương khối cư dân không phải luôn luôn ở yên, mà từng lúc, từng nơi có những sự di động nhất định. Ví như các tộc ngôn ngữ Tày Thái đã từng có những lần thiên cư lớn từ Bắc xuống Nam từ những kỷ nguyên trước Công nguyên và kéo dài mãi về sau này (1). Ngoài ra còn có những cuộc thiên di của tổ tiên người Hán xuống miền Nam Trung Quốc và tới đầu nguồn các con sông lớn chảy vào Đông Dương. Kết quả của các cuộc thiên di lớn là gây nên những biến động trong khối cư dân bản địa và ảnh hưởng tới thành phần nhân chủng của họ. Sự hỗn hợp này làm cho thể lực phát triển, những bệnh tật do giao phối cận huyết sinh ra trong điều kiện sống cách ly hay biệt lệp (isolat) của các bộ lạc hay các cộng đồng nhỏ giảm bớt, mật độ dân cư tăng lên. Đó là những hiện tượng sinh học có ảnh hưởng nhất định tới sự phát triển của xã hội, tới lịch sử các dân tộc.

    (1) Lã Văn Lô và Đặng Nghiêm Vạn: Sơ lược giới thiệu các nhóm dân tộc Tây – Nùng – Thái ở Việt Nam, Hà Nội, 1968, tr.15.

    Trong lịch sử của dân tộc Việt, kể từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên trở về sau còn có ngót 1000 năm Bắc thuộc. Đối với một số người nghiên cứu thì thời gian này đã có ý nghĩa quyết định đối với việc hình thành ra loại hình nhân chủng người Việt. Vì vậy mà một mặt cho người Việt và người Mường là cùng một nguồn gốc tổ tiên, mặt khác lại cho rằng Mường và Việt đã phân hóa về mặt thể chất do kết quả của dòng máu Bắc phương. Song tài liệu nghiên cứu người Việt, người Mường về mặt nhân chủng họa đã phủ nhận điều này. Theo chúng tôi thì “người Mường là một bộ phận Việt đã tách ra trong một hoàn cảnh lịch sử nhất định nào đó và đã cấu thành bộ tộc riêng, song từ đó đến nay cả Mường lẫn Việt về cơ bản vẫn giữ được cơ cấu thể chất gốc của tổ tiên trực tiếp đã sinh ra mình trước khi phân chia” (2). Thực vậy, trong thành phần nhân chủng người Việt thì yếu tố cấu tạo chủ yếu hoàn toàn không phải là yếu tố phương Bắc mà là phương Nam (da ngăm đen); mắt rộng, ngắn; nếp mí góc giảm, mũi tương đối rộng; môi tương đối dày v.v…). Bảng dưới đây do phép so sánh, người Việt với các nhóm Anh-đô-nê-diêng và Nam Á khác:

    Bảng 6 Reduced: 92% of original size [ 623 x 464 ] - Click to view full image
    Vấn đề con người thời Hùng Vương Image016



    Chú thích: Các kích thước về cao mặt, hình thái bề cao mũi và chỉ số tương ứng đều được tác giả tính từ nasion, (giao điểm giữa đường khớp mũi – trán, chứ không phải từ sellion (gốc mũi) như đối với các nhóm khác.

    Theo bảng 6, ta thấy trong những người Anh-đô-nê-diêng và Nam Á, nhóm Việt có vị trí khá đặc biệt. Trên một số đặc điểm, họ có vị trí trung gian giữa các nhóm so sánh, đồng thời trên nhiều đặc điểm khác như kích thước phần hộp sọ, phần mặt, bề cao mũi, bề dày môi thì có trị số thiên về phía cực đại. Hiện tượng này nói lên tính chất về mối quan hệ của nhóm Việt với các nhóm láng giềng, đồng thời cho thấy những nét đặc thù của nhóm Việt là người có kích thước đầu và mặt vào loại cỡ lớn nhất nhì ở khu vực Đông nam châu Á. Tài liệu về nhóm Việt (Nàm Đàn) bổ sung cho nhóm Thanh Trì càng khẳng định nhận xét này. Bảng 7 và sơ đồ kèm theo minh họa cụ thể thêm những điều đã trình bày:

    Bảng 7: Hiệu số khác biệt giữa các đặc điểm mê-tric của nhóm Việt Thanh Trì với các nhóm khác. Reduced: 94% of original size [ 608 x 438 ] - Click to view full image

    Vấn đề con người thời Hùng Vương Image017

    Sơ đồ sự khác biệt các đặc điểm theo số lần Xích-ma б (1) (So sánh các nhóm với nhóm Việt – Thanh Trì làm gốc)

    Vấn đề con người thời Hùng Vương Image018

    Trong sơ đồ này không ghi đường biểu diễn của các nhóm khuyết nhiều số liệu (Mè, Nam Trung Quốc của Ôliviê) hoặc các nhóm mà đa số đặc điểm có vị trí trung gian và gần nhóm Việt (La-ha, Thái). Trục hoành độ đánh số 1, 2, 3,… 15 theo thứ tự các đặc điểm ghi ở bảng 7.

    (1) Trị số xích ma б tính cho các đặc điểm của nhóm Việt – Thanh Trì theo tài liệu đã công bố trong Nghiên cứu lịch sử số 113, tháng 8-1968.

    Cuối bảng 7 là trị số chuẩn X2 với xác xuất tương ứng P (X2) biểu thị mức độ tương đầu giữa các nhóm so sánh. Những kết quả về mặt số liệu này có ý nghĩa quan trọng vì phù hợp với những nhận định cơ bản đã trình bày về nhóm Việt trong mối quan hệ chung với các tộc người cư trú tại các vùng kế cận thuộc khu vực Nam phần Trung Quốc và Bắc Đông Dương, đồng thời gợi thêm những suy nghĩ về quá trình hình thành của họ. Nổi lên hàng đầu là mấy vấn đề sau:

    1. Trong phạm vi Đông nam châu Á thì Bắc Đông Dương và Nam Trung Quốc là một khu vực thống nhất về quá trình hình thành chủng tộc và các loại hình nhân chủng suốt một giai đoạn lịch sử dài từ thời đại đá mới trở về sau này.

    2. Nhóm loại hình Nam Á hình thành rõ nét từ thời đại đồ đồng tiếp tục phát triển và phân hóa thành nhiều loại hình địa phương trong đó người Việt hay loại hình Việt có những sắc thái riêng làm cho bên cạnh các tộc láng giềng, họ vừa có những nét tương đồng, lại vừa có cốt cách đặc thù.

    3. Những người thuộc loại hình Nam Á ở miền Bắc Việt Nam như Việt, Mường, Thái, Xá (Kháng, La-ha) v.v… Có nhiều nét tương đồng chứng tỏ rằng bên cạnh mối quan hệ nguồn gốc về mặt phân loại (cùng thuộc nhóm loại hình Nam Á), còn có mối quan hệ hỗn hợp cư dân tác động suốt trong quá trình hình thành nhưng cộng đồng người gắn bó trên cùng một địa vực cư trú, có chung một quá trình lịch sử. Vì vậy mà người Xá ở Việt Nam đã phân hóa so với các tộc Khả ở Lào, người Thái ở Tây Bắc không giống như các tộc Thái nói chung ở các vùng cư trú khác.

    Người Việt tức loại hình Việt và dân tộc Việt đã được hình thành trong khung cảnh chung trình bày theo nội dung của những nhận xét trên. Tổ tiên xa của họ là những người Anh-đô-nê-diêng bản địa, Tổ tiên gần và trực tiếp là một loại hình Nam Á cổ có mặt trên địa bàn Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam, ít nhất từ thời đại đồ đồng. Suốt trong quá trình hình thành họ luôn luôn tác động và chịu sự tác động của các bộ lạc và bộ tộc láng giềng. Sự kiện này có ý nghĩa sinh học quang trọng giúp họ phát triển nhanh về số lượng dân cư. Tuy nhiên, những nét đặc trưng của họ hiện nay về mặt hình thái chứng tỏ tổ tiên họ - một loại hình Nam Á cổ, có thể có những sắc thái riêng, điều mà tài liệu cổ nhân học sau này sẽ giúp chúng ta giải đáp.

    Kết luận chung

    Nội dung trình bày trong bài viết này là kết quả của sự kết hợp so sánh giữa hai nguồn tài liệu –tài liệu cổ nhân học và tài liệu nhân chủng học các cư dân hiện tại. Một số điểm bổ sung về những điều đã trình bày trong các bản báo cáo trước đây về cư dân thời Hùng Vương và nguồn gốc người Việt là xuất phát bởi giả thiết và quá trình hình thành nhóm loại hình Nam Á từ những người Anh-đô-nê-diêng bản địa ở khu vực Đông nam châu Á. Người Việt bắt nguồn từ quá trình này – một quá trình diễn ra trong sự tác động hỗn hợp của các cộng đồng hàng mấy ngàn năm tại địa bàn miền Bắc Việt Nam mà khu vực trong tâm là đồng bằng Bắc Bộ và bắc Trung Bộ. Phải chăng chính những mối quan hệ lịch sử này đã phản ảnh một cách khá rõ nét về nhiều phương diện trên các tộc người đã từng cư trú lâu đời trên một phần lãnh thổ này của Tổ quốc ta. Tài liệu dân tộc học, ngôn ngữ học cũng đã đưa ra nhiều bằng chứng về mối quan hệ nói trên giữa các tộc người Việt, người Mường, người Tày – Thái. Trong ngôn ngữ Việt – Mường vừa có yếu tố Thái vừa có yếu tố Môn-khơ-me, khiến phải tách riêng thành một nhóm ngôn ngữ Việt – Mường mà vị trí của nó còn tiếp tục là vấn đề tranh luận. Gần đây theo sự phát hiện của bộ phận nghiên cứu các tộc người ngôn ngữ Nam Á ở Tây Bắc của Viện Dân tộc học thuộc Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam thì trong ngôn ngữ người Kháng, người La-ha cũng thấy có yếu tố ngôn ngữ Việt – Mường. Cuối cùng những mối quan hệ phức tạp này đã phát hiện cả trên con người về mặt cấu tạo cơ thể. Địa vực rõ ràng là một nhân tố quan trọng có ý nghĩa quyết định trong việc kế hợp các quá trình diễn biến lịch sử của nhiều hiện tượng xã hội phức tạp, trong đó có quá trình hình thành bản thân con người. Trong khối cư dân thời Hùng Vương, “người Việt cổ” nay “người Việt thời vua Hùng” đã là một bộ phận hợp thành ngày càng có tác dụng quan trọng bên cạnh các tộc anh em trong việc thúc đẩy xã hội tiến lên. Những truyền thống tốt đẹp nhất của cả dân tộc Việt Nam, mà ngày nay chúng ta có quyền tự hào phải chăng đã bắt nguồn ngay từ buổi đầu dựng nước. Đoàn kết, thống nhất vốn là sức mạnh vô địch của dân tộc ta phải chăng đã có ngay trong dòng máu của mỗi người từ thời “người Việt vua Hùng” mà qua mỗi sóng gió của lịch sử lại được nhân lên gấp bội. Đó là những vần đề to lớn không thuộc phạm vi nghiên cứu của Nhân chủng học, nhưng đi sâu vào đề tài Nguồn gốc dân tộc chúng tôi đã thấy hiện lên những khía cạnh thật rõ nét. Mong rằng đ1o sẽ là một số bằng chứng có cơ sở khoa học góp vào để các ngành khác đi sâu tìm hiểu vấn đề.

    Nguồn: Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội Hà Nội, 1974

      Hôm nay: 29/3/2024, 7:41 am